Marketer Lam Phương
Lam Phương

Content Executive @ Brands Vietnam

Du học Marketing #18: Phan Thế Anh @ National Chiao Tung University – 10 năm tại các nền giáo dục hàng đầu Châu Á

Du học Marketing #18: Phan Thế Anh @ National Chiao Tung University – 10 năm tại các nền giáo dục hàng đầu Châu Á

Gần một thập kỷ du học tại Hàn Quốc và Đài Loan, anh Phan Thế Anh – giảng viên Khoa Marketing Trường Đại học Quốc Tế Miền Đông, đồng thời là Travel Blogger với hơn 600.000 người theo dõi trên nền tảng mạng xã hội – đã trải qua hành trình “chạm ngõ” tri thức tại các nền giáo dục hàng đầu Châu Á như thế nào?

Với hy vọng “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, liệu những kỳ vọng có đủ để chiến thắng thực tại nơi đất khách? Hãy cùng Brands Vietnam tìm câu trả lời qua những trải nghiệm đủ thăng, cũng không thiếu trầm của những du học sinh đã và đang dùi mài kinh sử nơi trời Tây qua series Du học Marketing.

Du học Thạc sĩ tại Hàn Quốc: Đi để bồi đắp kiến thức ngành

* Đâu là thời khắc, lý do mang tính bước ngoặt cho quyết định du học của anh?

Thời điểm hoàn thành chương trình Cử nhân Quan hệ Quốc tế tại một trường đại học dân lập ở Việt Nam cũng là lúc anh nhận ra thực tế là bản thân có rất ít cơ hội “làm đúng ngành” hậu tốt nghiệp.

Dẫu vậy, nhìn lại toàn bộ quá trình học, đặc biệt là khi tham gia một vài môn liên quan đến marketing và quan sát những chiến dịch quảng cáo nổi bật tại Việt Nam vào những năm 2010, anh dần nhận ra niềm yêu thích của mình với lĩnh vực này.

Một trong những chiến dịch khiến anh ấn tượng sâu sắc là “CloseUp – Tìm em nơi đâu” – chiến dịch viral mạnh mẽ trên nền tảng blog 360. Sự sáng tạo và sức lan tỏa của những chiến dịch giúp anh ý thực rõ về việc bản thân có thiên hướng sáng tạo ý tưởng hơn là phân tích các con số khô khan trong những môn học như tài chính hay kế toán.

Du học Marketing #18: Phan Thế Anh @ National Chiao Tung University – 10 năm tại các nền giáo dục hàng đầu Châu Á

Anh Phan Thế Anh – giảng viên Khoa Marketing Trường Đại học Quốc Tế Miền Đông, đồng thời là Travel Blogger với hơn 600.000 người theo dõi trên nền tảng mạng xã hội.
Nguồn: NVCC

Đặc biệt là những công việc như content marketing, content creator hay xây dựng chiến lược thương hiệu không chỉ phù hợp với sở thích mà còn phát huy được thế mạnh của bản thân. Chính điều đó đã thúc đẩy anh quyết tâm dấn thân vào con đường Marketing thực chiến.

Tuy nhiên, sau một thời gian làm việc thực tế, anh nhận thấy mình còn thiếu nhiều kiến thức chuyên sâu và cảm thấy lạc lõng. Anh nhận ra rằng để hiểu rõ những nguyên lý cốt lõi và nắm vững chìa khóa thành công, anh cần được đào tạo bài bản hơn. Quyết tâm này đã thôi thúc anh theo đuổi chương trình Thạc sĩ để bổ sung kiến thức và định hình lại con đường sự nghiệp của mình.

Trong quá trình chuẩn bị cho việc du học, anh gặp không ít khó khăn. Những “nỗi lo” chung của du học sinh như việc chọn quốc gia, ngành học và trường học phù hợp trở nên càng khó khăn hơn với anh, bởi trong suốt thời gian đại học, anh không phải là sinh viên xuất sắc và điểm số cũng chưa đủ cao để giành học bổng. Tuy nhiên, anh vẫn tích cực tham gia các hoạt động đoàn đội và công tác xã hội để có những thành tích khác, đơn giản chỉ để khi xin việc, anh có thể thể hiện mình là một người năng động. Những nỗ lực này sau này giúp anh có thêm điểm cộng khi nộp hồ sơ du học.

Và thay vì đi theo xu thế bây giờ là theo đuổi học vấn tại các các quốc gia Châu Âu – Mỹ – Úc, anh quyết định chọn Hàn Quốc. Vào năm 2012, làn sóng K-pop, văn hóa và ẩm thực Hàn Quốc đang bùng nổ mạnh mẽ, đồng thời quốc gia này còn nổi tiếng với những chiến lược marketing sáng tạo và hiệu quả. Anh tin rằng Hàn Quốc không chỉ mang đến môi trường học tập hiện đại mà còn tạo cơ hội để tiếp cận những xu hướng marketing thực tiễn, phù hợp với thị trường Châu Á. Quyết định này, với anh, không chỉ là cơ hội học hỏi mà còn là cách để tạo lợi thế cạnh tranh khi trở về Việt Nam.

* Dường như chặng đường học Thạc sĩ của anh Thế Anh được lên kế hoạch rất chiến lược ngay từ giai đoạn chuẩn bị. Vậy những yếu tố nào đã khiến anh quyết định chọn trường SolBridge International School of Business và điểm đến là Hàn Quốc?

Thực tế, khi cân nhắc du học, anh hiểu rõ rằng với hồ sơ học vấn ở mức trung bình khá và không quá nổi trội so với nhiều bạn khác. Do đó, anh tập trung tìm kiếm các trường phù hợp với năng lực và tài chính của bản thân, thay vì nhắm đến những trường quá danh tiếng. Sau nhiều lần tìm hiểu và nhận tư vấn, anh quyết định tự nộp hồ sơ, với tâm thế “được thì đi, không được thì tiếp tục làm việc”. May mắn là cuối cùng anh nhận được học bổng và chọn học tại SolBridge International School of Business.

Theo anh Thế Anh, SolBridge International School of Business đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực kinh doanh, đặc biệt là chứng nhận AACSB.

Theo anh Thế Anh, SolBridge International School of Business đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực kinh doanh, đặc biệt là chứng nhận AACSB.
Nguồn: SolBridge

Lý do anh chọn SolBridge cũng dựa trên sự phân tích rất “marketing”. Đây là một trường mới thành lập năm 2008, nằm ở thành phố Daejeon – miền Trung Hàn Quốc. Điều này mang lại hai lợi ích lớn: thứ nhất, trường có nhiều học bổng dành cho sinh viên Việt Nam; thứ hai, chi phí sinh hoạt tại Daejeon thấp hơn nhiều so với những thành phố lớn như Seoul hay Busan. Anh nhận thấy đây là một lựa chọn hợp lý để giảm áp lực tài chính nhưng vẫn có cơ hội học tập tại môi trường quốc tế.

Mặc dù xếp hạng của SolBridge thời điểm đó không cao, nhưng trường đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực kinh doanh, đặc biệt là chứng nhận AACSB – một chứng nhận uy tín dành cho các trường kinh doanh. Điều này khiến anh yên tâm hơn khi đưa ra quyết định.

Ngoài ra, anh cũng tận dụng cơ hội tham gia nhiều hoạt động tại trường để bù đắp cho những thiếu sót trong hồ sơ học tập đại học. Tại SolBridge, anh tham gia sản xuất các video marketing để giới thiệu trường đến sinh viên Việt Nam, đảm nhận vai trò hướng đạo sinh hỗ trợ sinh viên quốc tế mới và làm trợ giảng cho giáo sư.

* Anh có thể chia sẻ tổng quan về chương trình MBA mà anh đã theo học, bao gồm đối tượng học, mục tiêu đào tạo, cùng những điểm nhấn thú vị trong trải nghiệm học tập của anh tại Hàn Quốc?

Quyết tâm được đào tạo bài bản đã thôi thúc anh Thế Anh theo đuổi chương trình Thạc sĩ để bổ sung kiến thức và định hình lại con đường sự nghiệp của mình.

Chương trình MBA mà anh theo học tập trung vào các môn nền tảng như tài chính, marketing và quản lý – những lĩnh vực thiết yếu cho vai trò quản lý trong doanh nghiệp. Một điểm đặc biệt là thay vì chỉ cấp bằng MBA chung chung như nhiều trường khác, SolBridge cung cấp các chuyên ngành cụ thể như MBA in Marketing hay MBA in Finance. Đây chính là lý do anh chọn chương trình này, vì anh nhận thấy một chuyên ngành cụ thể sẽ giúp mình có lợi thế khi trở về Việt Nam, đặc biệt trong việc giảng dạy. Các trường đại học thường yêu cầu giảng viên phải có bằng Thạc sĩ chuyên ngành để dạy chuyên sâu và anh hiểu rằng nếu học một chương trình MBA tổng quát, mình sẽ không có đủ nền tảng để đi sâu vào một lĩnh vực cụ thể.

Tương tự như những chương trình MBA khác, trong năm đầu, anh học các môn cơ bản như kế toán, tài chính và đào sâu các môn chuyên ngành marketing vào năm thứ hai. Ngoài ra, anh còn tham gia các dự án thực tế với doanh nghiệp, giúp anh hiểu rõ hơn cách áp dụng lý thuyết vào thực tiễn.

Khi học tại SolBridge, anh nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ phía nhà trường ngay từ những ngày đầu, từ việc đón tại sân bay đến sắp xếp ký túc xá, tạo điều kiện để anh nhanh chóng ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, môi trường sống tại Hàn Quốc cũng đặt ra không ít thách thức, đặc biệt là rào cản ngôn ngữ. Vì Daejeon không phải thành phố lớn như Seoul nên phần lớn người dân ở đây giao tiếp bằng tiếng Hàn. Việc này cũng khiến anh không khỏi lo lắng và ngại giao tiếp nhưng đồng thời cũng trở thành động lực để anh học tiếng Hàn chăm chỉ hơn. Nhờ đó, anh không chỉ hòa nhập tốt mà còn có thể tự tin đi chơi, khám phá xung quanh.

Du học Marketing #18: Phan Thế Anh @ National Chiao Tung University – 10 năm tại các nền giáo dục hàng đầu Châu Á

Anh Thế Anh khoảng thời gian theo học tại SolBridge International School of Business.
Nguồn: NVCC

Một điều anh thấy rất thú vị ở chương trình MBA này là sự đa dạng về đối tượng học. Nhiều đồng môn của anh là các quản lý cấp cao từ những tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc như Samsung, SK. Việc học chung với họ vừa là cơ hội vừa là áp lực, vì họ có chuyên môn và kinh nghiệm dày dặn, trong khi anh mới đi làm được 1-2 năm. Áp lực này buộc anh phải chuẩn bị kỹ càng hơn, chăm chỉ hơn để không bị tụt lại trong các buổi thảo luận nhóm.

Ngoài ra, trường thường xếp các sinh viên từ nhiều quốc gia vào chung một nhóm để làm việc, giúp anh rèn luyện khả năng làm việc nhóm trong môi trường đa văn hóa và học hỏi thêm nhiều góc nhìn khác nhau.

* Song song với việc học Thạc sĩ tại Hàn Quốc, anh đã tham gia những hoạt động gì đáng nhớ? Những trải nghiệm này có ảnh hưởng hay giúp ích gì cho anh trong hành trình trở thành travel blogger sau này không?

Du học Marketing #18: Phan Thế Anh @ National Chiao Tung University – 10 năm tại các nền giáo dục hàng đầu Châu Á

Song song với việc học, anh Thế Anh cũng tham gia rất nhiều hoạt động khác.
Nguồn: NVCC

Song song với việc học, anh tham gia rất nhiều hoạt động khác, nhưng anh ưu tiên những công việc giúp mình học hỏi hơn là chỉ kiếm thêm thu nhập. Thay vì làm thêm tại các quán ăn hay cửa hàng như nhiều bạn khác, anh chọn làm trợ giảng cho giáo sư và hỗ trợ thư viện. Dù lương không cao, nhưng anh nhận ra rằng những công việc này giúp mình tích lũy kiến thức và kỹ năng thực tế nhiều hơn.

Ngoài ra, anh còn giữ vai trò chi hội trưởng của hội sinh viên Việt Nam tại trường, tư vấn và hỗ trợ các bạn sinh viên mới từ việc làm quen cuộc sống đến khám phá văn hóa Hàn Quốc. Nhờ những nỗ lực này, anh được mời tham gia Ban Chấp hành Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc, nơi anh có cơ hội gặp gỡ nhiều người Việt Nam đang học tập và làm việc tại đây. Những mối quan hệ này không chỉ giúp ích rất nhiều cho anh trong việc xây dựng cộng đồng mà còn mang lại giá trị lớn về sau. Ví dụ, trong công việc giảng dạy hiện tại, các mối quan hệ này giúp anh kết nối được với những người đang làm việc tại các công ty lớn, từ đó tạo cơ hội thực tế cho sinh viên của mình.

Về hành trình trở thành travel blogger, anh phải thừa nhận rằng thời gian học tại Hàn Quốc chính là “cái nôi” tôi luyện kỹ năng của mình. Khi còn ở Hàn, anh được trường giao nhiệm vụ sản xuất các video quảng bá để giới thiệu về trường tới sinh viên Việt Nam, giúp anh có cơ hội thử sức với việc quay phim và dựng video.

Sau đó, anh còn hỗ trợ một người bạn đang làm vlog tại Hàn Quốc bằng cách quay phim và chụp hình. Những kỹ năng đó trở thành tiền đề cho anh sau này khi bắt đầu làm blog cá nhân. Dù thực sự bắt đầu hành trình travel blogger vào thời gian học Tiến sĩ tại Đài Loan, nhưng những trải nghiệm tại Hàn Quốc đã giúp anh trau dồi kỹ năng, tự tin hơn và xây dựng nền móng “công việc” này.

Thời gian học tại Hàn Quốc chính là “cái nôi” tôi luyện kỹ năng trở thành travel blogger của anh Thế Anh.

Thời gian học tại Hàn Quốc chính là “cái nôi” tôi luyện kỹ năng trở thành travel blogger của anh Thế Anh.
Nguồn: NVCC

Du học Tiến sĩ tại Đài Loan: Chinh phục nghiên cứu học thuật

* Tại sao anh chọn Đài Loan là quốc gia tiếp theo cho chặng đường học thuật?

Ban đầu, anh từng nghĩ đến việc quay lại Hàn Quốc để học tiếp Tiến sĩ vì đã quen thuộc với môi trường. Tuy nhiên, anh muốn tìm kiếm một trải nghiệm khác biệt để mở rộng góc nhìn và nâng cao kỹ năng nghiên cứu – điểm yếu mà anh nhận ra từ chương trình MBA vốn tập trung nhiều vào tính thực tiễn. Sau khi cân nhắc, anh quyết định chọn National Chiao Tung University, một ngôi trường quốc lập thuộc Top 2 tại Đài Loan và nằm trong Top 200 thế giới. Đây là ngôi trường nổi tiếng với môi trường học tập thuần nghiên cứu học thuật, đặt nặng chỉ tiêu nghiên cứu khoa học và yêu cầu đầu ra khắt khe. Điều này khác biệt hoàn toàn với chương trình thực tiễn của MBA tại Hàn Quốc và là cơ hội để anh tập trung phát triển khả năng nghiên cứu chuyên sâu.

Lý do lớn khác là anh nhận được học bổng toàn phần tại Đài Loan, bao gồm cả sinh hoạt phí và các hỗ trợ từ trường lẫn khoa. Đây là yếu tố quyết định vì ở các quốc gia khác như Úc hay New Zealand, anh chỉ được nhận học bổng bán phần. Đồng thời, Đài Loan có những lớp học cơ bản dành cho người chưa có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu, giúp anh dần làm quen và xây dựng nền tảng. Đây là điểm rất khác so với các quốc gia Âu – Mỹ, nơi chương trình Tiến sĩ yêu cầu ứng viên phải có sẵn các công trình nghiên cứu hoặc kinh nghiệm học thuật dày dặn.

Một yếu tố nữa là trải nghiệm cá nhân. Lần đầu tiên anh đến Đài Loan vào năm 2015, anh rất ấn tượng với cảnh sắc, con người và sự tiện lợi từ việc mở đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và Đài Loan. Thời điểm đó, anh đã có dịp cảm nhận sự hiếu khách và văn hóa nơi đây, điều này khiến anh cảm thấy Đài Loan là lựa chọn đúng đắn cho hành trình tiếp theo.

Du học Marketing #18: Phan Thế Anh @ National Chiao Tung University – 10 năm tại các nền giáo dục hàng đầu Châu Á

National Chiao Tung University – một ngôi trường quốc lập thuộc Top 2 tại Đài Loan và nằm trong Top 200 thế giới.
Nguồn: National Yang-Ming Chiao Tung University

* Chương trình học Tiến sĩ tại Đài Loan như thế nào?

Chương trình Tiến sĩ của anh kéo dài 6 năm, với năm đầu tiên anh phải hoàn thành 36 tín chỉ thuần về nghiên cứu – tương đương 12 môn học. Đây là áp lực lớn vì nếu không hoàn thành đúng thời hạn, anh có thể mất học bổng. Do đó, anh đã dồn sức học hết toàn bộ các môn trong một năm đầu, đồng thời vẫn làm trợ giảng cho giáo sư để kiếm thêm kinh nghiệm. Việc sắp xếp thời gian giữa học và làm không hề dễ dàng, nhưng anh đã tận dụng tốt lịch dạy của giáo sư để không bị chồng chéo giữa hai việc.

Chương trình còn yêu cầu sinh viên Tiến sĩ phải vượt qua ba kỳ thi chuyên môn trong hai năm đầu, gọi là qualifying exams, để tiếp tục học. Đây là thử thách lớn vì chỉ cần trượt một kỳ thi là có nguy cơ bị loại khỏi chương trình. Lớp anh ban đầu có rất nhiều nghiên cứu sinh, nhưng sau hai năm chỉ vài người tiếp tục, các bạn khác đều không qua được kỳ thi.

Để tốt nghiệp, sinh viên phải hoàn thành một luận án Tiến sĩ và có ít nhất một bài nghiên cứu được đăng trên tạp chí khoa học thuộc top ngành. Đây là điểm khó nhất vì quá trình phản biện và xuất bản rất dài, đôi khi kéo dài 2-3 năm. Với anh, đó là khoảng thời gian đầy áp lực, nhưng cũng giúp anh phát triển khả năng nghiên cứu một cách đáng kể. Đến năm thứ 7, anh hoàn thành chương trình với ba công trình nghiên cứu khoa học được công bố trên các tạp chí uy tín.

Anh Thế Anh khoảng thời gian theo học tại National Chiao Tung University.

Anh Thế Anh khoảng thời gian theo học tại National Chiao Tung University.
Nguồn: NVCC

Đúc kết từ hành trình 10 năm du học Châu Á

* Anh có thể chia sẻ về sự khác biệt trong phương pháp giảng dạy và môi trường sống giữa Hàn Quốc và Đài Loan?

Phương pháp giảng dạy ở Hàn Quốc và Đài Loan mang những đặc trưng riêng, phản ánh mục tiêu đào tạo của từng quốc gia. Khi học Thạc sĩ tại Hàn Quốc, anh nhận thấy các chương trình tập trung mạnh vào tính thực tiễn và ứng dụng. Sinh viên thường được tham quan các doanh nghiệp lớn như Samsung, SK, hay tham gia các buổi chia sẻ từ chuyên gia đầu ngành. Một lần, anh được tham quan một nhà máy sản xuất quy mô lớn, trực tiếp thấy cách người ta ứng dụng chiến lược quản lý chuỗi cung ứng vào vận hành, điều này giúp anh hiểu sâu sắc hơn về việc áp dụng lý thuyết vào thực tế.

Ngược lại, chương trình Tiến sĩ tại Đài Loan lại đặt nặng vào nghiên cứu học thuật. Sinh viên không chỉ phải tham gia các môn học chuyên sâu mà còn cần xuất bản các công trình khoa học trên tạp chí quốc tế để đáp ứng yêu cầu tốt nghiệp. Ví dụ, trong quá trình học, anh phải tham dự nhiều hội nghị khoa học và xuất bản tối thiểu một bài báo trên tạp chí thuộc top ngành để đảm bảo đủ điều kiện tốt nghiệp. Điều này tạo áp lực lớn nhưng cũng là cơ hội để rèn luyện tư duy nghiên cứu chuyên sâu.

Khi chọn trường để du học Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ, bên cạnh việc xem xét chương trình học, xếp hạng của trường cũng cần được lưu tâm.

Về môi trường sống, cả Hàn Quốc và Đài Loan đều mang đậm nét văn hóa Châu Á, khá gần gũi với sinh viên Việt Nam. Tuy nhiên, mức sống tại Đài Loan thấp hơn, với chi phí ăn uống và sinh hoạt dễ chịu hơn. Anh đặc biệt ấn tượng với sự hỗ trợ sinh viên tại Đài Loan. Ví dụ, trong khuôn viên trường, các cửa hàng tiện lợi như 7-Eleven hay FamilyMart đều giảm giá 10% cho sinh viên. Ngoài ra, các nhà ăn trong trường cung cấp các bữa ăn chỉ từ 30.000-40.000 VNĐ, giúp sinh viên tiết kiệm chi tiêu đáng kể. Nhờ đó, sinh viên có thể tập trung hơn vào việc học mà không phải lo lắng nhiều về tài chính.

* Anh có thể chia sẻ một vài lời khuyên dành cho các bạn trẻ khi chọn trường và quốc gia để du học Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ?

Bên cạnh việc xem xét chương trình học của trường, bao gồm các yêu cầu đầu vào, điều kiện tốt nghiệp và thời gian hoàn thành như điều kiện tiên quyết, xếp hạng của trường cũng cần được lưu tâm.

Anh cho rằng các bạn nên ưu tiên các trường nằm trong Top 500-1.000 thế giới, hoặc tốt hơn là Top 200-300 nếu có điều kiện. Yếu tố này đặc biệt quan trọng với những bạn muốn trở thành giảng viên, vì nhiều trường đại học tại Việt Nam yêu cầu ứng viên tốt nghiệp từ các trường có thứ hạng cao để đảm bảo chất lượng giảng dạy.

Song song đó hãy kiểm tra kỹ xem chương trình học của trường có được các tổ chức kiểm định quốc tế hoặc cơ quan quản lý tại Việt Nam công nhận hay không để đảm bảo rằng bằng cấp của bạn sẽ có giá trị khi trở về làm việc tại Việt Nam, tránh lãng phí thời gian và công sức.

* Cảm ơn chia sẻ của anh!

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Lam Phương / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam