Brands Vietnam 2024 Review: Top 10 bài tiêu điểm được quan tâm nhất
Năm 2024, xu hướng đọc của độc giả Brands Vietnam nổi bật với sự tập trung vào các chủ đề mang tính ứng dụng cao và đi sâu vào thực tế ngành. Những bài viết về thương mại điện tử, số hóa hành trình khách hàng và sự chuyển mình của thị trường nông thôn Việt Nam thu hút đông đảo sự quan tâm.
Bên cạnh đó, loạt nội dung khai thác góc nhìn chuyên sâu từ các chuyên gia trong nước như “e-Commerce Growth” hay “Customer Experience” cũng được đánh giá cao, cho thấy độc giả không chỉ tìm kiếm thông tin mà còn mong muốn áp dụng ngay vào chiến lược và hoạt động kinh doanh.
* Lưu ý: Kết quả được trích xuất từ Google Analytics và hệ thống dữ liệu của Brands Vietnam.
1. e-Commerce Growth #1: Chiến lược kênh thương mại điện tử | Bởi Lam Phương
“e-Commerce Growth” là series hợp tác giữa Brands Vietnam và YouNet ECI, ra mắt series vào quý III/2024 và nhanh chóng nhận được sự quan tâm với các bài viết chi tiết và video phỏng vấn trực quan.
Trong tập đầu tiên, anh Nguyễn Hoàng Khang – Head of National Trade Marketing & e-Commerce tại Coca-Cola Việt Nam – đã chia sẻ những quan sát đáng chú ý về chiến lược kênh thương mại điện tử, có thể kể đến như:
- TMĐT chỉ chiếm dưới 8% doanh số ngành hàng tiêu dùng nhanh, chủ yếu phục vụ hai mục tiêu: thu hút người tiêu dùng mới (Recruit) và giáo dục hành vi sử dụng sản phẩm mới (Education).
- TMĐT không chỉ giới hạn ở các sàn như Shopee, Tiki, mà còn bao gồm website thương hiệu, nền tảng e-Com B2B, Aggregator (Grab Mart, Shopee Food), và các e-Tail như Winmart, Bách Hóa Xanh.
- Mâu thuẫn kênh (channel conflict) thường xảy ra do chênh lệch giá giữa các kênh, ảnh hưởng đến trải nghiệm người mua và doanh thu.
Để phát triển bền vững, TMĐT cần tuân thủ 4 nguyên tắc: hiện diện trên kênh quan trọng, tăng trưởng độc lập, đảm bảo lợi nhuận, và cân bằng độ phủ. Dù tiềm năng, TMĐT chỉ là một kênh khởi đầu, với đích đến dài hạn vẫn là hệ thống bán lẻ truyền thống.
Để hiểu hơn về chiến lược kênh thương mại điện tử, mời bạn đọc toàn bộ bài viết tại đây.
2. Nguyên tắc đầu tiên của Marketing: Chúng ta không phải là khách hàng! | Bởi Trần Vũ Hiệp
Bài viết của anh Trần Vũ Hiệp đặt ra một góc nhìn thẳng thắn: Marketer không phải là khách hàng, và sự thất bại của quảng cáo Pepsi năm 2017 là minh chứng điển hình. Quảng cáo này không chỉ cho thấy sự thiếu thấu hiểu giá trị của đối tượng mục tiêu mà còn là bài học về việc đánh giá sai bối cảnh xã hội, dẫn đến phản ứng dữ dội từ công chúng.
Từ đây, anh Hiệp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tách bạch cảm xúc cá nhân để thực sự đặt mình vào vị trí của khách hàng. Hình ảnh “chiếc ghế trống” trong các cuộc họp tại Amazon trở thành biểu tượng sâu sắc, nhắc nhở mọi Marketer rằng khách hàng luôn phải là trọng tâm.
Cùng ôn lại nguyên tắc này bằng cách đọc toàn bộ bài viết tại đây.
3. Data Station #48: Digital 2024 – Người Việt đi nhiều, sắm nhiều, bớt online | Bởi Phương Quyên
Dựa trên số liệu từ báo cáo Digital 2024 Vietnam của We Are Social, cùng các dữ liệu bổ sung từ thương hiệu và các báo cáo liên quan như Social Media Trends Ogilvy 2024, Klook Travel Pulse 2024 và E-conomy SEA 2023, anh Lê Tịnh Minh – Media Manager tại GIGAN JSC – đã chia sẻ những điểm đáng chú ý về bức tranh số Việt Nam trong năm 2024. Dưới đây là một số điểm đáng chú ý:
- Dân số và nhóm mục tiêu quan trọng: Đến cuối năm 2023, dân số Việt Nam chính thức chạm mốc 100 triệu người. Trong đó, Gen Z (15-27 tuổi) chiếm 21,3%, trở thành một trong những nhóm đối tượng trọng tâm mà các thương hiệu cần tập trung khi xây dựng chiến lược truyền thông.
- Thay đổi trong thói quen trực tuyến: Số lượng tài khoản mạng xã hội đã tăng gần 10%, đạt 72,7 triệu, tuy nhiên thời gian trung bình dành cho nội dung trực tuyến giảm xuống còn 6 giờ 18 phút mỗi ngày. Theo anh Minh, đây là dấu hiệu cho thấy hành vi người dùng đang ổn định hơn sau thời kỳ tăng trưởng mạnh vì COVID-19.
- Vai trò của các nền tảng mạng xã hội: Ba nền tảng hàng đầu là Facebook, Zalo và TikTok vẫn giữ vị trí dẫn đầu. TikTok thu hút người dùng với thời gian sử dụng trung bình hơn 41 giờ/tháng, nhưng Facebook vẫn là nền tảng mang lại lưu lượng truy cập lớn nhất (68,9%), cho thấy hiệu quả trong việc kết nối người dùng với các thương hiệu.
- Hành vi mua sắm và ngân sách quảng cáo: Trong mua sắm trực tuyến, người tiêu dùng chú trọng đến giao hàng miễn phí, ưu đãi giảm giá và quy trình thanh toán đơn giản. Đồng thời, ngân sách quảng cáo kỹ thuật số năm 2024 tăng 11%, đạt 1,28 tỷ USD. Trong đó, chi tiêu cho influencers tăng mạnh 17,7%, phản ánh xu hướng đầu tư vào nội dung sáng tạo nhằm tạo dựng mối liên kết chân thực với người tiêu dùng.
Theo anh Minh, sự chuyển dịch này cho thấy thương hiệu đang tìm kiếm những cách tiếp cận sâu sắc hơn, không chỉ qua quảng cáo truyền thống mà còn qua các chiến dịch nội dung mang tính cá nhân hóa và kết nối thực chất. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh người dùng ngày càng ưu tiên những trải nghiệm có ý nghĩa trên nền tảng số.
Cùng khám phá số liệu và xu hướng để định hình chiến lược cho thương hiệu tại đây.
4. Đúng nhận sai sửa #1: Deployment Plan – Đừng chỉ điền vào chỗ trống mà không phân “chính – phụ” | Bởi Phương Quyên
“Đúng nhận sai sửa” là series chuyên môn “mở bát” năm 2024 của Brands Vietnam nhằm tìm và sửa những lỗi sai thường gặp của hội marketer newbie khi lên kế hoạch và triển khai một chiến dịch truyền thông.
Trong số đầu tiên, chị Mai Hồng Ngọc – Founder & CEO của B-Rise Agency – đã chia sẻ cách xác định và phân bổ vai trò cho các hoạt động trong Deployment Plan, dựa trên phân tích “bài làm” có sẵn. Không chỉ đưa ra nhận xét, chị Ngọc còn đúc kết công thức chung: Hiểu đề bài – Linh hoạt thích ứng.
Chẳng hạn, để chọn được key hook hiệu quả, planner cần hiểu rõ mục tiêu từng giai đoạn:
- Với mục tiêu lan tỏa, các hoạt động như sản xuất viral clip, MV hoặc họp báo thường được ưu tiên.
- Với mục tiêu tương tác, sự kiện, cuộc thi hoặc minigame là lựa chọn phù hợp.
Bên cạnh key hook chính, planner cũng nên bổ sung các hoạt động hỗ trợ để bù đắp hạn chế, như tăng độ phủ hoặc cải thiện mức độ tương tác. Đối với chiến dịch dài hạn, chị Ngọc gợi ý chia nhỏ từng giai đoạn thành các phase nhỏ hơn, mỗi phase có một key hook riêng biệt. Điều này giúp thương hiệu duy trì sự chú ý của người tiêu dùng và tối ưu hóa nguồn lực trong suốt chiến dịch.
Tham khảo bài viết để tránh những lỗi cơ bản nhưng “đau đầu” nhất khi làm plan.
5. Deep Dive #20: Thị trường nước tăng lực – Không có cơ hội nào cho các “copycat” | Bởi Phương Quyên
Thị trường nước tăng lực Việt Nam đã trải qua những bước phát triển quan trọng, từ việc đổi mới bao bì đến tạo ra các hương vị khác biệt để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Năm 2001, Number 1 của Tân Hiệp Phát tiên phong sử dụng chai thủy tinh để giảm chi phí, mở rộng thị trường. Năm 2003, Sting Dâu của PepsiCo kết hợp nước tăng lực và nước ngọt có ga, nhắm đến đối tượng trẻ và phụ nữ. Đến năm 2014, Wake-up 247 của Masan ra đời, khai thác thị trường công nhân và tài xế với hương vị cà phê độc đáo.
Tuy nhiên, sự cạnh tranh trong ngành hàng rất khốc liệt, với nhiều sản phẩm sao chép (me-too) thất bại do thiếu khác biệt. Các xu hướng đổi mới như giảm đường, bổ sung hoạt chất tốt cho trí não, hoặc sử dụng thành phần hữu cơ đang dẫn đầu sự thay đổi trong ngành.
Theo anh Trần Vũ Hiệp – Regional Head of Strategy & Brand (Southeast Asia) tại AkzoNobel và đã từng làm việc tại các công ty đồ uống lớn như Nestlé Waters, Coca-Cola & THP Group., các thương hiệu mới cần tập trung vào 3 yếu tố quan trọng: sản phẩm (Product) phải khác biệt và hấp dẫn; định giá (Pricing) hợp lý; và phân phối (Place) hiệu quả, đặc biệt ở các điểm chạm đặc thù như quán net. Promotion chỉ là yếu tố bổ trợ khi các yếu tố cốt lõi đã được tối ưu.
Cùng tìm hiểu và bóc tách thị trường nước tăng lực tại đây.
6. Customer Experience #2: Scan It – Định vị rõ “khách hàng” để thiết kế hành trình chuẩn mực | Bởi Công Sang
Chia sẻ với Brands Vietnam, ông Nguyễn Hải Hà – Giám đốc Kinh doanh tại Scan It – đã trình bày cách nền tảng này cải thiện hành trình khách hàng tại các chương trình kích cầu mua sắm. Trước đây, quy trình đổi quà tại điểm bán yêu cầu nhân viên kiểm tra hóa đơn thủ công, gây mất thời gian và chi phí. Scan It giúp khách hàng sử dụng điện thoại để scan hóa đơn, hệ thống sẽ tự động xử lý và trả thưởng trong 10 giây, nhanh hơn gấp 20 lần so với cách làm truyền thống.
Theo ông Hải Hà, công nghệ này không chỉ tiết kiệm thời gian cho người tiêu dùng mà còn hỗ trợ doanh nghiệp theo dõi dữ liệu mua sắm, kiểm soát rủi ro, và tối ưu hóa chi phí vận hành. Ba yếu tố chính mà Scan It tập trung là sự chính trực, tính thực tiễn của giải pháp, và khả năng tiết kiệm thời gian, công sức.
Dự đoán trong tương lai, Scan It sẽ mở rộng sang các kênh GT (bán sỉ, bán lẻ), giúp doanh nghiệp dễ dàng triển khai các chiến dịch kích cầu trên quy mô lớn, đồng thời tiếp tục nâng cao trải nghiệm khách hàng một cách hiệu quả và minh bạch.
Tham khảo cách ScanIt xây dựng và nâng cấp trải nghiệm khách hàng tại đây.
7. Bookaholic #31: Beloved Brands – 4 frameworks giúp marketer “biết người, biết ta” | Bởi Thanh An
Chị Trinh Đặng – Marketing Manager trong lĩnh vực công nghệ, Founder của Shecrets và Creator tại Trulytrinh.com – đã đúc kết nhiều bài học từ quyển sách “Beloved Brands” của Graham Robertson. Cuốn sách mang đến 4 mô hình nền tảng giúp marketer xây dựng thương hiệu hiệu quả:
- Brand Love Curve: Mô hình xác định giai đoạn phát triển của thương hiệu từ việc khách hàng chưa biết đến (Unknown) đến yêu mến và trung thành (Beloved). Chị Trinh ví đây như “đường tình thương hiệu” – nơi marketer cần chiến lược phù hợp để “cưa cẩm” khách hàng.
- The Core Strength Model: Xác định thế mạnh cốt lõi của thương hiệu (chất lượng, giá cả, câu chuyện, trải nghiệm) để định vị rõ và phát triển chiến lược phù hợp.
- The Competitive Situation: Phân tích thế trận cạnh tranh với các vai trò khác nhau như The Leader, The Challenger, và The Niche, kết hợp biểu đồ 3C để xác định khu vực chiến thắng (Winning Zone).
- The Consumer Adoption Curves: Phân loại nhóm người tiêu dùng từ Trend Influencers đến Late Mass để tiếp cận và thúc đẩy sự chấp nhận sản phẩm.
Trong bài viết, chị Trinh cũng nhấn mạnh mô hình ABC’s (Attention, Brand Link, Communication, Stickiness) trong việc chọn quảng cáo hiệu quả và chia sẻ rằng xây dựng thương hiệu không chỉ là hình ảnh mà còn là việc sống đúng với giá trị thương hiệu qua mọi điểm chạm. Với chị, việc duy trì sự đồng nhất đó mới thực sự khó khăn nhưng cần thiết để xây dựng một thương hiệu bền vững.
Đọc thêm toàn bộ bài viết review sách tại đây.
8. Vào ngành Marketing #5: AI không thể thay thế 100% marketer | Bởi Phố Hương
Trong số này, Tiến sĩ Đặng Phạm Thiên Duy – Giảng viên Cấp cao tại Đại học RMIT Việt Nam – chia sẻ quan điểm về cách AI đang thay đổi ngành Marketing và cách sinh viên cần chuẩn bị hành trang để cạnh tranh trong thời đại số.
Thực tế, AI đã tạo ra những công cụ mạnh mẽ giúp marketer nâng cao năng suất, như phân tích dữ liệu nhân khẩu học, tối ưu quảng cáo, hay sáng tạo nội dung qua các công cụ như ChatGPT. Tuy nhiên, theo TS. Phạm Đặng Anh Duy, AI không thể thay thế hoàn toàn những phần việc đòi hỏi tính sáng tạo, chiến lược và sự thấu hiểu con người.
Marketers cần tận dụng AI như một công cụ hỗ trợ thay vì phụ thuộc hoàn toàn. Họ nên tập trung phát triển kỹ năng phân tích dữ liệu, nắm bắt xu hướng và sáng tạo nội dung chân thật, giàu giá trị.
Đúc kết lời khuyên: Hãy sử dụng AI như một công cụ hỗ trợ, nhưng luôn giữ vai trò chủ động trong việc xây dựng chiến lược và kể câu chuyện thương hiệu.
Đọc để trang bị tư duy vào ngành Marketing tại đây.
9. Mentor – Mentee #3: Nhìn cùng một hướng | Bởi Phố Hương
Câu chuyện lần này xoay quanh hành trình đặc biệt kéo dài gần một thập niên của hai nhân vật, anh Trần Huỳnh Minh Nhân – Senior Brand Manager, Coffee & Beverages Nestlé và chị Nguyễn Thị Yến Xuân – Corporate e-Commerce Manager – Marketing & Nutrition eBusiness tại Nestlé Việt Nam. Từ mối quan hệ mentor – mentee năm 2017, họ đã trở thành đồng nghiệp tại Nestlé, làm việc cùng một văn phòng.
Điểm nhấn trong câu chuyện không chỉ nằm ở hành trình sự nghiệp mà còn ở cách cả hai duy trì mối quan hệ bền vững. Dù đã trải qua nhiều lần thay đổi công ty, họ vẫn giữ kết nối qua các cuộc trò chuyện về định hướng và cuộc sống. Cả hai chia sẻ rằng chính sự tương thích về mục tiêu, tinh thần cầu tiến và cách tiếp cận công việc đã giúp họ đồng hành lâu dài.
Tinh thần quan trọng nhất mà anh Nhân đề cập là “Reverse mentorship” – một mối quan hệ hai chiều, nơi bất kỳ ai cũng có thể đưa lời khuyên, chia sẻ giá trị với nhau. Không chỉ mentee học hỏi từ mentor, mà mentor cũng có thể nhận lại insight mới mẻ từ mentee, tạo nên mối quan hệ “win-win”.
Lời khuyên từ cả hai nhân vật cho những ai tìm kiếm mentor/mentee: Hãy chân thành, sẵn sàng học hỏi và đóng góp. Đồng thời, quản lý kỳ vọng và tìm người có cùng định hướng để tạo nên sự đồng điệu trong công việc lẫn cuộc sống.
Mời bạn khám phá câu chuyện mentor-mentee đồng hành cùng nhau trong sự nghiệp tại đây.
10. Rural Distribution #1: Hệ thống phân phối nông thôn tỉnh, vùng sâu vùng xa | Bởi Phương Quyên
Tiếp nối series “Consumer Insight” năm 2023, anh Nguyễn Quang Hiệp – Brand Trainer & Consultant – đã ra mắt chuỗi 10 bài viết xoay quanh hệ thống phân phối kênh truyền thống (GT). Chuỗi bài cung cấp cái nhìn sâu sắc về nhu cầu của nhà bán lẻ, hành vi và insight của shopper, cùng các hoạt động Trade Marketing tại điểm bán ở các khu vực tỉnh lẻ, nông thôn và vùng sâu, vùng xa trong năm 2024.
Trong tập đầu tiên của series, anh Nguyễn Quang Hiệp đã cung cấp góc nhìn toàn cảnh về hệ thống kênh phân phối tại nông thôn Việt Nam, nhấn mạnh sự cần thiết của chiến lược linh hoạt để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nông thôn được chia thành hai nhóm chính: nông thôn gần, có hạ tầng phát triển hơn và nông thôn xa, nơi dân cư thưa thớt và cơ sở hạ tầng hạn chế. Người dân nông thôn thường có thu nhập thấp, ưu tiên sản phẩm giá rẻ hoặc thương hiệu địa phương, đồng thời duy trì tính cộng đồng cao.
Hệ thống kênh phân phối tại đây chủ yếu là kênh GT (tạp hóa, chợ trời), trong khi MT chỉ tập trung ở cấp Huyện. Hai hình thức phân phối chính gồm trực tiếp (thương hiệu quản lý điểm bán lẻ) và gián tiếp (qua đại lý, nhà bán sỉ). Công nghệ hiện đại như hệ thống DMS và thiết bị di động, được áp dụng bởi các thương hiệu lớn, giúp tối ưu hóa vận hành, giảm sai sót dữ liệu và hỗ trợ xây dựng chiến lược hiệu quả.
Do đó, phát triển hệ thống phân phối ở nông thôn không chỉ đòi hỏi sự linh hoạt trong quản lý mà còn cần đầu tư vào công nghệ hiện đại để đáp ứng nhu cầu đặc thù của thị trường đầy thách thức này.
Mời bạn khám phá sâu hơn về hệ thống phân phối nông thôn tỉnh, vùng sâu vùng xa tại đây.
Khép lại năm 2024, Brands Vietnam luôn nỗ lực để đáp ứng nhu cầu của cộng đồng marketer qua những bài viết mang tính thực tiễn và tạo giá trị. Nhưng chắc chắn, câu chuyện chưa dừng lại ở đây. Nếu bạn có bất kì ý tưởng nào cho những chủ đề mới mong muốn Brands Vietnam khai thác trong năm 2025? Hãy cùng thảo luận và định hình bức tranh nội dung cho năm tới cùng chúng mình nhé!
Lam Phương / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam