Chuyên gia chia sẻ 10 xu hướng truyền thông tiếp thị 2025
Năm qua đã chứng kiến những thay đổi đáng kể trong cách con người tiếp cận thông tin. Trong đó, trí tuệ nhân tạo (AI) và các thuật toán đã và đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc định hình hành vi của người tiêu dùng và cách thức các thương hiệu tiếp cận khách hàng. Ngành truyền thông tiếp thị 2025 đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ, đẩy các thương hiệu vào một kỷ nguyên mới đầy cơ hội và thách thức.
Từ sự phát triển vượt bậc của công nghệ đến sự thay đổi trong hành vi và nhu cầu của người tiêu dùng, mọi yếu tố đang khiến các chiến lược truyền thông phải linh hoạt và sáng tạo hơn bao giờ hết.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch MVV Group, trong khi trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh đang hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu hóa chiến dịch truyền thông tiếp thị thì gen Z, với thói quen tiêu dùng đặc biệt, cũng đang khẳng định vai trò quan trọng của mình trong việc quyết định xu hướng thị trường. Dưới đây là 10 xu hướng truyền thông tiếp thị trong năm 2025 đã được ông Sơn phân tích:
1.GenAI và cuộc cách mạng trong truyền thông tiếp thị
Nếu có một chủ đề “nóng hổi” nhất trong thời gian qua và tiếp tục sức nóng của nó cho nhiều năm sau nữa, đó chắc chắn là AI tạo sinh và cuộc cách mạng mà nó mang đến. GenAI sẽ trở thành trung tâm của mọi hoạt động truyền thông tiếp thị, từ nghiên cứu, xây dựng chiến lược, thiết kế, sản xuất đến triển khai. Công nghệ này giúp phân tích dữ liệu nhanh và sâu hơn, dự đoán xu hướng chính xác, cá nhân hóa nội dung đến từng khách hàng và tự động hóa chiến dịch theo thời gian thực. GenAI không chỉ tối ưu hóa hiệu quả mà còn giảm chi phí, mở ra cơ hội cạnh tranh mới cho cả doanh nghiệp lớn lẫn nhỏ. Học tập và ứng dụng AI tạo sinh sẽ là chủ đề được quan tâm nhiều nhất trong năm tới.
2. Cá nhân hoá hoạt động marketing-truyền thông
Sự phát triển của GenAI sẽ biến tiếp thị cá nhân hóa trên quy mô lớn thành hiện thực, giúp các thương hiệu tập trung sâu hơn vào từng tiểu phân khúc khách hàng. Dù chưa đạt đến mức cá nhân hóa hoàn toàn từng cá nhân, nhưng các chiến dịch truyền thông sẽ ngày càng được tối ưu hóa để phù hợp với những nhóm khách hàng có đặc điểm và nhu cầu tương đồng. Quá trình thử nghiệm này không chỉ cải thiện hiệu quả mà còn tăng khả năng kết nối và xây dựng lòng trung thành với khách hàng.
3.Nhiều thử nghiệm hơn trong nỗ lực định hình truyền thông tiếp thị cho GenZ
Sức mua và sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Gen Z buộc các thương hiệu lớn phải nỗ lực tiếp cận nhóm khách hàng này, nhưng họ vẫn loay hoay định hình chiến lược kênh và nội dung tối ưu cho thế hệ khó nắm bắt. Khoảng cách thế hệ giữa đội ngũ marketing trong doanh nghiệp – chủ yếu thuộc Millennials hoặc Gen Y – và Gen Z dẫn đến việc thiếu rõ ràng trong việc thấu hiểu thói quen tiêu dùng và khẩu vị truyền thông của nhóm này. Hệ quả là các thương hiệu phải dựa vào quá trình thử nghiệm liên tục, đối mặt với cả thành công lẫn thất bại, để tìm ra công thức phù hợp.
4. Tiếp tục xu hướng truyền thông tiếp thị qua giải trí
Xu hướng giải trí tiếp tục giữ vị trí trung tâm trong các chiến lược truyền thông và tiếp thị, như tôi đã dự đoán từ năm trước. Thành công vang dội của những chương trình như Anh Trai vượt ngàn chông gai, Anh Trai Say Hi là minh chứng rõ ràng cho nhu cầu cao của khán giả đối với nội dung giải trí. Trong bối cảnh kinh tế vẫn còn bất ổn, người tiêu dùng tìm đến giải trí không chỉ để thư giãn mà còn để thoát khỏi áp lực và căng thẳng thường ngày. Điều này thúc đẩy các thương hiệu đầu tư mạnh mẽ hơn vào nội dung mang tính giải trí, từ hợp tác với các chương trình đình đám đến tạo ra những hình thức giải trí sáng tạo mới. Thế nhưng, thách thức ở đây không chỉ là “chạy theo” xu hướng, mà còn phải đảm bảo nội dung phù hợp với giá trị thương hiệu, tạo được sự kết nối lâu dài với khán giả trong khi vẫn giữ được tính cạnh tranh trong một thị trường đang ngày càng sôi động. Trong khi trong năm ngoái, các thương hiệu tập trung cho nhận thức, thì trong năm nay, họ phải tập trung cho chuyển đổi từ nhận thức đến tác động vào nhóm khách hàng của các chương trình giải trí đại chúng.
5. Tiếp thị giác quan (sensory marketing) và tiếp thị giọng nói bắt đầu định hình
Một thế hệ mới ngày càng "lười" đang định hình cách các thương hiệu xây dựng chiến lược tiếp thị. Họ mong đợi mọi trải nghiệm đều nhanh chóng, tiện lợi và ít đòi hỏi nỗ lực. Sự thay đổi này mở ra cơ hội lớn cho tiếp thị giác quan (sensory marketing) – nơi các thương hiệu sử dụng âm thanh, hình ảnh, mùi hương, và xúc giác để tạo ra trải nghiệm sâu sắc và dễ tiếp nhận hơn. Các chiến dịch giờ đây không chỉ truyền tải thông điệp, mà còn kích thích giác quan, giúp người tiêu dùng “cảm nhận” thương hiệu theo cách tự nhiên và dễ chịu nhất.
Trong bối cảnh đó, tiếp thị qua giọng nói nổi lên như một công cụ đắc lực, khi công nghệ ngày càng đáp ứng được nhu cầu tương tác thông qua âm thanh. Những ứng dụng như ChatGPT tích hợp giọng nói đang thay đổi cách người dùng giao tiếp và tiếp cận thông tin, đặc biệt với thế hệ ưa chuộng sự tương tác tự nhiên, không cần gõ hay đọc quá nhiều. Từ việc tìm kiếm sản phẩm, đặt hàng qua giọng nói, đến việc sử dụng trợ lý ảo để cá nhân hóa trải nghiệm, giọng nói trở thành cầu nối trực tiếp giữa thương hiệu và người tiêu dùng, mang lại sự tiện lợi và cảm giác gần gũi hơn bao giờ hết.
6. Người ảnh hưởng tiếp tục bành trướng sang lĩnh vực doanh nghiệp
Năm 2025, xu hướng Business Influencer Marketing (BI) sẽ tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng, như tôi đã dự đoán từ năm trước. Khi các kênh truyền thông earned và paid tiếp tục giảm hiệu quả vì sự bão hòa và thiếu lòng tin từ người tiêu dùng, vai trò của owned media (các kênh thuộc sở hữu của doanh nghiệp) và shared media (các kênh chia sẻ từ cộng đồng) trở nên nổi bật hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh này, việc xây dựng các business influencers – những nhà lãnh đạo, chuyên gia trong tổ chức – là chiến lược tất yếu để tận dụng sức mạnh của các kênh owned và shared.
Những doanh nghiệp như FPT là minh chứng rõ ràng cho sự thành công của mô hình này khi các nhà lãnh đạo của họ đã trở thành các gương mặt BI uy tín, không chỉ dẫn dắt thương hiệu mà còn tạo ra giá trị thực tiễn cho ngành. Năm 2025, doanh nghiệp sẽ không chỉ dừng lại ở việc phát triển cá nhân lãnh đạo mà còn khuyến khích nhiều nhân sự chủ chốt trong tổ chức tham gia vào việc xây dựng thương hiệu cá nhân. BI sẽ là cầu nối để tăng cường uy tín thương hiệu, thu hút lòng tin của khách hàng và thúc đẩy sự tương tác với cộng đồng. Xu hướng này phản ánh một sự chuyển dịch lâu dài trong cách doanh nghiệp tiếp cận và duy trì mối quan hệ với các bên liên quan trong bối cảnh truyền thông ngày càng phân mảnh.
7. Tìm cách “hợp lưu” với dòng chảy truyền thông chính thống của đất nước
Năm 2025, bối cảnh chính trị tại Việt Nam đang trải qua những biến động mạnh mẽ với những thay đổi mang tính cách mạng trong các diễn ngôn chính trị. Các chủ đề như chống lãng phí, tinh giản bộ máy hành chính, và những bước chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc đã trở thành tâm điểm của các cuộc thảo luận xã hội và chính trị. Đây không chỉ là những chủ trương chiến lược của nhà nước, mà còn là những yếu tố tác động mạnh đến nhận thức và kỳ vọng của công chúng.
Trong bối cảnh này, giọng điệu của các doanh nghiệp sẽ phải thay đổi đáng kể để đồng bộ với tinh thần thời đại. Những thông điệp nhấn mạnh vào sự hiệu quả, tính minh bạch, và tinh giản sẽ trở thành ưu tiên trong các chiến dịch truyền thông. Việc khéo léo thể hiện cam kết đồng hành cùng các mục tiêu chung của quốc gia sẽ không chỉ giúp các thương hiệu tránh được rủi ro dư luận, mà còn tạo ra sự đồng cảm và lòng tin từ phía khách hàng cũng như cộng đồng. Điều này đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cách doanh nghiệp xây dựng hình ảnh và tương tác với xã hội.
8. Hệ thống báo chí truyền thống trong bước chuyển mình mới
Năm 2025, việc tinh giản bộ máy hành chính và cơ cấu lại các cơ quan truyền thông truyền thống sẽ tạo ra những biến động đáng kể trong ngành truyền thông. Dù không đến mức "tê liệt," nhưng sự giảm thiểu quy mô và nguồn lực sẽ khiến các hoạt động của các cơ quan báo chí truyền thống gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì chất lượng và tốc độ phản ánh thông tin. Hậu quả là một số lượng lớn phóng viên và biên tập viên sẽ phải rời bỏ vị trí quen thuộc, tìm kiếm cơ hội mới trong các lĩnh vực khác, đặc biệt là truyền thông tiếp thị và nội dung số.
Những thay đổi này sẽ kéo theo nhiều hệ lụy quan trọng. Đầu tiên, thị trường lao động ngành truyền thông sẽ trở nên cạnh tranh hơn bao giờ hết, với sự gia tăng đột biến của lực lượng lao động có kinh nghiệm nhưng đang phải thích nghi với môi trường mới. Điều này có thể dẫn đến việc định giá lại giá trị lao động trong ngành, đặc biệt là các kỹ năng viết lách, phân tích và quản lý nội dung.
Thứ hai, khoảng trống thông tin do sự suy giảm của báo chí truyền thống sẽ được lấp đầy bởi các nền tảng kỹ thuật số và mạng xã hội, nơi mà các doanh nghiệp và tổ chức phải tự sản xuất và phân phối nội dung. Điều này đòi hỏi các thương hiệu không chỉ đầu tư mạnh vào năng lực sáng tạo nội dung mà còn phải cẩn trọng hơn trong việc kiểm soát chất lượng và tính chính xác của thông điệp.
Cuối cùng, việc chuyển dịch nhân sự sang các lĩnh vực mới cũng tạo ra cơ hội để ngành truyền thông tiếp thị khai thác nguồn lực giàu kinh nghiệm từ báo chí. Tuy nhiên, doanh nghiệp trong ngành này cũng cần giữ ổn định nội bộ để tránh tình trạng nhân sự đổ xô sang những lĩnh vực tưởng chừng “an toàn” hơn, gây mất cân bằng trong đội ngũ. Đây là thời điểm để các tổ chức đánh giá lại chiến lược nhân sự và năng lực thích nghi, nhằm tận dụng tối đa cơ hội trong bối cảnh mới.
9. ESG bị giảm ưu tiên trong truyền thông
Năm 2025, với sự trở lại của Tổng thống Trump và những thay đổi trong định hướng chính sách của chính quyền, discourse về ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị) đang trải qua một giai đoạn thoái trào. Chính quyền Trump nổi tiếng với quan điểm ưu tiên thúc đẩy sản xuất nội địa và giảm bớt các rào cản pháp lý, đặc biệt là trong lĩnh vực môi trường. Quan điểm này đã khiến các doanh nghiệp tại Mỹ – và cả những doanh nghiệp toàn cầu chịu ảnh hưởng – phải chuyển sự chú ý từ các cam kết bền vững sang ưu tiên ngắn hạn hơn, tập trung vào việc duy trì sản xuất, tối ưu hóa chi phí, và bảo vệ lợi nhuận trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động.
Hệ quả là ESG không còn là một "mode" như trong những năm gần đây, khi mà các sáng kiến xanh và phát triển bền vững từng được xem như chiến lược trọng tâm để xây dựng giá trị thương hiệu và thu hút đầu tư. Các doanh nghiệp hiện nay phải đối mặt với áp lực tồn tại trong điều kiện nguồn lực bị siết chặt, từ đó dẫn đến việc giảm ưu tiên cho các hoạt động ESG vốn đòi hỏi đầu tư lớn và mang lại lợi ích lâu dài hơn là ngay lập tức.
Tuy nhiên, sự thoái trào này không đồng nghĩa với việc ESG sẽ biến mất hoàn toàn. Các thị trường ngoài nước Mỹ, đặc biệt là châu Âu và châu Á, nơi vẫn duy trì các chính sách khắt khe về bền vững, sẽ tiếp tục yêu cầu các tiêu chuẩn ESG cao. Điều này đặt ra thách thức kép cho các doanh nghiệp hoạt động xuyên biên giới: vừa phải đáp ứng các kỳ vọng khác nhau giữa các thị trường, vừa phải cân đối nguồn lực để đảm bảo tính cạnh tranh trong bối cảnh tập trung vào tồn tại.
Đối với truyền thông tiếp thị, sự thay đổi discourse về ESG có nghĩa là các thương hiệu cần điều chỉnh giọng điệu và thông điệp của mình. Thay vì những tuyên bố lớn lao về bền vững, các chiến dịch sẽ tập trung hơn vào hiệu quả kinh tế, tạo giá trị trực tiếp, và những cam kết thực tế, dễ đo lường. Đây là thời điểm để doanh nghiệp tái định nghĩa sự bền vững không chỉ qua lăng kính môi trường, mà còn qua sự bền vững trong vận hành và lợi ích cho cộng đồng.
10. Khủng hoảng truyền thông tiếp tục là chủ đề nóng
Những thay đổi về chính sách, các diễn ngôn chính là cho thấy 2025 tiếp tục là thời điểm cao trào của các cuộc khủng hoảng truyền thông, khi mọi sai lầm trong phát ngôn hoặc hành động của doanh nghiệp dễ bị khuếch đại và chỉ trích mạnh mẽ. Với sự nhạy cảm chính trị và sức nóng từ các chủ đề xã hội, doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ lưỡng hơn bao giờ hết, từ xây dựng kịch bản xử lý khủng hoảng đến đào tạo phát ngôn viên. Đây là bài kiểm tra lớn về năng lực quản trị truyền thông, nơi sự cẩn trọng và nhạy bén sẽ quyết định việc bảo vệ hoặc mất đi danh tiếng.