Marketer Thanh Uyên
Thanh Uyên

Content Editor @ Brands Vietnam

RMIT Việt Nam: Nghiên cứu tổng quan về ngành công nghiệp âm nhạc kỹ thuật số Việt Nam 2024-2025

RMIT Việt Nam: Nghiên cứu tổng quan về ngành công nghiệp âm nhạc kỹ thuật số Việt Nam 2024-2025

Nghiên cứu từ Khoa Truyền thông và Thiết kế, Đại học RMIT Việt Nam, đã vén màn bức tranh tiêu thụ âm nhạc Việt đang từng bước chuyển mình, tô nên gam màu rực rỡ về một thị trường sôi động, đầy tiềm năng và đổi mới.

Theo dữ liệu từ Statista và We Are Social, doanh thu phát nhạc trực tuyến ở Việt Nam dự kiến đạt 40 triệu USD trong năm 2024, trở thành phân khúc dẫn đầu ngành âm nhạc nước nhà. Mặc dù doanh thu bình quân đầu người chỉ có 0,26 USD (khoảng hơn 6 ngàn đồng), xếp thứ 7 khu vực, thị trường nhạc kỹ thuật số Việt Nam vẫn mang trong mình tiềm năng đáng kể.

Thông qua phân tích và tổng hợp tài liệu nghiên cứu, khảo sát và phỏng vấn chuyên sâu, nghiên cứu “Tổng quan ngành công nghiệp âm nhạc kỹ thuật số Việt Nam 2024-2025” của Đại học RMIT lý giải cách làm thế nào việc tiêu thụ âm nhạc len lỏi vào đời sống thường nhật ở Việt Nam. Nghiên cứu được thực hiện bởi Phó Chủ nhiệm bộ môn Truyền thông chuyên nghiệp, Phó Giáo sư Nguyễn Văn Thăng Long cùng các cựu sinh viên và trợ lý nghiên cứu Nguyễn Trần Thu An, Nguyễn Ngọc Phương KhanhNguyễn Trần Mai Chi.

Phó Giáo sư Nguyễn Văn Thăng Long trình bày kết quả nghiên cứu “Tổng quan ngành công nghiệp âm nhạc kỹ thuật số Việt Nam 2024-2025” tại Tuần lễ Âm nhạc Việt Nam mới đây.

Phó Giáo sư Nguyễn Văn Thăng Long trình bày kết quả nghiên cứu “Tổng quan ngành công nghiệp âm nhạc kỹ thuật số Việt Nam 2024-2025” tại Tuần lễ Âm nhạc Việt Nam mới đây.
Nguồn: Tuần lễ Âm nhạc Việt Nam

Phó giáo sư Long lưu ý: “Đây là thời điểm vàng để các nghệ sĩ, mạng lưới các doanh nghiệp trong ngành, các cơ quan quản lý và người yêu âm nhạc cùng chung tay xây dựng thị trường âm nhạc kỹ thuật số Việt Nam chuyên nghiệp, sáng tạo và giàu tiềm năng. Hành vi đang dần thay đổi của người nghe, từ nền tảng yêu thích đến thời gian và không gian nghe nhạc, đòi hỏi cách tiếp cận chiến lược và thích ứng từ toàn bộ hệ sinh thái âm nhạc”.

Bản nhạc nền của bộ phim thị hiếu âm nhạc Việt

YouTube, với tỉ lệ người dùng 99,6%, giữ vị trí đầu bảng nền tảng nghe nhạc phổ biến trong hai năm qua nhờ việc mở rộng thị trường và dịch vụ âm nhạc chất lượng cao có tính năng cá nhân hóa hiện đại. TikTok theo sát với 99% nhờ tính phổ biến của các video ngắn cũng như các bài hát xu hướng. Facebook, đứng thứ 3 với 96%, cho thấy thế mạnh của nền tảng này trong việc kết nối người dùng và chia sẻ nội dung âm nhạc.

RMIT Việt Nam: Nghiên cứu tổng quan về ngành công nghiệp âm nhạc kỹ thuật số Việt Nam 2024-2025

YouTube, với tỉ lệ người dùng 99,6%, giữ vị trí đầu bảng nền tảng nghe nhạc phổ biến tại Việt Nam trong hai năm qua.
Nguồn: RMIT Việt Nam

Trong cả năm 2023 và 2024, người dùng đều đánh giá cao ba yếu tố quan trọng khi lựa chọn nền tảng nghe nhạc: giao diện dễ sử dụng (93%), kho nhạc đa dạng (93%) và tính miễn phí/mức giá rẻ (92%). Tuy nhiên, đã có sự thay đổi đáng kể trong xu hướng sử dụng khi người dùng ngày càng chú trọng đến tính tiện lợi và trải nghiệm mượt mà của giao diện hơn là chỉ tập trung vào số lượng âm nhạc có sẵn trong kho nhạc.

Năm nay, thị trường âm nhạc Việt chứng kiến thay đổi rõ rệt trong sở thích và xu hướng nghe nhạc của công chúng, phản ánh qua sự đa dạng và phong phú của các thể loại âm nhạc. Thể loại Ballad dẫn đầu với 86,5% thị phần, cho thấy sự ưa chuộng của khán giả đối với những bài hát nhẹ nhàng, tình cảm. Tiếp theo là Pop với 81,5% nhờ những bản nhạc phổ biến có giai điệu hấp dẫn người nghe. Các thể loại phổ biến khác gồm R&B (62,5%), EDM (49,2%) và Rap (47,1%) nêu bật tầm quan trọng của chúng với sự phát triển âm nhạc đương đại Việt Nam.

Thể loại Ballad cho thấy sự ưa chuộng của khán giả đối với những bài hát nhẹ nhàng, tình cảm.

Thể loại Ballad cho thấy sự ưa chuộng của khán giả đối với những bài hát nhẹ nhàng, tình cảm.
Nguồn: RMIT Việt Nam

Người dùng dành thời gian nghe nhạc nhiều nhất từ một đến dưới hai tiếng mỗi ngày. Năm 2024, người dùng có xu hướng nghe nhạc vào buổi tối để thư giãn sau một ngày dài làm việc hoặc từ 10 giờ sáng đến 12 giờ trưa khi cần tập trung cao độ vào công việc hoặc học tập. Điều này đối lập với năm 2023 khi người dùng chủ yếu nghe nhạc vào sáng sớm (6-7 giờ sáng) hoặc đêm muộn (10 giờ tối đến 2 giờ sáng). Sự chuyển đổi này được cho là do sự xuất hiện của các chương trình âm nhạc được phát sóng vào các khung giờ tương ứng.

Người nghe ngày nay thưởng thức âm nhạc ở những không gian khác nhau, nhưng 100% đồng ý rằng nhà là nơi lý tưởng nhất để nghe nhạc. Nhà là không gian riêng tư, thoải mái, nơi mọi người có thể kết hợp nghe nhạc với các hoạt động hằng ngày như thư giãn, làm việc hoặc nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, quán cà phê (43.96%) và phòng tập thể thao (39.81%) cũng là những địa điểm phổ biến để nghe nhạc vì đây là những nơi mang lại không khí năng động, giúp nâng cao trải nghiệm nghe nhạc.

Từ người nghe đến người hâm mộ

Người hâm mộ (fan) đóng vai trò hết sức quan trọng trong thành công của nghệ sĩ. Mối quan hệ giữa nghệ sĩ và fan thường được hình thành một cách tự nhiên khi fan bị thu hút bởi âm nhạc và hình ảnh của nghệ sĩ. Trong khi người nghe bình thường nghe nhạc ngẫu nhiên do các nền tảng đề xuất thì người hâm mộ nhiệt thành (superfan) tích cực tương tác và hỗ trợ nghệ sĩ yêu thích thông qua các hoạt động trực tuyến và tham dự các sự kiện trực tiếp.

Nhóm nghiên cứu đã lập ra bản đồ hành trình âm nhạc của người hâm mộ, khởi đầu bằng việc khám phá và tiến triển qua việc khai thác, duy trì, mua và ủng hộ. Fan thể hiện sự trung thành bằng việc sẵn sàng chi tiêu cho nhiều loại hình sản phẩm khác nhau. Các sản phẩm hợp tác thương hiệu với nghệ sĩ đặc biệt được ưa thích – nhiều người dùng sẵn sàng chi hơn một triệu đồng cho các sản phẩm cao cấp, trong khi đó các gói đăng ký và album hoặc đĩa đơn được ưa chuộng hơn do ở tầm giá dễ tiếp cận hơn. Mặc dù các sản phẩm đa dạng, mức chi tiêu trung bình của người hâm mộ dừng ở khoảng 50 ngàn đồng, giúp fan dễ dàng tiếp cận với các vật phẩm liên quan đến nghệ sĩ họ hâm mộ.

Hành trình âm nhạc của người hâm mộ, khởi đầu bằng việc khám phá và tiến triển qua việc khai thác, duy trì, mua và ủng hộ.

Hành trình âm nhạc của người hâm mộ, khởi đầu bằng việc khám phá và tiến triển qua việc khai thác, duy trì, mua và ủng hộ.
Nguồn: RMIT Việt Nam

Superfan cuồng nhiệt là đối tượng trung thành nhất, tích cực ủng hộ nghệ sĩ bằng cách mua album, tham gia các chương trình biểu diễn, cũng như dành thời gian và tiền bạc để theo chân các nghệ sĩ. Chiếm 13% người hâm mộ âm nhạc ở Việt Nam, superfan sẵn sàng chi hơn 500.000 đồng/tháng để đăng ký gói trên các nền tảng nghe nhạc kỹ thuật số, các kênh phát sóng của nghệ sĩ và câu lạc bộ người hâm mộ trên các mạng xã hội, cũng như để mua album, đĩa đơn, đĩa cứng, quà lưu niệm độc quyền và các sản phẩm hợp tác thương hiệu.

Hoạt động sôi nổi của các superfan nhiệt thành tác động đáng kể đến ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam. Với hơn 75% lượng tiêu thụ âm nhạc vẫn tập trung vào các sản phẩm trong nước, superfan, đặc biệt là Gen Z, đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy mức độ nổi tiếng của nghệ sĩ trong nước. Không nghe nhạc một cách thụ động, họ tích cực quảng bá cho thần tượng, mua vé các buổi hòa nhạc và đưa nghệ sĩ lên hàng top của các nền tảng như YouTube và Spotify. Lấy cảm hứng từ văn hóa K-pop, mô hình này thường mang lại thành công nhờ tương tác mạnh mẽ trên mạng xã hội và tham gia sự kiện.

Superfan có quyền lực lớn đối với sự nghiệp nghệ sĩ, họ có thể ủng hộ nhiệt tình nhưng “cũng có thể quay lưng nếu kỳ vọng không được đáp ứng”, Phó Giáo sư Long nhận định.

“Điều này tạo ra cơ hội kết nối sâu sắc hơn với người hâm mộ, nhưng cũng đặt ra thách thức trong việc quản lý hình ảnh công chúng của nghệ sĩ. Nghệ sĩ và đội ngũ quản lý phải cẩn trọng điều hướng kỳ vọng của người hâm mộ và duy trì hình ảnh tích cực, tránh không bị họ xa lánh”, Phó Giáo sư nói thêm.