Marketer Marketing Đó Đây
Marketing Đó Đây

Kể chuyện Marketing xưa và nay

Ogilvy bàn về tiêu chí tuyển chọn lãnh đạo ưu tú (Phần 1)

Ogilvy bàn về tiêu chí tuyển chọn lãnh đạo ưu tú (Phần 1)

David Ogilvy không chỉ xây dựng Ogilvy & Mather thành đế chế quảng cáo toàn cầu mà còn tạo ra một những nhà lãnh đạo tài ba nhờ vào tầm nhìn và bộ tiêu chí tuyển dụng nhân sự gắt gao mà bác đề ra. Điển hình là Shelley Lazarus, người trở thành CEO kế nhiệm của bác Ogilvy và đã giúp công ty mở rộng ra quốc tế, đặc biệt là vào những năm 1960, khi Ogilvy & Mather bắt đầu mở các chi nhánh tại Anh, Pháp, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác.

Là một người làm quảng cáo và công tác tại agency, mình đã dành thời gian nghiên cứu và suy ngẫm về 10 tiêu chí mà Ogilvy kỳ vọng ở một nhà lãnh đạo. Sau khi đối chiếu với thực tế công việc và tham khảo ý kiến từ sếp, mình nhận ra rằng những phẩm chất này không chỉ là lý thuyết, mà thực sự là nền tảng vững chắc giúp các nhà lãnh đạo tiếp nối bác gặt hái thành công và đưa công ty phát triển mạnh mẽ qua các giai đoạn khác nhau.

Và theo mình, những nguyên tắc này không chỉ phù hợp với Ogilvy & Mather mà còn có giá trị đối với các nhà lãnh đạo ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề hay loại hình tổ chức khác nhau, bởi chúng chính là chìa khóa để vượt qua thử thách và xây dựng tổ chức bền vững.

“Ogilvy truyền kì” là “tuyển tập” những bài dịch của mình, làm sống lại loạt bài viết “quảng cáo cho công ty quảng cáo”, được đích thân “ông vua quảng cáo” David Ogilvy viết và phát hành vào những năm 1960 và 1970. Qua thời gian, mình nghĩ đây vẫn là những “bí kíp” có giá trị bền vững mà marketer nên đọc một lần trong đời.

Mời bạn xem bản đầy đủ của print-ad “10 Things to Look for in a Leader by David Ogilvy”:

Ogilvy bàn về tiêu chí tuyển chọn lãnh đạo ưu tú (Phần 1)

Dưới đây, mình sẽ chia sẻ một số câu chuyện thực tế để minh chứng cho tính hợp lý của những tiêu chí này.

1. Tiêu chuẩn đạo đức cá nhân cao

Khi nhìn vào danh sách các tiêu chí mà David Ogilvy vạch ra, mình ngay lập tức bị thu hút bởi tiêu chí “Tiêu chuẩn đạo đức cá nhân cao”, bởi nó được xếp ở vị trí đầu tiên và cũng trùng lặp với bộ tiêu chí dành cho Manager trong bài viết trước đó. Chính vì vậy, mình cũng đã không khỏi thắc mắc: Tại sao bác Ogilvy lại đặt tiêu chí này lên hàng đầu? Dĩ nhiên, mình không thể hỏi trực tiếp bác và câu trả lời sẽ đến từ người sếp của mình.

Anh chia sẻ rằng, tiêu chí này bao gồm hai yếu tố: Thứ nhất là có tiêu chuẩn cao, thứ hai là có đạo đức kinh doanh. Bất kỳ nhà lãnh đạo nào cũng nên có kỳ vọng cao với những người bên dưới mình. Để doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, cần rất nhiều người giỏi, đồng lòng, tôn trọng nhau và cùng chí hướng. Tuy nhiên, chỉ có thể tuyển được những người như vậy khi chính nhà lãnh đạo cũng là tấm gương phản chiếu các giá trị ấy. Cùng nhau, họ sẽ tạo nên thành công lớn, đặc biệt là trong môi trường sáng tạo như creative agency.

Anh cũng kể mình nghe một vài mẩu chuyện thực tế cho thấy “sức nặng” của tiêu chí này đối với một người lãnh đạo doanh nghiệp.

Bất kỳ nhà lãnh đạo nào cũng nên có kỳ vọng cao với những nhân sự bên dưới mình.

Bất kỳ nhà lãnh đạo nào cũng nên có kỳ vọng cao với những nhân sự bên dưới mình.
Nguồn: TV series “Mad Men”

Dễ thấy nhất là trong giai đoạn khởi nghiệp, để ưu tiên chi phí, nhiều công ty chỉ tuyển thực tập sinh, trả lương và đóng thuế ở mức cơ bản hoặc thậm chí mua hóa đơn. Rõ ràng, chúng ta nhận thức được lằn ranh đạo đức kinh doanh lúc này trở nên mỏng manh hơn bao giờ hết vì doanh nghiệp vẫn đáp ứng được mức cơ bản đó thôi!

Hay khi làm việc với media agency, minh bạch thông tin qua dashboard là điều vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, trong thực tế, không ít agency sử dụng những thủ thuật để giảm chi phí, chẳng hạn như cung cấp thêm lựa chọn là “xem thông tin chi tiết sẽ có giá cao hơn 10-15%”. Nếu client muốn tiết kiệm và chọn phương án “hời”, đôi khi agency sẽ thực hiện những chiến thuật như chạy seeding để “ra số” mặc dù thực chất những hoạt động này không mang lại giá trị thực cho khách hàng.

Mỗi bên đều có lý do để biện minh cho hành động của mình, nhưng những chiêu thức thiếu minh bạch đều sẽ dần bị phát hiện. Và khi điều đó xảy ra, hậu quả không chỉ là mất lòng tin mà còn ảnh hưởng đến mối quan hệ lâu dài giữa agency và client.

Suy cho cùng, sự phát triển bền vững của doanh nghiệp đến từ việc làm đúng, nhưng vẫn có lợi – không chạy theo những chi tiết nhỏ hay lằn ranh đạo đức mờ nhạt. Người giỏi sẽ tìm đến các công ty minh bạch và sẵn sàng phát triển cùng nhau. Khách hàng cũng luôn mong muốn sự minh bạch và hiệu quả. Thay vì đưa ra nhiều lựa chọn phức tạp, một mô hình rõ ràng và đáng tin cậy là điều khách hàng cần. Đây chính là cách để xây dựng một nền tảng vững chắc, nhất là trong giai đoạn “tranh sáng, tranh tối”.

2. Tư duy lớn, không nhỏ nhen

Được đà, mình tiếp lời hỏi về việc Ti sao lãnh đạo không được có nét tính cách “nhỏ nhen”? Và điều đó có thực sự quan trọng trong môi trường công việc?

Đáp lại, “sếp” thẳng thắn nói cho mình biết: Ở cấp độ trưởng phòng, sự “nhỏ nhen” là điều không thể chấp nhận được. Tinh thần quảng đại, cởi mở sẽ giúp lãnh đạo thu phục được lòng người, điều này không chỉ quan trọng đối với cá nhân mà còn đối với cả đội ngũ.

Bất kỳ nhà lãnh đạo nào cũng nên có kỳ vọng cao với những người bên dưới mình.

Tinh thần quảng đại, cởi mở sẽ giúp lãnh đạo thu phục được lòng người, điều này không chỉ quan trọng đối với cá nhân mà còn đối với cả đội ngũ.
Nguồn: TV series “Mad Men”

Lãnh đạo không thể để ý đến những điều vụn vặt, không nên so đo hay bắt bẻ, và đặc biệt là không nhớ dai những chuyện không đáng. Bởi lẽ, một người bình thường đã phải cần có tính hòa đồng, trong khi trách nhiệm của một leader là phải gắn kết cả team, tạo môi trường để mọi người làm việc cùng nhau hiệu quả.

Để phát triển trong ngành quảng cáo, cần một đội ngũ mạnh và nhiều người giỏi. Một agency thành công không chỉ phụ thuộc vào một cá nhân, mà là sự đóng góp của cả tập thể. Người lãnh đạo phải có tư duy lớn, biết thu phục người tài và sẵn sàng chia sẻ thành công. Việc chia sẻ cổ phần hay phần thưởng là cách để xây dựng sự đồng lòng, điều mà Ogilvy & Mather và nhiều công ty lớn khác đều thực hiện.

Và với kinh nghiệm từng chinh qua cả client và agency, anh nhận định rằng những nhà lãnh đạo agency mà không sẵn sàng chia sẻ hào quang hay lợi ích với những người đồng hành, chỉ muốn giữ lợi ích cho riêng mình thì khó phát triển bền vững.

Ngược lại, khi một agency Việt Nam gia nhập tập đoàn nước ngoài, họ nhìn vào lợi ích chung của cả nhóm. Họ sẽ chia sẻ nguồn lực, phân chia công việc và phát triển cùng nhau mà không giẫm đạp lên nhau. Đây là tư duy chung của các tập đoàn lớn, không chỉ riêng Ogilvy.

Anh khẳng định rằng, một nhà lãnh đạo có tư duy lớn luôn nghĩ đến sự phát triển chung, không chỉ vì lợi ích cá nhân mà còn của cả đội ngũ. Thành công không đến từ một cá nhân mà từ sức mạnh của tập thể, sự đoàn kết và tinh thần chia sẻ cùng nhau hướng đến mục tiêu chung.

Ogilvy bàn về tiêu chí tuyển chọn lãnh đạo ưu tú (Phần 1)

Một nhà lãnh đạo có tư duy lớn sẽ luôn nghĩ đến sự phát triển chung.
Nguồn: TV series “Mad Men”

3. Can đảm khi gặp áp lực, kiên cường trước thất bại

Với tiêu chí này, mình tự đặt ra cho mình một loạt câu hỏi: Làm thế nào để một người lãnh đạo thể hiện được “sự can đảm dưới áp lực” và khả năng phục hồi sau thất bại? Và liệu đây có phải là phẩm chất thiết yếu đối với mọi người trong tổ chức chứ không riêng gì nhà lãnh đạo?

Và dường như, những nhà lãnh đạo thành công luôn đứng trước những ngã rẽ quan trọng: Họ có thể được yêu mến, nhưng cũng không thiếu những người phản đối. Những quyết định họ đưa ra thường rất khác biệt và táo bạo, khiến người ta vừa ngưỡng mộ, vừa ghen tị. Chính sự dũng cảm đó, sự sẵn sàng đương đầu với khó khăn và áp lực, dù kết quả có thế nào, mới là yếu tố tạo nên sự khác biệt của họ.

Điển hình là câu chuyện của một thương hiệu giày dép quốc dân, khi đứng trước cơ hội thay đổi và làm mới thương hiệu, đã gặp phải nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo của thương hiệu này đã kiên định và nhất quán với định hướng của mình trong suốt 10 năm. Dù phải đối mặt với sự hoài nghi và không tin tưởng từ nhiều phía, anh vẫn mạnh mẽ thay đổi và kiên trì theo đuổi mục tiêu. Điều này minh chứng rằng một nhà lãnh đạo thực sự có thể bền bỉ và dũng cảm trong hành động, đặc biệt khi họ đã có cơ sở vững chắc cho những quyết định của mình.

Mặt khác, vị lãnh đạo này cũng chính là người chủ động dẫn dắt cho những “young marketer”. Ban đầu, anh phải đối mặt với nhiều sự nghi ngờ về động cơ và khả năng của mình. Tuy nhiên, nhờ sự kiên trì và dũng cảm, cùng với nền tảng vững chắc, anh đã chứng tỏ được khả năng của mình và dẫn dắt đội ngũ đi đúng hướng.

Giờ đây, anh không ngần ngại tự tin đứng ra chia sẻ về bản thân, tự mình cầm quản fanpage, viết và quản lý nội dung sau mỗi sự kiện. Dù phải đối mặt với những phê phán ban đầu, anh vẫn im lặng, tiếp tục tiến bước và chịu trách nhiệm trong những lúc khủng hoảng. Chính điều này cho thấy rằng, trong những thời điểm khó khăn, một nhà lãnh đạo không chỉ là người giám sát từ xa, mà còn phải là người đứng ra gánh vác trách nhiệm và dẫn dắt đội ngũ vượt qua thử thách.

Ogilvy bàn về tiêu chí tuyển chọn lãnh đạo ưu tú (Phần 1)

Những nhà lãnh đạo thành công luôn đứng trước những ngã rẽ quan trọng: Họ có thể được yêu mến, nhưng cũng không thiếu những người phản đối.
Nguồn: TV series “Mad Men”

Trong ngành quảng cáo, không gì mạnh mẽ hơn việc xây dựng thương hiệu cá nhân và truyền miệng từ những thành công mà một người lãnh đạo tạo ra. Nhân vật nào có sự dũng cảm, kiên trì, và thể hiện được lòng tin vào những gì mình làm sẽ luôn gây ấn tượng, thu hút các cơ hội hợp tác. Dám bước ra ánh sáng, dám chịu áp lực và dám đối mặt với thất bại, đó chính là phẩm chất của một nhà lãnh đạo thực sự.

Nhiều người vẫn ngần ngại chia sẻ về bản thân mình, nhưng chính sự tự tin mới là yếu tố tạo nên “charisma” (sức hút), giúp họ vượt qua mọi rào cản, gắn kết đội ngũ và thúc đẩy sự phát triển bền vững cho cả tổ chức.

4. Thông minh, nhanh nhạy – không phải là một người “cần cù bù thông minh” và làm việc trong vùng an toàn

Trong ngành sáng tạo, sự nhạy bén và khả năng nhìn nhận cơ hội là yếu tố quyết định. Một người lãnh đạo nếu chỉ làm việc đều đặn, tuân theo quy trình cũ mà không dám thử sức, không dám đổi mới, sẽ rất dễ bị tụt lại phía sau.

Chẳng hạn, khi xu hướng về digital marketing bắt đầu nổi lên, một số người lãnh đạo trong ngành đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội, đưa mô hình này về Việt Nam và phát triển mạnh mẽ. Họ không ngần ngại học hỏi từ các chuyên gia, chia sẻ những kết quả và kinh nghiệm thu được, tạo ra một môi trường cởi mở với sự thay đổi và đổi mới.

Sự chuyển dịch từ agency đơn thuần sang phát triển thương hiệu là minh chứng rõ ràng cho tầm quan trọng của tư duy sáng tạo và khả năng đón nhận thay đổi. Những người lãnh đạo luôn tìm kiếm cơ hội để học hỏi và nâng cao bản thân. Họ không chỉ nghe giảng mà còn chủ động tham gia các buổi đào tạo, hấp thụ tinh hoa và ứng dụng những kiến thức mới vào công việc.

Ogilvy bàn về tiêu chí tuyển chọn lãnh đạo ưu tú (Phần 1)

Lãnh đạo không chỉ là người giỏi quản lý, mà còn phải có sự nhạy bén trong việc nắm bắt xu hướng và đưa ra những quyết định táo bạo, đổi mới.
Nguồn: TV series “Mad Men”

Lãnh đạo không chỉ là người giỏi quản lý, mà còn phải có sự nhạy bén trong việc nắm bắt xu hướng và đưa ra những quyết định táo bạo, đổi mới. Chính sự sáng suốt và sáng tạo là yếu tố giúp họ vượt qua những thử thách, đồng thời xây dựng được chiến lược dài hạn cho sự phát triển bền vững của agency.

5. Khả năng làm việc chăm chỉ và chấp nhận làm việc đến tối khuya

Quan sát những “người sếp” mới và cũ, mình cho rằng người lãnh đạo phải có sự sẵn sàng chấp nhận làm việc quá giờ, thậm chí đến khuya, để đạt được mục tiêu dài hạn, ngay cả khi những người ở cấp độ Director hay chỉ chi nhánh chỉ cần chăm chỉ và cống hiến hết mình. Khác biệt ở đây là, trong một môi trường sáng tạo như agency, không chỉ cần thông minh mà còn phải có khả năng làm việc tận tụy và sẵn sàng hy sinh thời gian khi cần thiết.

Chăm chỉ là một yếu tố quan trọng, nhưng chỉ chăm chỉ thôi thì không thể thắng được. Nếu bạn chỉ làm việc theo thói quen mà thiếu đi sự thông minh trong việc quản lý thời gian, chiến lược hay sáng tạo, thì rất dễ bị tụt lại phía sau. Ví dụ, mỗi sáng thứ Bảy, một nhà lãnh đạo dành thời gian để dạy các “young marketer”, chia sẻ kiến thức về ngành và tạo cơ hội học hỏi. Anh ấy làm việc đến 11 giờ đêm để hoàn thành công việc, và dù vậy, agency đó vẫn rất thành công.

Ogilvy bàn về tiêu chí tuyển chọn lãnh đạo ưu tú (Phần 1)

Người lãnh đạo phải có sự sẵn sàng chấp nhận làm việc quá giờ, thậm chí đến khuya, để đạt được mục tiêu dài hạn.
Nguồn: TV series “Mad Men”

Điều thú vị là, dù làm việc muộn, họ vẫn có thể duy trì một thói quen làm việc vào cuối tuần nếu cảm thấy có thể hoàn thành công việc. Đây không chỉ là về việc làm việc khuya, mà là khả năng tìm ra sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Thay vì hướng tới một “work-life balance” truyền thống, họ chọn “work-life integration” – hòa nhập công việc và cuộc sống, nơi công việc không còn là gánh nặng mà là phần tự nhiên trong cuộc sống của họ. Chính vì vậy, họ có thể vừa làm việc chăm chỉ, vừa giữ được sự nhiệt huyết và năng lượng lâu dài trong công việc.

★★★

Bài viết trên đã đi qua 5 trong số 10 tiêu chí mà bác Ogilvy kỳ vọng ở một nhà lãnh đạo. Hy vọng rằng qua đó, bạn sẽ có thêm góc nhìn mới và cùng nhau thảo luận về những yếu tố cần thiết để lãnh đạo hiệu quả và thành công trong môi trường ngày nay. Và đừng quên xem 5 tiêu chí còn lại trong phần 2 nhé!

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.