Từ MNC đến SME: Đâu là bí quyết quản trị hệ thống hiệu quả trong kỷ nguyên số?
Điều gì đứng sau việc vận hành trơn tru của những tập đoàn khổng lồ như Samsung? Bí quyết nằm ở MIS – công cụ tối ưu hóa quy trình và hỗ trợ ra quyết định chiến lược. Tuy nhiên, không chỉ dành cho các "ông lớn", nền tảng như Odoo đang chứng minh rằng ngay cả doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có thể quản trị hiệu quả nhờ công nghệ.
Cùng khám phá cách các doanh nghiệp ứng dụng MIS qua chia sẻ từ chuyên gia MBA Talk #107 – “How is MIS applied in Big Corps and SMEs?” qua bài viết sau đây.
Samsung – Kinh nghiệm ứng dụng MIS từ một tập đoàn toàn cầu
Tại MBA Talk #107, anh Nguyễn Trương Hoàng Nhật – Head of NCME Business, Samsung Vietnam, đã giới thiệu cách Samsung áp dụng MIS để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh. Việc triển khai MIS trong một tập đoàn đa quốc gia (MNC) như Samsung không chỉ mang tính chiến lược mà còn đòi hỏi sự linh hoạt để phù hợp với đặc thù kinh doanh toàn cầu.
Chiến lược Data-Driven in Digital Marketing của Samsung
Trong kỷ nguyên số, dữ liệu chính là sức mạnh, và Samsung đã chứng minh khả năng sử dụng dữ liệu để dẫn dắt các chiến lược Digital Marketing hiệu quả. Chiến lược này tập trung vào việc trả lời hai câu hỏi cốt lõi:
- Làm thế nào để hiểu khách hàng một cách toàn diện?
- Làm thế nào để xác định được các yếu tố hiệu quả và không hiệu quả, từ đó tối ưu hóa ngân sách đầu tư?
Head of NCME Business, Samsung Vietnam, nhấn mạnh rằng, trong thời đại số hóa, “Data is King”. Dữ liệu vừa là nền tảng vừa là động lực thúc đẩy sự sáng tạo, đổi mới và thành công bền vững của các doanh nghiệp như Samsung.
Customer-Oriented Value Chain: Tối ưu hóa chuỗi giá trị lấy khách hàng làm trọng tâm
Khi thiết lập Hệ thống Thông tin Quản lý (MIS) trong lĩnh vực sales và marketing, công ty chú trọng đến mô hình Customer-Oriented Value Chain – một khung phân tích giúp tối ưu hóa chuỗi giá trị với trọng tâm là khách hàng.
Mô hình này bao gồm một chuỗi hoạt động mà doanh nghiệp sẽ trải qua, từ lúc họ thiết kế sản phẩm, cho đến sản xuất, phân phối, bán hàng, tạo sự nhận biết sản phẩm, sử dụng cho đến khi khách hàng quay lại với thương hiệu. Trong mỗi bước, mọi quyết định đều xuất phát từ mong muốn và nhu cầu thực tế của khách hàng.
Mục tiêu chính của Customer-Oriented Value Chain là nâng cao trải nghiệm khách hàng. Điều này bao gồm:
- Hiểu và giải quyết vấn đề của khách hàng
- Cải thiện hành trình khách hàng
- Thay đổi hành vi khách hàng (Transformative customer)
Customer Experience Journey
Đối với các đội ngũ sales và marketing, việc áp dụng mô hình này đòi hỏi sự thấu hiểu sâu sắc về khách hàng, từ đó xây dựng chiến lược và giải pháp dựa trên dữ liệu và insights cụ thể. Liên quan chặt chẽ đến mô hình Customer-Oriented Value Chain, Customer Experience Journey là hành trình mà khách hàng trải qua khi tương tác với thương hiệu.
Quá trình này có thể tóm gọn trong năm bước: Awareness, findability, reputation, conversion, engagement và contribute to next person’s decision. Trong từng bước, công ty luôn có cách phối hợp sử dụng hệ thống MIS từ đối tác bên ngoài như Facebook, Google, v.v. lẫn hệ thống nội bộ để tối ưu hoá các hoạt động.
Customer Data Platform (CDP) tại Samsung: Hiểu khách hàng và tối ưu hóa đầu tư
Customer Data Platform (CDP) là nền tảng cho phép các doanh nghiệp như Samsung lưu trữ và phân tích toàn bộ dữ liệu liên quan đến khách hàng, bao gồm cả người tiêu dùng cuối (end users) và đối tác doanh nghiệp (B2B partners). Đây là hệ thống trọng tâm trong việc thu thập, quản lý và sử dụng dữ liệu để tối ưu hóa chiến lược kinh doanh dựa trên hành vi và nhu cầu thực tế của khách hàng.
Quản lí thông tin qua Samsung Account: Khi khách hàng tạo và sử dụng Samsung Account, thông tin khách hàng sẽ được lưu lại và quản lí trong hệ thống quản trị toàn cầu. Hệ thống này cho phép công ty hiểu về nhân khẩu học, thói quen sử dụng hay nâng cấp thiết bị và từ đó có thể dự đoán chu kì nâng cấp của tập khách hàng.
Tối ưu hóa vận hành CRM: CDP cung cấp dữ liệu chi tiết giúp Samsung cải thiện hệ thống CRM, từ việc cá nhân hóa trải nghiệm đến xây dựng lòng trung thành từ khách hàng. Từ thông tin trên hệ thống, công ty cũng có thể hiểu mức độ sử dụng các tính năng, tối ưu hóa các tính năng hiện có trên sản phẩm hay tập trung đầu tư vào các tính năng mà khách hàng có nhu cầu cao, tăng giá trị và mức độ hài lòng.
Ứng dụng hệ thống và dịch vụ thông minh: Công ty sử dụng giải pháp Samsung Members giúp tăng cường kết nối, hỗ trợ,tạo thêm giá trị sau khi mua hàng (post-purchase experience) cho khách hàng qua các chương trình thành viên.
Galaxy Tab S10: Ứng dụng MIS để cá nhân hóa chiến lược tiếp cận khách hàng
Với sự hỗ trợ của MIS và CDP, Samsung đã triển khai các chiến lược cá nhân hóa hướng đến các nhóm khách hàng mục tiêu của dòng sản phẩm Galaxy Tab S10. Cụ thể, doanh nghiệp đã sử dụng CDP để phân loại khách hàng thành các nhóm, từ đó xây dựng chiến lược tailor action phù hợp, tối ưu hóa selling point theo nhu cầu từng nhóm khách hàng khác nhau: Nhóm sử dụng tablet cũ chưa nâng cấp, Nhóm khách hàng sử dụng sản phẩm cao cấp nhưng chưa sở hữu tablet, v.v.
Bên cạnh đó, Samsung cũng kết hợp với các nền tảng như Google Ads, Facebook Ads hoặc các đối tác chiến lược trong ngành để truyền tải thông điệp theo từng đối tượng khách hàng như nhóm khách hàng học sinh sinh viên, nhóm khách hàng sáng tạo, v.v. . Điều này giúp tăng cường hiệu quả của chiến dịch đồng thời tối ưu hoá được chi phí và đảm bảo nội dung được phân phối một cách chính xác.
Các chỉ số của chiến dịch như Marketing Quality Visit, tỷ lệ tương tác, cũng được cải thiện, tăng đáng kể so với các chiến dịch trước đó.
Có thể thấy, Samsung đã thành công trong việc áp dụng công nghệ MIS và CDP để cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng, từ đó gia tăng sự hài lòng và cải thiện hiệu quả kinh doanh. Đây là minh chứng cho tầm quan trọng của dữ liệu và công nghệ trong việc xây dựng các chiến lược tiếp thị hiện đại.
Odoo – Một trong những giải pháp ERP tối ưu và toàn diện cho doanh nghiệp
Odoo là một nền tảng mã nguồn mở được thiết kế để hỗ trợ doanh nghiệp quản lý các quy trình vận hành, từ bán hàng, mua hàng, kế toán cho đến quản lý sản xuất và nhân sự.
“Với tính năng linh hoạt, chi phí triển khai Odoo thường chỉ bằng khoảng 2/3 so với các phần mềm ERP truyền thống, tùy thuộc vào năng lực của đội ngũ triển khai cũng như mức độ ứng dụng của doanh nghiệp.” – Anh Trình Gia Lạc – CEO, LATIDO JSC, đồng thời là chuyên gia trong lĩnh vực MIS, nhấn mạnh tại MBA Talk #107.
Thách thức khi doanh nghiệp Việt Nam triển khai Odoo
Việc triển khai Odoo tại Việt Nam không chỉ là bài toán công nghệ mà còn là câu chuyện thay đổi tư duy quản trị và tổ chức. Dưới đây là 3 thách thức lớn mà các doanh nghiệp thường gặp phải khi áp dụng hệ thống ERP này:
- Thiếu động lực ứng dụng ERP: Nhiều doanh nghiệp chưa xác định rõ lý do và mục tiêu sử dụng ERP, dẫn đến việc thiếu cam kết. Sự thay đổi tư duy quản lý, đặc biệt ở các doanh nghiệp nhỏ hoặc truyền thống, vẫn là một rào cản lớn.
- Hạn chế về công nghệ và quy trình: Thành công của ERP đòi hỏi đội ngũ hiểu rõ cả doanh nghiệp và hệ thống. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn do thiếu kiến thức công nghệ cơ bản; thậm chí, có nhân viên còn chưa quen dùng các công cụ như Excel.
- Tâm lý e ngại thay đổi: Việc điều chỉnh quy trình cũ hay dành thời gian đào tạo nhân sự thường bị xem nhẹ. Tâm lý này không chỉ làm chậm tiến độ triển khai mà còn khiến hệ thống không phát huy tối đa hiệu quả.
Odoo được ứng dụng rộng rãi tại các doanh nghiệp Việt Nam và trên toàn cầu
Odoo nổi bật với khả năng điều chỉnh linh hoạt, cho phép doanh nghiệp triển khai từng phân hệ một cách hiệu quả, phù hợp với quy mô và đặc thù vận hành. Chính vì thế, tại Việt Nam, Odoo đã trở thành lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp lớn nhờ khả năng đáp ứng tốt các nhu cầu quản lý phức tạp của từng ngành nghề.
Một điểm mạnh khác là Odoo hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ các quy định pháp lý, đặc biệt về xuất hóa đơn điện tử – yêu cầu bắt buộc trong tương lai gần đối với tất cả doanh nghiệp và hộ kinh doanh tại Việt Nam. Hơn nữa, phân hệ quản lý bán hàng (POS) của Odoo không chỉ giúp xử lý hóa đơn nhanh chóng tại điểm bán mà còn tích hợp chặt chẽ với hệ thống xuất hóa đơn điện tử, giúp các doanh nghiệp vận hành dễ dàng và minh bạch hơn.
Kết
Việc ứng dụng MIS không chỉ là một xu hướng công nghệ, mà còn là một yếu tố quyết định trong chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp trong kỷ nguyên số. Các giải pháp MIS như Odoo đã chứng minh khả năng tối ưu hóa quy trình vận hành, hỗ trợ quyết định chiến lược và nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Tuy nhiên, để đạt được thành công lâu dài, việc triển khai MIS đòi hỏi một chiến lược toàn diện, bao gồm đầu tư vào công nghệ, đổi mới tư duy quản trị, đào tạo nhân sự và cải tiến quy trình làm việc. Chỉ khi những yếu tố này được kết hợp một cách chặt chẽ, MIS mới có thể trở thành công cụ mạnh mẽ giúp doanh nghiệp không chỉ duy trì được sự cạnh tranh mà còn phát triển mạnh mẽ trong môi trường kinh doanh đầy biến động.
MBA Talk là chuỗi hội thảo với sự tham dự của các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực, các lãnh đạo, quản lý cấp cao từ các công ty đa quốc gia, tập đoàn lớn trong và ngoài nước cùng các Giáo sư – Tiến sĩ từ các trường đại học lớn tại Việt Nam & Nước ngoài. Các khách mời sẽ cùng thảo luận, chia sẻ nhiều vấn đề, tình huống thực tiễn trong kinh doanh nhằm cung cấp kiến thức theo hướng chuyên sâu, đúng triết lý đào tạo PSO (Problem Solving in Organization).