Spotify Wrapped, #ShotOniPhone...: 10 ý tưởng đắt giá từ những chiến dịch Social Media truyền cảm hứng
Trong thời đại số hóa, mạng xã hội đã trở thành sân chơi cho các thương hiệu tạo ra dấu ấn, gây thương nhớ ở đối tượng khách hàng. Từ việc biến thức uống thành hiện tượng đến thay đổi cả định nghĩa về giới tính, những chiến dịch Social Media đột phá không chỉ giúp thương hiệu gây tiếng vang mà còn tác động mạnh mẽ đến cộng đồng.
Vậy đâu là bí quyết khiến các chiến dịch này truyền cảm hứng và trở thành “hiện tượng” toàn cầu? Cùng khám phá 10 chiến dịch nổi bật nhất đã và đang định hình cách chúng ta nhìn nhận về Social Media và sự sáng tạo trong Marketing.
1. Chiến dịch “Unicorn Frappuccino” của Starbucks
Tổng quan về chiến dịch
“Unicorn Frappuccino” được ra mắt vào tháng 4/2017, là một chiến dịch truyền thông ngắn nhưng cực kỳ ấn tượng và có sức lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội. Mục tiêu của chiến dịch là thu hút khách hàng nhanh chóng đến cửa hàng Starbucks để thưởng thức sản phẩm mới là một cốc frappuccino màu hồng tím lấp lánh, chỉ được bán trong một tuần duy nhất.
Với sự hấp dẫn về mặt thị giác và tính giới hạn của sản phẩm, “Unicorn Frappuccino” đã tạo ra một làn sóng lớn trên mạng xã hội, đặc biệt là trong giới Millennials – những người nổi tiếng với thói quen chia sẻ hình ảnh thức ăn và đồ uống trên Instagram.
Một trong những yếu tố quan trọng trong chiến dịch này là tận dụng sự khan hiếm và nỗi sợ FOMO ở người tiêu dùng với việc sản phẩm chỉ có sẵn trong một thời gian ngắn. Sự giới hạn về thời gian đã tạo ra cảm giác cấp bách và nỗi sợ bỏ lỡ trong khách hàng, khiến họ đổ xô đến cửa hàng Starbucks để thử món đồ uống này trước khi nó biến mất.
Màu sắc tươi sáng và lấp lánh của cốc “Unicorn Frappuccino” đã tạo sự thích thú ở nhiều tệp khách hàng, hấp dẫn người tiêu dùng chia sẻ trên mạng xã hội. Hashtag #UnicornFrappuccino đã thu hút gần 155.000 bài đăng trên Instagram trong suốt chiến dịch, giúp tăng khả năng tiếp cận và nhận diện thương hiệu.
Bài học ở đây là gì?
Chiến dịch “Unicorn Frappuccino” của Starbucks mang đến nhiều bài học quan trọng:
- Tận dụng tâm lý FOMO của khách hàng: Sự cấp bách chính là động lực thúc đẩy khách hàng hành động nhanh chóng mạnh mẽ. Việc làm cho sản phẩm kích thích về mặt thị giác, mang cảm giác hiếm hoi và chỉ có trong một khoảng thời gian ngắn có thể tạo ra làn sóng nhu cầu rất lớn.
- Cân nhắc tác động đến các bên liên quan: Dù chiến dịch mang lại sự thành công lớn, nhưng cũng có những lời phê bình về mùi vị của “Unicorn Frappuccino”. Bên cạnh đó, một số nhân viên của Starbucks cũng đã bày tỏ sự không hài lòng về quy trình pha chế phức tạp. Điều này cho thấy sự quan trọng của việc chuẩn bị đầy đủ cho tất cả các khía cạnh của chiến dịch và đảm bảo mọi người tham gia đều có sự chuẩn bị tốt.
2. Chiến dịch #ShotOniPhone của Apple
Tổng quan về chiến dịch
Chiến dịch #ShotOniPhone của Apple, ra mắt vào năm 2015, là một phần trong chiến lược quảng bá cho iPhone6s, có camera 12 megapixel mới.
Mục đích của chiến dịch là làm nổi bật khả năng chụp của camera mới bằng cách khuyến khích người dùng chia sẻ hình ảnh trên Instagram và Twitter (X) có gắn hashtag. Những hình ảnh đẹp nhất sẽ giành được giải thưởng như nhận được một chiếc iPhone miễn phí hay xuất hiện trong những mẫu quảng cáo trong tương lai.
Và kết quả nhận được vô cùng thành công, mang lại những kết quả đáng chú ý. Chiến dịch đã thu hút được hơn 70 triệu tương tác chỉ trên Instagram, với hơn 100.000 bức ảnh và video được đăng tải. Ngoài ra, chiến dịch còn củng cố vị thế của Apple, dẫn đầu trong ngành điện thoại thông minh. Đặc biệt, doanh số sau chiến dịch này đạt mức cao kỷ lục và iPhone 6s trở thành một trong những mẫu máy điện thoại phổ biến nhất.
Một số bài học sau chiến dịch này
Chiến dịch #ShotOniPhone cung cấp những bài học quý giá cho việc xây dựng các chiến dịch truyền thông xã hội thành công.
Đầu tiên là tận dụng nội dung do người dùng tạo ra. Thương hiệu khuyến khích người dùng tạo và chia sẻ nội dung không chỉ giúp tăng cường sự tham gia mà còn mang lại tính xác thực cho chiến dịch. Nội dung do người dùng tạo thường gần gũi, gây thu hút và đáng tin cậy hơn đối với những người khác. Có thể nói đây chính là đòn bẩy giúp chiến lược nhận được nhiều sự chú ý.
Ngoài ra, thương hiệu đã sử dụng kỹ thuật “Show, don’t tell” – thay vì quảng cáo trực tiếp sản phẩm, chiến dịch đã chứng minh giá trị của sản phẩm thông qua trải nghiệm thực tế của người dùng. Phương pháp này được đánh giá là hiệu quả hơn so với quảng cáo sản phẩm truyền thống.
Ngoài ra, chiến dịch còn mang tính cộng đồng và tính toàn cầu. Điều này có thể thấy rõ qua cách tập hợp tất cả người dùng iPhone trong một chiến dịch, Apple đã tạo ra một cảm giác cộng đồng mạnh mẽ, biến chiến dịch trở thành một sự kiện quy mô toàn cầu. Tính hòa nhập thực chất có thể mở rộng phạm vi và sự hấp dẫn của chiến dịch.
3. Chiến dịch #ShowUs của Dove
Tổng quan về chiến dịch
Chiến dịch #ShowUs của Dove là một chiến dịch hướng về cộng đồng và thách thức các chuẩn mực về vẻ đẹp của xã hội. Đây là một phần trong cam kết lâu dài của Dove về việc khuyến khích người dùng có suy nghĩ tích cực về cơ thể và chấp nhận những gì mình đang có.
Chiến dịch này là sự hợp tác giữa Dove và Getty Images – nhà phân phối ảnh stock quốc tế lớn – nhằm tạo ra một thư viện ảnh gồm hơn 10.000 bức ảnh của những người phụ nữ đến từ 39 quốc gia, với đa dạng hình dáng, dân tộc...
Điều đặc biệt là thay vì sử dụng hình ảnh của người nổi tiếng, người có ảnh hưởng xã hội thì chiến dịch lại chọn bất kỳ ai có nhận dạng là nữ và phi nhị nguyên giới. Những người tham gia chiến dịch có thể tự hoàn thiện phần tìm kiếm và thẻ cho ảnh của họ, cho phép họ tự xác định vẻ đẹp của họ theo cách riêng của mình.
Kết quả là lượt tìm kiếm những hashtag Dove thường sử dụng như “Real people” tăng 192% trong năm qua, “diverse women” tăng 168%, “strongwomen” tăng 187% và “women leaders” tăng 202%. Ngoài ra, chiến dịch này cũng đã giành được hơn 40 giải thưởng từ các lễ trao giải quốc tế như Cannes Lion, Global Effie Awards...
Vài điều cần nhớ về chiến dịch này
Trọng tâm của chiến dịch là sự lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội, với hashtag #ShowUs đóng vai trò cầu nối giữa Dove và cộng đồng toàn cầu. Dove khuyến khích phụ nữ chia sẻ hình ảnh và câu chuyện cá nhân của họ, góp phần tạo nên một làn sóng nội dung do người dùng tạo (UGC). Những hình ảnh chân thực từ cộng đồng không chỉ minh chứng cho sự đa dạng mà còn khơi dậy cảm giác tự hào và gắn kết. Việc hashtag này trở nên phổ biến đã giúp chiến dịch thu hút hàng triệu lượt tương tác, tạo nên tiếng vang lớn trên các nền tảng như Instagram và X.
Ngoài ra, Dove liên tục cập nhật nội dung sáng tạo để duy trì sự quan tâm từ cộng đồng. Những video truyền cảm hứng và hình ảnh trong bộ sưu tập được sử dụng để kể những câu chuyện chân thực về vẻ đẹp. Việc sử dụng các nền tảng mạng xã hội một cách chiến lược, bao gồm Instagram, Facebook, và X đã giúp chiến dịch chạm đến nhiều đối tượng khác nhau trên toàn cầu. Các bài đăng đều được thiết kế để không chỉ quảng bá mà còn mời gọi mọi người tham gia vào hành trình lan tỏa thông điệp của chiến dịch.
Sự hợp tác với Getty Images và Girlgaze cũng là một yếu tố quan trọng. Nhờ vào mạng lưới rộng lớn của Getty Images, bộ sưu tập hình ảnh của Dove nhanh chóng được các nhà quảng cáo và truyền thông đón nhận, góp phần nâng cao uy tín và tính toàn cầu của chiến dịch. Đồng thời, Girlgaze cũng đóng vai trò trong việc bảo đảm tính chân thực của các hình ảnh, khi chúng được chụp và tạo nên bởi chính những phụ nữ và cộng đồng phi nhị nguyên giới. Điều này tạo nên sự đồng cảm mạnh mẽ giữa chiến dịch và khán giả, củng cố thông điệp về vẻ đẹp toàn diện và sự tự tin.
4. Chiến dịch “Spotify Wrapped” của Spotify
Chiến dịch này có những gì?
“Spotify Wrapped” là một chiến dịch điển hình cho sự sáng tạo dựa trên dữ liệu của Spotify. Được ra mắt lần đầu tiên vào năm 2017, chiến dịch này đã trở thành một sự kiện hàng năm được nhiều người dùng Spotify mong chờ, chia sẻ trên mạng xã hội.
Thành công lớn nhất của “Spotify Wrapped” được đánh dấu trong năm 2022. Tổng số lượng bài đăng, lượt tương tác đạt mức tăng trưởng hai chữ số so với năm 2021, chỉ riêng ngày đầu đã mang về hơn 200 triệu Tweet.
Một số bài học từ chiến dịch
Sự thành công của chiến dịch “Spotify Wrapped” có thể được lý giải nhờ vào những yếu tố sau.
Đầu tiên, chiến dịch đã chạm đến một đặc tính của con người – mong muốn hiểu rõ hơn về bản thân. Phần lớn chúng ta bị ám ảnh bởi những bài kiểm tra tính cách để hiểu bản thân hơn và tìm kiếm cảm giác thuộc về. “Spotify Wrapped” đã tận dụng được đặc tính này của con người và sử dụng những dữ liệu về người dùng, như đưa một chiếc gương cho họ soi.
Thương hiệu đã tạo dựng nét cá nhân hóa sâu sắc qua số liệu và nội dung. Không đơn thuần đưa ra câu “Xin chào X” mà chúng ta thường gặp ở các email marketing, “Spotify Wrapped” tạo ra sự kết nối độc đáo hơn rất nhiều: cá nhân hóa thông tin từ đầu đến cuối, từ âm thanh đến content.
Ngoài ra, Spotify còn tận dụng tâm lý FOMO ở khách hàng. Việc chia sẻ những thông tin mang tính cá nhân hóa cao thường gây sự thu hút và chú ý cao. Những người chưa sử dụng Spotify sẽ chú ý hơn về ứng dụng sau những bài chia sẻ về “Spotify Wrapped”, từ đó khơi gợi sự tò mò, dẫn đến hành vi tải và sử dụng ứng dụng.
5. Chiến dịch “Dream Crazier” của Nike
Điểm qua về chiến dịch
Vào năm 2018, Nike đã ra mắt chiến dịch “Dream Crazier” nhằm tôn vinh những người phụ nữ hoạt động trong lĩnh vực thể thao. Nhận thấy được chênh lệch trong sự công nhận và hỗ trợ dành cho vận động viên nữ và nam, Nike đã tạo ra một chiến dịch không chỉ truyền cảm hứng tình yêu thể thao cho phụ nữ, khuyến khích họ theo đuổi ước mơ của mình, mà còn thách thức các khuôn mẫu hay định kiến giới của xã hội.
Và kết quả mà chiến dịch nhận được là 100 triệu lượt xem trên YouTube, hashtag chính thức của Nike – #Justdoit – đi kèm với quảng cáo đã được nhắc đến hơn 15.000 lần trên X, tăng hơn 2.261% so với các giai đoạn trước.
Hãy ghi nhớ những bài học dưới đây từ chiến dịch này
Chiến dịch “Dream Crazier” đã nhấn mạnh hiệu quả của việc sử dụng bằng chứng xã hội trong nỗ lực tiếp thị. Ngoài ra, việc sáng tạo thông điệp rõ ràng và truyền cảm hứng cũng góp phần cho sự thành công của chiến dịch. Thông điệp của chiến dịch rất rõ ràng và đầy cảm hứng, gắn liền với những giá trị cốt lõi của Nike: Truyền cảm hứng cho mọi người vượt qua giới hạn và đạt được tiềm năng tối đa. “Dream Crazier” đã thực sự kết nối được với phụ nữ, khích lệ họ dám mơ ước và theo đuổi ước mơ của mình.
Việc sử dụng mạnh mẽ các kênh kỹ thuật số cũng giúp Nike trong chiến dịch lần này. Chiến dịch được thiết kế dành riêng cho các nền tảng kỹ thuật số, tận dụng sức mạnh của truyền thông số trong việc tiếp cận và thu hút người dùng. Điều này chứng tỏ năng lực digital marketing mạnh mẽ của Nike.
Cũng không thể không đề cập đến việc sử dụng hiệu ứng lan truyền (social proof) của thương hiệu. Nike đã thành công khi tận dụng sức ảnh hưởng của Serena Williams – một huyền thoại thể thao, để tạo sự tin tưởng và truyền cảm hứng cho khán giả. Việc sử dụng các biểu tượng nổi tiếng và những người có ảnh hưởng đã giúp tăng cường tác động của chiến dịch.
6. Chiến dịch #OptOutside của REI
Tổng quan về chiến dịch
Vào năm 2015, REI – một thương hiệu bán lẻ nổi tiếng trong lĩnh vực đồ dùng ngoài trời – đã thực hiện một bước đi đầy táo bạo. Thay vì tham gia vào cơn sốt mua sắm Black Friday, REI quyết định đóng cửa tất cả 143 cửa hàng và trả lương cho nhân viên để họ có thể tận hưởng một ngày ở ngoài trời. Chiến dịch này được gọi là #OptOutside.
REI khuyến khích mọi người, không chỉ nhân viên của mình, ngừng mua sắm và dành thời gian tận hưởng thiên nhiên. Thông qua các nền tảng mạng xã hội, REI kêu gọi cộng đồng chia sẻ những trải nghiệm ngoài trời của mình với hashtag #OptOutside, để cùng nhau lan tỏa thông điệp này.
Các yếu tố thành công chính
Một trong những bài học quan trọng từ chiến dịch #OptOutside của REI là sức mạnh của việc gắn kết chiến dịch với các giá trị cốt lõi của thương hiệu. Bằng cách chọn lựa một hướng đi khác biệt, REI đã tạo ra một chiến dịch không chỉ có sức ảnh hưởng mạnh mẽ mà còn thể hiện rõ ràng cam kết của họ với cộng đồng.
Một yếu tố quan trọng góp phần vào thành công của chiến dịch chính là tính chân thực. REI không chỉ nói mà còn hành động: họ đóng cửa các cửa hàng và trả lương cho nhân viên để họ có thể tham gia vào các hoạt động ngoài trời. Chính sự chân thành này đã giúp chiến dịch có được sự tín nhiệm và ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng.
Ngoài ra, chiến lược tiếp cận người dùng qua nội dung do người dùng tạo ra (user-generated content) cũng đóng vai trò quan trọng. REI khuyến khích mọi người chia sẻ những khoảnh khắc ngoài trời của mình với hashtag #OptOutside, tạo nên một cộng đồng trực tuyến gắn kết và tiếp sức cho chiến dịch ngày càng mạnh mẽ.
6. Chiến dịch #TheBestAManCanBe của Gillette
Tổng quan về chiến dịch
Một trong những chiến dịch truyền thông xã hội sáng tạo nhất và tạo ra tác động lớn là chiến dịch #TheBestAManCanBe của Gillette. Đây là một chiến dịch mang tính xã hội, thể hiện quan điểm mạnh mẽ và trái chiều của thương hiệu về các chuẩn mực xã hội liên quan đến nam tính.
Chiến dịch này là một sự chuyển mình lớn từ quảng cáo tập trung vào sản phẩm sang một chiến dịch mang tính giá trị xã hội rõ ràng hơn. Gillette đã kêu gọi nam giới trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, từ đó khơi dậy những cuộc trò chuyện và gây ra không ít tranh cãi.
Chiến dịch #TheBestAManCanBe của Gillette đã gặt hái được thành công lớn nhờ vào một số yếu tố quan trọng. Một điểm đáng chú ý là chiến dịch đã thu hút 1,5 triệu lượt đề cập trên mạng xã hội chỉ trong vòng 2 ngày, tăng vọt so với mức dưới 10.000 đề cập của tuần trước. Hashtag #TheBestAManCanBe đã được sử dụng tới 187.400 lần chỉ trong ngày đầu tiên chiến dịch được phát động.
Các yếu tố góp phần thành công cho chiến dịch
Một bài học quan trọng từ chiến dịch là sức mạnh của việc kết nối chiến dịch với một vấn đề xã hội hoặc mục tiêu cộng đồng có liên quan chặt chẽ đến giá trị của thương hiệu. Điều này không chỉ giúp xây dựng lòng tin, mà còn tạo ra những cuộc trò chuyện có ý nghĩa với khán giả.
Tuy nhiên, điều quan trọng là phải thực sự chân thành trong việc hỗ trợ các nguyên nhân xã hội mà thương hiệu tin tưởng. Như được thể hiện trong chiến dịch này, 53% người tiêu dùng cho rằng các thương hiệu chỉ thể hiện quan điểm vì mục đích marketing và quảng bá. Vì vậy, tính chân thực là yếu tố then chốt để tránh phản ứng tiêu cực từ cộng đồng.
Thêm vào đó, chiến dịch này cũng cho thấy tiềm năng của “outrage marketing” (tiếp thị gây tranh cãi). Mặc dù chiến lược này có thể gây tranh cãi, nhưng nó có thể mang lại sự chú ý đáng kể và kích thích cuộc thảo luận xung quanh thương hiệu. Tuy nhiên, các thương hiệu vẫn cần phải thận trọng khi sử dụng chiến lược này để tránh làm tổn hại đến danh tiếng của mình.
7. Chiến dịch truyền thông xã hội của Charmin
Tổng quan về chiến dịch
Chiến dịch marketing trên mạng xã hội của Charmin là một ví dụ điển hình về cách biến những sản phẩm tưởng chừng như tẻ nhạt trở thành những chiến dịch truyền thông sáng tạo và hài hước.
Mặc dù sản phẩm mà Charmin quảng bá là giấy vệ sinh, một vật dụng quen thuộc hàng ngày, nhưng chiến dịch này lại là một trong những chiến dịch truyền thông xã hội sáng tạo nhất.
Charmin đã sử dụng một nhân vật mascot là chú gấu dễ thương để tạo ra sự vui nhộn và cá tính cho thông điệp thương hiệu. Nhân vật gấu này liên tục tham gia vào các hashtag và chủ đề đang thịnh hành, biến một sản phẩm nhàm chán thành một yếu tố thú vị và liên quan trên mạng xã hội. Tactics này giúp Charmin duy trì một nhận diện hình ảnh nhất quán trên mọi bài đăng, khiến khán giả có thể nhận diện thương hiệu ngay cả khi không thấy tên thương hiệu.
Các yếu tố thành công chính
Sự thành công của chiến dịch truyền thông xã hội của Charmin có thể được lý giải bởi một số yếu tố quan trọng. Đầu tiên, việc sử dụng yếu tố hài hước và kể chuyện qua nhân vật đã tạo ra một làn gió mới trong ngành hàng vốn thường bị cho là tẻ nhạt. Nhân vật gấu dễ thương không chỉ đại diện cho thương hiệu mà còn giúp Charmin trở nên gần gũi và dễ tiếp cận với người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Charmin cũng đã tích cực tham gia vào các cuộc trò chuyện đang trending, giúp thương hiệu duy trì sự liên quan và thú vị. Việc tham gia vào các chủ đề “hot trend” giúp Charmin đảm bảo rằng hashtag của mình luôn nằm trong các xu hướng trên Twitter mỗi khi chiến dịch được phát động.
Cuối cùng, chiến dịch của Charmin minh chứng cho sức mạnh của sự nhất quán trong việc xây dựng thương hiệu. Việc duy trì một phong cách hình ảnh và thông điệp đồng nhất trên tất cả các bài đăng mạng xã hội sẽ giúp tăng cường sự nhận diện và nhớ đến thương hiệu.
8. Chiến dịch “Live there” của Airbnb
Tổng quan về chiến dịch
Chiến dịch “Live there” của Airbnb nhằm tái định nghĩa trải nghiệm du lịch và khuyến khích khách hàng khám phá các địa điểm như một người dân địa phương thực thụ. Với thông điệp “Don’t go there. Live there.” chiến dịch nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trải nghiệm thực sự, thay vì chỉ tham quan theo cách thông thường.
Airbnb đã sử dụng nội dung trực tuyến hấp dẫn, như các video và bài viết, để giới thiệu trải nghiệm du lịch độc đáo, đồng thời quảng bá mạnh mẽ thông qua hashtag #LiveThere trên các kênh truyền thông xã hội.
Các yếu tố tạo nên sự thành công của chiến dịch
Chiến dịch thành công nhờ sự kết hợp của các yếu tố chiến lược, sáng tạo và cộng đồng. Airbnb đầu tư vào nội dung trực tuyến giàu cảm xúc và hấp dẫn, đặc biệt là các video và bài viết minh họa cho những trải nghiệm thực tế của khách hàng khi sử dụng nền tảng này. Những nội dung này không chỉ thu hút sự chú ý mà còn truyền tải mạnh mẽ thông điệp về cách Airbnb mang lại cơ hội sống như một người dân bản địa, khác biệt hoàn toàn với du lịch truyền thống.
Bên cạnh đó, chiến dịch khai thác triệt để sức mạnh của nội dung do người dùng tạo ra (UGC). Airbnb khuyến khích khách hàng chia sẻ câu chuyện và trải nghiệm cá nhân của họ thông qua hashtag #LiveThere, biến những nội dung này thành minh chứng sống động cho giá trị mà thương hiệu mang lại. Điều này không chỉ giúp mở rộng phạm vi tiếp cận mà còn tăng tính chân thực và sự tin cậy từ cộng đồng.
Một yếu tố quan trọng khác là sự hiện diện mạnh mẽ trên các nền tảng truyền thông xã hội như Instagram, X và Facebook. Airbnb sử dụng các hình ảnh và video ấn tượng để thu hút sự chú ý và khơi dậy cảm hứng du lịch trong cộng đồng toàn cầu. Chiến dịch không chỉ thúc đẩy sự tham gia của người dùng mà còn tạo ra một cuộc hội thoại toàn cầu về ý nghĩa thực sự của du lịch.
Kết quả là, chiến dịch không chỉ củng cố định vị thương hiệu Airbnb như một nền tảng mang lại trải nghiệm du lịch độc đáo mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ cho việc lên kế hoạch du lịch theo cách chân thực hơn. Airbnb đã thành công trong việc xây dựng một cộng đồng gắn kết, khuyến khích người dùng chia sẻ và trải nghiệm cuộc sống từ góc nhìn của một người dân địa phương.
9. Chiến dịch “It Starts on TikTok” của TikTok
Tổng quan về chiến dịch
Chiến dịch “It Starts on TikTok” được khởi động trong bối cảnh nhiều thách thức về chính trị và thương mại khi TikTok phải đối mặt với yêu cầu từ chính quyền Mỹ về việc chuyển nhượng hoạt động tại đây. Tuy nhiên, TikTok vẫn triển khai chiến dịch quảng bá lớn nhất từ trước đến nay tại Mỹ, nhằm thu hút thêm người dùng và củng cố sự hiện diện của mình trong văn hóa đại chúng.
Với thông điệp “It Starts on TikTok”, chiến dịch tập trung vào việc tôn vinh cộng đồng và những nhà sáng tạo nội dung đã làm nên tên tuổi của nền tảng. Các quảng cáo giới thiệu hơn 30 nhà sáng tạo nổi bật, được phát trên các kênh truyền hình lớn như ESPN, NBC, và ABC, cũng như trên các nền tảng kỹ thuật số như Hulu, Spotify và YouTube.
Bên cạnh đó, chiến dịch còn mở rộng phạm vi tiếp cận qua các kênh truyền thông xã hội, quảng cáo ngoài trời và đài phát thanh. Bắt đầu từ Mỹ, chiến dịch nhanh chóng lan rộng ra các thị trường quốc tế như Anh, Châu Âu, Châu Á, và Mỹ Latin.
Các yếu tố tạo nên sự thành công của chiến dịch
Chiến dịch “It Starts on TikTok” đã thành công nhờ sự kết hợp giữa nội dung sáng tạo, chiến lược đa kênh và việc xây dựng cộng đồng người dùng mạnh mẽ.
Trọng tâm của chiến dịch là đoạn video 30 giây với bài hát “Sing to Me” của Walter Martin và Karen O, cùng các video ngắn 15 giây và 60 giây. Những nội dung này tập trung kể câu chuyện về những nhà sáng tạo nội dung đã góp phần tạo nên xu hướng, bài hát phổ biến và những trào lưu trên TikTok. Việc sử dụng các nhà sáng tạo nổi bật như Steve Aoki, Nick & Sienna, và Granny Coy Bundy giúp chiến dịch trở nên gần gũi và đáng tin cậy hơn với người dùng.
TikTok cũng tận dụng tối đa sức mạnh của chiến lược đa kênh. Quảng cáo xuất hiện trên các nền tảng kỹ thuật số, truyền hình, và mạng xã hội, kết hợp với quảng cáo ngoài trời và phát thanh, giúp chiến dịch tiếp cận đa dạng đối tượng. Điều này không chỉ tăng cường nhận diện thương hiệu mà còn khẳng định TikTok là nơi khởi nguồn cho những xu hướng và nội dung sáng tạo.
Ngoài ra, chiến dịch còn được hỗ trợ bởi TikTok Creator Fund, quỹ hỗ trợ các nhà sáng tạo nội dung trị giá 1 tỷ USD trong ba năm tới tại Mỹ. Đây là cách TikTok thể hiện cam kết phát triển cộng đồng sáng tạo và góp phần xây dựng niềm tin nơi người dùng.
Thông qua chiến dịch này, TikTok đã không chỉ củng cố vị thế là một trong những nền tảng sáng tạo nội dung hàng đầu, mà còn truyền cảm hứng cho người dùng trên toàn cầu, khẳng định rằng mọi thứ đều bắt đầu trên TikTok.
10. Chiến dịch “If You Dream It, Tweet It” của Twitter
Tổng quan về chiến dịch
“If You Dream It, Tweet It” được Twitter thực hiện vào đầu năm 2022 là một chiến dịch tiếp thị đầy cảm xúc, nhằm kết nối với người dùng, không chỉ qua các lợi ích tính năng mà còn thông qua những giá trị cảm xúc mà Twitter có thể mang lại.
Trong bối cảnh Twitter đối mặt với những khó khăn về tài chính và giá cổ phiếu, chiến dịch này không nhấn mạnh việc khuyến khích người dùng đăng ký hay tải ứng dụng, mà thay vào đó, chiến dịch khơi dậy niềm tin vào khả năng biến ước mơ thành hiện thực thông qua nền tảng của Twitter.
Mặc dù phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các mạng xã hội khác, Twitter lúc bấy giờ đã thành công trong việc tạo dựng sự chú ý và kết nối với một lượng lớn khán giả, khẳng định vai trò của mình như một không gian cho sự sáng tạo và chia sẻ cảm xúc.
Các yếu tố tạo nên sự thành công của chiến dịch
Một trong những yếu tố quan trọng làm nên sự thành công của chiến dịch là sự chú trọng vào cảm xúc thay vì các thông điệp lý trí. Chiến dịch không chỉ ra các lợi ích cụ thể của việc sử dụng Twitter như cập nhật tin tức hay giải trí, mà khéo léo kết nối với khán giả qua một câu chuyện cảm động về việc biến ước mơ thành hiện thực. Điều này không chỉ giúp Twitter thu hút một lượng lớn người dùng tiềm năng mà còn khuyến khích họ chia sẻ trải nghiệm của mình.
Chiến dịch này cũng rất hiệu quả trong việc lan tỏa qua các nền tảng xã hội. Hashtag #IfYouDreamItTweetIt nhanh chóng trở thành hiện tượng, được nhiều người dùng chia sẻ và bình luận trên Twitter và các nền tảng khác. Sự lan tỏa này không chỉ giúp chiến dịch đạt được sự phổ biến mà còn giúp Twitter xuất hiện như một nền tảng khích lệ sự sáng tạo và hành động, trái ngược với các mạng xã hội khác đang bị chỉ trích về tác động tiêu cực tới sức khỏe tinh thần.
Ngoài ra, chiến dịch “If You Dream It, Tweet It” còn thể hiện sự hiệu quả của quảng cáo cảm xúc trong việc tạo dựng danh tiếng cho thương hiệu. Chiến dịch này đã thành công trong việc tạo ra sự chú ý từ truyền thông và người dùng, từ đó thúc đẩy sự quan tâm và mức độ tham gia của cộng đồng vào Twitter, kể cả với những người trước đây không có ý định sử dụng nền tảng này. Sự kết hợp giữa thông điệp đầy cảm xúc và chiến lược truyền thông lan tỏa đã tạo ra một chiến dịch quảng cáo cực kỳ thành công, đem lại hiệu quả lâu dài cho Twitter.
Nhìn vào 10 chiến dịch Social Media đầy cảm hứng, chúng ta thấy rõ sự sáng tạo và khả năng kết nối cảm xúc mạnh mẽ mà các thương hiệu đã xây dựng. Từ Starbucks, TikTok đến Dove, mỗi chiến dịch đều mang đến bài học quý giá về cách sử dụng mạng xã hội để tạo dấu ấn và xây dựng mối quan hệ bền chặt với khách hàng.
Nếu bạn thấy bài viết hữu ích, đừng quên theo dõi Ori Marketing Agency để xem thêm nhiều bài viết chất lượng khác nhé!