4 dự đoán về ứng dụng AI trong Marketing năm 2025
Năm 2024, cách trí tuệ nhân tạo (AI) hiện diện trong lĩnh vực quảng cáo với những ứng dụng đột phá đã khiến giới marketing bất ngờ. Dưới đây là những dự đoán về xu hướng ứng dụng AI trong marketing năm 2025. Những xu hướng này cũng đồng thời phản ánh cách giới chuyên môn đang nhìn nhận về công nghệ AI, khi lĩnh vực này bước sang năm thứ ba của chặng đường không ngừng đổi mới.
* Bài viết được lược dịch từ nội dung gốc “5 AI marketing predictions for 2025” đăng trên Ad Age, và lồng ghép một số quan điểm của các chuyên gia trong ngành.
AI Agents sẽ ngày càng phổ biến
Trong nửa cuối năm ngoái, các cuộc thảo luận về AI agents – những hệ thống có khả năng xử lý các nhiệm vụ phức tạp như thu thập dữ liệu và cung cấp thông tin chi tiết mà không cần con người chỉ đạo cụ thể đã tăng mạnh. Đến năm 2025, các công nghệ này có thể chính thức trở thành xu hướng chính thống.
“Hiện tại, AI có thể tạo ra một dòng tiêu đề hấp dẫn và một hình ảnh phù hợp để chèn vào email marketing” , ông Adam Brotman, đồng sáng lập kiêm đồng CEO của phòng thí nghiệm phần mềm Forum3, chia sẻ. “Nhưng việc hoàn thiện nội dung, kiểm tra, lựa chọn đối tượng và gửi đi vẫn phụ thuộc vào các marketer. Đến năm 2025, AI sẽ có thể tự hoàn thành toàn bộ quy trình từ đầu đến cuối – và chính nó sẽ nhấn nút gửi”.
Theo ông Michael Olaye, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành tại công ty Hero Digital, AI agents sẽ mang đến những giải pháp được thiết kế riêng cho doanh nghiệp trong nhiều ngành, từ tài chính đến chăm sóc sức khỏe, và có thể đảm nhận các hoạt động có độ phức tạp cao. “Chẳng hạn, một hệ thống theo dõi chuỗi cung ứng sản phẩm có thể được quản lý liền mạch bởi các AI agents”, ông Olaye cho biết.
Hơn thế nữa, một nhóm AI agents có thể giúp doanh nghiệp đạt được mức độ tự động hóa cao hơn. “Chúng ta sẽ chứng kiến sự xuất hiện của các AI agents có khả năng làm việc cùng nhau hoặc thay mặt con người để thực hiện các nhiệm vụ”, ông Olaye nói thêm. Theo đó, các kiến trúc mở với hệ thống được kết nối thông qua APIs (giao diện lập trình ứng dụng) sẽ tạo ra môi trường để các AI agents dễ dàng tương tác và trao đổi thông tin, dù chúng được phát triển từ các nền tảng khác nhau.
AI sẽ được sử dụng để mô phỏng hiệu quả quảng cáo
Theo các chuyên gia, năm 2025 sẽ đánh dấu bước tiến quan trọng của AI trong việc hỗ trợ các marketer nâng cao hiệu quả quảng cáo. Nhờ khả năng tạo dự đoán kết quả của các tình huống khác nhau dựa trên nguồn dữ liệu đầu vào, công nghệ này có thể thúc đẩy quá trình tối ưu hóa diễn ra nhanh chóng hơn.
Ông Adam Kline, CEO nền tảng video quảng cáo Biddeo, cho rằng quá trình này thậm chí có thể được thực hiện hoàn toàn tự động. “AI sẽ phân tích xu hướng và hành vi để dự đoán hiệu quả quảng cáo. Các chiến dịch sẽ tự động điều chỉnh dựa trên các dự báo nhằm tối ưu hóa ngân sách”, Kline nhận định
Bên cạnh đó, theo ông Eric Lee, Giám đốc Công nghệ của agency Left Field Labs, AI cũng có thể trở thành công cụ thử nghiệm quảng cáo trước khi chúng được triển khai. Ông Lee chia sẻ: “Các mô hình AI sẽ tạo ra và thử nghiệm hàng trăm phiên bản sáng tạo cùng lúc, bao gồm các cảnh quay, nhân vật, âm nhạc và thông điệp khác nhau; đồng thời tối ưu hóa chúng trong thời gian thực, tương tự như cách chúng ta tối ưu quảng cáo văn bản ngày nay”.
Tìm kiếm AI sẽ buộc các marketer phải thay đổi chiến lược
Theo nhận định của các chuyên gia, tìm kiếm trên web bằng AI được dự đoán sẽ bùng nổ trong năm 2025, các marketer sẽ cần điều chỉnh chiến lược để theo kịp mức độ gia tăng sử dụng từ người tiêu dùng.
“Thay vì tìm kiếm trên Google hay mua sắm qua Amazon, người tiêu dùng sẽ đơn giản là hỏi AI sản phẩm nào nên mua và nhận được gợi ý cực kỳ cá nhân hóa dựa trên lịch sử mua sắm trước đó chỉ trong vài giây”, ông Adam Brotman, đồng sáng lập kiêm đồng CEO của Forum3 chia sẻ. “Sự thay đổi này đồng nghĩa với việc các marketer phải tự hỏi một câu hỏi quan trọng: Làm thế nào để ChatGPT đề xuất thương hiệu của tôi thay vì của đối thủ?”.
Perplexity đã bắt đầu tiếp cận các thương hiệu với các giải pháp quảng cáo sơ khởi, trong khi OpenAI được cho là cũng đang hướng tới điều tương tự. Sự phát triển của lĩnh vực này có thể thay đổi cách các marketer đo lường thành công trong Search Marketing.
“Chúng ta có thể chứng kiến sự sụt giảm tỷ lệ nhấp chuột (CTR) trong tìm kiếm truyền thống khi người dùng ngày càng tương tác trực tiếp với các trợ lý AI trên website và ứng dụng để có trải nghiệm cá nhân hóa hơn”, bà Michelle Weiskittel – Giám đốc Truyền thông, Sáng tạo và Vận hành của Albertsons Media Collective chia sẻ.
Tuy nhiên, giống như hầu hết các ứng dụng AI khác, tìm kiếm bằng AI cũng đặt ra những câu hỏi hóc búa về tính an toàn và bảo vệ người dùng. Theo ông Davi Ottenheimer, Phó Giám đốc tại công ty phần mềm Inrupt, vấn đề sở hữu dữ liệu và tính minh bạch có thể trở thành vấn đề nổi cộm, đặc biệt là khi tìm kiếm bằng AI được sử dụng để cá nhân hóa kết quả.
“Để đảm bảo một tương lai mà sự đổi mới có thể vừa tạo ra giá trị vừa bảo vệ lợi ích của con người, người làm quảng cáo và cơ quan quản lý phải ưu tiên quyền riêng tư của người tiêu dùng, trao quyền kiểm soát dữ liệu cho cá nhân trong khi vẫn giúp thương hiệu cung cấp trải nghiệm cá nhân hóa và minh bạch”, ông Ottenheimer nhấn mạnh.
Nội dung cá nhân hóa sẽ đạt đến một “tầm cao” mới
Năm 2025, nội dung tùy chỉnh dựa trên AI hứa hẹn sẽ đạt đến những bước tiến vượt bậc, mang đến trải nghiệm cá nhân hóa sâu sắc hơn cho người tiêu dùng. “AI sẽ cung cấp nội dung và các ưu đãi được điều chỉnh theo sở thích, hành động của khách hàng, thậm chí tính được cả lộ trình lái xe của họ”, bà Lisa Jillson, Phó Chủ tịch Marketing của công ty dữ liệu và phân tích Arity cho biết.
Các thương hiệu đã bắt đầu ứng dụng AI để tạo ra nội dung mang tính cá nhân hóa, chẳng hạn như Honda với các đoạn quảng cáo nhằm quảng bá cho dòng SUV điện mới. Tuy nhiên, việc cá nhân hóa dựa trên lộ trình lái xe, như Jillson đề cập, cho thấy mức độ tinh vi của AI trong việc tùy chỉnh nội dung sẽ còn tiếp tục gia tăng.
Ông Oz Olivo, Phó Chủ Tịch Phát triển sản phẩm tại Inrupt, nhận định rằng các công nghệ AI mới sẽ thúc đẩy chiến lược cá nhân hóa có chủ đích và xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với khách hàng. “Các tổ chức sẽ cần chuyển đổi sang cách tiếp cận lấy khách hàng làm trung tâm và ứng dụng AI để tạo ra những chiến lược cá nhân hóa dựa trên ý định và phát triển mối quan hệ riêng biệt với từng khách hàng”, Olivo chia sẻ.
Sự thay đổi này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp cần xem xét lại chiến lược dữ liệu của mình, đặc biệt là cách họ thu thập dữ liệu từ người tiêu dùng. Việc trao quyền kiểm soát dữ liệu cho người dùng không chỉ xây dựng niềm tin mà còn mở ra cơ hội lớn hơn để cá nhân hóa các chiến dịch marketing.
“Các doanh nghiệp chấp nhận xu hướng cá nhân hóa dựa trên sự đồng thuận sẽ thúc đẩy lòng trung thành của khách hàng, giảm chi phí dữ liệu và tăng hiệu quả, biến việc cá nhân hóa thành mối quan hệ đối tác đôi bên cùng có lợi”, Olivo nhấn mạnh.
Marketer nên chuẩn bị gì cho 2025?
Hiểu quy định để thực thi thông minh
Năm 2025 cũng sẽ chứng kiến nhiều bất ổn liên quan đến AI, trong khi các quy định pháp lý dần được cải thiện và trở nên chặt chẽ hơn. Trong bối cảnh này, các marketer cần chủ động chuẩn bị để thích nghi với những thay đổi và đảm bảo rằng chiến lược marketing được triển khai thật sự phù hợp với các quy định mới.
“Các marketer sẽ phải đảm bảo nội dung và hoạt động tiếp cận của mình tuân thủ các tiêu chuẩn về bảo mật dữ liệu và tính minh bạch”, ông Stefan Dunigan, Phó Chủ tịch Vận hành tại Gryphon.ai, nhấn mạnh.
Hiệp hội Quảng cáo Quốc gia (ANA) cũng tiếp tục đưa ra những hướng dẫn mới nhằm đảm bảo AI sẽ được sử dụng trong quảng cáo một cách có đạo đức. Những doanh nghiệp không theo kịp sự thay đổi trong năm 2025 có nguy cơ đối mặt với các án phạt pháp lý nghiêm trọng, Dunigan cảnh báo.
Ông Michael Donnelly, Phó Chủ tịch Điều hành mảng AI martech và marketing tương lai của ANA, nhận định rằng việc chuẩn bị để tuân thủ các quy định trong lĩnh vực AI là một bài toán chiến lược đòi hỏi cả thay đổi kỹ thuật lẫn tổ chức. Đây không phải là một tình huống khẩn cấp mà là một nhiệm vụ quan trọng, mang tính dài hạn, và cần được thực hiện với sự cân nhắc kỹ lưỡng để bảo vệ doanh nghiệp và xây dựng lòng tin với khách hàng.
Để bắt đầu, các marketer nên thực hiện những biện pháp đơn giản, chẳng hạn như công khai khi sử dụng AI trong hoạt động marketing, Josh Campo – CEO của agency Razorfish thuộc Publicis Groupe – đề xuất.
Tư duy tính toán: Năng lực cần bồi đắp
Các marketer không cần trở thành nhà phát triển AI hay học cách lập trình, nhưng họ phải biết tư duy như những lập trình viên. Tư duy tính toán hay khả năng phân tích các vấn đề phức tạp thành một chuỗi logic đang trở nên ngày càng quan trọng đối với ngành Marketing, giống như vai trò của định hướng nghệ thuật và sáng tạo nội dung trong thời kỳ của “Mad Men”.
Hãy tưởng tượng phòng ban của bạn cần thiết kế một hành trình khách hàng cá nhân hóa qua nhiều điểm chạm, tích hợp dữ liệu theo thời gian thực và tuân thủ các quy định về quyền riêng tư. Giải pháp không nằm ở việc viết mã mà ở khả năng tư duy hệ thống về luồng dữ liệu, mô hình đưa ra quyết định và cả hành trình người dùng. Các marketer cần có khả năng hình dung các hệ thống phức tạp này, ngay cả khi họ không trực tiếp viết một dòng mã nào.
Từ phân tích dữ liệu đến trực giác dữ liệu
Chúng ta đã nghe phàn nàn này suốt nhiều năm qua tại các hội nghị và sự kiện ngành: “Chúng tôi chìm ngập trong dữ liệu nhưng lại thiếu những hiểu biết sâu sắc”.
Dù đội ngũ phân tích của bạn có thể xử lý số liệu, giá trị thực sự lại nằm ở cách diễn giải chúng. Bạn cần biến những con số đó thành những câu chuyện thuyết phục, dễ tiếp cận và có khả năng thúc đẩy hành động tích cực từ khách hàng đến người tiêu dùng. Đây không chỉ là việc học cách sử dụng công cụ trực quan hóa mới mà còn là phát triển khái niệm được gọi là “trực giác dữ liệu”.
Ông Tim Ringel, CEO of Meet The People, nêu quan điểm: “Điều này cũng đòi hỏi những thói quen làm việc mới. Tôi không muốn làm việc với người chỉ đơn thuần đọc một báo cáo. Tôi cần một người biết đặt câu hỏi về các giả định đằng sau dữ liệu, chẳng hạn như “Tại sao một chiến dịch lại thành công ở khu vực Đông Bắc nhưng thất bại ở vùng Sunbelt?”.
Ông nói thêm: “Tôi muốn lắng nghe những phân tích rõ ràng về các yếu tố văn hóa có thể giải thích các mô hình tương tác, đồng thời vạch ra chiến lược hành động. Mức độ diễn giải này đòi hỏi sự kết hợp giữa tư duy phân tích và hiểu biết văn hóa. Đây là ví dụ về ‘trí thông minh lấy con người làm trung tâm’ mà AI hiện tại chưa thể tái tạo”.
Sự phổ biến của dữ liệu, công nghệ và AI đã làm cân bằng sân chơi trong ngành Marketing. Tuy nhiên, các marketer vẫn được kỳ vọng mang lại những ý tưởng đột phá để tăng trưởng doanh thu và tạo tác động lớn đến thương hiệu. Vì vậy, dù công nghệ có phức tạp đến đâu, nhu cầu tạo ra những sản phẩm sáng tạo sẽ không bao giờ thay đổi.
Theo Phố Hương / Brands Vietnam
* Nguồn: Tổng hợp