Ogilvy bàn về tiêu chí tuyển chọn lãnh đạo ưu tú (Phần 2)
Tiếp nối phần 1, bài viết dưới đây sẽ đi qua 5 tiêu chí còn lại trong tổng 10 tiêu chí mà bác Ogilvy mong đợi ở một nhà lãnh đạo.
“Ogilvy truyền kì” là “tuyển tập” những bài dịch của mình, làm sống lại loạt bài viết “quảng cáo cho công ty quảng cáo”, được đích thân “ông vua quảng cáo” David Ogilvy viết và phát hành vào những năm 1960 và 1970. Qua thời gian, mình nghĩ đây vẫn là những “bí kíp” có giá trị bền vững mà marketer nên đọc một lần trong đời.
Mời bạn xem bản đầy đủ của print-ad “10 Things to Look for in a Leader by David Ogilvy”:
6. Sức hút – bao gồm sự duyên dáng và khả năng thuyết phục
Khi nhắc đến “sức hút cá nhân”, mình nhận ra đây là yếu tố không thể thiếu trong vai trò lãnh đạo. Một nhà lãnh đạo không chỉ cần thông minh và có tầm nhìn, mà còn phải có khả năng thu hút và thuyết phục người khác. Sức hút này không chỉ đến từ khả năng giao tiếp hay tính cách, mà còn từ vẻ ngoài, sự chỉn chu và cách ứng xử. Mọi người đều bị thu hút bởi những người giao tiếp tốt, tích cực, vui vẻ và thể hiện sự sáng suốt trong mọi tình huống.
Một nhà lãnh đạo có sức hút sẽ tạo ra ảnh hưởng mạnh mẽ đối với đội ngũ. Khi họ phát biểu, người nghe sẽ ngay lập tức nhận ra họ là ai. Điều này không có nghĩa là mọi người sẽ đồng ý ngay lập tức, nhưng họ sẽ thừa nhận rằng đó là người thông minh và đáng để lắng nghe. Chính sự thu hút này khiến người khác cảm thấy được truyền cảm hứng, tạo sự tôn trọng và tin tưởng trong mối quan hệ công việc.
Để có sức hút, lãnh đạo agency cần phải là người hướng ngoại, luôn sẵn sàng giao tiếp, kết nối và mở rộng mạng lưới quan hệ. Sự tự tin và khả năng thuyết phục giúp phát triển danh tiếng của agency, củng cố thương hiệu trong mắt đối tác, khách hàng và đội ngũ nhân viên. Khi lãnh đạo có sức thu hút, họ không chỉ tạo ảnh hưởng cá nhân mà còn thúc đẩy sự phát triển chung của tổ chức.
* Yếu tố này tương tự với tiêu chí 9 và 10 mà bác Ogilvy đề ra: Truyền cảm hứng cho những người nhiệt huyết với sức sống và lòng nhiệt tình; và Có khiếu hài hước. Để tránh lặp lại, mình xin phép gộp cả 3 tiêu chí này trong 1 đề mục.
7. Tính phi chính thống – là người sáng tạo và đổi mới
Một nhà lãnh đạo không chỉ đơn thuần theo đuổi các ý tưởng theo khuôn mẫu, mà còn phải là người tiên phong trong sự sáng tạo và đổi mới. Trong ngành sáng tạo như agency, nhiều người có thể nghĩ rằng lãnh đạo không cần phải sáng tạo, nhưng thực tế, sáng tạo là yếu tố cốt lõi. Sự sáng tạo không chỉ dừng lại ở những dòng copy, ý tưởng chiến dịch hay key visual, mà còn mở rộng ra các vấn đề về quản trị, dịch vụ, sản phẩm, và cách hợp tác với các đối tác khác để đổi mới mô hình và dịch vụ.
Một nhà lãnh đạo thực sự cần có khả năng sáng tạo và đổi mới trong tư duy chiến lược. Họ phải có tư duy phản biện (critical thinking) để đưa ra những quyết định sáng suốt và hiệu quả. Họ không chỉ bán ý tưởng sáng tạo, mà phải đưa ra các giải pháp kinh doanh tối ưu, luôn hướng đến kết quả cuối cùng.
Điều quan trọng không phải là những ý tưởng hay ho của riêng mình, mà là cách mà các giải pháp được triển khai để tạo ra giá trị thực tế cho tổ chức, giúp agency phát triển mạnh mẽ và bền vững. Tư duy đổi mới và tập trung vào kết quả cuối cùng chính là yếu tố quan trọng giúp nhà lãnh đạo duy trì sự khác biệt và thành công lâu dài.
8. Dũng cảm để đưa ra các quyết định khó khăn
Không chỉ riêng lãnh đạo, mình nhận ra rằng việc đưa ra quyết định khó khăn là phần không thể thiếu trong công việc hàng ngày. Song, quá trình đưa ra quyết định của nhà lãnh đạo đôi khi áp lực và căng thẳng hơn gấp nhiều lần, vì mỗi lựa chọn đều mang theo trách nhiệm lớn và có thể ảnh hưởng sâu rộng đến công ty, khách hàng, hay đội ngũ nhân viên.
Khi phải đưa ra nhiều quyết định, khả năng sai sót cũng tăng lên. Điều làm cho mỗi quyết định trở nên khó khăn chính là sự giao thoa của rất nhiều yếu tố: trí tuệ, sự thức thời, khả năng “đội nhiều chiếc mũ” cùng với giá trị đạo đức, trách nhiệm cá nhân, cơ hội, logic, cảm xúc và cả rủi ro. Mỗi lần đưa ra quyết định, nhà lãnh đạo không chỉ đơn thuần lựa chọn phương án, mà phải biết cách cân nhắc tất cả những yếu tố đó, rồi chuyển hóa chúng thành một lựa chọn có tác động rõ ràng. Quan trọng là, họ không để bất kỳ yếu tố nào chi phối quá mức, mà giữ vững tinh thần quyết đoán và tầm nhìn chiến lược để dẫn dắt đội ngũ vượt qua mọi thử thách.
Mỗi quyết định mà một lãnh đạo đưa ra đều phản ánh tính cách và phong cách lãnh đạo của chính họ. Chúng không chỉ là lựa chọn về những gì đúng đắn nhất mà còn thể hiện con người họ trong mỗi tình huống. Và đôi khi, điều quan trọng không phải là quyết định đúng hay sai, mà là hành trình đã qua và những giá trị mà họ giữ gìn trong suốt quá trình ra quyết định. Một nhà lãnh đạo không chỉ trân trọng kết quả cuối cùng mà còn trân trọng quá trình và những gì mình đã học được từ mỗi quyết định.
Thành công là điều mà nhà lãnh đạo luôn mong muốn chia sẻ cùng đội ngũ, nhưng thất bại đôi khi lại là gánh nặng mà họ phải chịu một mình. Chính vì vậy, việc đưa ra quyết định trong vai trò lãnh đạo càng trở nên khó khăn hơn. Trong công việc, nhân viên dễ dàng phán xét các quyết định của lãnh đạo, nhưng lại rất khó để thông cảm và thấu hiểu, vì chỉ có lãnh đạo mới hiểu rõ những trách nhiệm nặng nề mà họ đang gánh vác – những điều mà không phải ai cũng thấy được.
★★★
Vậy là chúng ta đã đi qua toàn bộ 10 tiêu chí tuyển chọn nhân tài lãnh đạo của bác Ogilvy.
Song song đó, mình muốn bổ sung thêm một số quan điểm bên lề đúc kết từ trải nghiệm cá nhân để mở rộng cuộc thảo luận này.
Thứ nhất, theo mình lãnh đạo agency không nhất thiết phải chú trọng vào từng tiểu tiết mà cần tập trung vào các chỉ số đánh giá hiệu quả cốt lõi, dựa trên mô hình kinh doanh. Trong quá trình tăng trưởng, đặc biệt là về doanh số và lợi nhuận, mình nhận thấy rằng một số nhà lãnh đạo agency không thể phát triển thêm vì thiếu khả năng nắm bắt các chỉ số tài chính quan trọng. Họ có thể bỏ qua hoặc thiếu tầm nhìn chiến lược để cải thiện chúng.
Ví dụ, một công ty có thể sở hữu nhiều hợp đồng giá trị lớn, nhưng lại không thể chốt hóa đơn thực thi, hoặc gặp phải vấn đề với hóa đơn thuê ngoài cao, dẫn đến thiếu năng lực thực thi. Đôi khi, lãnh đạo chỉ chú ý đến một vài mảng, nhưng để phát triển bền vững, họ cần nắm rõ tình hình hàng ngày và điều chỉnh phù hợp để đạt được tăng trưởng dài hạn.
Ngoài ra, việc xây dựng năng lực đội ngũ và lựa chọn khách hàng cũng rất quan trọng. Một Media Manager hay Director đủ giỏi có thể đàm phán với các đối tác, chiết khấu tốt và xử lý việc thanh toán chậm.
Và đó là những quan điểm mình muốn chia sẻ từ kinh nghiệm thực tế, rất mong nhận được sự thảo luận thêm từ các bạn đọc khác.
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.