Thương hiệu cần làm gì để không lỡ nhịp với người tiêu dùng trẻ?

Thương hiệu cần làm gì để không lỡ nhịp với người tiêu dùng trẻ?

Khi thế hệ người tiêu dùng trẻ tuổi đang tăng nhanh cả về “chất và lượng”, doanh nghiệp cần nhanh chóng đổi mới, thay đổi để không bị bỏ lại trong cuộc chơi mới.

1. Tổng quan bức tranh chân dung tiêu dùng toàn cầu năm 2025

Báo cáo World Consumer Outlook 2025 từ World Data Lab dự báo, năm 2025, thế giới sẽ có thêm 134 triệu người tiêu dùng mới, đây được đánh giá là mức tăng cao nhất kể từ đỉnh tăng trưởng năm 2021. Trong đó, Ấn Độ là quốc gia đứng đầu về mức độ gia tăng người tiêu dùng mới với 47 triệu người, tiếp theo là Trung Quốc với 30 triệu người.

World Data Lab và NeilsenIQ dự đoán, đến năm 2025, thế giới sẽ có thêm 134 triệu người tiêu dùng mới.

World Data Lab và NeilsenIQ dự đoán, đến năm 2025, thế giới sẽ có thêm 134 triệu người tiêu dùng mới.
Nguồn: World Data Lab

Báo cáo cũng chỉ ra nhiều thông tin nổi bật về Gen Z. Trong đó, Gen Z sẽ là thế hệ đông đảo nhất với 2 tỷ người, đến năm 2034 sẽ chiếm phần lớn trong chi tiêu ở hầu hết các thị trường mới nổi. Không chỉ đông đảo về số lượng, Gen Z còn được dự đoán sẽ trở thành thế hệ giàu có nhất và toàn cầu hóa nhất từ trước đến nay.

Gen Z sẽ trở thành thế hệ giàu có nhất, theo World Data Lab.

Gen Z sẽ trở thành thế hệ giàu có nhất, theo World Data Lab.
Nguồn: World Data Lab

Tuy Gen X và Millennials vẫn là nhóm chi tiêu hàng đầu trong hai thập kỷ tới và mức chi tiêu hiện nay của Gen Z thấp hơn các thế hệ khác, nhưng nếu so với các thế hệ trước ở cùng độ tuổi thì mức chi tiêu lại cao hơn nhiều.

Có thể thấy, nhóm người tiêu dùng trẻ tuổi đang có tốc độ mở rộng mạnh mẽ cả về chất và lượng.

2. Xu hướng và hành vi tiêu dùng chính của thế hệ người tiêu dùng trẻ tuổi

Theo báo cáo của World Data Lab, mặc dù thế hệ Gen Z hay Gen Alpha không phải là nhóm sở hữu sức mua mạnh mẽ nhất, nhưng có vai trò quan trọng trong việc định hình các xu hướng mới, dẫn dắt những thay đổi toàn cầu.

Chi tiêu tiêu dùng của nhóm trên 50 tuổi chiếm tỷ lệ lớn nhất.

Chi tiêu tiêu dùng của nhóm trên 50 tuổi chiếm tỷ lệ lớn nhất.
Nguồn: World Data Lab

Hiểu rõ nhóm người tiêu dùng trẻ tuổi với hành vi và sở thích mang nhiều sắc thái độc đáo này không chỉ giúp thương hiệu kết nối hiệu quả với Millennials và Gen Z ở thời điểm hiện tại, mà còn tạo tiền đề để tiếp cận Gen Alpha trong tương lai khi thế hệ này trưởng thành và sở hữu sức mua ngày một lớn hơn.

Dưới đây là một số xu hướng và hành vi tiêu dùng nổi bật của người tiêu dùng trẻ:

2.1. Trải nghiệm không gián đoạn

Người tiêu dùng trẻ hiện nay có kỳ vọng cao vào những trải nghiệm liền mạch và cá nhân hóa trên các kênh giao tiếp. Dù đang lướt TikTok, Instagram, chơi game trên ứng dụng hay truy cập vào website của một thương hiệu, họ đều mong muốn có trải nghiệm thống nhất và không gián đoạn.

Tuy nhiên, trải nghiệm ở đây không chỉ bao gồm các hoạt động online mà bao gồm cả offline. Một bộ phận đáng kể của Gen Z coi trọng trải nghiệm trực tiếp, chẳng hạn, họ thường xem review về sản phẩm trước khi mua hàng tại cửa hàng hoặc ngược lại. Vì vậy, tạo ra những trải nghiệm gắn kết, đa kênh, hiện diện cả trực tuyến và ngoại tuyến sẽ giúp thương hiệu dễ chiếm được lòng nhóm khách hàng trẻ này hơn.

2.2. Sẵn sàng đổi mới và tìm kiếm trải nghiệm mới

Nỗi sợ buồn chán hoặc cảm giác bản thân trở nên nhàm chán là một đặc trưng tâm lý nổi bật ở Gen Z. Đây không chỉ là nỗi sợ mà còn là động lực mạnh mẽ chi phối cách họ sống và xây dựng hình ảnh cá nhân. Trong một thế giới mà mạng xã hội trở thành “sân khấu” để thể hiện bản thân, Gen Z luôn muốn mình giữ được hình ảnh thú vị và khác biệt, đồng thời không muốn bị bỏ lỡ các xu hướng hoặc trải nghiệm mà người khác có.

Đây cũng là lý do thúc đẩy Gen Z ưu tiên trải nghiệm hơn, họ thích tham gia các hoạt động độc đáo như du lịch, thể thao, sự kiện âm nhạc... Sự bùng nổ của các Live Concert nội địa như “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi”, “Những thành phố mơ màng”… chính là minh chứng cho xu hướng ưu tiên trải nghiệm này của giới trẻ.

Những lần “sold out” vé liên tục khi mở bán chưa đầy 1 tiếng là minh chứng cho việc giới trẻ sẵn sàng chi tiền để đáp ứng nhu cầu giải trí của mình.

Những lần “sold out” vé liên tục khi mở bán chưa đầy 1 tiếng là minh chứng cho việc giới trẻ sẵn sàng chi tiền để đáp ứng nhu cầu giải trí của mình.
Nguồn: Anh trai vượt ngàn chông gai

2.3. Không còn “mặn mà” với các công cụ tìm kiếm truyền thống, người trẻ ưa chuộng tìm kiếm thông tin qua mạng xã hội, AI

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, các kênh tìm kiếm thông tin như Google đã không còn là lựa chọn hàng đầu của người trẻ, đặc biệt là Gen Z. Thay vào đó, mạng xã hội trở thành kênh chính để khách hàng trẻ tìm kiếm thông tin, cập nhật tin tức, tìm hiểu về sản phẩm, dịch vụ yêu thích.

Chẳng hạn, khi muốn tìm địa điểm vui chơi, nhà hàng, khách sạn… Gen Z có xu hướng tìm kiếm trực tiếp trên TikTok, Instagram thay vì sử dụng Google như trước. Điều này đánh dấu một sự thay đổi đáng kể về thói quen tìm kiếm so với các thế hệ trước đó.

Bên cạnh xu hướng tìm kiếm trên mạng xã hội, sự bùng nổ của các công cụ AI cũng đang trở thành kênh tìm kiếm mới của giới trẻ. Chỉ bằng vài câu lệnh đơn giản, ngắn gọn, thông tin đã được trả ra một cách nhanh chóng và chính xác. Với sự đầu tư và đổi mới liên tục, các công cụ AI sẽ sớm thay đổi cách người dùng tìm kiếm thông tin.

Không còn “mặn mà” với các công cụ tìm kiếm truyền thống, người trẻ ngày nay ưa chuộng tìm kiếm thông tin qua mạng xã hội, AI...

Không còn “mặn mà” với các công cụ tìm kiếm truyền thống, người trẻ ngày nay ưa chuộng tìm kiếm thông tin qua mạng xã hội, AI...
Nguồn: CNN

3. Trẻ hóa thương hiệu để kết nối với khách hàng trẻ

Những con số ấn tượng về quy mô của nhóm đối tượng này đòi hỏi các thương hiệu cần nhanh chóng nắm bắt và sẵn sàng thay đổi để kết nối với nhóm người tiêu dùng trẻ tuổi, nhưng đây không phải nhiệm vụ dễ dàng.

Muốn chinh phục thế hệ trẻ, thương hiệu cần phải trẻ hóa mình, phải thực sự hiểu rõ động lực và văn hóa của thế hệ này mới có thể tạo ra sự khác biệt trong một môi trường biến động như hiện nay.

Nhu cầu làm mới thương hiệu ngày càng được thể hiện rõ qua sự gia tăng của các chiến dịch tái định vị cùng với sự phục hồi của ngành quảng cáo.

Trong vài năm trở lại đây, số lượng các thương hiệu công bố tái định vị, làm mới hình ảnh ngày càng nhiều. Điều này có thể xuất phát từ nhiều lý do, nhưng sự chuyển dịch đối tượng mục tiêu sang thế hệ trẻ cũng là một trong những yếu tố để thương hiệu đẩy nhanh quá trình làm mới và trẻ hóa hình ảnh của mình.

Xu hướng này không chỉ phổ biến ở các công ty nước ngoài như Unilever, PepsiCo, mà các doanh nghiệp trong nước cũng không nằm ngoài cuộc chơi khi Vinamilk “thay áo mới” cho một loạt sản phẩm kem, sữa tươi, sữa hạt, sữa chua… hay MoMo với màn thay đổi định vị thương hiệu mới – “Trợ thủ tài chính với AI”.

Thương hiệu cần làm gì để không lỡ nhịp với người tiêu dùng trẻ?

MoMo tái định vị trở thành “Trợ thủ tài chính với AI”.
Nguồn: MoMo

Việc thay đổi là tất yếu nếu thương hiệu muốn giữ chân khách hàng hiện có và thu hút khách hàng tiềm năng mới. Tái định vị thương hiệu còn là cách doanh nghiệp thích nghi linh hoạt với bối cảnh mới, giữ vững sự cạnh tranh và kết nối hiệu quả với khách hàng.

3.1. Xây dựng thương hiệu là nền tảng cho tăng trưởng dài hạn

Báo cáo Blueprint For Brand Growth của Kantar phân tích hơn 14.000 thương hiệu chỉ ra rằng, các hoạt động xây dựng thương hiệu giúp giảm sự phụ thuộc vào các chiến dịch Performance Marketing ngắn hạn. Nếu quá lệ thuộc vào chiến dịch này, thương hiệu có thể đối mặt với nguy cơ sụt giảm doanh số cơ bản về lâu dài.

Báo cáo cũng chỉ ra bốn yếu tố có thể gia tăng sự gắn bó của người tiêu dùng với thương hiệu bao gồm: Trải nghiệm người dùng tốt – Chức năng hoặc hiệu suất vượt trội – Thiết kế đa dạng và tiện lợi – Quảng cáo ấn tượng.

Xây dựng thương hiệu vẫn là nền tảng cho mọi sự tăng trưởng. Một số thương hiệu đã bỏ quên điều này vì quá phụ thuộc vào performance marketing, hoặc để hình ảnh thương hiệu trở nên quá lỗi thời mà không có sự đổi mới phù hợp với thị trường hiện tại.

3.2. Tái định vị thương hiệu để đáp ứng nhu cầu thay đổi và phù hợp với thời đại

Để vượt ra khỏi cái mác cũ kĩ đó, các thương hiệu cần phải làm mới câu chuyện của mình qua lăng kính hiện đại hơn hoặc tìm kiếm khách hàng mới bằng các chiến lược mở rộng, nhưng không thay đổi hoàn toàn để tránh đánh mất đi giá trị cốt lõi của thương hiệu.

3.3. Vai trò của thiết kế trong tái định vị thương hiệu

Thiết kế đóng vai trò quan trọng trong việc tái định vị để tiếp cận thị trường mới. Thương hiệu Manischewitz đã thực hiện một trong những cuộc tái định vị nổi bật nhất năm nay, khi đưa thương hiệu 130 năm tuổi vượt ra ngoài thị trường thực phẩm kosher truyền thống để thu hút khách hàng trẻ trung, năng động hơn.

Sự thay đổi ngoạn mục của thương hiệu hơn 130 năm tuổi nhằm chinh phục thế hệ trẻ.

Sự thay đổi ngoạn mục của thương hiệu hơn 130 năm tuổi nhằm chinh phục thế hệ trẻ.
Nguồn: Marketing Dive

Hay gần đây, Rubyk đã thực hiện màn “trẻ hóa” bao bì và hình ảnh thương hiệu trên các kênh social cho Mama Chocolate – thương hiệu socola tươi đã xuất hiện trên thị trường hơn 11 năm qua. Trước đó, các yếu tố visual, đặc biệt là bao bì và hình ảnh trên kênh social chưa tạo được nét riêng đã gây nên nhiều khó khăn cho Mama trong việc thu hút nhóm khách hàng trẻ đang ngày một gia tăng. Điều này đòi hỏi Mama phải có những bước thay đổi mạnh mẽ nếu muốn tiếp cận và chinh phục thế hệ khách hàng mới này.

Lời giải cho bài toán đổi mới của Mama được Rubyk hiện thực hóa thông qua chiến dịch “trẻ hóa” hình ảnh thương hiệu để mang đến một diện mạo mới mẻ hơn, hấp dẫn từ trong ra ngoài với ý tưởng “Freshness Inside Out”.

Thương hiệu cần làm gì để không lỡ nhịp với người tiêu dùng trẻ?

Bao bì mới là sự kết hợp độc đáo giữa màu sắc và họa tiết trừu tượng nhưng trực quan giúp làm nổi bật đặc trưng của từng hương vị socola.
Nguồn: Rubyk

Bên cạnh bao bì, nội dung và hình ảnh social post cũng được Rubyk tinh chỉnh với bố cục tối giản hơn, tập trung vào các yếu tố hình ảnh cùng thông điệp chính, kết hợp với bảng màu đa dạng, ấn tượng giúp mang đến một hình ảnh Mama trẻ trung, năng động và gần gũi.

Hình ảnh thương hiệu trên các kênh social được đồng bộ với diện mạo trẻ trung hơn.

Hình ảnh thương hiệu trên các kênh social được đồng bộ với diện mạo trẻ trung hơn.
Nguồn: Rubyk

3.4. Thận trọng khi làm mới thương hiệu

Hiện nay, xu hướng trẻ hóa thương hiệu đang có những thay đổi đáng chú ý. Nếu trước đây, các yếu tố nhận diện cốt lõi của thương hiệu thường được coi là bất biến, thì giờ đây, chính những yếu tố này cũng trở nên linh hoạt hơn. Thay đổi này không chỉ giúp thương hiệu tạo ra kết nối cảm xúc sâu sắc với khách hàng mà còn mang đến những trải nghiệm mới mẻ và độc đáo hơn.

Điều này được thể hiện rõ ràng trong thiết kế của các thương hiệu trong ngành F&B. Chẳng hạn, Starbucks, Phê la, KATINAT… thường xuyên cập nhật hình ảnh và bao bì theo từng chiến dịch. Họ không giới hạn mình vào một bảng màu hay thiết kế cố định mà liên tục thay đổi. Chính sự biến hóa này giúp thương hiệu luôn giữ được sự mới lạ và gần gũi với khách hàng trong bối cảnh hiện tại.

Bên cạnh đó, các sản phẩm phiên bản giới hạn đang trở thành chiến lược marketing hiệu quả, không chỉ giúp gia tăng doanh số mà còn tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, khiến khách hàng háo hức chờ đợi những lần ra mắt tiếp theo.

Cận cảnh chiếc ly hồng khiến giới trẻ “phát cuồng” của KATINAT.

Cận cảnh chiếc ly hồng khiến giới trẻ “phát cuồng” của KATINAT.
Nguồn: CafeF

Dù vậy, thương hiệu vẫn cần thận trọng khi thay đổi những yếu tố cốt lõi trong nhận diện thương hiệu, tránh lạm dụng mà làm mất đi bản sắc và giá trị vốn có của thương hiệu.

Ngoài ra, thương hiệu cũng cần xác định rõ mục tiêu của việc làm mới là muốn tái định vị sản phẩm để thu hút một đối tượng khách hàng mới, hay chỉ đơn thuần muốn thay diện mạo để bắt kịp xu hướng hiện tại. Nhiều khi, thiết kế bao bì mới được tung hô như là một phần tái định vị thương hiệu, nhưng thực chất sản phẩm không thay đổi, không mở rộng thị trường, chỉ đơn giản là được làm mới để trông hợp thời hơn.

Dù có sự khác biệt giữa tái định vị, làm mới hay tái thiết kế thương hiệu, mục tiêu chung vẫn là xây dựng một thương hiệu vững mạnh hơn. Khi người tiêu dùng trẻ đang chiếm ưu thế, cách thức hoạt động và tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp cũng phải thay đổi để bắt kịp xu hướng này.

* Nguồn: Rubyk Agency