Marketer Brands Vietnam
Brands Vietnam

Community Admin @ Brands Vietnam

Brands Vietnam 2024 Review: Nhìn lại những xu hướng và sự kiện nổi bật trong năm

Brands Vietnam 2024 Review: Nhìn lại những xu hướng và sự kiện nổi bật trong năm

Năm 2024 khép lại với những dấu ấn khó quên, nhiều xu hướng mới không chỉ định hình mà còn tái định nghĩa cách marketer sáng tạo và kết nối với khách hàng. Từ sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo trong sáng tạo nội dung đến sự dịch chuyển chiến lược của các thương hiệu lớn, mỗi sự kiện đều mở ra những cơ hội và thách thức mới.

Làn sóng AI trong lĩnh vực sản xuất nội dung

Năm nay, câu chuyện về “trí tuệ nhân tạo” tiếp tục trở thành tâm điểm chú ý trên toàn cầu. Vào tháng 2, OpenAI đã gây ấn tượng mạnh khi ra mắt phiên bản thử nghiệm của Sora, một mô hình chuyển đổi văn bản thành video. Công nghệ tiên tiến này đã mở ra một kỷ nguyên mới khi cho phép marketers dễ dàng biến những đoạn văn bản thuần túy thành các video sống động và cuốn hút. Ngày 9/12 vừa qua, OpenAI đã chính thức phát hành Sora, bước đầu dành cho các tài khoản trả phí ChatGPT Plus và Pro.

Dù vẫn còn nhiều điểm cần xem xét, hiệu suất vượt trội AI có thể mang lại nếu biết cách ứng dụng là điều không thể phủ nhận. Phiên bản mới của quảng cáo huyền thoại “Holidays Are Coming” được Coca-Cola chính thức phát sóng nhân dịp Giáng Sinh năm nay hay việc Pepsi sử dụng trí tuệ nhân tạo AI để tạo key visual trong chiến dịch Tết 2024 có thể xem như những minh chứng thuyết phục cho điều này.

Bên cạnh đó, trước cơn sóng AI, nhà lãnh đạo cần đủ tỉnh táo để quay về bài toán kinh doanh của doanh nghiệp trước khi quyết định ứng dụng AI vào tổ chức. Trên hết, đến sau cùng, giống như phát biểu của bà Vidhya Srinivasan, Phó Chủ Tịch kiêm Tổng Giám đốc Quảng cáo của Google tại Cannes Lions 2024: “Ngay cả khi bạn có một công cụ AI đầy mạnh mẽ, cốt lõi của quá trình sáng tạo vẫn là con người”.

Brands Vietnam 2024 Review: Nhìn lại những xu hướng và sự kiện nổi bật trong năm

Đọc thêm các bài viết về chủ đề này:

Gameshow phủ sóng – Thương hiệu “lên ngôi”

Mùa hè này, các gameshow âm nhạc bùng nổ trên mọi nền tảng. Hai chương trình “Anh trai say hi” (ATSH) và “Anh trai vượt ngàn chông gai” (ATVNCG) nhanh chóng trở thành tâm điểm với hàng triệu lượt xem mỗi tập, liên tục dẫn đầu bảng xếp hạng và vẫn tiếp tục gây chú ý ngay cả sau các concert.

ATVNCG đưa khán giả vào dòng hoài niệm qua những bài hát gắn liền với thanh xuân, đặc biệt của thế hệ 8X-9X. Ngược lại, ATSH lại sử dụng chủ yếu các ca khúc mới, mang phong cách Gen Z, thu hút mạnh mẽ nhóm khán giả trẻ.

Sự khác biệt về đối tượng người xem mục tiêu cũng dẫn đến sự khác biệt trong cách mà các thương hiệu lựa chọn đồng hành cùng 2 chương trình. Nếu ATSH hướng đến khán giả trẻ, năng động và hiện đại, phù hợp với chiến lược gắn liền sự trẻ trung, cá tính và năng động mà ngân hàng VIB xây dựng trong 2 năm trở lại đây thì việc Techcombank lựa chọn trở thành nhà tài trợ cho ATVNCG là hoàn toàn phù hợp với định vị thương hiệu.

Có thể nói, việc trở thành nhà tài trợ chương trình đã giúp các thương hiệu tăng cường nhận diện, tạo cơ hội kết nối sâu sắc với đối tượng khách hàng mục tiêu.

Brands Vietnam 2024 Review: Nhìn lại những xu hướng và sự kiện nổi bật trong năm

Đọc thêm các bài viết về chủ đề này:

Cơn sốt Capybara, Labubu, xé túi mù

Năm nay, những sản phẩm tưởng chừng chỉ dành cho trẻ em lại trở thành xu hướng thu hút người lớn, nhận được sự quan tâm rộng rãi trên các diễn đàn và được nhiều thương hiệu nhanh chóng bắt “trend” – bổ sung vào các chương trình trải nghiệm khách hàng.

Theo YouNet Media, trong nửa đầu năm 2024, chủ đề Capybara đã tạo ra hơn 349,04 nghìn thảo luận trên mạng xã hội. Không chỉ trở thành “idol giới trẻ” với lượng fan đông đảo, hình ảnh Capybara còn gây “sốt” trên các sàn thương mại điện tử khi loạt sản phẩm như gấu bông Capybara đều nhanh chóng “cháy hàng”.

Đến tháng 4/2024, POP MART thu hút truyền thông khi sản phẩm Labubu trở thành hiện tượng nhờ Lisa (BlackPink) đăng tải lên mạng xã hội. Đây chính là một trong những sản phẩm thuộc thương hiệu POP MART – hãng đồ chơi vốn được biết đến rộng rãi nhờ vào túi mù (blind-box).

Câu hỏi đặt ra là sức hút của túi mù (blind-box) đến từ đâu? Có lẽ, chính việc không biết trước nhân vật mình sẽ nhận được đã giúp quá trình mở hộp thành một trải nghiệm đáng mong chờ, nhiều bất ngờ và thú vị.

Brands Vietnam 2024 Review: Nhìn lại những xu hướng và sự kiện nổi bật trong năm

Đọc thêm các bài viết về xu hướng này:

Gojek “rời sân”, Xanh SM tăng trưởng liên tục, Be trở thành “siêu ứng dụng”

Sau “kỳ lân công nghệ” BAEMIN – startup giao đồ ăn đến từ Hàn Quốc phải rời khỏi thị trường Việt Nam vào năm 2023, đến tháng 9 năm nay, Gojek cũng bất ngờ thông báo chấm dứt hoạt động kinh doanh tại Việt Nam từ ngày 16/9.

Theo Momentum Works, năm 2023, BAEMIN chỉ chiếm 5% GMV (tổng giá trị hàng hóa) trong thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam. Ở mảng gọi xe, báo cáo “Mức độ phổ biến của ứng dụng gọi xe máy năm 2024” từ Q&Me cho biết Grab vẫn dẫn đầu, trong khi Gojek bị đẩy xuống vị trí thứ 4 sau Be và Xanh SM - ứng dụng mới gia nhập từ tháng 4/2023.

Theo báo cáo “The Connected Consumer” quý I/2024 của Decision Lab, Xanh SM đứng ở vị trí thứ 2 trong ứng dụng gọi xe công nghệ được yêu thích tại Việt Nam, chiếm hơn 32% tỷ lệ thâm nhập thị trường. Tính tới thời điểm tháng 9/2024, Xanh SM có hơn 80.000 xe đang lưu hành hàng ngày trên đường bao gồm cả xe máy điện, ô tô điện và xe của đối tác.

Chia sẻ về lý do ngừng hoạt động, Gojek cho biết công ty mẹ là Tập đoàn GoTo (Indonesia) ra quyết định này nhằm củng cố hoạt động kinh doanh và phù hợp với chiến lược tăng trưởng dài hạn của công ty. Trong khoảng thời gian hoạt động tại Việt Nam, không thể phủ nhận rằng Gojek cũng đã có nhiều lần trở thành “tâm điểm chú ý” với những chiến dịch Marketing hài hước và ấn tượng.

Nhắc đến những chiến dịch hài hước, không thể không kể đến BE cùng chiến dịch quảng cáo “Siêu ứng dụng BE – Trợ thủ đắc lực của người Việt” được ra mắt vào tháng 10 năm nay. Với cách truyền tải hài hước bằng 5 nhân vật “siêu nhân” BE, chiến dịch đã gây được tiếng vang nhất định.

Brands Vietnam 2024 Review: Nhìn lại những xu hướng và sự kiện nổi bật trong năm

Đọc thêm bài viết về hai sự kiện này:

Sàn thương mại điện tử giá rẻ tấn công thị trường Việt

Năm 2023, Shein - một ứng dụng mua sắm thời trang nhanh đã tiếp cận thị trường Việt Nam và thu hút không ít sự chú ý khi tung ra loạt sản phẩm giảm giá đột biến và những chính sách ưu đãi lớn. Dù ít được biết đến tại Trung Quốc, sự trỗi dậy thành kỳ lân tỷ đô của Shein là minh chứng cho cách tiếp cận sáng tạo và các quyết định chiến lược của công ty.

Khi truyền thông vẫn còn đang dành nhiều bút mực cho Shein, năm nay, một sàn thương mại điện tử giá rẻ khác lại tiếp tục có màn chào sân thu hút sự chú ý tại thị trường Việt Nam, đó là Temu.

Chính thức thâm nhập vào thị trường Việt Nam vào 22/10/2024, Temu đã tạo ra làn sóng truyền thông trong thị trường Việt với chương trình tiếp cận hấp dẫn cùng các chính sách mua hàng giá rẻ. Trong ngày 22/10, từ khóa “Temu Affiliate” đã thu hút hơn 22.000 lượt thảo luận trên Facebook.

Tuy nhiên, sau thời gian “gây bão” tại thị trường Việt, đến đầu tháng 12, Temu đã bất ngờ thông báo tạm dừng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam sau khi làm việc với Bộ Công Thương.

Brands Vietnam 2024 Review: Nhìn lại những xu hướng và sự kiện nổi bật trong năm

Đọc thêm về Temu qua các bài viết:

Hai “ông lớn” ví điện tử cùng thay đổi định vị

Tại sự kiện “Mở giới hạn. Mới trải nghiệm” ngày 2/7, Zalopay đã công bố định hướng và bộ nhận diện thương hiệu mới, do chính đội ngũ công ty nghiên cứu và sáng tạo. Logo mới mang hai tông xanh trẻ trung, với thiết kế mở phóng khoáng và chữ “P” viết thường, thể hiện sự tinh gọn, liền mạch.

Zalopay kỳ vọng sự thay đổi này sẽ truyền cảm hứng để khách hàng tự tin vượt qua giới hạn và khám phá trải nghiệm mới. Đại diện của Zalopay cho biết nền tảng mong muốn đáp ứng nhu cầu tài chính linh hoạt của mọi người dùng thông qua 6 sản phẩm đa dạng, từ tiết kiệm, đầu tư chứng khoán cho đến vay tiêu dùng, kể cả với số tiền rất nhỏ.

Đến đầu tháng 11, một thương hiệu ví điện tử khác cũng công bố tái định vị là MoMo với công bố chuyển mình từ ví điện tử thành “Trợ thủ tài chính với AI”. Định vị mới này lấy AI làm trụ cột công nghệ, tập trung vào các giải pháp đơn giản, ứng dụng cao, thúc đẩy bình dân hóa tài chính và chuyển đổi số.

Không chỉ đơn thuần là một bước tiến công nghệ, định vị mới này cho thấy kỳ vọng mới của MoMo, không chỉ là nơi thanh toán chuyển trả, mà giờ đây còn là trợ thủ tài chính để khách hàng làm được nhiều thứ hơn với tiền.

Brands Vietnam 2024 Review: Nhìn lại những xu hướng và sự kiện nổi bật trong năm

Đọc thêm bài viết về hai sự kiện này:

Dù ở bất kỳ lĩnh vực nào, năm 2024 cho thấy tầm quan trọng của việc thích ứng nhanh với xu thế và tận dụng công nghệ để tạo sự đột phá trong kinh doanh và xây dựng chiến lược thương hiệu. Trên hết, sự giao thoa giữa sáng tạo và công nghệ cần đi cùng sự hiểu biết về tính bền vững và trách nhiệm xã hội để tạo ra ảnh hưởng thật sự trong dài hạn.

Phố Hương / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam