Brands Vietnam 2024 Review: Top 10 podcast được nghe nhiều nhất
Năm vừa qua, Brands Vietnam đã thực hiện gần 40 podcast với đa dạng chủ đề như “Đúng nhận sai sửa”, “Consumer Insight”, “Quản trị sáng tạo”, “Rural Distribution”… Như thường lệ, những nội dung đào sâu về chuyên môn luôn nhận được sự quan tâm đông đảo hơn cả.
* Lưu ý: Kết quả được trích xuất từ Google Analytics và hệ thống dữ liệu của Brands Vietnam.
1. Đúng nhận sai sửa #2: Content plan – “Mài đủ mực” trước khi “vẽ” plan
“Đúng nhận sai sửa” là chuỗi podcast được phát triển nhằm tìm và sửa những lỗi sai thường gặp của các bạn mới làm marketing khi lên kế hoạch và triển khai một chiến dịch truyền thông.
Trong số thứ hai của series, chúng tôi đã có buổi trò chuyện để “soi” lỗi content plan của các bạn junior cùng chị Nguyễn Thị Thu Hảo – COO tại GIGAN Training Center. Chị Hảo đã có những phân tích thú vị xoay quanh 3 lỗi mà các bạn thường mắc phải, hướng dẫn cách đào sâu vào bước nghiên cứu trước khi có được một content plan chặt chẽ, cùng nhiều lời khuyên hữu ích giúp marketer có thể xây dựng kế hoạch nội dung hiệu quả.
Mời bạn nghe podcast đầy đủ tại đây.
2. Đúng nhận sai sửa #4: Vội “đào” insight là dễ vào “ngõ cụt”
Podcast tiếp theo cũng thuộc series “Đúng nhận sai sửa”, lỗi được nhắc đến lần này là lỗi về insight với sự tham gia của anh Trần Thanh Lâm, hiện là Strategy & Growth Director tại DSquare. Anh Lâm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thấu hiểu insight, đồng thời chỉ ra rằng việc "đào" insight mà không xem xét bối cảnh thương hiệu có thể dẫn đến những kết quả không như mong muốn.
Insight không phải là đích đến cuối cùng, mà cần được phát triển thành những ý tưởng và hoạt động cụ thể để giải quyết bài toán thương hiệu. Tuy nhiên, nhiều marketer thường nhảy thẳng vào việc tìm insight mà không phân tích kỹ lưỡng bài toán thương hiệu và nhu cầu của người tiêu dùng. Để tiếp cận đúng đắn, trước khi tìm insight, cần xác định rõ nhu cầu của người tiêu dùng, sự khác biệt của thương hiệu và bối cảnh văn hóa – xã hội. Anh Lâm cũng giới thiệu bộ tiêu chí “F-A-A-T” (Fresh, Aha, Actionable, Truth) để đánh giá một insight tốt.
Lắng nghe thông tin chi tiết về bộ tiêu chí này tại đây.
3. Consumer Insight #10: Thị trường Baby Care – “Shopper dốc hết trái tim cho Consumer”
Trong số thứ 10 của series “Consumer Insight”, anh Nguyễn Quang Hiệp đã có những chia sẻ thú vị về thị trường chăm sóc trẻ em. Một trong những điểm mà marketer cần lưu ý là sự khác biệt giữa người mua (shopper) - thường là những người mẹ và người sử dụng (consumer) - trẻ em.
Các mẹ thường có những mối bận tâm và kỳ vọng đặc biệt khi lựa chọn sản phẩm cho con. Vì thế, ngành hàng này không chỉ tập trung vào nhu cầu cơ bản của con trẻ mà còn khai thác những mong muốn của người mẹ như con khỏe mạnh, thông minh và phát triển vượt trội. Các thương hiệu cần hiểu rõ tâm lý của người mẹ để có chiến lược đúng đắn, tạo dựng được niềm tin và cảm giác an tâm cho các mẹ khi lựa chọn sản phẩm.
Nghe toàn bộ nội dung podcast tại đây.
4. Inside Local Brands’ Masterminds #4 – CHAUTFIFTH: “Giá trị sản phẩm không đến từ việc Hoa hậu đeo túi của thương hiệu”
Podcast số 4 của series “Inside Local Brands’ Masterminds” là câu chuyện về hành trình xây dựng thương hiệu và triết lý kinh doanh của chị Trần Hoàng Châu, nhà sáng lập thương hiệu túi xách CHAUTFIFTH.
Chị Châu cho biết chiến lược thiết kế của CHAUTFIFTH là sự kết hợp giữa phong cách “maximal” và “minimal”, nhằm tạo ra những sản phẩm vừa thời trang, vừa dễ sử dụng. Chị cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự linh hoạt trong chiến lược kinh doanh, cho phép thương hiệu thích ứng nhanh với thị trường và nhu cầu của khách hàng.
Theo dõi hành trình vươn đến thị trường quốc tế với định giá hơn 20 triệu USD sau 3 năm của CHAUTFIFTH tại đây.
5. Quản trị Sáng tạo #9: Nên chọn “được lòng” hay “được việc”?
Trong môi trường công sở, chúng ta luôn phải đối mặt với hàng trăm bài toán ứng xử và nguyên tắc. Tuy nhiên, “được việc” hay “được lòng” vẫn là chủ đề muôn thuở, phụ thuộc vào thái độ và mục tiêu của mỗi nhân viên, cũng như văn hóa doanh nghiệp.
Trong số thứ 9 của “Quản trị sáng tạo”, chúng tôi đã có buổi trao đổi cùng anh Born Nguyễn, co-founder của BP Communications về sự lựa chọn giữa “được lòng” và “được việc” trong môi trường công sở. Anh nhấn mạnh rằng “được lòng” thường liên quan đến kỹ năng mềm, trong khi “được việc” thể hiện kỹ năng cứng. Một nhân viên lý tưởng là người vừa “được lòng” vừa “được việc”, giúp tạo ra môi trường làm việc tích cực và hiệu quả.
Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều nhà tuyển dụng phải đối mặt với tình huống chọn lựa giữa hai yếu tố này. Theo anh, thay vì chỉ chọn một trong hai, nên đào tạo nhân viên “được lòng” thành “được việc” và ngược lại.
Mời bạn nghe lại buổi phỏng vấn tại đây.
6. Bookaholic #29: Dòng sông không ra biển – Chuyến “hải hành” của người làm truyền thông
“Dòng sông không ra biển” là một quyển sách chia sẻ về hành trình làm việc trong ngành truyền thông của chị Zennie Trang Nguyễn. Quyển sách xuất phát từ những ghi chép cá nhân, được viết lại với mục tiêu mang đến cái nhìn khách quan và giá trị cho độc giả.
Trong số 29 của series “Bookaholic”, chúng tôi đã có buổi gặp gỡ và lắng nghe những chia sẻ của chị Zennie xoay quanh quyển sách, cũng như những trải nghiệm và lời khuyên hữu ích liên quan đến ngành truyền thông. Với 20 năm kinh nghiệm trong ngành, chị Trang đã dẫn dắt người đọc đi qua một hành trình rất dài và thú vị, từ khi chị đi du học và bắt đầu dấn thân vào ngành, đồng thời chị cũng mở ra nhiều góc nhìn về những môi trường làm việc khác nhau cho các bạn trẻ.
Cùng lắng nghe những chia sẻ của chị Trang tại đây.
7. Data Station #45: Ogilvy 2024 Influencer Trends Report – Thương hiệu cần tinh tường, Influencers cần chân thành trong thời kỳ bùng nổ của livestream
Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, sức ảnh hưởng của các nhân vật truyền thông dần vượt xa phạm vi truyền thống của truyền hình và báo chí. Với mạng xã hội và livestream, các cơ hội mới đã được mở ra, đặc biệt là ở những thị trường mới nổi như Việt Nam.
Trong số 45 của series “Data Station”, Brands Vietnam đã có buổi trò chuyện cùng anh Nguyễn Bùi Quốc Dũng – Social và PR Planner tại Snaps – boutique agency, để hiểu hơn về những chuyển đổi này, cũng như tiềm năng của các xu hướng sắp tới. Anh Dũng đã phân tích tác động và tiềm năng của influencers dựa theo báo cáo Ogilvy 2024 Influencer Trends Report, từ đó mang đến bức tranh tổng quan về truyền thông đa dạng trong năm 2024.
Lắng nghe những chia sẻ và phân tích của anh Dũng tại đây.
8. Quản trị sáng tạo #8: 4 phương pháp quản lý tình trạng “burn-out” chốn công sở
“Burn-out” trong môi trường làm việc – một vấn đề ngày càng nghiêm trọng với biểu hiện là sự kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã phỏng vấn anh Born Nguyễn, co-founder của BP Communications để khám quá góc nhìn của anh xoay quanh vấn đề này.
Theo anh, nguyên nhân dẫn đến “burn-out” chủ yếu đến từ áp lực công việc quá lớn, thiếu động lực và sự không rõ ràng trong mục tiêu làm việc. Anh Born cho biết tầm quan trọng của việc quản lý khối lượng công việc phù hợp với khả năng của nhân viên và việc xây dựng một môi trường làm việc lành mạnh. Việc định lượng công việc và xác định tiêu chuẩn rõ ràng cho từng vị trí là cần thiết để tránh tình trạng quá tải.
Podcast cũng đề xuất 4 phương pháp cụ thể để giảm bớt áp lực trong công việc, mời bạn khám phá tại đây.
9. Rural Distribution #2: Nhận diện các outlet chiến lược
Podcast số 2 của series “Rural Distribution” khám phá tầm quan trọng của các outlet chiến lược trong việc phân phối hàng hóa tại vùng nông thôn. Những outlet này, thường là chợ hoặc tiệm tạp hóa lớn, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nhu yếu phẩm cho cộng đồng. Chúng không chỉ đa dạng về sản phẩm mà còn là nơi diễn ra cạnh tranh giữa các thương hiệu nhằm thu hút sự chú ý của người tiêu dùng.
Anh Hiệp cho biết việc thâm nhập vào những outlet chiến lược này mang lại nhiều lợi ích, bao gồm khả năng tiếp cận khách hàng rộng rãi. Tuy nhiên, các thương hiệu cũng phải đối mặt với thách thức lớn từ sự cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt từ các công ty đa quốc gia có nguồn lực mạnh. Thương hiệu cần xây dựng mối quan hệ tốt với các retailer tại đây để duy trì sự hiện diện và thúc đẩy doanh số.
Lắng nghe podcast đầy đủ tại đây.
10. Rethink CSR #30: Phát triển bền vững trong ngành xây dựng là yếu tố “sống còn”
Trong số 30 của “Re-think CSR”, chúng tôi đã có buổi trò chuyện cùng chị Võ Thái Xuân Thủy, người có hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành xây dựng và vật liệu xây dựng, để khám phá vai trò quan trọng của ESG trong ngành xây dựng.
Chị Thuỷ chia sẻ rằng, ngành ngành xây dựng Việt Nam đã có bước chuyển mình trong việc áp dụng phát triển bền vững, với nhiều chính sách và tiêu chuẩn mới từ sau cam kết tại COP26. Tuy nhiên, ngành cũng đối mặt với thách thức về sự thiếu đa dạng trong lực lượng lao động, đặc biệt là sự chênh lệch giới tính, đòi hỏi các doanh nghiệp cần chú trọng đến các yếu tố xã hội trong thực hành ESG.
Trong buổi chia sẻ này, chị Thuỷ cũng đề cập đến một số case-study tiêu biểu trong việc thực hành phát triển của doanh nghiệp Việt Nam cùng những điều doanh nghiệp cần lưu ý khi thực hiện CSR.
Mời bạn lắng nghe podcast tại đây.
Trên đây là những podcast được marketers lắng nghe nhiều nhất trên Brand Talks trong suốt một năm vừa qua. Hy vọng rằng, với những nội dung đa dạng đã mang đến cho các bạn những kiến thức hữu ích, mở ra những góc nhìn mới về thị trường, cũng như chiến lược tiếp cận người tiêu dùng.
Mai Trâm / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam