We Are Social: 4 xu hướng social media có thể sẽ định hình năm 2025
Trong bối cảnh không gian số giờ đây lúc nào cũng tràn ngập các xu hướng, thông báo hiện lên liên tục, ngày càng nhiều người dùng cảm thấy quá tải với thông tin. Thực tế, cứ 4 người dùng internet thì có 1 người thừa nhận bị choáng ngợp bởi thế giới số mà họ đang tham gia. Mạng xã hội, từng là nơi mang lại giá trị tích cực, giờ đây lại trở thành nguồn cơn của sự cạn kiệt năng lượng. Tuy nhiên, một thế hệ người dùng mới đang nổi lên, với quyết tâm tìm lại niềm vui từ các nền tảng này.
Theo báo cáo “Think Forward 2025: The Liveable Web” của We Are Social, người dùng dần chống lại văn hóa “càng nhiều càng tốt” đang thống trị hiện nay. Thay vì chạy theo áp lực phải sản xuất nội dung không ngừng, bắt kịp các “trend” chóng vánh và cố đạt những mục tiêu khó với tới, họ đang hướng tới một không gian mạng có ý nghĩa hơn. Niềm vui không còn gắn liền với việc phải đuổi kịp xu hướng nào đó, mà là sự ưu tiên cho việc tiêu dùng có ý thức và cảm nhận cuộc sống chân thực.
Dưới đây là 4 xu hướng nổi bật mà các thương hiệu có thể khai thác trong năm 2025 để tham gia vào hành trình tái thiết lập không gian mạng.
* Bài viết được lược dịch dựa từ nội dung gốc “5 social media trends that will define 2025” đăng trên Marketing Interactive, và lồng ghép một số quan điểm riêng của người viết.
1. Less is more – Tối giản và chân thật
Khi cả thế giới số và thế giới thực đều trở nên quá tải, người dùng đang tìm kiếm những thương hiệu mang lại văn hóa trực tuyến có tính giải trí nhẹ nhàng – một nơi trú ẩn trước những áp lực hàng ngày. Không gian mạng, vì thế, đang được định hình lại như một chốn để thoát ly và giải tỏa. Đồng thời, các nền tảng “ít áp lực” như Pinterest cũng chứng kiến sự gia tăng đáng kể về lượt đăng ký.
Trên không gian trực tuyến, các hoạt động tôn vinh việc chăm sóc bản thân và tìm kiếm những niềm vui nhỏ nhặt trong một ngày dài đang thu hút sự chú ý của Gen Z. Những điều này thúc đẩy sự hình thành của các cộng đồng mới và truyền cảm hứng qua những bài hát có giai điệu tích cực, nâng đỡ tinh thần.
Một thương hiệu nổi bật với triết lý “less is more” là Marc Jacobs. Thay vì tạo ra một thế giới mạng xã hội được kiểm soát kỹ lưỡng và không có chút khuyết điểm nào, thương hiệu đã để các nhà sáng tạo và micro-influencers tự do đăng tải những nội dung không có quá nhiều kỹ thuật cầu kỳ nhưng vui nhộn và dễ tiếp cận lên trang của mình. Kết quả là thương hiệu đã có một tài khoản đầy ngẫu hứng, năng động và được yêu thích nhờ có “vibes” tích cực.
Năm 2025, các thương hiệu có thể khai thác yếu tố ngẫu nhiên để kết nối thực sự với nhóm người dùng “nghiện online”. Điều này đòi hỏi việc lắng nghe, theo dõi văn hóa và thấu hiểu cộng đồng để giải mã những xu hướng ngẫu nhiên, từ đó sáng tạo các nội dung ngắn gọn, sẵn sàng gây bão mạng.
Ngoài ra, các thương hiệu nên để lại không gian cho sự tự phát trong chiến lược nội dung, tận dụng những điều kỳ quặc, độc đáo và thú vị. Một cách khác là sử dụng công cụ quản lý cộng đồng để tôn vinh các nội dung ấm áp và tích cực. Hợp tác với những nhà sáng tạo truyền cảm hứng và tạo ra kết nối chân thực là cách đơn giản để các thương hiệu lan tỏa “vibes” tốt đẹp trên không gian mạng.
2. Tiêu dùng có chủ đích
Trước đây, địa vị xã hội của một người thường gắn liền với khả năng chi tiêu xa xỉ. Tuy nhiên, một làn sóng người dùng mới đề cao tính bền vững hơn là việc chi tiêu phung phí đang tạo ra một câu chuyện hoàn toàn khác. Nhận thấy tác động tích cực của xu hướng này, 66% marketer đã tăng cường các thông điệp về đạo đức và bền vững trong nội dung đăng trên mạng xã hội của họ vào năm 2024 so với năm trước.
Các thương hiệu có thể tận dụng xu hướng này bằng việc nhấn mạnh cách mà sản phẩm của họ có thể trở thành một phần ý nghĩa trong cuộc sống của người tiêu dùng, thay vì chỉ là sản phẩm sử dụng qua một lần rồi bỏ đi. Họ cũng có thể tạo nội dung thừa nhận những thách thức kinh tế hiện tại, đồng thời tìm cách chứng minh rằng, ngay cả trong hoàn cảnh tài chính eo hẹp, sản phẩm của thương hiệu vẫn là lựa chọn đáng giá.
Ví dụ, thương hiệu E.l.f. Cosmetics đã giảm bớt áp lực buộc phải mua sắm đối với người tiêu dùng bằng cách tập trung vào niềm vui mà các sản phẩm của thương hiệu mang lại, khai thác những hành vi và thói quen tích cực liên quan đến việc sử dụng mỹ phẩm. Hay tại Việt Nam, nhiều thương hiệu như Cocoon, Phê La, KATINAT… cũng từng thực hiện các chiến dịch truyền thông xoay quanh chủ đề tái chế, khuyến khích khách hàng sau khi dùng hết sản phẩm có thể tái sử dụng hộp đựng/ly đựng với đa mục đích như trồng cây, làm hộp đựng bút…
Tựu trung lại, thương hiệu có thể truyền tải thông điệp về những niềm vui lâu dài khi sở hữu sản phẩm, vượt xa sự phấn khích ban đầu. Điều này có thể được thể hiện qua việc chia sẻ những câu chuyện về các món đồ đã được sử dụng lâu dài nhưng vẫn mang lại niềm vui, từ đó tôn vinh giá trị bền bỉ và tính kết nối mà thương hiệu mang lại.
3. Xây dựng các “huyền thoại” đương đại (Modern mythmaking)
We Are Social định nghĩa “Modern mythmaking” là một không gian nơi mà những câu chuyện được hình thành và lan truyền không chỉ qua các nội dung chính thức mà còn thông qua các lý thuyết do cộng đồng người hâm mộ tạo ra. Điều này phản ánh sự thay đổi trong hành vi người dùng: Họ không còn chỉ là người tiêu thụ thụ động mà đã trở thành những người tham gia tích cực trong việc tạo ra và chia sẻ các câu chuyện, quan điểm và những lý thuyết mới.
Một ví dụ thành công điển hình cho định nghĩa này là trường hợp của nữ ca sĩ Taylor Swift và studio A24. Taylor Swift thường xuyên đưa vào các chi tiết nhỏ như hình ảnh, câu thoại trong âm nhạc của mình để người hâm mộ có thể tìm ra và giải mã. Những gợi ý này giúp người hâm mộ cảm thấy như họ đang tham gia vào một câu chuyện bí mật mà chỉ có những người tinh ý mới khám phá được. Điều này tạo nên sự kết nối đặc biệt, giúp người hâm mộ cảm thấy họ là một phần quan trọng trong việc “giải mã” câu chuyện lớn đó.
Báo cáo cũng cho biết, 78% marketer đã sử dụng các thông tin từ bình luận của người tiêu dùng để xây dựng các chiến dịch sáng tạo. Một ví dụ tiêu biểu là thương hiệu chăm sóc da CeraVe khi tận dụng một chủ đề trên Reddit từ 10 năm trước. Cụ thể, khi đó đã có một nhóm người dùng thảo luận về việc liệu thương hiệu này có thuộc sở hữu của diễn viên Michael Cera hay không. CeraVe sau đó đã thật sự tung ra một chiến dịch quảng cáo với diễn viên Michael Cera, tạo nên sự kết nối mạnh mẽ với người hâm mộ.
Trong tương lai, các thương hiệu có thể tận dụng xu hướng này bằng cách “úp mở” các thông báo thay vì chỉ đơn giản cung cấp thông tin, đồng thời biến những khoảnh khắc gây bão thành trải nghiệm phục vụ người hâm mộ, giúp họ cảm thấy mình là một phần không thể thiếu trong câu chuyện thương hiệu.
4. Sự trỗi dậy của các cộng đồng người hâm mộ
Các nền tảng mạng xã hội ban đầu vốn được tạo ra để kết nối người dùng, ngày nay lại chọn giữ chân khán giả bằng những nội dung giải trí. Trong một thế giới ngày càng phân hóa, người dùng đang khao khát sự gắn kết chặt chẽ hơn với nhau, thúc đẩy một không gian mạng mới.
Sự khao khát này đã mở đường cho những hình thức gắn kết trực tuyến mới. Người dùng tham gia vào các cộng đồng người hâm mộ (fandom) nhiều hơn bao giờ hết, không chỉ vì sở thích cá nhân mà còn để tìm kiếm cảm giác được là một phần của điều gì đó lớn lao hơn bản thân. Đáp ứng xu hướng này, các marker đang tạo ra những trải nghiệm mang tính cá nhân hóa. Theo báo cáo, 61% nhà marketer toàn cầu đã áp dụng chiến lược kiểm soát quyền truy cập vào nội dung, chẳng hạn như các nhóm khách hàng riêng tư hoặc các kênh kín trên mạng xã hội.
Đến năm 2025, các thương hiệu có thể nuôi dưỡng cộng đồng một cách chủ động hơn để tạo cho người tiêu dùng cảm giác thuộc về và xây dựng lòng trung thành bền vững. Thương hiệu cũng có thể khai thác văn hóa sưu tập (collectible culture) để phát động các chiến dịch khuyến khích người dùng chia sẻ hành trình sưu tập của họ và kết nối với những người có cùng mối quan tâm. Khi sáng tạo nội dung, các thương hiệu nên chú trọng đến sự gắn kết và tính cộng đồng.
Ngoài 4 xu hướng trên, sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI), các chiều hướng mới trong việc tương tác với người tiêu dùng và những thay đổi do thuật toán thúc đẩy hứa hẹn sẽ định hình lại bức tranh truyền thông trong năm 2025. Do vậy, thương hiệu cần xây dựng chiến lược truyền thông tập trung vào tính cá nhân hóa, khai thác nền kinh tế sáng tạo và xây dựng các hệ sinh thái kết nối, từ đó tìm ra những không gian mới để phát triển.
Theo Phố Hương / Brands Vietnam
* Nguồn: Marketing-Interactive