Fashion Icon #26: Donna Karan – Cách mạng hóa tủ đồ của phụ nữ hiện đại chỉ với 7 món
“Chỉ thiết kế những gì tôi có thể mặc” – câu nói không chỉ thể hiện triết lý sáng tạo của Donna Karan mà còn gói gọn tinh thần thực tế, tiện dụng đã làm nên tên tuổi bà. Nổi tiếng với bộ sưu tập đầu tay “Seven Easy Pieces” dưới thương hiệu mang tên mình, Donna Karan đã trở thành biểu tượng thời trang và doanh nhân tiêu biểu của nước Mỹ.
Fashion Icon là chuỗi bài về gương mặt đứng sau các biểu tượng thời trang đình đám trên thế giới do Brands Vietnam thực hiện. Thông qua chuỗi bài này, marketers có thể hiểu hơn về lịch sử hình thành và sự phát triển của các đế chế thời trang trên toàn cầu.
“Tôi sinh ra đã là người của thời trang”
Donna Karan, tốt nghiệp ngành Thiết kế Thời trang (BFA), là một cái tên quen thuộc trong làng thời trang và kinh doanh tại Mỹ. Sinh năm 1948 trong một gia đình gắn liền với ngành thời trang và lớn lên tại Long Island, cha của Karan là thợ may, còn mẹ bà là người mẫu trình diễn trong showroom kiêm nhân viên kinh doanh thời trang. Khi còn học trung học, Karan đã thiết kế bộ sưu tập thời trang đầu tiên, giúp bà được nhận vào Parsons School of Design sau khi tốt nghiệp.
Chia sẻ với tờ Forbes, bà từng nói: “Tôi không có ý định theo đuổi thời trang, suy nghĩ đó là điều cuối cùng tôi muốn trong đời. Nhưng tôi sinh ra đã là người của thời trang. Bố tôi là thợ may đo và mẹ tôi là người mẫu, sau đó mẹ tôi làm việc bán hàng tại phòng trưng bày.”
Khác với định hướng của gia đình, bà muốn trở thành một người mẹ toàn thời gian. Tất nhiên, cuộc sống sẽ đem đến những ngã rẽ khác với những ý nghĩ sơ khởi trong đầu chúng ta. Thế là bà theo học tại Parsons School of Design, sau đó thực tập tại nhà mốt Anne Klein, nơi bà bắt đầu học nghề như một nhà thiết kế phụ.
Anne Klein là một nhà mốt huyền thoại trên Đại lộ số Bảy (Seventh Avenue), được biết đến với việc phát triển dòng thời trang thể thao thiết kế, kết hợp các mảnh riêng lẻ như váy, áo sơ mi, áo len, áo khoác – tất cả đều có thể phối hợp linh hoạt.
Tài năng và sự tận tụy của Karan đã nhanh chóng đưa bà trở thành cánh tay đắc lực của nhà mốt. Trong thời gian này, Karan đã mài giũa kỹ năng của mình, thành thạo nghệ thuật tạo ra những bộ trang phục thời trang, thoải mái và đa năng.
Tuy nhiên, năm 1974, sau một thời gian chiến đấu với bệnh ung thư, bà Anne Klein đã qua đời. Lúc đó, Karan chỉ mới 25 tuổi và vừa sinh con gái đầu lòng, Gabrielle. Sự ra đi của bà khiến công ty và Donna Karan không kịp trở tay. Karan phải tiếp tục hoàn thành bộ sưu tập đang dang dở.
Tôi đã vượt qua những trở ngại bằng cách không bao giờ nói “không”. Tôi chỉ lao vào và làm, bởi vì trong tâm trí tôi, không còn lựa chọn nào khác.
Người kế thừa tạo nên Anne Klein II
Trên Đại lộ số Bảy, cái chết của một nhà thiết kế trụ cột thường đồng nghĩa với sự kết thúc của một công ty. Nhưng Anne Klein & Company vừa có một đối tác mới nắm 50% cổ phần, và người đàn ông này sẽ trở thành người ủng hộ mạnh mẽ nhất của Donna Karan – ông Tomio Taki.
Ông là Chủ Tịch của Takihyo Inc., chi nhánh Mỹ của một công ty gia đình Nhật Bản, chuyên sản xuất vải kimono từ năm 1750. Từ khi trở thành chủ tịch Takihyo Inc., ông Taki đã có những kế hoạch lớn, đặc biệt bị thu hút bởi dòng thời trang thể thao thiết kế của Mỹ. Ông nhận thấy sự tiện lợi khi phụ nữ có thể dễ dàng phối hợp các món đồ sản xuất hàng loạt để tạo ra phong cách riêng.
Ông bày tỏ sự hứng thú đối với những điều Anne Klein & Company và đến gặp bà Anne Klein cùng 2 người khác trong ban lãnh đạo. Họ đồng ý bán 50% cổ phần cho ông Taki. Nhưng ngay khi ông bắt đầu ổn định công việc, Anne Klein qua đời.
Tuy nhiên, chỉ mỗi ông Taki tin tưởng Karan làm người kế nhiệm Anne Klein vì những người khác trong ban lãnh đạo cho rằng cô gái 26 tuổi còn quá non nớt để đảm nhiệm việc dẫn dắt nhà mốt. Nhưng trên cả tuổi tác, ông Taki nhìn thấy ở Karan khả năng cảm quan tốt nhất về màu sắc, chất liệu, và kỹ thuật cắt may. Cuối cùng, với 50% cổ phần trong tay, ông Taki đã chọn Donna Karan.
Trong 10 năm tiếp theo, các thiết kế của Anne Klein dưới bàn tay Donna Karan mang dáng dấp kịch tính hơn, với phom dáng lớn hơn, ít nhỏ gọn, tinh tế hoặc ngăn nắp. Tuy nhiên, các bộ sưu tập thường bị nhận xét là chịu ảnh hưởng quá nhiều từ thời trang Ý và thường đặt bà lên bàn cân với những tên tuổi như Calvin Klein hay Ralph Lauren.
Sau đó, nhờ các nhà bán lẻ công nhận Anne Klein là dòng thời trang thể thao thiết kế bán chạy nhất, với tỷ lệ bán hết ở giá gốc cao. Công ty dần tăng gấp đôi doanh số. Nhận thấy tiềm năng của dòng sản phẩm, năm 1983, Donna Karan ra mắt dòng sản phẩm phụ Anne Klein II, với thiết kế tương tự nhưng chất liệu khác, chủ yếu sản xuất tại Viễn Đông, với giá bán lẻ bằng một nửa dòng chính Anne Klein – lần đầu tiên nhà mốt này sản xuất các thiết kế hàng hiệu với giá phải chăng hơn để tiếp cận phân khúc tiêu dùng tầm trung.
Tuy nhiên, chỉ một năm sau, bà trở nên mệt mỏi với việc lặp lại những “công thức” ở Anne Klein – nơi bà hiểu rất rõ nhưng dần không giữ được sự mới mẻ trong những thiết kế của mình. Chính lúc này, suy nghĩ về một thương hiệu của riêng Karan dần nhen nhóm.
Donna Karan – bắt đầu lúc thời trang cạnh tranh gay gắt
Vào năm 1984, với sự hỗ trợ tài chính mạnh mẽ từ Takihyo Corporation of Japan, Donna Karan nhận được khoản đầu tư 3 triệu USD để ra mắt thương hiệu riêng mang tên Donna Karan New York, trong bối cảnh đầy rủi ro. Bởi ngành công nghiệp thời trang đã tiến xa khỏi thời kỳ các nhà thiết kế chỉ tạo nên những chiếc váy.
Các đơn vị được cấp phép sản xuất hàng loạt sản phẩm mang tên nhà thiết kế – từ nước hoa, ga giường, khăn tắm, hành lý, quần áo nam… Chưa kể, những tên tuổi trong giới thời trang lên xuống thất thường. Một ví dụ điển hình là Stephen Sprouse, nhà thiết kế trẻ được chú ý vào năm 1983, được tung hô như một ngôi sao thời trang mới nổi vào năm 1984, nhưng nhanh chóng “mất hút” chỉ một năm sau đó.
Nhưng với Donna Karan, sự thấu hiểu phụ nữ và nắm bắt xu hướng thời cuộc, bà đã tạo nên một cuộc cách mạng thời trang mới với bộ sưu tập mang tên “Seven Easy Pieces” năm 1985, gồm áo bodysuit, chân váy, áo khoác cắt may, váy liền, một món đồ da, áo sơ mi trắng và áo len cashmere. Đây là những món đồ có thể giúp phụ nữ dễ dàng biến hóa bất kể ngày đêm, văn phòng hay ở những buổi tiệc. Các thiết kế của bà lần đầu tiên được giới thiệu tại cửa hàng Bergdorf Goodman ở New York.
Karan cho rằng phụ nữ không nên bó buộc mình theo khuôn mẫu “nữ doanh nhân” trong bộ áo sơ mi, cà vạt và bộ vest. Thay vào đó, phụ nữ nên diện những bộ cánh có thể tôn vinh đường nét cơ thể, tôn vinh sự tinh tế trong từng đường cắt may. Điểm nhấn của bộ sưu tập chính là áo bodysuit, một trang phục được bà lấy cảm hứng từ thói quen tập yoga, với mục đích làm cho cuộc sống của phụ nữ trở nên dễ dàng và thoải mái hơn.
Chỉ trong 12 tháng, Donna Karan New York đã trở thành thương hiệu thiết kế có tốc độ tiêu thụ nhanh nhất tại các cửa hàng. Các sản phẩm của Karan hiện diện nổi bật tại 120 cửa hàng danh tiếng hàng đầu nước Mỹ. Theo Chủ Tịch Bergdorf, Ira Neimark, khu vực trưng bày của Donna Karan tại đây đạt doanh thu cao nhất trên mỗi mét vuông so với bất kỳ thương hiệu thiết kế Mỹ nào khác. Saks Fifth Avenue cũng đồng ý – điều này càng có ý nghĩa khi Saks dành diện tích lớn nhất trong số 11/41 chi nhánh của mình để bán sản phẩm của Donna Karan. Chủ Tịch Marvin Traub của Bloomingdale’s chia sẻ: “Doanh thu năm đầu tiên từ Donna Karan gần chạm mốc 2 triệu USD và có thể còn cao hơn nếu sản phẩm được phân phối tại tất cả cửa hàng của chúng tôi”.
Về bản chất, thời trang phải liên tục mang đến những điều mới mẻ. Nhưng những gì Donna Karan tạo ra không chỉ đơn thuần là xu hướng nhất thời của năm. Hơn nữa, việc một thương hiệu thiết kế mới được công nhận trong thời gian ngắn kỷ lục chứng tỏ rằng thiết kế của Donna Karan đã tạo được sự cộng hưởng đặc biệt, phù hợp với thời đại. Các cửa hàng bách hóa danh tiếng dường như đã đúng khi tập trung vào thông điệp từ Donna Karan. Các giám đốc cửa hàng thường nhận xét rằng Karan “thực sự hiểu phụ nữ muốn gì”, rằng họ cảm thấy rất “nữ tính” và tự tin khi mặc đồ của Donna Karan.
Thực tế là hầu hết phụ nữ hiện nay làm việc tại văn phòng đã ảnh hưởng lớn đến thời trang và doanh thu từ quần áo, như những câu chuyện thành công của Calvin Klein, Anne Klein & Company và Liz Claiborne đã chứng minh. Tuy nhiên, thiết kế của Donna Karan đẩy mạnh ý tưởng về phụ nữ công sở lên một tầm cao mới.
Bà thiết kế cho những phụ nữ chuyên nghiệp hàng đầu – những người lãnh đạo, tự tin và thành đạt đến mức ngay cả tại nơi làm việc, họ cũng có thể tận hưởng những bộ trang phục thanh lịch, đầy đường cong và thậm chí hơi gợi cảm – khác biệt với phong cách của Anne Klein. Dù không phải tất cả phụ nữ mua đồ của Donna Karan đều làm việc ở vị trí quản lý hay có một công việc cụ thể, nhưng điều thú vị là họ muốn trông như thể họ đang ở vị trí ấy.
Bà luôn tuân theo tôn chỉ tạo ra những bộ trang phục mà phụ nữ thực sự có thể mặc được. Vì vậy, Karan nổi tiếng với việc tự thiết kế và tự thử nghiệm các thiết kế của mình để hình dung cảm giác và hình ảnh một người phụ nữ khi khoác lên những bộ sưu tập của bà. Đến năm 1989, xuất phát từ việc nhìn thấy con gái “lật tung” tủ đồ để tìm một bộ quần áo phù hợp, Karan ra mắt một thương hiệu trẻ trung hơn của Donna Karan, gọi là DKNY.
Phong cách trong các thiết kế của Donna Karan còn được nâng tầm qua các phụ kiện: đồ trang sức mạ vàng hoặc bạc do nghệ nhân Robert Lee Morris thiết kế, giày cao gót tinh tế sản xuất tại Ý, và những chiếc mũ tạo điểm nhấn của nhà thiết kế Maeve Carr. Một số bộ trang phục còn được hoàn thiện bằng chiếc khăn jersey quấn đầu kiểu khăn xếp, màu sắc nghiêng về các tông trầm như đen và xám than, tạo nên vẻ ngoài “điêu khắc” mà Karan luôn hướng tới.
Năm 2001, tập đoàn LVMH đã trả 243 triệu USD cho tất cả các cổ phiếu đang lưu hành tại Donna Karan International (DKI), cộng với 400 triệu USD cho Gabrielle Studio Inc., bên cấp phép cho các nhãn hiệu Donna Karan.
Đến năm 2007, Karan thành lập Urban Zen, một thương hiệu và quỹ theo định hướng phong cách sống xa xỉ tập trung vào sức khỏe, giáo dục và bảo tồn văn hóa thông qua các cộng đồng nghệ nhân của họ. Những cống hiến trong suốt sự nghiệp của bà đã được CFDA (Hiệp hội nhà thiết kế Hoa Kỳ) 6 lần vinh danh.
Đến năm 2015, khi Karan đã ở tuổi 66, bà quyết định dành nhiều thời gian hơn cho Urban Zen và rời khỏi vị trí lãnh đạo ở DKI, nhưng vẫn sẽ là cố vấn thân cận của công ty.
Dù đã lùi về phía sau, không thể phủ nhận Donna Karan đã tạo ra một phong cách trang phục hiện đại cho rất nhiều phụ nữ thành đạt. Những trang phục này không chỉ phù hợp với nhịp sống hiện đại mà còn đáp ứng nhu cầu về sự thoải mái và linh hoạt, giúp phụ nữ tự tin hơn trong mọi hoàn cảnh.
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.
Theo Phương Quyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Tổng hợp