Cốc Cốc: Xu hướng tuyển sinh 2025 – Thấu hiểu nhu cầu để dẫn đầu thị trường
Giáo dục là nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững của xã hội và mỗi cá nhân. Khi nền kinh tế không ngừng mở rộng thì nhu cầu về chất lượng giáo dục cũng ngày càng tăng, mở ra nhiều cơ hội cho các trường học và tổ chức giáo dục. Tuy nhiên, sự thay đổi trong xu hướng tuyển sinh cùng với sự khác biệt trong cách nhìn nhận của thí sinh và phụ huynh đang tạo ra những thách thức mới cho thị trường, đòi hỏi các đơn vị giáo dục cần thấu hiểu và thích ứng.
Nhằm mang đến góc nhìn toàn diện về thị trường tuyển sinh tại Việt Nam, Cốc Cốc đã thực hiện nghiên cứu trên cơ sở dữ liệu của hơn 30 triệu người dùng và khảo sát trực tuyến với 1.756 đáp viên. Báo cáo sẽ cung cấp những thông tin chi tiết và cập nhật, từ tổng quan thị trường đến phân tích sâu sắc dưới góc nhìn của thí sinh và phụ huynh, giúp các tổ chức giáo dục nắm bắt cơ hội và xây dựng chiến lược phù hợp.
Các từ khóa tìm kiếm xoay quanh chủ đề tuyển sinh
Khảo sát cho thấy các chủ đề được quan tâm nhiều nhất bao gồm Thông tin tuyển sinh, phương thức xét tuyển, kỳ thi THPTQG, ĐGNL, điểm chuẩn và các loại hình đào tạo.
Về thông tin tuyển sinh, lượng tìm kiếm các từ khóa cũng có chu kỳ tăng giảm rõ rệt. Cụ thể, xu hướng tìm kiếm bắt đầu tăng mạnh vào thời điểm đầu năm (tháng 1-4), đạt đỉnh điểm vào tháng 5-6, sau đó giảm mạnh từ tháng 7 trở đi. Giai đoạn tháng 9-12 ghi nhận ít lượng tìm kiếm hơn do các hoạt động tuyển sinh đã kết thúc.
Về các phương thức xét tuyển, hành vi tìm kiếm tăng mạnh vào đợt cao điểm của mùa tuyển sinh (tháng 5-6 hàng năm), sau đó giảm dần và thấp điểm vào tháng 10 - 12
Về kỳ thi THPTQG và ĐGNL, cao điểm tìm kiếm rơi vào mùa chuẩn bị thi cử (tháng 6-7), sau đó giảm mạnh vào cuối năm khi kỳ thi đã kết thúc và công bố kết quả.
Về điểm thi và điểm chuẩn, lượng tìm kiếm tăng đỉnh điểm vào thời điểm tháng 7. Đây cũng là thời điểm các trường trả điểm thi, sau đó xu hướng tìm kiếm giảm mạnh vào các tháng cuối năm.
Về các loại hình đào tạo, xu hướng tìm kiếm từ khóa “đại học”, “học viện”, “cao đẳng” tăng mạnh vào mùa tuyển sinh (tháng 5-8), sau đó giảm dần. Trong khi đó, từ khóa “trung cấp” và “cao học” lại ít biến động hơn.
Hành vi lựa chọn trường và ngành học
1. Lựa chọn trường theo trình độ đào tạo
Trình độ Đại học/Học viện hiện đang là lựa chọn thu hút sự quan tâm nhiều nhất từ phụ huynh và học sinh, chiếm tỷ lệ gần 65%. Ngoài ra, có tới hơn 13% phụ huynh, học sinh và sinh viên bày tỏ sự quan tâm đến các chương trình Cao học, phản ánh xu hướng gia tăng nhu cầu nâng cao trình độ học vấn.
- Học sinh vẫn ưu tiên lựa chọn các chương trình Đại học/Học viện, trong khi phụ huynh có xu hướng cân nhắc đa dạng các phương án khác cho con em mình như Cao đẳng, Dạy nghề.
- Học sinh có học lực khá và giỏi dành sự quan tâm đặc biệt đến trình độ đào tạo Đại học/Học viện, với tỷ lệ tương ứng là 64% và 71%.
2. Lựa chọn đa dạng phương thức xét tuyển Đại học/Học viện
Trung bình mỗi đáp viên tham gia khảo sát đều lựa chọn hơn 2 phương thức xét tuyển vào Đại học/Học viện. Trong đó, phương thức xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia tiếp tục là lựa chọn phổ biến nhất, với 60% đáp viên lựa chọn. Các phương thức khác như xét học bạ, thi Đánh giá năng lực và Xét tuyển kết hợp cũng nhận được sự quan tâm đáng kể, cho thấy xu hướng đa dạng hóa trong lựa chọn xét tuyển.
- Miền Bắc quan tâm đến phương thức xét chứng chỉ quốc tế nhiều hơn hẳn so với hai miền còn lại.
- Học sinh Giỏi quan tâm nhiều phương thức khác nhau, nổi bật là phương thức kết hợp, Đánh giá năng lực và xét tuyển thẳng. Học sinh Khá đặc biệt ưu tiên xét điểm thi THPT (62%) và ĐGNL (37%). Trong khi đó, học sinh Trung bình tập trung nhiều vào hình thức xét học bạ (47%).
3. Lựa chọn trường theo hình thức quản trị
Có tới gần 60% học sinh sinh viên và phụ huynh lựa chọn trường công lập. Trong đó, hệ Đại học/Học viện chiếm phần lớn với tỷ lệ 65%. Đối với trình độ Cao học, các trường nước ngoài nhận được ưu tiên lớn nhất, chiếm 30%. Trong khi đó, trường liên kết quốc tế được cân nhắc nhiều hơn ở bậc Cao đẳng và Dạy nghề, còn trường dân lập nhận được nhiều lựa chọn hơn ở bậc Trung cấp.
4. Lựa chọn trường theo hình thức đào tạo
Hình thức đào tạo trực tiếp vẫn chiếm ưu thế với hơn 81% đáp viên bình chọn, trong khi đó, chỉ có gần 19% quan tâm đến hình thức học từ xa.
- Tại miền Bắc, hình thức học trực tiếp vẫn chiếm ưu thế với 84%, trong khi đó, miền Nam và miền Trung ghi nhận tỷ lệ lựa chọn học từ xa cao hơn miền Bắc.
- Học trực tiếp tiếp tục là hình thức đào tạo được ưu tiên ở tất cả các trình độ, đặc biệt tại bậc Đại học/Học viện với tỷ lệ 87%. Trái lại, bậc Cao đẳng và Dạy nghề lại lựa chọn hình thức học từ xa nhiều hơn.
Tiêu chí lựa chọn trường của học sinh sinh viên và phụ huynh
Có nhiều yếu tố khác nhau cần cân nhắc trước khi lựa chọn trường học, trong đó, cơ hội việc làm sau tốt nghiệp là yếu tố được quan tâm hàng đầu, chiếm tỷ lệ 51%. Các tiêu chí khác như ngành và chương trình đào tạo, chi phí và học bổng cũng được quan tâm nhiều, với tỷ lệ lần lượt là 47% và 43%.
Khảo sát cũng cho thấy 86% đáp viên đều tham khảo ý kiến từ người khác khi lựa chọn trường học. Trung bình mỗi đáp viên tham khảo ý kiến của 2 người trở nên. Trong đó, một nửa đáp viên chọn tham khảo ý kiến từ những học viên đã và đang theo học tại trường - những người có trải nghiệm thực tế nhất. Ngoài ra, ý kiến từ thầy cô, chuyên gia tư vấn tuyển sinh và người thân cũng đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng đáng kể đến quyết định cuối cùng.
Khi được hỏi về các ngành học được quan tâm nhất hiện nay, Kinh tế, Kinh doanh, cùng với Kỹ thuật và Công nghệ là những ngành học được đông đảo phụ huynh và học sinh ưu tiên lựa chọn. Bên cạnh đó, các ngành như Ngôn ngữ, Sư phạm, Y dược, Nghệ thuật, Đồ họa... cũng nhận được sự quan tâm đáng kể từ các đáp viên, phản ánh sự đa dạng trong xu hướng chọn ngành học.
Nắm bắt những thay đổi trong thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học 2025
Có hơn 1/2 học sinh và phụ huynh đã biết những thay đổi trong kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học năm 2025. Tỷ lệ “đã biết” giữa học sinh và phụ huynh cũng như giữa các vùng miền không có sự chênh lệch đáng kể, cho thấy thông tin về kỳ thi được tiếp cận đồng đều.
Với những đáp viên đã biết về những thay đổi trong tuyển sinh 2025, số đông (49%) cho rằng có khả năng sẽ thay đổi quyết định chọn trường/ ngành trong năm 2025. Tuy nhiên, vẫn có 32% cho rằng quyết định của họ ít hoặc không bị ảnh hưởng bởi thay đổi trong cách tuyển sinh.
Tác động của các điểm chạm truyền thông đến tuyển sinh
Quảng cáo trực tuyến chiếm ưu thế rõ rệt so với các phương tiện thông tin khác, với tỷ lệ 43%. Bên cạnh đó, quảng cáo truyền thống như TV, báo đài, rạp chiếu phim vẫn giữ vai trò quan trọng khi chiếm 41% trong việc tiếp cận thông tin.
Trong số các điểm chạm truyền thông trực tuyến, công cụ tìm kiếm, mạng xã hội và trang web của các trường là những nguồn thông tin quan trọng và phổ biến nhất được học sinh và phụ huynh sử dụng trong quá trình tìm hiểu và lựa chọn trường, chiếm tỷ lệ hơn 40%.
Báo cáo không chỉ là bức tranh phản ánh thực trạng và xu hướng tuyển sinh mà còn là công cụ đắc lực giúp các tổ chức giáo dục hiểu rõ hơn về nhu cầu của thị trường. Từ đó, họ có thể điều chỉnh chiến lược, nâng cao chất lượng dịch vụ và tạo ra những bước đột phá trong hoạt động tuyển sinh, góp phần xây dựng một nền giáo dục hiện đại, đáp ứng tốt sự phát triển của xã hội và mở ra nhiều cơ hội mới cho thế hệ tương lai.