Marketer Nhi Lương BRise Agency
Nhi Lương BRise Agency

Chief Operations Officer @ BRise Integrated Agency

Duolingo và bài học xây dựng thương hiệu từ Gamification trong lĩnh vực giáo dục

Duolingo và bài học xây dựng thương hiệu từ Gamification trong lĩnh vực giáo dục

Từng đứng trên bờ vực phá sản, Duolingo đã có cú lội ngược dòng ngoạn mục để trở thành ứng dụng học ngôn ngữ hàng đầu với hơn 500 triệu người dùng (theo công bố Duolingo trong quý I/2024). Không đơn giản là ứng dụng học ngôn ngữ, Duolingo còn ghi dấu ấn mạnh mẽ nhờ chiến lược marketing sáng tạo và độc đáo. Chú Cú Xanh “cục súc” nhưng đầy hài hước đã biến Duolingo thành công, khiến người dùng vừa yêu thích, vừa không thể rời xa.

Học ngôn ngữ luôn là thử thách đối với nhiều người. Sự nhàm chán, thiếu động lực và cảm giác chán nản khi không thấy tiến bộ là những rào cản phổ biến khiến người học dễ dàng bỏ cuộc. Hiểu rõ insight này, Duolingo đã sáng tạo và đổi mới, biến việc học ngôn ngữ từ một nhiệm vụ khô khan thành một hành trình thú vị và đầy cảm hứng.

Không chỉ là một ứng dụng giáo dục, Duolingo còn tạo dựng một không gian mà ở đó, mỗi lần học là một lần trải nghiệm – nơi giải trí, thử thách và sự hài hước hòa quyện, giúp người dùng không chỉ gắn bó mà còn thực sự yêu thích việc học ngôn ngữ.

Gamification – Học mà chơi, chơi mà học

Duolingo là minh chứng cho thấy việc học ngôn ngữ không khó nhằn hay áp lực khi áp dụng Gamification (trò chơi hóa), tạo nên trải nghiệm học tập độc đáo. Điều này không chỉ giúp người học cảm thấy vui vẻ mà còn khiến họ “nghiện” cảm giác chiến thắng mỗi ngày, biến thói quen học tập thành một hành trình thú vị.

Duolingo biến quá trình học ngôn ngữ thành một “game nhập vai”, nơi bạn chăm chỉ mỗi ngày để lên cấp, kiếm điểm, và mở khóa các thành tựu mới. Khi đạt được mục tiêu, bạn cảm thấy tự hào, “ngầu” hơn; nếu không hoàn thành, bạn lại cảm thấy “có lỗi”, điều này thúc đẩy người dùng quay lại ứng dụng mỗi ngày.

Duolingo biến việc học ngôn ngữ trở thành game vui nhôn, tăng thích thú khi học.

Duolingo biến việc học ngôn ngữ trở thành game vui nhộn, tăng thích thú khi học.

Thực tế, báo cáo của của TalentLMS về gamification trong giáo dục đã cho thấy khoảng 89% người cảm thấy hào hứng học tập hơn với Gamification, và các hệ thống gamified giúp 83% người dùng cảm thấy gắn bó hơn. Điều này giải thích tại sao Duolingo chọn xây dựng theo mô hình trò chơi nhập vai. Ứng dụng không chỉ giúp người học cảm thấy mình tiến bộ, mà còn tạo ra một hệ thống “thưởng phạt” tinh tế, khuyến khích sự nỗ lực liên tục.

Duolingo kích thích người học duy trì nhờ vào việc “hơn thua” và giữ chuỗi Streak.

Duolingo kích thích người học duy trì nhờ vào việc “hơn thua” và giữ chuỗi Streak.

Việc leo hạng không chỉ là động lực mà còn là yếu tố giữ chân người dùng hiệu quả. Một trong những “chiêu bài” đặc biệt của Duolingo là “Streak” (chuỗi ngày học liên tiếp). Đối với người học, streak không chỉ là một con số, mà là “danh dự”. Việc duy trì Streak tạo cảm giác trách nhiệm và tự hào, trong khi những huy hiệu nhỏ bé, tượng trưng cho các cột mốc quan trọng, lại mang đến sự phấn khích và cảm giác hoàn thành mục tiêu.

Không chỉ vậy, học trên Duolingo không hề cô đơn. Tính năng bảng xếp hạng hàng tuần cho phép người dùng “hơn thua” với bạn bè hoặc những người học khác, kích thích tâm lý cạnh tranh lành mạnh. Đặc biệt, Duolingo đã tạo nên bước đột phá với tính năng video luyện nói tích hợp công nghệ AI, cho phép người học thực hiện các cuộc hội thoại sống động với nhân vật ảo. Tính năng này không chỉ giúp cải thiện phát âm và kỹ năng giao tiếp thực tế mà còn mang lại cảm giác “học như thật”, biến mỗi buổi học thành một trải nghiệm tràn đầy hứng khởi và thành công.

Duolingo thu hút người học qua bảng xếp hạng kích thích cạnh tranh lành mạnh và video luyện nói tích hợp AI.

Duolingo thu hút người học qua bảng xếp hạng kích thích cạnh tranh lành mạnh và video luyện nói tích hợp AI.

Cú Xanh cục súc: Marketing bằng tính cách thương hiệu

Không đơn thuần là logo hay linh vật đại diện, Cú Xanh Duolingo còn là “nhân vật sống” rất có cá tính. Tính cách tuy có phần cục súc nhưng rất hài hước và dễ mến nên đã giúp Cú Xanh trở thành biểu tượng có sức hút riêng biệt cho thương hiệu này.

Cục súc nhưng hài hước là dấu ấn rõ nét của Duolingo, được thể hiện qua những dòng tweet, meme, và video đầy sáng tạo. Những nội dung này thường mang tính “cà khịa” duyên dáng, không ngại “gây hấn” với người học đã giúp phá vỡ khoảng cách giữa thương hiệu và người dùng. Đây cũng là lý do Duolingo luôn nổi bật trên mạng xã hội và thường được nhắc đến với các biệt danh vui nhộn như “kẻ đe dọa dễ thương” khi nhắc nhở người học mỗi ngày.

Minh hoạ tính cách Duolingo “đe doạ” người học khi quên duy trì.

Minh hoạ tính cách Duolingo “đe doạ” người học khi quên duy trì.

Không chỉ dừng lại ở thông báo trong ứng dụng, Duolingo còn lan tỏa tinh thần này qua các chiến dịch marketing khác. Những bảng quảng cáo ngoài trời (billboard) được đặt ở những khu vực đông đúc với thông điệp đầy châm biếm, chẳng hạn: “Chúng tôi biết bạn đã quên học bài”, “Cú Xanh vẫn đang chờ bạn mở app!”...

Duolingo và bài học xây dựng thương hiệu từ Gamification trong lĩnh vực giáo dục

Chiến lược content marketing “đeo bám” tại Billboard của Duolingo.

Cú Xanh không chỉ gây ấn tượng bởi tính cách “bá đạo” mà còn thu hút người dùng với diện mạo xanh lá đáng yêu khó cưỡng. Đặc biệt, hình ảnh của cú Duolingo được tinh chỉnh linh hoạt theo cấp độ và hành trình học tập của mỗi người dùng. Từ một biểu tượng với gương mặt đơn giản, Cú Xanh có thể biến hóa thành những trạng thái đầy cảm xúc – lúc vui tươi, lúc buồn bã, thậm chí “rực lửa” khi người học đạt thành tích cao như tham gia Streak Society.

Icon ứng dụng Duolingo được customize dựa theo sự chăm chỉ và level của người học.

Icon ứng dụng Duolingo được customize dựa theo sự chăm chỉ và level của người học.

Mỗi biểu cảm đều mang thông điệp riêng: gương mặt buồn nhắc nhở nhẹ nhàng khi người học lơ là, trong khi hình ảnh rực lửa thể hiện sự quyết tâm và khát khao chinh phục mục tiêu. Sự biến hóa tinh tế này không chỉ tạo động lực để người học duy trì thói quen mà còn mang lại cảm giác tự hào và hứng khởi mỗi khi họ tiến bộ.

Cá nhân hoá thông báo giúp giữ chân người học

Nếu gamification là yếu tố khiến người dùng yêu thích Duolingo, thì chiến lược content cá nhân hoá theo người học chính là cách gắn kết người học với ứng dụng.

Các thông báo không khô khan kiểu “Đã đến lúc học bài” mà thay vào đó là những lời nhắn hài hước, đôi khi mang tính "khiêu khích," khiến bạn không thể phớt lờ. Nội dung được xây dựng dựa trên hành vi và thói quen của từng người dùng: từ việc chọn đúng khung giờ bạn thường xuyên học, đến việc nhắc khéo khi streak của bạn sắp bị gián đoạn.

Duolingo và bài học xây dựng thương hiệu từ Gamification trong lĩnh vực giáo dục

Duolingo thông báo cá nhân hóa và “gắt” một cách hài hước.

Sự tinh tế này khiến người dùng cảm thấy như Cú Xanh thực sự "quan tâm" và đang đồng hành cùng họ trong hành trình học tập. Thông qua các thông báo cá nhân hóa, Duolingo không chỉ nhắc nhở mà còn tạo ra một sự kết nối cảm xúc, giúp người học gắn bó lâu dài với ứng dụng. Đây chính là sức mạnh của personalized content trong chiến lược marketing hiện đại.

“Song kiếm hợp bích” cùng các thương hiệu đeo bám người học mọi mặt trận

Không còn “đơn phương độc mã” trong việc nhắc nhở người dùng, Duolingo đã khéo léo bắt tay với Netflix để tạo nên một chiến dịch sáng tạo và hiệu quả, thúc đẩy việc duy trì thói quen học tập thông qua hiện tượng toàn cầu “Trò chơi con mực” (Squid Game).

Duolingo và bài học xây dựng thương hiệu từ Gamification trong lĩnh vực giáo dục

Duolingo kết hợp cùng Netflix “hù doạ” người học cùng bộ phim “Trò chơi con mực” (Squid Game).

Điểm nhấn của chiến dịch là bản cập nhật khóa học tiếng Hàn trên Duolingo, được tung ra đồng thời với phần 2 của “Squid Game” vào ngày 26/12/2024. Chiến lược này không chỉ đón đầu sức nóng của series, mà còn khai thác mối quan tâm ngày càng lớn đối với văn hóa Hàn Quốc và nhu cầu học tiếng Hàn trong cộng đồng người hâm mộ toàn cầu.

Bằng cách này, Duolingo không chỉ cung cấp một khóa học ngôn ngữ mà còn tạo ra một cầu nối hấp dẫn giữa giải trí và giáo dục. Người dùng có thể vừa thưởng thức series yêu thích, vừa học ngôn ngữ để hiểu sâu hơn về văn hóa và ngữ cảnh trong phim – biến trải nghiệm học tập trở nên thú vị và mang tính thực tế hơn bao giờ hết.

Duolingo và bài học xây dựng thương hiệu từ Gamification trong lĩnh vực giáo dục

Duolingo không chỉ cung cấp một khóa học ngôn ngữ mà còn tạo ra một cầu nối hấp dẫn giữa giải trí và giáo dục.

Tổng kết

Duolingo đã chứng minh rằng sự sáng tạo, hài hước và chiến lược độc đáo có thể giúp thương hiệu chinh phục hàng triệu người dùng toàn cầu. Với Gamification cuốn hút, hình ảnh chú Cú Xanh “cục súc” duyên dáng và chiến lược nhắc nhở hài hước, Duolingo không chỉ thay đổi cách học ngôn ngữ mà còn truyền cảm hứng cho các thương hiệu dám khác biệt và kết nối theo cách riêng.

Nhi Lương (COO B-Rise Agency)