Hạn hẹp thời gian, Millennials tăng mạnh chi tiêu, lên đến 5 triệu đồng/đơn hàng trên sàn TMĐT
Với tài chính ổn định, sẵn sàng “vung tay” cho những đơn hàng giá trị cao, Millennials chính là thế hệ nắm giữ chìa khóa tăng trưởng cho thị trường TMĐT trong hiện tại và tiến đến năm 2028. Tuy nhiên, khác với Gen Z, nhu cầu mua sắm của Millennials có sự đa dạng và những yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng dịch vụ, đây là kết quả nghiên cứu được YouNet Media và YouNet ECI đưa ra trong báo cáo mới nhất về dự báo xu hướng tăng trưởng thị trường TMĐT giai đoạn 2025-2028.
Theo khảo sát của YouNet Media, Gen Millennials (sinh ra trong thời gian 1981-1995) mua sắm trực tuyến với tần suất nhiều hơn Gen Z, khoảng 1-3 lần mỗi tuần. Giá trị trung bình mỗi đơn hàng của Gen Millennials lên đến 125 USD (hơn 3 triệu đồng), cao hơn nhiều so với Gen Z.
Cũng theo kết quả khảo sát, trong khi giỏ hàng GenZ tập trung ở các ngành hàng chăm sóc cá nhân, thì giỏ hàng Millennials lại phân tán cho 3 nhóm nhu cầu chính: chăm sóc cá nhân (thời trang, làm đẹp...), chăm sóc gia đình (sản phẩm mẹ và bé, đồ gia dụng...) và hàng hóa giá trị cao (nhà cửa đời sống, điện tử tiêu dùng...).
Tiến hành phân tích dữ liệu doanh thu TMĐT, YouNet ECI nhận thấy, giá trị đơn hàng của cả 3 nhóm này đều có tiềm năng tăng nhanh tới năm 2028, trong đó, vượt trội nhất là nhóm hàng hóa giá trị cao như nhà cửa đời sống, điện gia dụng có thể đạt đến 5 triệu đồng/đơn hàng. Như vậy, tổng chi tiêu của Millennials trên các sàn TMĐT như Shopee, Lazada, Tiki và TikTok Shop được YouNet ECI dự báo đạt 29,7 tỷ USD vào năm 2028, tức tăng gấp 4 lần chỉ trong vòng 5 năm.
Điều này cho thấy, nhu cầu mua sắm của Millennials đa dạng hơn so với GenZ và trong bối cảnh chú trọng việc tiết kiệm thời gian và mua sắm tiện lợi, mua hàng qua TMĐT sẽ là lựa chọn hàng đầu và lâu dài của nhóm người tiêu dùng có thu nhập cao, nhưng hạn hẹp thời gian này.
Millennials – Đi cùng với chi tiêu mạnh tay là yêu cầu khắt khe về dịch vụ và sự tiện lợi
Với nhu cầu mua sắm khác biệt, Millennials cũng đặt ra yêu cầu cao hơn về dịch vụ và độ tin cậy. Theo kết quả khảo sát từ YouNet Media, Top 3 yếu tố quan trọng có sức ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của Millennials đều có liên quan đến người bán: Chính sách hoàn trả và bảo hành rõ ràng; Phương thức thanh toán tiện lợi trên cùng một nền tảng; Cho phép liên hệ với người bán để thỏa thuận thời gian giao hàng mong muốn.
Trong khi đó, yếu tố giá cả và mã khuyến mãi chỉ lần lượt xếp ở vị trí thứ 5 và thứ 10. Có thể thấy, không giống như GenZ, Millennials thường cân nhắc kỹ lưỡng trước khi ra quyết định mua hàng, kể cả trong môi trường kích thích chốt đơn như livestream. Bởi lẽ, dù khuyến mãi có sức hấp dẫn, nhưng lại không phải là yếu tố quyết định với họ. Thay vào đó, việc đảm bảo trải nghiệm trước khi mua hàng suôn sẻ, bằng cách cung cấp chính sách hoàn trả rõ ràng, phương thức thanh toán tiện lợi và tùy chọn giao hàng linh hoạt, sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng mong đợi và thúc đẩy quyết định mua sắm của Millennials.
Ghi điểm với Millennials nhờ cá nhân hóa trải nghiệm sau mua hàng
Câu chuyện mua hàng của Millennials sẽ không thể kết thúc ở việc giao hàng, nếu các thương hiệu muốn tạo ra sự kết nối lâu dài và nắm bắt lòng trung thành của nhóm người tiêu dùng này. Khi phân tích sâu hơn kết quả khảo sát về mức độ quan trọng của dịch vụ hậu mãi, YouNet Media nhận thấy bên cạnh các yếu tố về giao tiếp, giải quyết vấn đề một cách chuyên nghiệp, thì việc thương hiệu chủ động liên lạc với khách hàng để kích hoạt dịch vụ bảo hành, thu thập ý kiến, hướng dẫn sử dụng sẽ là những yếu tố quan trọng giúp thương hiệu ghi điểm trong mắt Millennials.
Một thương hiệu đã làm rất tốt trong việc xây dựng quy trình chăm sóc khách hàng sau mua là Häfele – một trong những công ty chuyên cung cấp công nghệ phụ kiện lớn nhất trên thế giới. Cụ thể, trong một trường hợp người dùng muốn thay đổi thời gian giao hàng, Häfele đã nhanh chóng tiếp nhận thông tin và chủ động liên hệ với khách hàng để xử lý.
Không dừng lại ở đó, sau khi nhận hàng, sản phẩm mới sẽ được Häfele tự động đăng ký bảo hành, đồng thời bộ phận chăm sóc khách hàng sẽ gọi điện trực tiếp để khảo sát trải nghiệm mua hàng của người dùng. Tất cả các hoạt động kể trên đều được Häfele thông báo đến khách hàng qua điện thoại. Có thể thấy, với một quy trình hậu mãi chuẩn chỉnh, Häfele đã giúp người tiêu dùng an tâm hơn khi đặt mua và sử dụng sản phẩm, cũng như giúp thương hiệu hạn chế tình trạng phản hồi tiêu cực và giảm tỷ lệ hủy đơn hàng.
Kết luận
Tóm lại, song song với mức tài chính ổn định, sẵn sàng chi tiêu cho các mặt hàng giá trị cao của Millennials là những quy chuẩn về dịch vụ trước và sau khi mua hàng. Bởi với quỹ thời gian hạn hẹp, Millennials sẽ yêu cầu những thông tin sản phẩm cụ thể, chính sách đổi trả – bảo hành rõ ràng, thanh toán nhanh chóng, tiện lợi với nhiều phương thức, cùng sự chăm sóc sát sao của thương hiệu.
Như vậy, khác với Gen Z, câu chuyện thuyết phục Millennials mở “hầu bao” cho các đơn hàng TMĐT sẽ không chỉ nằm ở khuyến mãi – giá cả, mà còn phụ thuộc nhiều hơn vào chất lượng dịch vụ và những tiện ích mà thương hiệu có thể mang lại.
Tải báo cáo đầy đủ tại đây.