Fashion Icon #24 – Kenzo Takada: Hơi thở Á Đông giữa kinh đô thời trang Pháp
Trước Kenzo Takada, thật khó để hình dung một nhà thiết kế Châu Á đạt đến đỉnh cao của thời trang cao cấp Pháp. Kế hoạch ở Paris 6 tháng của ông bỗng hóa thành sự nghiệp suốt 56 năm tại kinh đô thời trang của một huyền thoại.
Fashion Icon là chuỗi bài về gương mặt đứng sau các biểu tượng thời trang đình đám trên thế giới do Brands Vietnam thực hiện. Thông qua chuỗi bài này, marketers có thể hiểu hơn về lịch sử hình thành và sự phát triển của các đế chế thời trang trên toàn cầu.
“Phải lòng” thời trang dù không có hi vọng
Kenzo Takada sinh ra tại Kyoto ở Nhật Bản. Gia đình ông điều hành một quán trà trong một ngôi làng nhỏ truyền thống, nơi các phụ nữ chơi nhạc cụ truyền thống Nhật Bản như đàn shamisen ba dây để phục vụ khách. Thế nên, nhà thiết kế lớn lên trong môi trường quen thuộc với các geisha. Là con thứ năm trong bảy anh chị em, gu thẩm mỹ của ông chịu ảnh hưởng từ hai chị gái lớn. Qua những quyển tạp chí của hai chị và thời gian cùng nhau học nghệ thuật, niềm đam mê thời trang của ông bắt đầu từ đó.
Nhưng tình yêu mới chớm với những bộ cánh chưa được nuôi dưỡng đúng cách đã bị áp lực và kỳ vọng từ gia đình che phủ. Ban đầu, Kenzo theo học ngành văn học tại một trường đại học ở Kobe, nhưng không sao tận hưởng được hành trình này khi phải gác lại giấc mơ thời trang.
Tình cờ, ông thấy một bài quảng cáo của Trường Cao đẳng Thời trang Bunka ở Tokyo, nơi thông báo sẽ nhận cả nam sinh. Bất chấp sự phản đối của cha mẹ ông đã đăng ký theo học thời trang ở đây với hi vọng có thể theo đuổi con đường riêng. Cuối cùng, ông trở thành một trong những nam sinh đầu tiên của trường, cùng học với các ngôi sao thời trang tương lai như Junko Koshino.
Nhớ về thuở thiếu thời, ông chia sẻ về giấc mơ không có tương lai với thời trang: “Tôi từng được nói rằng không có cơ hội nào cho một người đàn ông Nhật Bản làm việc trong ngành thời trang tại Paris. Nam giới không được nhận vào các trường thiết kế, và vào những năm 1950, đổi mới hay sáng tạo hoàn toàn không được chấp nhận ở Nhật Bản. Quan trọng nhất, bố mẹ tôi không muốn tôi làm việc trong ngành thời trang.”
Năm 1960, ông đoạt giải Soen danh giá và bắt đầu làm việc tại cửa hàng bách hóa Sanai, nơi ông thiết kế đến 40 mẫu mỗi tháng. Công việc này giúp ông hiểu được khái niệm thời trang nhanh và sự thay đổi liên tục của các xu hướng trong ngành thời trang.
Hành trình 56 năm ở kinh đô thời trang
Tuy nhiên, cuộc đời ông đã thay đổi khi trong quá trình chuẩn bị cho Thế vận hội Tokyo năm 1964, khu chung cư của ông bị phá bỏ và ông được đền bù bằng 10 tháng tiền thuê nhà. Ông đã dùng số tiền đó để đi thuyền đến Pháp, đi qua Singapore, Bombay và Tây Ban Nha, trước khi cuối cùng đến thủ đô nước Pháp, nơi ông thuê một căn phòng gần Place de Clichy với giá 9 franc một ngày.
Khi đến Paris vào năm 1965, chàng trai trẻ Kenzo Takada ban đầu cảm thấy thất vọng: “Tôi nhớ mình đã ngồi taxi và nghĩ – Paris thật buồn tẻ. Đó chính là Paris, thủ đô thời trang, thành phố mà tôi đã mơ ước từ rất lâu, nhưng nó lại trông buồn chán và không giống như trên các tạp chí.”
Kenzo bắt đầu bán bản phác thảo cho các nhà thiết kế như Louis Feraud. Ông là nhà thiết kế Nhật Bản đầu tiên trình diễn các tác phẩm của mình tại đây, tạo nên bước ngoặt cho tương lai của các nhà thiết kế Nhật Bản khác như Issey Miyake và Kansai Yamamoto. Khi mới đến Paris, ông không biết tiếng Pháp, không có nhiều tiền và thường dành thời gian lang thang trên các con phố, quan sát các cửa hàng và người qua lại.
Thời gian quan sát người qua lại tại Paris giúp ông hiểu được nhu cầu của giới trẻ, chứng kiến các sự kiện năm 1968 và những cuộc bạo loạn tại Paris. Đây là giai đoạn đánh dấu sự chuyển giao từ văn hóa hưởng lạc của thập niên 60 sang lý tưởng mới, nơi giới trẻ tìm kiếm sự khai sáng và khám phá các nền văn hóa để có góc nhìn toàn cầu hơn. Linh cảm sáng tạo, sự trân trọng họa tiết, cùng khả năng kết hợp các yếu tố lịch sử, khối lượng và lớp trang phục đã giúp Kenzo thể hiện vẻ đẹp tự nhiên của thập niên 70.
Các họa tiết táo bạo và màu sắc khác lạ là yếu tố tạo nên thành công của Kenzo. Ông thường sử dụng vải cotton, một chất liệu hiếm thấy trong thời trang cao cấp thời đó để tạo ra các bộ trang phục của mình. Từ chất liệu vải này, Kenzo bắt đầu nghiên cứu các thiết kế có độ phồng, tạo nên những chiếc kimono thoáng khí và quần xếp ly.
Đến năm 1970 đã có thể mở cửa hàng đầu tiên của mình, do chính ông cải tạo tại Galerie Vivienne. Lấy cảm hứng từ họa sĩ Henri Rousseau, ông đã sơn tường bằng hoa dại và đặt tên cho cửa hàng là “Jungle Jap”. Ông tổ chức buổi trình diễn đầu tiên tại cửa hàng này, sau đó chuyển địa điểm đến 18 Passage Choiseul, nơi thu hút nhiều sự chú ý hơn từ ngành thời trang.
Một năm sau, các thiết kế đặc trưng như váy suông, quần yếm oversize, các kiểu dáng vai sáng tạo và cửa hàng độc đáo của ông được giới thiệu trên tạp chí Vogue Mỹ.
“Khi mở cửa hàng, tôi nghĩ rằng không có lý do gì để tôi làm những gì các nhà thiết kế người Pháp đang làm, vì tôi không thể làm được điều đó. Vì vậy, tôi đã làm mọi thứ theo cách riêng của mình để trở nên khác biệt và tôi đã sử dụng vải kimono và những nguồn cảm hứng khác”, Kenzo chia sẻ với tờ The South China Morning Post vào năm 2019.
“Thời trang cũng giống như ăn uống, không nên ăn mãi một thực đơn”.
Tuy nhiên, tên thương hiệu “Jungle Jap” vướng phải tranh cãi khi chứa thuật ngữ xúc phạm (“Jap”) tại Hoa Kỳ, điều mà Kenzo chưa cân nhắc cho đến khi bộ sưu tập của ông ra mắt tại New York và gây ra sự phẫn nộ lớn về tên gọi. Giải pháp rất đơn giản, năm 1976, khi ông mở cửa hàng flagship, ông đã đổi tên thương hiệu theo tên mình. Đây là bước khởi đầu cho lịch sử thương hiệu Kenzo, và Kenzo Takada đã thực hiện những quyết định cách mạng.
Ở phần thiết kế, Kenzo là thương hiệu được biết đến với các thiết kế dựa trên phom dáng phi cấu trúc, không sử dụng đường may chiết hoặc khóa kéo, nhằm tạo ra những trang phục phóng khoáng.
Với thiết kế tay áo và vòng nách rộng, ông tạo nên các khối hình độc đáo, đồng thời khuyến khích sự phối hợp màu sắc và họa tiết mới lạ. Khác với các nhà thiết kế Nhật Bản khác, Kenzo không tập trung vào kỹ thuật cắt may táo bạo mà hướng đến các thiết kế trẻ trung, dễ mặc.
Năm 1977, show diễn của thương hiệu diễn ra tại Studio 54, trên nền nhạc của Grace Jones với sự xuất hiện của người mẫu Jerry Hall. Năm 1978 và 1979, ông tổ chức các buổi trình diễn thời trang trong một lều xiếc ở Zurich và thậm chí cưỡi voi chào khách. Sự hoành tráng và những thiết kế độc đáo của Kenzo khiến ai cũng ao ước được trải nghiệm buổi diễn một lần. Cơn sốt liên tục tăng cao cho đến cuối những năm 1970, Kenzo trở thành thương hiệu thời trang bán chạy nhất thế giới.
Trên đà tăng trưởng, thương hiệu này tiếp tục lấn sân vào lĩnh vực sản xuất nước hoa trước khi xu hướng mùi hương trỗi dậy. Tuy nhiên, dòng nước hoa King Kong đầu tiên đã thất bại. Đến những năm 1980, Flower được Kenzo ấp ủ như một sản phẩm nước hoa sẽ khiến những người dùng quay lưng với thương hiệu suy nghĩ lại. Đích thực, mùi hương của Flower đã giúp Kenzo đánh dấu tên tuổi trong thị trường nước hoa.
Năm 1984, Takada tiếp tục đánh tiếng với giới thời trang khi hợp tác với thương hiệu đại chúng The Limited, tạo ra một dòng quần áo giá cả phải chăng, khiến một số nhà bán lẻ cao cấp ngừng hợp tác với Kenzo.
Tuy là một thương hiệu khiến nhiều nhà thiết kế ao ước, Kenzo đã không ít lần lao đao khi trải qua nhiều cuộc khủng hoảng và thay máu vào thập niên 90.
“Tôi là nhà thiết kế chứ không phải doanh nhân lão luyện”
Ông từng thú nhận điều này bởi trong suốt nhiều năm, Kenzo luôn mâu thuẫn không ít với các nhà quản lý. Cho đến đầu những năm 1990, thương hiệu rơi vào khủng hoảng. Người bạn đời Xavier de Castella, người ông gặp tại bữa tiệc sinh nhật của Paloma Picasso và sống cùng nhiều năm, qua đời vào năm 1990, còn đối tác thiết kế Atsuko Kondo bị đột quỵ năm 1991. Hai năm sau, LVMH Moët Hennessy Louis Vuitton mua lại thương hiệu Kenzo với giá khoảng 80 triệu USD. Những cú sốc liên tục ập đến, năm 1999, Kenzo rời bỏ thương hiệu.
Ông nói về cảm xúc lúc đó: “Trái tim tan vỡ của tôi chưa lành. Giấc mơ của tôi cũng không còn.”
Kenzo Takada giải thích với The Financial Times rằng ông bán công ty vì nhiều lý do: “Mọi thứ đã trở nên quá thương mại hóa. Thời trang đang thay đổi, nhịp độ công việc cũng thay đổi.”
Năm 1999, Kenzo nghỉ hưu, để lại thương hiệu của mình cho các trợ lý quản lý. Nhà thiết kế người Ý Antonio Marras đảm nhận vai trò giám đốc sáng tạo vào năm 2008. Thương hiệu Kenzo khi đó bắt đầu phát triển dòng sản phẩm Gokan Kobo, bao gồm đồ gia dụng, đồ nội thất và các vật dụng trang trí. Marras rời Kenzo năm 2011, và thương hiệu được tiếp quản bởi Humberto Leon và Carol Lim từ Opening Ceremony (Academy of Art).
Một bước đi đầy táo bạo của bộ đôi nhà thiết kế Humberto Leon và Carol Lim là đưa họa tiết đầu hổ mang tính biểu tượng vào các thiết kế đầu tay sau khi tiếp quản thương hiệu. Họa tiết này lần đầu xuất hiện trong bộ sưu tập Thu Đông 2012, tất cả thiết kế áo sweater hình hổ ở mọi cửa hàng Paris đều cháy hàng. Đó cũng là khởi đầu mới cho một thương hiệu sau nhiều lần thay máu.
Leon cho biết mục tiêu của ông là giữ vững di sản của Kenzo, đồng thời mang đến sự trẻ trung và vui nhộn cho thương hiệu, nhưng vẫn tôn trọng và gìn giữ truyền thống như tầm quan trọng của họa tiết in và tinh thần toàn cầu trong từng bộ sưu tập lịch sử của Kenzo.
Kenzo Takada đã mang đến ngành thời trang góc nhìn toàn cầu trong thời kỳ giới trẻ đang khao khát điều đó. Ý tưởng mới mẻ, sự kết hợp chất liệu và họa tiết của ông vẫn được các nhà thiết kế trên thế giới học hỏi đến ngày nay.
Mặc dù ban đầu ông chỉ định ở lại Paris sáu tháng, nhưng cuối cùng ông đã sống ở đó 56 năm, và tác phẩm của ông không chỉ mở ra cánh cửa cho những nhà thiết kế Nhật Bản có ảnh hưởng lớn đến sau ông, như Yohji Yamamoto và Rei Kawakubo, mà còn tạo ra một loại thẩm mỹ kết hợp mới, vượt qua biên giới, màu sắc và văn hóa, tôn vinh sự đa dạng và ảnh hưởng đến cả một thế hệ.
Năm 2020, nhà thiết kế người Nhật đã qua đời ở tuổi 81 vì biến thể COVID-19. Dù hành trình của ông đã khép lại nhưng những đường nét của kimono cùng với các họa tiết Á Đông của Kenzo vẫn sẽ tiếp bước trên những sàn diễn thời trang hiện đại.
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.
Theo Phương Quyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Tổng hợp