7 hoạt động Ambient Advertising sáng tạo ở Việt Nam
Khi quảng cáo không còn chỉ gói gọn trong hình ảnh và khẩu hiệu trên biển bảng truyền thống, Ambient Advertising xuất hiện như một cách thức sáng tạo mới. Tận dụng các yếu tố xung quanh môi trường sống, các thương hiệu tại Việt Nam đã thực hiện những chiến dịch độc đáo, khiến người xem bất ngờ và dễ dàng kết nối với thông điệp thương hiệu.
Ambient Advertising: Khi quảng cáo hòa vào môi trường sống
Ambient Advertising, hay còn gọi là quảng cáo tận dụng môi trường, là hình thức sử dụng không gian và các yếu tố trong môi trường sống để truyền tải thông điệp thương hiệu một cách sáng tạo. Loại hình này thường thu hút sự chú ý nhờ việc khai thác các địa điểm độc đáo hoặc biến tấu những không gian quen thuộc (như nhà chờ xe buýt, đường phố) thành những trải nghiệm quảng cáo mới lạ.
Điểm đặc trưng của Ambient Advertising nằm ở việc phá vỡ các thói quen tiếp nhận thông tin quen thuộc của người xem. Có bốn yếu tố chính góp phần tạo nên sự khác biệt của loại hình này: tính sáng tạo, sự bất ngờ, sự gắn kết và sự tinh tế. Trong đó, sự tinh tế được thể hiện qua cách các yếu tố của môi trường được tận dụng khéo léo, mời gọi người xem chủ động “giải mã” thông điệp thay vì truyền tải trực diện.
Trên thế giới, nhiều chiến dịch Ambient đã gây tiếng vang nhờ ý tưởng táo bạo và những địa điểm quảng cáo “không ai ngờ tới”. Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc triển khai hình thức này gặp không ít thách thức, từ vấn đề giấy phép liên quan đến cảnh quan đô thị cho đến khó khăn trong thi công. Dù vậy, những hạn chế này lại trở thành động lực thúc đẩy các nhà sáng tạo nghĩ ra những cách tiếp cận mới lạ, vượt ra khỏi khuôn khổ của các biển quảng cáo thông thường.
Hãy cùng mình khám phá 7 chiến dịch Ambient Advertising thú vị tại Việt Nam.
Khi bạn vẫn còn một nửa chặng đường
Vào tháng 11/2024, Home Credit ra mắt chiến dịch quảng cáo ngoài trời với thông điệp “Cố được nửa rồi, còn nửa có Home Credit”. Thực hiện bởi The Friday Agency, chiến dịch sử dụng hình ảnh trực quan và sáng tạo, mô phỏng “một nửa” các món hàng phổ biến như tủ lạnh hoặc xe máy “mọc lên” từ vỉa hè.
Các tác phẩm này đóng vai trò như một phép ẩn dụ, đại diện cho những khát vọng tiêu dùng còn dang dở của khách hàng. Với sự hỗ trợ từ Home Credit, thương hiệu truyền tải thông điệp: Những điều tưởng chừng “không thể” có thể trở thành “có thể”, giúp hoàn thiện bức tranh tài chính cá nhân. Hình thức thể hiện độc đáo của chiến dịch đã thu hút sự chú ý và tương tác tích cực từ người dân tại các khu vực trưng bày.
Tri ân bác tài bằng quảng cáo thời gian thực
Vào tháng 8/2024, Grab đã tổ chức chuỗi hoạt động đặc biệt nhằm kỷ niệm 10 năm có mặt tại Việt Nam, trong đó nổi bật là một chiến dịch quảng cáo sáng tạo dành riêng để tri ân cộng đồng tài xế.
Một điểm nhấn trong chiến dịch là bảng quảng cáo ngoài trời được đặt trên một tuyến đường lớn tại TP.HCM. Bảng quảng cáo này có khả năng phát trực tiếp hình ảnh tài xế Grab ngay tại thời điểm họ chạy ngang qua khu vực. Camera tại cung đường sẽ ghi lại khoảnh khắc đó và chiếu trực tiếp lên bảng quảng cáo, tạo nên một trải nghiệm bất ngờ và thú vị cho cả tài xế lẫn người đi đường.
Ban đầu, nhiều người lầm tưởng đây là đoạn video được quay sẵn, nhưng nhanh chóng nhận ra nó đang “live” trong thời gian thực, đặc biệt khi nhìn thấy tài xế dừng xe tại ngã tư để nhận sự tri ân. Cách triển khai sáng tạo này không chỉ thu hút ánh nhìn của người qua đường mà còn lan truyền mạnh mẽ trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok hay Threads, tạo nên hiệu ứng cộng đồng tích cực.
“Lạc nhau” giữa bãi biển đông người
Tại các thành phố ven biển Việt Nam, bãi biển và công viên ven biển từ lâu đã là điểm hẹn lý tưởng của người dân và du khách. Với hơn 3.000 km đường bờ biển trải dài, những địa điểm này trở thành nơi gặp gỡ, thư giãn không thể bỏ qua.
Tuy nhiên, một thách thức lớn đối với các đối tác tài xế Grab khi đón khách hoặc giao đồ ăn là khó xác định chính xác vị trí của khách hàng, nhất là ở những con đường ven biển rộng lớn không có địa chỉ cụ thể. Điều này đôi khi dẫn đến việc giao hàng chậm trễ hoặc đơn hàng bị hủy.
Để giải quyết vấn đề này, Grab đã triển khai sáng kiến ghế đá “Tìm tôi ở đây”. Mỗi chiếc ghế được đánh số và tích hợp mã QR, đóng vai trò như một điểm định vị rõ ràng trên ứng dụng Grab. Người dùng chỉ cần quét mã QR trên ghế, truy cập ứng dụng và chọn ghế gần mình nhất làm điểm giao hàng hoặc đón xe. Điều này giúp tài xế dễ dàng tìm đúng vị trí mà không mất nhiều thời gian. Sáng kiến này không chỉ cải thiện đáng kể trải nghiệm của khách hàng mà còn tối ưu hóa quy trình giao nhận hàng hóa, đặc biệt tại các khu vực du lịch nhộn nhịp.
Chiếc “beerboard” đầu tiên thưởng bia cho người dùng
Năm 2022, Carlsberg kỷ niệm hành trình 175 năm ủ luyện chất bia với thông điệp quen thuộc “Probably the best beer in the world”. Tuy nhiên, trước khi ăn mừng cột mốc đáng nhớ này, Carlsberg đối mặt với một thách thức lớn tại thị trường Việt Nam: mức độ nhận diện thương hiệu còn thấp. Tận dụng thực tế rằng tên thương hiệu nước ngoài thường bị phát âm sai, Carlsberg đã biến thách thức thành cơ hội để tạo dấu ấn độc đáo, đưa mình đến gần hơn với người tiêu dùng.
Hợp tác cùng Happiness Sài Gòn, Carlsberg triển khai chiến dịch truyền thông sáng tạo, trong đó nổi bật là chiếc “beer-board” đầu tiên tại Việt Nam. Thiết bị này cho phép người dùng thử đọc tên thương hiệu, và nếu phát âm chính xác, vòi rót bia tích hợp công nghệ nhận diện giọng nói sẽ rót ngay một ly bia lạnh miễn phí để người dùng thưởng thức tại chỗ. Hình thức quảng cáo mới lạ này không chỉ tăng độ nhận diện mà còn khuyến khích người tiêu dùng Việt Nam kết nối với thương hiệu bia Đan Mạch qua trải nghiệm thú vị và độc nhất.
Tê giác, voi quỳ “kêu cứu” ở sân chùa
Năm 2019, Tổ chức CHANGE và WildAid Việt Nam phát động chiến dịch bảo tồn động vật hoang dã mang tên “Không tạo thống khổ, ấy là cứu độ” tại chùa Vĩnh Nghiêm (TP.HCM). Chiến dịch gây ấn tượng mạnh với hình ảnh các bức tượng tê giác, tê tê, và voi trong tư thế quỳ gối, ánh mắt thảm thiết, đặt trước tượng Quan Thế Âm để kêu gọi sự che chở. Những bức tượng này mô phỏng thực trạng đau lòng của các loài động vật hoang dã bị săn bắn, như tê giác bị cắt sừng, tê tê bị lột vảy, và voi bị cưa ngà, nhằm cảnh tỉnh công chúng về vấn nạn tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã.
Theo anh Nguyễn Trần Tùng, Giám đốc Truyền thông của CHANGE, yếu tố tâm linh được khai thác trong chiến dịch này để tác động mạnh mẽ đến nhận thức, đặc biệt là những người có thói quen tiêu thụ sừng tê, ngà voi. Các bức tượng được thực hiện sinh động nhờ sự đóng góp của họa sĩ Phan Vũ Linh được trưng bày tại nhiều địa điểm tâm linh ở TP.HCM và các tỉnh khác.
Đi siêu thị ngay tại nhà chờ xe buýt
Từ năm 2019, VinMart (nay là WinMart) ra mắt siêu thị ảo “VinMart 4.0” và Cẩm nang mua sắm thông minh, lần đầu tiên đưa mô hình mua sắm từ xa vào Việt Nam. Dựa trên tính năng Scan&Go, triển khai thử nghiệm từ tháng 3/2019, giải pháp này cho phép khách hàng mua hàng mà không cần tới trực tiếp siêu thị. Trong thời gian ra mắt, VinMart Scan&Go đã mở rộng từ 13 lên 73 siêu thị trên toàn quốc, bổ sung nhiều mặt hàng, đặc biệt là đồ tươi sống và rau xanh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.
VinMart Scan&Go triển khai quảng cáo tại nhà chờ xe buýt ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Những nhà chờ này mô phỏng một siêu thị trực tuyến thu nhỏ, được thiết kế với mockup nổi 3D. Người dùng có thể trực tiếp quét mã QR các sản phẩm bên trong “siêu thị” để mua hàng nhanh chóng, tiết kiệm thời gian. Chiến dịch không chỉ tăng độ phủ thương hiệu mà còn tiếp cận hiệu quả nhóm khách hàng tiềm năng sử dụng xe buýt làm phương tiện di chuyển hàng ngày.
Bảng quảng cáo nhiều cảm xúc
Trong chiến dịch “Trao Coca-Cola trao cảm xúc” năm 2015, Coca-Cola đã sáng tạo ra một bộ biểu tượng cảm xúc độc đáo và triển khai trên nhiều nền tảng. Để tiếp tục thu hút sự chú ý của người dùng, thương hiệu đã mang các biểu tượng này lên các bảng quảng cáo ngoài trời.
Điểm đặc biệt là, mỗi khi đèn đỏ bật lên, bảng quảng cáo sẽ hiển thị những “lời hỏi thăm” và thông điệp ngộ nghĩnh, tương tác trực tiếp với người đi đường. Những biểu cảm ngẫu nhiên này không chỉ tạo sự bất ngờ mà còn khuyến khích người qua đường giao tiếp với nhau, biến những giây phút chờ đèn đỏ giữa trời nắng nóng trở nên thú vị và sống động hơn.
Sáng kiến này đã thành công trong việc tạo ra trải nghiệm mới mẻ, vừa mang lại cảm giác gần gũi, vừa khơi gợi những cảm xúc tích cực từ người qua đường.
Những chiến dịch kể trên cho thấy tiềm năng vô hạn của quảng cáo khi khéo léo lồng ghép vào hoàn cảnh và môi trường sống của người tiêu dùng. Không chỉ dừng lại ở việc truyền tải thông điệp, các thương hiệu đã tạo ra những trải nghiệm độc đáo, thu hút sự chú ý và gắn kết cảm xúc với người xem.
* Nguồn: Tổng hợp