User-Generated Content (UGC): Phương thức rút ngắn quá trình quyết định đến ăn nhà hàng hiệu quả!
Trong kỷ nguyên số hiện nay, khách hàng ngày càng trở nên tỉnh táo và đặc biệt nhạy cảm với những bài quảng cáo, do đó, bạn phải cần phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng mới có thể thu hút sự chú ý của họ. Hiện nay, User-Generated Content (UGC) là một trong những công cụ giúp có thể gây niềm tin và thu hút sự chú tâm của họ một cách tự nhiên nhất. UGC đã trở thành một công cụ mạnh mẽ trong việc xây dựng thương hiệu, tạo sự kết nối với khách hàng và thúc đẩy doanh số cho các nhà hàng. UGC bao gồm tất cả các nội dung được tạo ra bởi người dùng, từ hình ảnh, video cho đến đánh giá và bình luận, mang lại giá trị đáng kể cho thương hiệu.
I. Các loại User-Generated Content phổ biến trong ngành nhà hàng
User-Generated Content (UGC) là bất kỳ nội dung nào được tạo ra bởi người dùng, không phải do thương hiệu trực tiếp tạo ra, và được chia sẻ trên các nền tảng truyền thông xã hội hoặc các kênh trực tuyến khác. Trong ngành nhà hàng, UGC phản ánh trải nghiệm thực tế của khách hàng và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến các khách hàng tiềm năng. Một số loại UGC phổ biến nhất trong ngành nhà hàng bao gồm:
- Hình ảnh: Đây là loại UGC phổ biến nhất. Khách hàng thường chụp ảnh món ăn của mình và chia sẻ trên các mạng xã hội như Instagram, Facebook, TikTok hay Google Maps. Ảnh chụp món ăn không chỉ giúp quảng bá trực quan cho nhà hàng mà còn tạo cơ hội để thương hiệu tương tác với khách hàng. Hình ảnh thực tế từ khách hàng thường mang lại độ tin cậy cao hơn so với hình ảnh quảng cáo chính thức từ thương hiệu.
- Video: Khách hàng ngày càng thích tạo video ngắn ghi lại toàn bộ trải nghiệm ăn uống của họ. Các nền tảng như TikTok và Instagram Reels đã trở thành không gian phổ biến cho loại UGC này. Video có thể bao gồm từ quá trình gọi món, thử món ăn, đến việc đánh giá tổng thể về nhà hàng. Video trải nghiệm thường có tính lan tỏa cao, giúp tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng hơn.
- Blog và bài viết: Một số khách hàng có thể viết blog hoặc bài viết về trải nghiệm của họ tại nhà hàng trên trang cá nhân của họ. Những nội dung này có thể được chia sẻ rộng rãi trên mạng và có thể thu hút lượng lớn người đọc.
- Story và livestream: Khách hàng thường chia sẻ những trải nghiệm tại nhà hàng bằng cách đăng story trên Instagram hoặc Facebook, hay thậm chí là livestream toàn bộ bữa ăn. Đây là cách chia sẻ trực tiếp và nhận lại những phản hồi nhanh chóng, gia tăng sự kết nối với khách hàng hiệu quả.
II. User-Generated Content mang lại lợi ích gì cho thương hiệu?
Có thể nói, trong ngành FnB, UGC là loại nội dung có ảnh hưởng rất lớn, tác động mạnh mẽ đến khách hàng. Dưới đây là một số lợi ích điển hình thương hiệu có thể thu lại được khi sử dụng UGC:
- Tăng cường độ tin cậy: Khách hàng có xu hướng tin tưởng hơn vào nội dung do người dùng tạo ra so với quảng cáo chính thức. Khi một người bạn hoặc một người dùng khác chia sẻ trải nghiệm tích cực tại nhà hàng, điều này tạo ra sự tin tưởng mạnh mẽ hơn trong tâm trí của những khách hàng tiềm năng.
- Tăng khả năng tương tác: UGC giúp tạo ra cơ hội tương tác giữa thương hiệu và khách hàng. Khi họ chia sẻ hình ảnh hoặc đánh giá của mình, bạn có thể phản hồi, cảm ơn hoặc thậm chí bộ lộ rõ tính cách hoặc thể hiện sứ mệnh của mình qua mỗi lần tương tác.
- Giảm chi phí marketing: Sử dụng UGC có thể tiết kiệm chi phí cho các nhà hàng. Thay vì chi tiền cho các chiến dịch quảng cáo đắt đỏ, bạn có thể khai thác nội dung do khách hàng tạo ra để quảng bá hình ảnh, xây dựng độ đáng tin cậy mà không phải bỏ ra quá nhiều chi phí.
- Khám phá sở thích của khách hàng: Qua việc phân tích UGC, tức những lời nhận xét cá nhân của họ, các Marketer có thể hiểu rõ hơn về sở thích và thói quen của khách hàng. Điều này giúp nhà hàng điều chỉnh sản phẩm hoặc dịch vụ, từ đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
- Ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định của khách hàng: UGC không chỉ mang lại lợi ích về mặt nội dung, mà còn tạo ra một mối liên kết cảm xúc giữa khách hàng và thương hiệu. Khi một người khách hàng tiềm năng thấy bạn bè hoặc người có ảnh hưởng chia sẻ trải nghiệm tích cực với một nhà hàng, họ có xu hướng tin tưởng và muốn thử nghiệm ngay lập tức. Theo một nghiên cứu, khoảng 79% người tiêu dùng cho biết họ sẽ xem xét nội dung do người dùng tạo ra trước khi đưa ra quyết định mua hàng. Điều này cho thấy UGC có khả năng ảnh hưởng lớn đến hành vi mua sắm của khách hàng.
III. Thương hiệu thu thập UGC như thế nào?
Việc thu thập UGC không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng với một vài chiến lược phù hợp, các marketer có thể khuyến khích khách hàng chủ động tạo ra nội dung. Dưới đây là một số cách hiệu quả:
1. Tạo hashtag riêng cho UGC
Một trong những cách hiệu quả để khuyến khích khách hàng tạo UGC là xây dựng bộ hashtag độc đáo cho thương hiệu. Hashtag này nên có hình thức đơn giản, dễ nhớ và liên quan đến thương hiệu.
Khi đã có hashtag, hãy quảng bá nó ở khắp mọi nơi như trên thực đơn, hóa đơn, bảng hiệu và trên các trang mạng xã hội của bạn. Mục tiêu là làm cho họ cảm thấy quen thuộc với việc gắn hashtag. Bạn có thể khuyến khích họ đăng ảnh hoặc câu chuyện về bữa ăn và chia sẻ trải nghiệm tại quán của bạn. Bạn có thể tạo động lực bằng cách đưa ra các ưu đãi như giảm giá hoặc quà tặng miễn phí cho những bài đăng sử dụng hashtag đó.
Một case study điển hình của hình thức này là Shake Shack - một chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh nổi tiếng tại New York nổi tiếng với những chiếc burger ngon miệng. Họ đã tận dụng phương thức này bằng cách lan tỏa hashtag #ShackFan và khuyến khích khách hàng chia sẻ trải nghiệm kèm theo hashtag cuối bài. Họ đặt một biển báo gần quầy gọi món với nội dung, "Share your Shake Shack moment with #ShackFan for a chance to be featured on our page!"
Khi ở quần đặt hàng, phần lớn khách hàng sau khi thấy biển báo đã đăng một bức ảnh lên Instagram kèm theo #ShackFan. Sau đó, đội ngũ truyền thông xã hội của Shake Shack sẽ tương tác và đăng lại bài viết đó. Điều này khiến khách hàng cảm thấy được trân trọng, hứng thú và khuyến khích những người khác tham gia. Bằng cách sử dụng #ShackFan, Shake Shack đã thành công trong việc khuyến khích nội dung do người dùng tạo (UGC), qua đó tăng cường nhận diện thương hiệu và sự tương tác với khách hàng.
2. Tìm và tái sử dụng nội dung UGC
Các trải nghiệm hay câu chuyện đậm chất cá nhân thường có sức thu hút và thuyết phục cao. Do đó, những nội dung đến từ khách hàng có thể giúp thương hiệu tiếp cận thêm số lượng lớn khách hàng tiềm năng.
Ngoài phương thức tìm kiếm theo hashtag trên, các Marketer cũng nên tìm kiếm các nội dung tìm kiếm trên Facebook hoặc nền tảng mà thương hiệu tham gia với các từ khóa liên quan. Khi tìm thấy nội dung, bạn có thể gửi tin nhắn cảm ơn tới khách hàng và thể hiện mong muốn được sử dụng nội dung của họ. Điều này không chỉ giúp thu thập UGC mà còn tạo ấn tượng tốt với khách hàng.
The Coffee Bean & Tea Leaf Malaysia là một trong những thương hiệu thường xuyên đăng tải lại nội dung của khách hàng trên Instagram và Facebook pages. Bằng cách này, thương hiệu có thể mang lại khách hàng đã đăng tải nội dung về nhà hàng cảm giác thuộc về, giúp họ cảm thấy bản thân mang lại giá trị cho thương hiệu. Chính những điều này sẽ khuyến khích không chỉ họ mà nhiều nhóm khách hàng khác tham gia. Ngoài ra, UGC từ khách hàng luôn mang lại cảm giác rất gần gũi và chân thực, giúp các tệp khách hàng tiềm năng có thể cảm nhận được bản thân trong đó.
3. Tiến hành các chiến dịch khuyến khích khách hàng chia sẻ UGC
Chạy các chiến dịch cụ thể để khuyến khích khách hàng chia sẻ nội dung của họ là một trong những cách hiệu quả nhất để thu thập UGC. Các chiến dịch này có thể là cuộc thi hoặc chương trình giảm giá cho những khách hàng chia sẻ hình ảnh món ăn trên mạng xã hội.
Nếu là một cuộc thi cho khách hàng, bạn có thể đưa ra thể lệ như chụp ảnh cùng ảnh món ăn yêu thích để dự thi và đăng tải kèm theo hashtag của thương hiệu, để nhận được cơ hội giành giải thưởng hấp dẫn. Tung ra các chương trình giảm giá kèm theo điều kiện cũng là cách thường được nhiều khách hàng hưởng ứng. Khách hàng có thể nhận được phiếu giảm giá cho lần đặt bàn tiếp theo khi họ chia sẻ một bức ảnh món ăn và gắn thẻ Fanpage thương hiệu trên mạng xã hội.
Chiến dịch tổ chức cuộc thi "Snap & Win" của Tealive Asia đã dành được thành công lớn khi sử dụng UGC. Thương hiệu đã hứa hẹn sẽ trao cơ hội nhận vé premiere xem ra mắt phim Barbie cho người chiến thắng. Điều kiện để tham gia chương trình là chụp ảnh với món Strawberry Pudding Smoothie hoặc Sakura Oolong Series của Tealive, rồi chia sẻ trên mạng xã hội với hashtag #TealiveXBarbie. Kết quả là hàng loạt hình ảnh đầy sáng tạo của những người chơi đã thu hút rất nhiều sự chú ý. Cuối chiến dịch, Tealive chọn ra 10 người thắng cuộc, công bố trên Fanpage và trao thưởng. Chiến dịch không chỉ khuyến khích sự tham gia mà còn giúp Tealive tạo nội dung chân thực và gia tăng độ nhận diện thương hiệu mạnh mẽ.
4. Hợp tác cùng KOLs và food bloggers
Với sự phát triển của nền tảng Tiktok, kèm theo sự “nở rộ” của xu hướng food review, hợp tác với những người có ảnh hưởng (KOLs) và các blogger là cách được nhiều thương hiệu F&B lựa chọn hiện nay. Những người này có khả năng tiếp cận một lượng lớn tệp khách hàng chính.
Khi họ chia sẻ trải nghiệm về sản phẩm hoặc nhà hàng của bạn, nội dung review sẽ trở nên chân thực và đáng tin cậy hơn trong mắt người theo dõi. Điều này giúp bạn thu hút một lượng lớn khách hàng tiềm năng, đồng thời gia tăng tương tác trực tuyến.
Tuy nhiên, khi lựa chọn người có sức ảnh hưởng review thương hiệu, bên cạnh độ nhận diện của KOLs, Marketer cũng cần để ý đến mức độ phù hợp giữa họ với thương hiệu và tệp khách hàng. Bạn nên đảm bảo KOLs/Food Bloggers có tính cách và phong cách thu hút với tệp khách hàng hướng tới, cũng như hòa hợp với tính cách của thương hiệu.
Ví dụ, BGW, một food reviewer nổi tiếng, đã hợp tác với nhà hàng "Oh Yeah Banana Leaf". Trong chuyến thăm nhà hàng, anh đã thử nhiều món ăn và chia sẻ đánh giá chân thực qua video trên Instagram. Những đánh giá này giúp nhà hàng tăng cường tương tác và thu hút khách hàng mới, chứng minh sự thành công của UGC này.
IV. Một số lưu ý khi sử dụng UGC
Tuy UGC mang lại nhiều lợi ích, nhưng Marketer cũng cần nắm một số lưu ý để đảm bảo quyền lợi cho cả thương hiệu và khách hàng:
-
Xin phép trước khi sử dụng: Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất khi sử dụng UGC là luôn xin phép người tạo nội dung trước khi đăng lại. Dù nội dung đó đã được đăng công khai, việc xin phép thể hiện sự tôn trọng đối với khách hàng và giúp tránh các rủi ro về mặt pháp lý.
-
Luôn gắn credit: Khi sử dụng UGC, đừng quên gắn credit (ghi nguồn) cho người tạo nội dung. Điều này không chỉ giúp tôn trọng quyền sở hữu của khách hàng mà còn khuyến khích họ và những người khác tiếp tục tạo ra UGC cho thương hiệu.
-
Giám sát và kiểm duyệt UGC kỹ càng: Không phải tất cả UGC đều phù hợp. Bạn cần kiểm duyệt cẩn thận để đảm bảo rằng chúng phù hợp với hình ảnh và thông điệp của thương hiệu. Hơn nữa, bạn cũng cần giám sát các nội dung UGC để tránh những nội dung tiêu cực hoặc gây tranh cãi.
-
Tôn trọng ý kiến và đánh giá: Nếu khách hàng để lại đánh giá tiêu cực, thương hiệu cần chủ động phản hồi một cách chuyên nghiệp và chân thành. Việc này không chỉ giúp cải thiện hình ảnh thương hiệu mà còn thể hiện sự quan tâm đến ý kiến của khách hàng.
-
Giữ cho UGC luôn mới mẻ: Thường xuyên thay đổi và cập nhật nội dung UGC trên trang web và mạng xã hội để giữ cho nội dung luôn mới mẻ và hấp dẫn đối với khách hàng cũng là một cách xây dựng lòng tin ở họ.
KẾT LUẬN
User-generated content (UGC) là một công cụ mạnh mẽ mà các thương hiệu FnB nên tận dụng để nâng cao thương hiệu, tạo ra sự tương tác và xây dựng cộng đồng khách hàng. Bằng cách khuyến khích khách hàng chia sẻ trải nghiệm của họ và tích cực sử dụng nội dung này, bạn có thể gây dựng brand love và nuôi dưỡng lòng trung thành với thương hiệu ở khách hàng dễ dàng hơn. Điều này chính là điều kiện thúc đẩy khách hàng tiềm năng trở thành người tiêu dùng nhanh chóng!
Nếu bạn thấy bài viết hữu ích, đừng quên theo dõi Ori Marketing Agency để xem thêm nhiều bài viết chất lượng khác nhé!