Meta nới lỏng chính sách kiểm duyệt nội dung
Meta – gã khổng lồ mạng xã hội – sẽ ngừng hợp tác kiểm duyệt thông tin với bên thứ ba trên Facebook, Threads và Instagram. Thay vào đó, các nền tảng sẽ dựa vào ghi chú do cộng đồng thêm vào bài đăng để xác định ngữ cảnh và tính xác thực của thông tin, tương tự với Community Notes của X.
Chính sách kiểm duyệt nội dung của Meta ra đời sau chiến thắng bầu cử trước đó của ông Trump vào năm 2016. Thời điểm đó, Facebook đã bị chỉ trích vì phát tán thông tin sai lệch không được kiểm soát trên toàn mạng lưới của mình. Sau áp lực rất lớn từ công chúng, ông Zuckerberg đã chuyển sang các tổ chức bên ngoài nhằm rà soát các bài đăng có khả năng sai sự thật hoặc gây hiểu lầm trên Facebook và Instagram. Tuy nhiên, vào tuần trước, Meta thông báo sẽ ngừng chương trình kiểm duyệt thông tin với các bên thứ ba. Chính sách này sẽ bắt đầu tại Mỹ và chưa có kế hoạch triển khai tại các quốc gia khác.
“Đã đến lúc quay trở lại bản chất của chúng ta trong việc thúc đẩy tự do ngôn luận” – ông Mark Zuckerberg, CEO của Meta, chia sẻ trong video thông báo các thay đổi quan trọng sắp tới.
Thay đổi từ kiểm duyệt thông tin với bên thứ ba sang Community Notes
Meta thông báo sẽ thay thế hệ thống kiểm duyệt thông tin từ năm 2016 bằng Community Notes – một hệ thống tương tự nền tảng X (tiền thân là Twitter). Hệ thống mới này sẽ cho phép người dùng viết và đánh giá các ghi chú bổ sung vào bài đăng nhằm cung cấp thêm ngữ cảnh giúp xác thực và đánh giá thông tin, với điều kiện ghi chú đạt sự đồng thuận từ nhiều góc nhìn khác nhau.
Ông Zuckerberg cho rằng hệ thống kiểm chứng cũ mang tính thiên vị chính trị và làm suy giảm niềm tin của người dùng. Quyết định này nhận được phản ứng trái chiều: trong khi một số người ủng hộ tự do ngôn luận hoan nghênh thay đổi, thì nhiều người lo ngại rằng nó sẽ làm gia tăng thông tin sai lệch.
Vị CEO của Meta thừa nhận sẽ có nhiều “thông tin tiêu cực” hơn trên các nền tảng sau quyết định này: “Thực tế, đây là một sự đánh đổi. Điều này có nghĩa là chúng tôi sẽ khó phát hiện và ngăn chặn hoàn toàn những thông tin sai lệch, nhưng mặt khác, nó cũng giúp hạn chế việc xoá những bài đăng và tài khoản của những người vô tội” – ông nói.
Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy Community Notes này có thể hoạt động để chỉnh sửa thông tin sai lệch nhưng chỉ đến một mức độ nào đó. “Cách nó được triển khai trên X thực tế không hiệu quả lắm”, ông Van der Linden – một nhà tâm lý học xã hội tại Đại học Cambridge, Vương quốc Anh – từng là cố vấn cho chương trình kiểm tra thông tin của Facebook vào năm 2022 cho biết.
Ông chỉ ra một phân tích được thực hiện vào năm ngoái cho thấy các “community notes” trên X thường được thêm vào các bài đăng có vấn đề quá muộn để giảm tương tác, vì chúng xuất hiện sau khi các tuyên bố sai lệch đã lan rộng. Tuy nhiên, ông Keith Coleman – Phó Chủ Tịch Sản phẩm của X, nói với Reuters năm ngoái rằng “community notes” cần “duy trì tiêu chuẩn cao để đảm bảo các ghi chú hiệu quả và giữ được niềm tin”.
“Dựa vào đám đông (Crowdsourcing) là một giải pháp hữu ích, nhưng trên thực tế, nó phụ thuộc rất nhiều vào cách triển khai”, Van der Linden nói thêm.
Ngoài ra, quyết định của Meta cũng bao gồm việc nới lỏng quy định nội dung, đưa các nội dung chính trị quay trở lại Facebook, Instagram, và Threads sau một thời gian hạn chế. Zuckerberg cho biết: “Chúng ta đang bước vào một thời kỳ mới, và cộng đồng đã bắt đầu muốn nhìn thấy những nội dung này trở lại”.
Trong video thông báo, Zuckerberg chia sẻ công ty hướng đến việc ưu tiên quyền tự do ngôn luận và nhấn mạnh rằng Meta có kế hoạch hợp tác chặt chẽ với chính quyền sắp tới trong việc đưa nội dung chính trị trở lại một cách trung lập hơn.
Meta sẽ đề xuất thêm nội dung chính trị dựa trên tín hiệu cá nhân hóa và mở rộng tùy chọn kiểm soát loại nội dung này, nhưng chưa công bố chi tiết cách triển khai hoặc thông báo đến người dùng. Công ty cam kết tạo cách tiếp cận “cá nhân hóa hơn” bằng cách xếp hạng nội dung chính trị từ bạn bè và trang theo dõi trên Facebook dựa trên tương tác, như lượt thích hay lượt xem, nhằm tích hợp nội dung này tự nhiên hơn trong bảng tin.
Nguyên nhân đằng sau quyết định này
Từ khi triển khai chương trình kiểm duyệt nội dung vào năm 2016, Meta đã đầu tư hàng tỷ USD, hàng nghìn người và dành nguồn lực công nghệ khổng lồ để khắc phục các vấn đề kiểm duyệt nội dung. Ông Zuckerberg đã khai thác nhiều công ty bên ngoài để giúp kiểm soát các bài đăng, bao gồm một đội ngũ nhà thầu từ các công ty như Accenture để thực hiện phần lớn công việc thủ công là xem xét các bài đăng. Nhưng theo thời gian, ông Zuckerberg cảm thấy rằng “nỗ lực mà Meta đã bỏ ra cho sáng kiến này đang ngày càng giảm sút”, hai người thân cận với vị CEO cho biết.
Ông Zuckerberg đã bày tỏ sự thất vọng đó trong một bài phát biểu tại Đại học Georgetown năm 2019, trong đó ông cho biết ông không muốn mạng xã hội của mình trở thành “trọng tài của ngôn luận”. Ông cho biết Facebook được thành lập để trao cho mọi người tiếng nói và quyền được tự do chia sẻ quan điểm.
Phản ứng từ các bên liên quan
Thông báo của Meta ngay lập tức gây xôn xao từ nội bộ đến người dùng và các bên thứ ba.
Các nhà nghiên cứu thông tin sai lệch cho biết quyết định chấm dứt chương trình kiểm duyệt nội dung của Meta là rất đáng lo ngại. Nicole Gill, người sáng lập và Giám đốc Điều hành của tổ chức giám sát kỹ thuật số Accountable Tech, cho biết ông Zuckerberg đang “mở lại cánh cổng cho làn sóng thù hận, thông tin sai lệch và thuyết âm mưu – những nguyên liệu thúc đẩy bạo lực trong thế giới thực”.
Trong nội bộ Meta, thông báo của Zuckerberg đã nhận được cả sự ủng hộ và hoang mang từ đội ngũ. Đối với một số nhân viên, công ty cuối cùng đã được là chính mình – một nền tảng nơi cộng đồng thoải mái chia sẻ và hướng đến tự do ngôn luận. Nhưng những người khác cho biết Zuckerberg đã đạp đổ công sức kiểm duyệt nội dung của những nhân viên hiện tại và trước đây.
Các bài đăng của nhân viên khó chịu về những thay đổi trên các bảng tin nội bộ đã nhanh chóng bị xóa. Phòng nhân sự của Meta giải thích rằng những nhân viên này đã vi phạm các quy tắc của chính sách công ty về sự tham gia của cộng đồng.
Về phía các đối tác kiểm duyệt nội dung, họ hoàn toàn bất ngờ khi không được thông báo trước về quyết định của Meta. Alan Duke – một nhà báo từng làm việc tại CNN, hiện đang vận hành doanh nghiệp kiểm duyệt nội dung Lead Stories cho biết đã ký hợp đồng mới để làm việc với Meta vào năm 2025 chỉ hai tuần trước khi CEO của Meta đưa ra quyết định bất ngờ này. Một nhân viên của PolitiFact – một trong những tổ chức hợp tác đầu tiên với Meta, chia sẻ: “Chúng tôi chỉ biết thông tin sau khi Zuckerberg công bố trên các phương tiện truyền thông”.
Ở góc độ chuyên môn của kiểm duyệt nội dung, các chuyên gia nhận định việc kiểm duyệt thực sự hiệu quả trong việc thuyết phục mọi người rằng thông tin là đúng và đáng tin cậy. Ông Sander Van der Linden cho biết: “Các nghiên cứu cung cấp bằng chứng rất nhất quán rằng kiểm tra sự thật ít nhất cũng giảm được phần nào những nhận thức sai lầm về các tuyên bố sai lệch”.
Chẳng hạn, một phân tích tổng hợp năm 2019 về hiệu quả của việc kiểm tra sự thật trên hơn 20.000 người cho thấy ảnh hưởng “rất tích cực” đến niềm tin chính trị: “Lý tưởng nhất là chúng ta muốn mọi người không hình thành nhận thức sai lầm ngay từ đầu. Nhưng nếu thông tin sai lệch tràn lan và họ chắc chắn sẽ tiếp xúc với chúng, thì điều tốt nhất chúng ta có thể làm là giảm thiểu những thông tin đó”.
Mặc dù vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, ông Zuckerberg vẫn đang tích cực về những gì thay đổi này có thể cải thiện nền tảng mạng xã hội. Tuy nhiên, Meta cần cân bằng giữa tự do ngôn luận của người dùng và các yêu cầu pháp lý ở một số khu vực hoạt động. Bởi nếu không quản lý tốt nội dung chính trị, Meta có nguy cơ vi phạm quy định pháp luật tại các quốc gia yêu cầu nền tảng chịu trách nhiệm về nội dung người dùng.
Theo Phương Quyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Tổng hợp