Thương hiệu tranh thủ tận dụng nỗi lo TikTok bị cấm tại Mỹ để tạo “content”
Trước thông tin TikTok nhiều khả năng sẽ chính thức bị cấm tại Mỹ từ ngày 19/1, bên cạnh những vấn đề mang tính chiến lược được mang ra thảo luận như chuyện phân bổ lại ngân sách quảng cáo, một số thương hiệu lại chọn phong cách “thư giãn” hơn để đối diện. Nhiều thương hiệu đã nhanh chóng bắt lấy tâm điểm chú ý của dư luận và công khai đề cập đến khả năng TikTok bị đóng cửa qua hàng loạt bài đăng hài hước trên mạng xã hội.
Những ngày gần đây, các thương hiệu như Duolingo, Dr. Squatch, Lyft, Carnival Cruise Line và cả tòa nhà Empire State đã sử dụng phong cách hài hước và châm biếm – vốn là dấu ấn của TikTok để đăng bài. Từ việc đùa rằng họ sẽ chuyển đến Trung Quốc để tiếp tục sử dụng TikTok cho đến chuyện chuyên tâm học tiếng Trung.
Một số thương hiệu cũng nhắc đến sự phổ biến đang ngày càng gia tăng của Xiaohongshu (RedNote), một nền tảng mạng xã hội khác của Trung Quốc đang thu hút hàng loạt người dùng được gọi vui là “người tị nạn TikTok”. Thương hiệu xà phòng Dr. Squatch đã mở tài khoản trên RedNote, thậm chí còn đăng một video TikTok về chuyện “linh vật” của mình đang “chạy đến RedNote phòng khi cần”.
Duolingo: Người dẫn đầu cho cuộc “di cư”
Khi hàng ngàn người dùng TikTok đổ xô sang RedNote, Duolingo nhanh chóng chiếm lợi thế nhờ là một trong những người tiên phong trên nền tảng. Là một phần trong chiến lược mở rộng toàn cầu, ứng dụng học ngôn ngữ này đã ra mắt tài khoản RedNote từ tháng 5/2024 và đã thu hút hơn 400.000 người theo dõi trước cả khi làn sóng người dùng Mỹ bắt đầu “di cư” nổi lên.
Duolingo còn tận dụng loạt meme về việc người dùng mới trên RedNote phải học tiếng Hoa để hiểu nội dung. Trên X (trước đây là Twitter), Duolingo đăng tải bài viết hài hước: “Ồ, giờ thì các bạn mới bắt đầu học tiếng Hoa à?”. Bài đăng này đến hiện tại đã mang về cho “nhà cú xanh” hơn 190.000 lượt thích và gần 16 triệu lượt xem. Theo một bài đăng khác, số lượng người học tiếng Hoa trên Duolingo tại Mỹ đã tăng vọt 216% trong giai đoạn từ ngày 1/12 đến 13/1.
Trên TikTok, Duolingo cũng chia sẻ hai video mô phỏng cảnh ở sân bay – ẩn ý về những trò đùa liên quan đến việc chuyển đến Trung Quốc. Phần bình luận của các video này nhanh chóng trở thành nơi các thương hiệu khác tham gia “chia sẻ nỗi đau” hoặc đùa cợt về nguy cơ TikTok bị cấm. Thương hiệu snack khoai tây Pringles bình luận “Cười trong nước mắt” còn Cheez-It thu hút hơn 41.000 lượt thích khi cầu xin “Cho tôi đi cùng với!”.
Nhiều thương hiệu đua nhau tham gia trào lưu
Microsoft cũng không nằm ngoài cuộc chơi. Đáp lại meme đề xuất “hy sinh” nền tảng khác thay cho TikTok – chẳng hạn như Microsoft Teams – gã khổng lồ công nghệ chỉ trả lời ngắn gọn: “Không ❤️.” Thương hiệu kem Drumstick thì chọn tận dụng bản nhạc phổ biến của Trung Quốc “This Life’s Fate (今生缘)” trong video tua nhanh cảnh đổi bao bì sản phẩm từ tiếng Anh sang tiếng Trung.
Trong khi đó, thương hiệu chuyên cung cấp dịch vụ gọi xe ở Mỹ – Lyft đã chia sẻ hàng loạt video đùa rằng sự vắng bóng của TikTok sẽ khiến thời gian khách hàng chờ đợi các tài xế của Lyft đến hoặc hành trình di chuyển trở nên nhàm chán hơn rất nhiều. Hãng này thậm chí còn đùa rằng những chiếc màn hình tương tác thường gắn ở đầu ghế trong các chiếc xe (mà vốn chẳng ai quan tâm lắm) có thể thay thế TikTok kèm dòng chú thích: “Ít ra thì chúng ta vẫn còn những thứ này để giải trí đúng không!!!???”.
Không chỉ có con người, thế giới “động vật” cũng tham gia vào cuộc thảo luận về lệnh cấm TikTok. Aquarium Mystic của Connecticut đã đăng video một video lên TikTok, trong đó một chú sư tử biển của họ “nói lên sự thật” trước nguy cơ bị cấm bằng một loạt “ngôn ngữ” riêng – những tiếng càu nhàu.
Tòa nhà Empire State lại tận dụng lệnh cấm TikTok như một cơ hội để mở rộng chuỗi bài đăng trên mạng xã hội về “mối quan hệ” của mình với các tòa nhà nổi tiếng khác trên thế giới (chẳng hạn như Big Ben). Trong một video trên TikTok, Empire State đã tiết lộ kế hoạch của mình là “khiến Tháp Thượng Hải phải lòng [mình] trước ngày 19 tháng 1”.
Sự bùng nổ trên Threads và những lời than thở hài hước
Nhiều thương hiệu cũng đã “tề tựu” trên Threads để thảo luận về lệnh cấm TikTok sắp tới. Thương hiệu nước ngọt prebiotic Poppi đã khởi đầu cuộc trò chuyện về RedNote bằng một bài đăng hỏi những người giữ vị trí quản lý mạng xã hội ở các thương hiệu khác rằng họ đã lập tài khoản trên nền tảng này chưa. Các phản hồi rất đa dạng, từ câu trả lời của thương hiệu bán lẻ Sephora: “Chúng tôi vẫn đang cầu nguyện ứng dụng ‘đồng hồ’ không ngừng tích tắc nè”, đến lời chia sẻ hài hước của Cinnabon: “Chắc tôi nên ra ngoài và sống thực tế hơn”.
Beyond Meat cũng đăng tải bài viết trên Threads về sự trỗi dậy của RedNote, với nội dung: “Tôi vẫn luôn nói: làm ơn đừng bắt chúng tôi học thêm một nền tảng mạng xã hội mới nữa. Chúng tôi thực sự rất mệt mỏi rồi”.
Tính đến hôm qua, người dùng Threads đã chia sẻ hơn 149.000 bài viết về lệnh cấm TikTok, cho thấy mức độ quan tâm không nhỏ từ cộng đồng.
Theo Phố Hương / Brands Vietnam
* Nguồn: Ad Age