Xu hướng tiêu dùng và truyền thông Tết 2025 doanh nghiệp cần chú ý để bứt phá dịp cuối năm
Tết Nguyên Đán – thời điểm vàng của thị trường tiêu dùng – không chỉ là dịp lễ truyền thống mà còn là cơ hội lớn để doanh nghiệp thúc đẩy doanh số và tăng cường độ nhận diện thương hiệu. Năm 2025, khi hành vi người tiêu dùng và cách tiếp cận truyền thông tiếp tục thay đổi mạnh mẽ, các doanh nghiệp cần nắm bắt những xu hướng nổi bật để đưa ra chiến lược phù hợp.
Bài viết này tổng hợp và phân tích những xu hướng tiêu dùng và truyền thông đáng chú ý trong mùa Tết 2025, cung cấp những gợi ý thực tiễn để doanh nghiệp không chỉ hòa nhập mà còn dẫn đầu trong cuộc đua chiếm lĩnh thị trường cuối năm.
Bối cảnh thị trường tiêu dùng Tết
Nhìn lại thị trường Tết 2024…
Theo Tổng cục Thống kê, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 4,34% tính đến tháng 6 năm 2024 và tăng trung bình 4,08% trong nửa đầu năm. Tổng doanh số bán lẻ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù con số này thấp hơn 2,7 điểm phần trăm so với năm 2023.
Trước triển vọng đầy thách thức này, thị trường tiêu dùng Việt Nam vẫn được đánh giá là rất tiềm năng. Theo báo cáo của World Data Lab, với dân số 100 triệu người, Việt Nam được dự đoán sẽ trở thành thị trường tiêu dùng lớn thứ 11 thế giới vào năm 2030, với 80 triệu người tiêu dùng (tăng 34% so với năm 2024) và nằm trong nhóm 5 thị trường tiêu dùng tăng trưởng nhanh nhất châu Á.
Rủi ro về lạm phát khiến người tiêu dùng chi tiêu thận trọng hơn. Khảo sát Người tiêu dùng 2024 của PwC tại Việt Nam cho biết người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng cắt giảm chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu như các mặt hàng xa xỉ, sản phẩm giải trí, sách/báo, ưu tiên các sản phẩm/dịch vụ thiết yếu như nhu yếu phẩm, quần áo và chăm sóc sức khỏe.
Tuy nhiên, Tết nguyên đán là dịp lễ quan trọng, thường khiến lượng tiêu thụ fmcg tăng đột biến do chi tiêu hộ gia đình tăng và hoạt động tặng quà. Đây cũng là thời điểm xảy ra làn sóng di cư trên quy mô lớn trên toàn quốc, khi người lao động di chuyển về quê ăn Tết, ảnh hưởng đến việc phân phối và tiêu thụ các sản phẩm FMCG ở các vùng miền khác nhau. Thế nhưng mức tăng trưởng thị trường FMCG Tết 2024 không có sự thay đổi, do những khó khăn tài chính dẫn đến sự suy giảm trong chi tiêu, theo báo cáo từ Kantar.
Nhìn lại kỳ nghỉ lễ Tết 2024, giá trị đóng góp của dịp Tết trong ngành hàng FMCG có xu hướng giảm dần, trong khi hai tháng trước Tết theo truyền thống luôn chứng kiến sự gia tăng hoạt động tiêu dùng vì mọi người chuẩn bị cho lễ hội.
Dự đoán xu hướng tăng trưởng FMCG dịp Tết 2025
Trong môi trường FMCG đầy thách thức, Kantar dự đoán tốc độ tăng trưởng FMCG trong dịp Tết 2025 sẽ đạt 1-3%, trong đó khu vực thành thị có mức tăng trưởng thấp hơn khu vực nông thôn. Khi Tết 2025 rơi vào tháng 1, các thương hiệu phải chuẩn bị sớm cho các hoạt động mua sắm cao điểm được mong đợi, dự kiến sẽ bắt đầu sớm nhất là vào tháng 12.
Có lẽ sự suy thoái sau đại dịch và những biến động kinh tế do các yếu tố văn hoá, chính trị trên thế giới đã làm thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng kể cả trong những dịp đặc biệt, đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục cập nhật và linh hoạt ứng phó.
Xu hướng tiêu dùng Tết
Văn hóa tặng quà Tết là động lực mua sắm chính
Theo nghiên cứu người tiêu dùng trên các nền tảng trực tuyến của Buzzmetric, động lực mua sắm hàng đầu của người tiêu dùng cho Tết 2024 là chi tiêu cho quà tặng. Tỷ lệ người tiêu dùng chi tiêu cho quà tặng Tết đã tăng hơn 10%, trong khi chi tiêu để tự thưởng bản thân, chuẩn bị Tết giảm lần lượt 0,6% và 0,1%, chi tiêu hưởng thụ Tết tăng 1,4%. Điều này cho thấy dù thắt chặt chi tiêu do khó khăn tài chính, người tiêu dùng Việt vẫn cố gắng duy trì truyền thống tặng quà Tết như một nét văn hoá bền vững.
Tuy nhiên, tổng hợp chiến dịch Tết của các thương hiệu FMCG cho thấy chủ đề quà tặng đang bão hoà trên thị trường cạnh tranh Tết. Điều này có nghĩa là mức độ quan tâm vẫn cao nhưng bởi có quá nhiều thương hiệu quảng bá với thông điệp tương tự, khiến sự lặp lại thông điệp làm mất hứng thú cho người tiêu dùng.
Để tăng sự cạnh tranh cho chiến dịch Tết, thương hiệu cần hiểu được những mong muốn, vấn đề của người tiêu dùng khi mua sắm Tết. Theo Buzzmetric, người tiêu dùng ưu tiên cho các hoạt động khác như chăm sóc sức khỏe, tăng trải nghiệm tại nhà, cắt giảm chi tiêu bên ngoài. Ngoài ra, họ cũng chuyển qua phân khúc sản phẩm thấp hơn, mua số lượng lớn và tìm kiếm khuyến mãi để tiết kiệm hơn. “Giá cả hợp lý”’ và “đủ dùng” là tiêu chí hàng đầu khi mua sắm Tết, và bao bì thẩm mỹ cũng là yếu tố họ quan tâm khi chuẩn bị quà tặng Tết, bởi họ trân trọng truyền thống văn hoá này. Vì vậy, các thương hiệu nên cân nhắc kỹ về yếu tố giá cả và bao bì để thu hút khách hàng mà vẫn thu được hiệu quả kinh doanh.
Điều quan trọng là phải hiểu sự khác biệt giữa các đợt mua sắm trong kỳ nghỉ lễ diễn ra khác nhau ở khu vực thành thị và nông thôn cũng như tại các cửa hàng thực tế và trực tuyến để tối đa hóa sự hiện diện của thương hiệu và nắm bắt hầu hết các dịp mua sắm của người tiêu dùng.
Người tiêu dùng có xu hướng đón tết lành mạnh và thiết thực hơn
Tết 2024 đánh dấu sự thay đổi đáng chú ý trong hành vi của người tiêu dùng, đề cao tính thực tế, đơn giản hóa trong việc lựa chọn sản phẩm. Xu hướng này đặc biệt rõ ràng ở việc giảm tiêu thụ các mặt hàng mang tính kỷ niệm, chẳng hạn như rượu và bánh kẹo, đồng thời tăng giá trị các mặt hàng thiết yếu như dụng cụ nấu ăn.
Top 5 ngành hàng được người mua sắm Tết ưu tiên chi nhiều hơn bao gồm:
-
Dinh dưỡng và thực phẩm chức năng (45%): Sau đại dịch, người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe, vì vậy các sản phẩm như vitamin, thực phẩm bổ sung và thảo dược được ưu ái. Đây cũng là món quà vừa mang tính thiết thực khi biếu tặng, vừa cho thấy sự quan tâm sâu sắc đến sức khỏe người nhận.
-
Chăm sóc cá nhân (43%): Với tâm lý “làm mới” bản thân để đón năm mới với sự rạng rỡ, chỉn chu khi gặp gỡ gia đình, bạn bè, các sản phẩm chăm sóc da, tóc và cơ thể luôn được săn đón mỗi dịp Tết.
-
Thời trang & phụ kiện (43%): Các mặt hàng thời trang vẫn luôn được quan tâm bởi việc sắm quần áo mới được coi là một phần quan trọng trong văn hóa Tết, tượng trưng cho khởi đầu mới.
-
Đồ ăn (42%): Nhu cầu mua sắm thực phẩm chế biến sẵn, bánh mứt và đồ đặc sản ngày càng tăng. Bên cạnh đó, hộp quà bánh, thực phẩm đặc sản là lựa chọn an toàn, ý nghĩa trong dịp Tết.
-
Đồ uống không cồn (38%): Người tiêu dùng ngày càng nâng cao nhận thức về sức khỏe, quan tâm đến lối sống lành mạnh nên đồ uống đồ uống không cồn như nước trái cây, trà thảo mộc, nước detox được ưa chuộng hơn rượu bia. Doanh thu đồ uống có cồn ghi nhận sự sụt giảm, bởi các yếu tố như việc thực hiện luật an toàn khi lái xe chặt chẽ hơn và sự chú trọng tiết kiệm ngày càng tăng.
Người tiêu dùng tập trung vào sự tiện lợi, sức khỏe và giá trị
Báo cáo của Kantar về xu hướng Tết 2025 cho biết trong việc tặng quà, người tiêu dùng nhận được nhiều lựa chọn quà tặng thiết thực hơn, lành mạnh hơn và giá cả phải chăng hơn. Sự thay đổi này thể hiện rõ ở sự gia tăng của các mặt hàng thiết yếu trong tủ đựng thức ăn như các lựa chọn quà tặng như dầu ăn và gia vị, cũng như sự suy giảm của các mặt hàng kỷ niệm như bia hoặc kẹo. Một số danh mục có mức tăng cao nhất trong các dịp tặng quà cũng tập trung vào sức khỏe như đồ ăn nhẹ và các loại hạt, sữa chua cốc hoặc tổ yến.
(Nguồn: Kantar Worldpanel)
Trong mùa nghỉ lễ, các thương hiệu cần quảng bá các sản phẩm và kênh ưu tiên giúp người tiêu dùng tiết kiệm thời gian, tiền bạc và công sức, đồng thời mang lại lợi ích tập trung vào sức khỏe và giá trị đồng tiền. Việc tìm kiếm giá trị vẫn là điều quan trọng nhất trong tư duy của người tiêu dùng Việt Nam.
Sắm Tết sớm đang là xu hướng
Nghiên cứu của YouGov cho biết 1 trong 2 người tiêu dùng lên kế hoạch mua sắm Tết trước ít nhất 40 ngày, và 4 trong 5 người lên kế hoạch mua sắm Tết ít nhất 1 tháng. Họ đặc biệt quan tâm đến các ngày Siêu Sales nhằm tìm kiếm khuyến mãi để tối ưu tài chính. Nghiên cứu do TikTok uỷ quyền thực hiện bởi Toluna về hành vi Tết cũng đề cập đến sự gia tăng kết hợp mua sắm và giải trí (Shoppertainment) trên TikTok đang thay đổi cách người tiêu dùng tiếp cận Tết. Cụ thể, người dùng TikTok có xu hướng chuẩn bị cho Tết sớm hơn, thể hiện qua việc: lên kế hoạch trang trí nhà cửa, dự định mua sắm các sản phẩm Tết, tìm kiếm quà Tết. Theo nghiên cứu, 4 nhu cầu phổ biến mùa Tết là Sum họp gia đình, Trao quà, Giữ gìn truyền thống và Du lịch và giải trí.
-
83% người dùng dự định trang trí cho Tết với cách hoạt động như trồng hoa, cây cảnh, làm đồ thủ công Tết, dọn dẹp và trang trí nhà cửa.
-
95% người dùng dự định mua sắm cho Tết, bao gồm thực phẩm, đồ điện tử và công nghệ, sản phẩm làm đẹp và chăm sóc cá nhân, cũng như quần áo và phụ kiện.
-
81% người dùng dự định mua quà Tết với sản phẩm như thực phẩm và đồ uống, bao gồm bia, nước ngọt, bánh kẹo và các loại rượu.
Trong quá trình mua sắm, livestream đóng vai trò quan trọng đối với thế hệ Milennials và Gen Z. Hơn 1/2 số người được khảo sát cho biết họ quan tâm đến các đề xuất từ nhà sáng tạo nội dung khi đưa ra quyết định mua sắm Tết. Tác động của mua sắm trên Livestream đến hoạt động mua sắm trong mùa Tết mạnh hơn đáng kể so với các thời điểm khác trong năm.
Vì vậy, doanh nghiệp muốn thúc đẩy doanh thu dịp vào Tết Nguyên Đán hướng đến khách hàng Gen Y và Gen Z cần tập trung vào các định dạng sáng tạo, lồng ghép yếu tố Tết và khuyến mãi trong thông điệp truyền thông.
Tâm lý người tiêu dùng dịp Tết
Người tiêu dùng mong muốn đơn giản hoá ngày Tết
Việc theo đuổi một mùa lễ hội không căng thẳng còn được thể hiện rõ hơn qua sự gia tăng du lịch và di chuyển trong dịp Tết 2024. Khi người tiêu dùng tìm cách thoát khỏi áp lực của cuộc sống hàng ngày và tận hưởng kỳ nghỉ xứng đáng, cả du lịch trong nước và quốc tế đều có mức tăng trưởng đáng kể, theo tổng cục thống kê. Xu hướng này nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của việc giải trí và thư giãn như một thành phần trung tâm của ngày lễ Tết hiện đại.
Sau vài năm vật lộn với sự thay đổi liên tục, người tiêu dùng Việt mong mỏi một mùa Tết an nhàn, thoải mái khi có thể dành nhiều thời gian hơn cho bản thân và gia đình. các thương hiệu và nhà sản xuất cần nắm bắt sự thay đổi mới nổi này để phục vụ thế hệ người tiêu dùng bận rộn và căng thẳng, những người coi trọng sự tiện lợi, hiệu quả và các sản phẩm giúp đơn giản hóa cuộc sống của họ.
Chủ đề thảo luận về Tết có xu hướng thay đổi
Báo cáo của Buzzmetrics và YouNet Media đều cho biết thảo luận về Tết 2024 giảm gần 20% so với năm trước. Đặc biệt, chủ đề thảo luận Tết cũng có sự thay đổi.
Chủ đề đoàn viên, dọn dẹp thường thấy trong quảng cáo Tết không còn là chủ đề hứa hẹn khi lượt thảo luận giảm, trong khi những chủ đề hướng đến cảm xúc như mong Tết, chán Tết, cập nhật về Tết và nấu ăn & ăn uống trở nên phổ biến hơn. Sự thay đổi này cho thấy sự thay đổi đáng chú ý trong tâm lý người tiêu dùng, khi họ có nhu cầu tìm kiếm sự thoải mái, giảm bớt áp lực trong kỳ nghỉ lễ. Người làm marketing cần khai thác các cảm xúc hiện tại của người tiêu dùng, thay vì đi theo lối mòn, để tạo ra sự kết nối sâu sắc hơn với khách hàng trong dịp Tết 2025.
Gợi ý chiến lược truyền thông hiệu quả cho Tết 2025
Thời gian là chìa khoá
Trong bối cảnh tăng trưởng khối lượng fmcg trì trệ, điều quan trọng hơn bao giờ hết đối với các thương hiệu là phải trở thành thương hiệu được chú ý hàng đầu vào đúng thời điểm và địa điểm để thu hút càng nhiều người mua sắm càng tốt trong mùa lễ.
Theo báo cáo về chiến dịch Tết 2024 được thực hiện bởi YouNet Media, các chiến dịch Tết thường có 4 giai đoạn:
-
Teasing: Giai đoạn khởi động, hé lộ thông tin về chiến dịch Tết - 1 tháng trước Tết Dương lịch
-
Launching Key Asset: Giai đoạn ra mắt MV, Sự kiện chính thức - Tết Dương Lịch
-
Booming: Giai đoạn cao trào, các chiến dịch đạt đến đỉnh điểm về độ phủ sóng và tương tác - 3 tuần trước Tết Âm Lịch
-
Remaining: Giai đoạn duy trì, các thương hiệu tiếp tục các hoạt động để duy trì sự quan tâm của người dùng - Kéo dài sau Tết âm lịch 04 tuần
Khảo sát của Kantar cũng đưa ra quan điểm ba tuần trước Tết là thời điểm tốt nhất để các thương hiệu tối đa hóa sự hiện diện của mình, vì đây là lúc hoạt động mua sắm bắt đầu đạt đỉnh điểm. Tuy nhiên, có sự khác biệt đáng chú ý về thời gian của các đợt mua sắm cao điểm này giữa khu vực thành thị và nông thôn.
Ở khu vực nông thôn, nơi những người di chuyển từ thành phố về quê, người mua sắm thường chi tiêu nhiều hơn trong dịp Tết so với những người ở thành thị so với mức chi tiêu của họ trong một tuần bình thường. Ngoài ra, thời gian mua sắm cao điểm ở nông thôn có xu hướng kéo dài hơn, thậm chí kéo dài tới một tuần sau Tết vì người dân nông thôn thường có thời gian nghỉ dài hơn người dân thành thị. Các thương hiệu phải nhận ra những khác biệt này và duy trì sự hiện diện của mình ở đúng điểm tiếp xúc để tối đa hóa mức độ phù hợp với người tiêu dùng ở nhiều khu vực khác nhau.
Tết am hiểu công nghệ: các nền tảng trực tuyến định hình hoạt động mua sắm dịp lễ hội
Mua sắm trực tuyến đã định hình lại đáng kể hành trình tiêu dùng dịp lễ hội, mang đến sự tiện lợi vô song, ưu đãi hấp dẫn và nhiều lựa chọn sản phẩm. Trong dịp Tết 2024, các kênh trực tuyến nổi lên như một lựa chọn phổ biến để mua sắm Tết, chiếm thị phần đáng kể trong ngắn hạn tại 4 thành phố đô thị trọng điểm với giá trị tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái. (theo Kantar Worldpanel)
Hình thức mua sắm trực tuyến ngày càng được người mua sắm đa kênh lựa chọn vì dịch vụ hậu cần thuận tiện, chiết khấu và ưu đãi hấp dẫn, miễn phí giao hàng và tính năng giao hàng trong ngày cũng như sự sẵn có của sản phẩm. Bằng cách tiết kiệm thời gian và công sức của người tiêu dùng, những yếu tố này khiến nền tảng trực tuyến trở thành lựa chọn lý tưởng cho những ai đang tìm cách tối đa hóa nguồn lực của mình.
Xu hướng sử dụng A.I trong các chiến dịch Tết 2024
Dịp Tết 2024, các thương hiệu ngành Bia, Thức uống không cồn & Chăm sóc gia đình đã tiên phong ứng dụng công nghệ A.I trong sáng tạo các sản phẩm truyền thông và cá nhân hóa trải nghiệm người dùng. AI được sử dụng để tạo ra Key Visual trong chiến dịch “Mang Tết về nhà” của Pepsi, đóng vai trò là trợ lý ảo hỗ trợ người tiêu dùng trong chiến dịch Knorr, và được ứng dụng trong nhiều sự kiện đón năm mới. Năm nay, Coca Cola cũng nổ phát súng mở đường cho các ấn phẩm truyền thông ứng dụng công nghệ A.I trong chiến dịch lễ hội cuối năm khi tung ra video quảng cáo được tạo ra hoàn toàn bởi A.I. Mặc dù nhận được nhiều tranh cãi trái chiều, không thể phủ nhận A.I đang tạo ra một luồng gió mới cho các chiến dịch sáng tạo và nâng cao mức độ cạnh tranh trên thị trường. Đây là điểm mới sáng tạo mà thương hiệu có thể cân nhắc khai thác trong dịp Tết 2025.
Gamification trong các chiến dịch Tết
Xu hướng Shoppertainment lên ngôi, các chiến dịch tích hợp trò chơi nhận được sự quan tâm trong mùa lễ hội như Dragon Gem by Bia Saigon, Kennection của HEINEKEN thu hút người chơi với tính tương tác cao và nhiều phần quà hấp dẫn.
Các thương hiệu có thể triển khai game trên App hoặc link Website, dễ chơi, dễ tham gia & dễ nhận quà. Kết hợp cùng Influencer, KOLs và cộng đồng riêng để quảng bá Game. Với nhu cầu giải trí cao, hoạt động sẽ giúp thương hiệu duy trì được tương tác với người dùng trong dịp Tết 2025.
Tối đa hóa phạm vi tiếp cận trên các kênh
Tầm quan trọng của việc có mặt tại các điểm tiếp xúc của người tiêu dùng vào đúng thời điểm và địa điểm là không thể phủ nhận, đặc biệt là trong các ngày lễ truyền thống khi các danh mục truyền thống có nhu cầu cao và ban đầu thường mua hàng từ các kênh thương mại truyền thống.
Dữ liệu của Kantar tiết lộ rằng thời gian mua sắm cao điểm của các kênh trực tuyến thường diễn ra trước thời gian mua sắm cao điểm của các cửa hàng thực tế. Chẳng hạn như mùa Tết 2023 khi mua sắm trực tuyến đạt đỉnh điểm vào tháng 12, trong khi năm mới diễn ra vào tháng 1. Tương tự, vào dịp Tết 2024, đỉnh điểm mua sắm trực tuyến là vào tháng 1, kéo theo những lễ hội tháng 2 diễn ra muộn hơn. Mô hình này cho thấy rằng người tiêu dùng có xu hướng bắt đầu mua sắm trực tuyến trong kỳ nghỉ sớm hơn và có thể hoàn tất giao dịch mua hàng vào phút cuối tại các cửa hàng thực tế khi thời gian có hạn.
-
Đa dạng nền tảng MXH tăng cường tương tác trực tiếp , lan tỏa thông điệp và thu hút sự chú ý thông qua nội dung sáng tạo, gần gũi.
-
Sử dụng KOLs/ Influencers giúp chiến dịch tiếp cận đúng đối tượng mục tiêu & tăng brand love..
-
PR và báo chí giúp chiến dịch gia tăng uy tín & tiếp cận đa dạng đối tượng người dùng.
Sử dụng âm nhạc để chạm đến cảm xúc khách hàng
Thể loại Rap phổ biến trong các chiến dịch Tết 2024 khi nhiều thương hiệu FMCG đưa chất liệu rap hiện đại vào bối cảnh truyền thống nhằm tiếp cận nhóm khách hàng trẻ, như Pepsi với chiến dịch Mang Tết về nhà, Kitkat với “Tết xả hơi, làm gì cănggg”, hay chiến dịch “Tết đến” được thực hiện bởi Masan Consumer.
Dự kiến dịp Tết 2025, sự bùng nổ các chương trình âm nhạc trong nửa cuối năm 2024 tạo nên một làn sóng hâm mộ ở mọi lứa tuổi, các sản phẩm âm nhạc tiếp tục thu hút đông đảo người hâm mộ. Việc hợp tác với các nghệ sĩ trong các chương trình âm nhạc phổ biến không chỉ giúp thương hiệu củng cố tình yêu thương hiệu trong nhóm công chúng mục tiêu mà còn kích thích hành vi mua sắm của khách hàng thông qua người ảnh hưởng.
Tổ chức các hoạt động CSR
Tết thường được nhắc đến là thời gian gắn kết, sum vầy, chia sẻ yêu thương. Đây cũng là thời điểm các thương hiệu tận dụng để thể hiện trách nhiệm cộng đồng và nâng cao hình ảnh tích cực trong tâm trí khách hàng. Đặc biệt, với ngành hàng FMCG, chiến lược CSR phù hợp có thể giúp thương hiệu chiến thắng đối thủ trong bối cảnh cạnh tranh về giá cả và sản phẩm khốc liệt.
Tết 2024, chương trình trao tặng vé máy bay và vé xe cho sinh viên, thanh niên công nhân, người lao động xa nhà có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết được thực hiện bởi nhiều thương hiệu, trong đó có Pepsi, Lifebuoy, OMO.
Các hoạt động CSR dự kiến vẫn có sức hút và tạo ra ảnh hưởng tích cực cho thương hiệu trong dịp Tết 2025.
Thử thách, cuộc thi trên nền tảng mạng xã hội
Tết đối với nhiều người là khoảng thời gian nghỉ ngơi, xả hơi và kết nối với gia đình, bạn bè. Vì vậy, thương hiệu có thể tạo các chiến dịch hashtag, thử thách, cuộc thi trên các nền tảng mạng xã hội nhằm tăng tương tác cho chiến dịch truyền thông Tết 2025. Đặc biệt, với các sản phẩm tiêu dùng nhanh như trà, sữa, đồ gia vị nấu nướng hay mỹ phẩm có thể mang đến thông điệp đầu năm ý nghĩa và gia tăng lượt bán thông qua các hoạt động này.
KẾT LUẬN
Tết Nguyên đán là một trong những dịp lễ quan trọng trong văn hoá cổ truyền của người Việt, cũng là thời điểm để các thương hiệu tạo ra các hoạt động gắn kết với khách hàng, củng cố lòng trung thành và thúc đẩy doanh số.
Hi vọng dữ liệu về bối cảnh thị trường, xu hướng tiêu dùng và tâm lý mua sắm vào dịp Tết nguyên đán của người tiêu dùng Việt được tổng hợp bởi Ori Marketing Agency giúp bạn có thêm góc nhìn về thị trường cuối năm để đưa ra những chiến lược marketing phù hợp.
Nếu bạn thấy bài viết hữu ích, đừng quên theo dõi Ori Marketing Agency để khám phá thêm nhiều bài viết chất lượng khác nhé!