Tổng quan Affiliate Marketing trong mảng E-Commerce tại Việt Nam
Thực trạng phát triển Affiliate Marketing tại Việt Nam
Affiliate Marketing là một phần quan trọng trong hệ sinh thái TMĐT tại Việt Nam. Tại Việt Nam có 78,44 triệu người dùng Internet trong tháng 1 năm 2024. Tỷ lệ thâm nhập Internet của Việt Nam đứng ở mức 79,1% tổng dân số vào đầu năm 2024. (we are social). Với dân số trẻ, tỷ lệ sử dụng Internet và thói quen mua sắm trực tuyến ngày càng cao như vậy, Affiliate marketing đã nhanh chóng trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược tiếp thị của các doanh nghiệp thương mại điện tử. (Subiz, n.d.)
Theo báo cáo từ ACCESSTRADE, quy mô thị trường tiếp thị liên kết trong nước ước tính đạt khoảng 800 tỷ đồng vào năm 2022, với tốc độ tăng trưởng hàng năm lên tới 45%. (VnEconomy, 2022). Dự báo rằng năm 2023, quy mô này sẽ vượt qua 1.200 tỷ đồng, cho thấy sự phát triển mạnh mẽ và tiềm năng lớn của ngành này (Tạp chí Công Thương, 2023)
Affiliate marketing nổi bật nhờ hiệu quả cao và tối ưu ngân sách, đóng góp 10%-50% tổng ngân sách và lượng hàng hóa bán qua kênh online (GMV) cho các doanh nghiệp, với khoảng 30 triệu đơn hàng/tháng. Doanh số bán hàng qua tiếp thị liên kết chiếm khoảng 4% tổng doanh số TMĐT B2C năm 2022. (ACCESSTRADE, 2022)
Affiliate marketing tạo cơ hội tăng trưởng bền vững với chi phí thấp, từ doanh nghiệp nhỏ kinh doanh một mặt hàng đến các tập đoàn lớn, tiếp thị liên kết đang là phần tất yếu trong chiến lược kinh doanh.
Thách thức và cơ hội phát triển Affiliate Marketing trong ngành E-Commerce tại Việt Nam
Cơ hội
1. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành
Theo báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, doanh thu TMĐT B2C Việt Nam năm 2023 đạt 20,5 tỷ USD, chiếm khoảng 7,8-8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. (Bộ Công Thương, 2023). Sự tăng trưởng này tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp triển khai Affiliate marketing nhằm tiếp cận và mở rộng tệp khách hàng.
Sự phát triển của các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada và Tiki đã tạo ra một nền tảng vững chắc cho affiliate marketing. Các sàn này không chỉ cung cấp không gian bán hàng mà còn hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua các chương trình Affiliate marketing với tỷ lệ hoa hồng hấp dẫn (Shopee từ 2,1% đến 11,55%; Lazada lên đến 14%; Tiki khoảng 7,92%). (ACCESSTRADE, 2022) Điều này giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận khách hàng và tối ưu hóa chi phí marketing.
2. Sự kết nối mạnh mẽ giữa hoạt động mua sắm trực tuyến và mạng xã hội
Đặc điểm chung của các sàn Thương mại điện tử hiện nay là sự liên kết chặt chẽ với các nền tảng mạng xã hội giúp cho việc tăng trưởng nhanh và ổn định. Mạng xã hội tại Việt Nam, với lưu lượng và mật độ người dùng cao, đã trở thành một kênh hiệu quả cho Affiliate marketing, cho phép doanh nghiệp tiếp cận rộng rãi đối tượng khách hàng với chi phí hợp lý. (Ngô et al, 2023). Đặc biệt, tính năng chia sẻ và tương tác của mạng xã hội giúp publishers dễ dàng quảng bá sản phẩm qua các liên kết, thu hút sự chú ý với nội dung sáng tạo.
3. Xu hướng mua sắm từ ảnh hưởng của người nổi tiếng gia tăng
Hiện nay, người tiêu dùng ngày càng có xu hướng tìm kiếm thông tin qua mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến trước khi quyết định mua hàng. Theo khảo sát của Datareportal (2022), khoảng 70% người tiêu dùng Việt Nam sử dụng mạng xã hội để tìm kiếm thông tin sản phẩm. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho affiliate marketing khi các doanh nghiệp có thể hợp tác với những người có ảnh hưởng (KOLs) để quảng bá sản phẩm. Thông qua sự chia sẻ của KOLs, khách hàng dễ dàng tiếp nhận được thông điệp của thương hiệu cũng như có được sự tin tưởng đối với sản phẩm được giới thiệu.
Thách thức
1. Khó khăn trong việc kiểm soát nội dung Affiliate Marketing
Mạng xã hội là kênh tiếp cận người dùng rộng lớn, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro về độ tin cậy khi làm Affiliate marketing. Với sự đa dạng về đối tượng người dùng và tốc độ lan truyền nhanh, thông tin trên mạng xã hội dễ bị hiểu sai hoặc lan truyền tiêu cực, gây ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu. (Mathur et al, 2018) Việc kiểm soát nội dung do publishers đăng tải là một thách thức lớn, vì chỉ cần một thông tin không chính xác cũng có thể dẫn đến tổn hại hình ảnh của doanh nghiệp.
2. Rủi ro truyền thông khi hợp tác với KOL/KOC
Sử dụng KOL/KOC trong Affiliate marketing là cơ hội lớn để doanh nghiệp tăng cường sự tin cậy và kết nối với khách hàng, nhờ vào sức ảnh hưởng của những người nổi tiếng. Tuy nhiên, vấn đề những vấn đề truyền thông xoay quanh KOLs cũng là một thách thức không nhỏ. Cũng theo như nghiên cứu quốc tế của Mathur và cộng sự (2018), nhiều cá nhân tự xưng là KOLs nhưng không tuân thủ đạo đức quảng cáo, có thể đăng tải nội dung sai lệch hoặc không phù hợp, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức của khách hàng về thương hiệu. Thách thức đối với doanh nghiệp là phải lựa chọn KOLs đáng tin cậy, duy trì kiểm soát nội dung truyền tải và theo dõi phản hồi khách hàng một cách chặt chẽ.
3. Chịu phụ thuộc vào các sàn TMĐT từ phía advertiser
Sự phát triển của các sàn TMĐT đã giúp hoạt động Affiliate marketing trở nên dễ dàng và nhanh chóng, đóng vai trò cầu nối giữa nhà cung cấp và người tiêu dùng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phụ thuộc vào các sàn này cũng phải đối mặt với thách thức lớn về tính linh hoạt và khả năng kiểm soát chiến dịch. Việc phụ thuộc làm doanh nghiệp bị động trong việc tối ưu hóa chiến dịch, khi không có toàn quyền kiểm soát hoặc điều chỉnh các yếu tố quan trọng liên quan đến tiếp cận và chuyển đổi khách hàng. (Patukar, 2020) Ngoài ra, các sàn TMĐT thường xuyên thay đổi chính sách và thuật toán, có thể ảnh hưởng đến hiệu quả chiến dịch Partnership của doanh nghiệp, gây khó khăn trong việc duy trì tính nhất quán và hiệu quả lâu dài.
Nguồn: Growstack