Marketer Lam Phương
Lam Phương

Content Executive @ Brands Vietnam

Duolingo “bắt cóc” phụ huynh trong MV đầu tay vì người dùng lơ là việc học

Duolingo “bắt cóc” phụ huynh trong MV đầu tay vì người dùng lơ là việc học

Duolingo vốn nổi tiếng với phong cách hài hước “hắc ám” cùng những thông báo “gây áp lực tâm lý” như: “Hôm nay bạn chưa học bài đâu, đừng để Duo thất vọng”. Mùa Noel năm nay, ứng dụng tiếp tục gây chú ý khi ra mắt album đầu tay “Owl on the Prowl”, mang đậm chất hài hước đen tối và sáng tạo, nhắc nhở người dùng rằng Duo “luôn dõi theo”.

Chiến lược “đe dọa” nâng tầm với album Giáng sinh

Giáng sinh năm 2024, chiến lược này được đẩy lên một tầm cao mới với album đầu tay “Owl on the Prowl”, gồm 04 bài hát: “Bring My Parents Back”, “Owl on the Prowl” (Duo’s Always Watching You), “I Hate Christmas”“Japanese or Broken Knees”. Playlist hiện đã có mặt trên Spotify, là sự kết hợp giữa hài hước, sáng tạo và “đe dọa” nhẹ nhàng. Nội dung tập trung vào việc nhắc nhở người dùng trẻ em rằng việc bỏ lỡ bài học không chỉ dẫn đến cảm giác tội lỗi, mà còn có thể khiến… gia đình bạn “biến mất”.

Album đầu tay “Owl on the Prowl” của Duolingo.

Trong đó, bài hát nổi bật nhất là “Bring My Parents Back” kể về cậu bé Timmy, người bị Duo “trừng phạt” bằng cách bắt cóc cha mẹ vì lơ là việc học. Lấy cảm hứng từ bộ phim “Home Alone” (tựa Việt: Ở Nhà Một Mình), MV khắc họa Duo với dáng vẻ hài hước và hành động kỳ lạ. Hình tượng độc đáo này càng làm nổi bật cảnh Duo bắt cóc cha mẹ Timmy, để lại cậu bé trong cảnh tuyệt vọng, cầu xin sự trở lại của họ.

Bài hát chủ đề do The Gregory Brothers sáng tác đã thu hút hơn 3,75 triệu lượt xem trên YouTube, minh chứng cho sự thành công trong việc sử dụng văn hóa mạng để làm mới thương hiệu.

Đây không phải lần đầu tiên ứng dụng này áp dụng cách tiếp cận sáng tạo để thu hút người dùng.

Ví dụ, video “Duolingo Push” vào ngày Cá tháng Tư năm 2019 cũng đã giới thiệu một tính năng giả tưởng nơi Duo xuất hiện trực tiếp để nhắc nhở bạn học đã trở thành hiện tượng mạng. Điều này giúp Duolingo củng cố hình ảnh thương hiệu vừa vui nhộn vừa “đáng sợ” trong mắt người dùng.

Phản hồi từ cộng đồng: Sáng tạo nhưng “rùng mình”

Sự ra đời của album đã tạo nên một làn sóng phản hồi sôi động từ cộng đồng mạng. Nhiều người tỏ ra thích thú trước sự sáng tạo và táo bạo của Duolingo, trong khi một số khác không khỏi bất ngờ trước phong cách hài hước “đen tối” mà thương hiệu mang lại.

Một người dùng hài hước bình luận: “Thật không ngờ có ngày tôi lại phải nói câu: Duolingo vừa ra mắt album”.

Một người khác so sánh cách tiếp cận độc đáo của Duolingo với các công ty khác: “Các công ty khác: Họ đang tạo meme về chúng ta, nên làm gì đây? Cứ phớt lờ đi. Còn Duolingo: Tham gia cuộc vui ngay!”

Sự ra đời của album Duolingo đã tạo nên một làn sóng phản hồi sôi động từ cộng đồng mạng.

Sự ra đời của album đã tạo nên một làn sóng phản hồi sôi động từ cộng đồng mạng.
Nguồn: Ảnh chụp màn hình

Đặc biệt, một nhận xét tinh tế đã khái quát hoàn hảo chiến lược của Duolingo: “Thật tuyệt vời khi Duolingo biến một meme thành chiến lược marketing thực sự. Dù bạn yêu hay ghét Duo, đây là một công ty cực kỳ hài hước và chắc chắn luôn muốn bạn học bài”.

Và có lẽ câu bình luận tổng kết ấn tượng nhất là: “Bạn có thể viết cả một cuốn sách để giải thích tại sao một ứng dụng học ngôn ngữ lại có một linh vật cú mèo xanh dọa người dùng bằng dao, và bằng cách nào đó, điều này trở nên… hoàn toàn bình thường”.

Album Giáng sinh lần này không chỉ là một stunt cho chiến dịch mùa lễ hội, mà còn là là lời nhắc nhở rằng “Duo luôn theo dõi bạn”. Vậy nên, hãy dừng lại ngay suy nghĩ “cúp học” trong kì nghỉ nhé.

Theo Lam Phương / Brands Vietnam
* Nguồn: Famous Campaigns