Từ mạng xã hội đến giỏ hàng: Giải mã hành vi mua sắm của Gen Z

Từ mạng xã hội đến giỏ hàng: Giải mã hành vi mua sắm của Gen Z

Gen Z đang trở thành nhóm khách hàng chủ lực trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam. Báo cáo Vietnam e-Commerce Intelligence 2025 do YouNet ECI và YouNet Media mới công bố chứa các phân tích sâu về hành vi mua sắm trực tuyến của Gen Z.

Gen Z, đại diện cho thế hệ trẻ trong kỷ nguyên số, hiện đóng góp vai trò quan trọng trong lực lượng tiêu dùng trực tuyến của Việt Nam. Theo khảo sát của YouNet Media trên 700 người tiêu dùng số tại các đô thị lớn, những đặc điểm nổi bật sau đây cho thấy hành vi mua sắm của Gen Z:

  • Gen Z chiếm 53,4% trong lượng người tiêu dùng số Việt Nam đang mua sắm trực tuyến ít nhất mỗi lần một tuần.
  • 69,5% Gen Z có giỏ hàng trực tuyến trung bình từ 100.000 đến 500.000 đồng.
  • Các sản phẩm được họ ưa chuộng khi mua sắm trực tuyến thuộc nhóm thời trang, sắc đẹp, và chăm sóc cá nhân – phản ánh sự quan tâm đến phong cách cá nhân và chăm sóc bản thân.

Theo phân tích từ YouNet ECI trên dữ liệu doanh thu TMĐT, giá trị giỏ hàng trung bình của nhóm thời trang, sắc đẹp, và chăm sóc cá nhân dự báo sẽ tăng từ 315.000 đồng/giỏ năm 2023 lên 730.000 đồng/giỏ vào năm 2028.

Như vậy, tổng chi tiêu của Gen Z trên các sàn TMĐT như Shopee, Lazada, Tiki và TikTok Shop được YouNet ECI dự báo đạt 20,3 tỷ USD vào năm 2028, tức tăng gấp 5 lần chỉ trong vòng 5 năm.

Tần suất, giá trị giỏ hàng và ngành hàng yêu thích của Gen Z Việt Nam khi mua sắm trực tuyến.

Tần suất, giá trị giỏ hàng và ngành hàng yêu thích của Gen Z Việt Nam khi mua sắm trực tuyến.
Nguồn: Vietnam e-Commerce Intelligence Report 2025

Gen Z: Ảnh hưởng bởi cộng đồng và xu hướng mạng xã hội

Mạng xã hội không chỉ là nơi giao tiếp mà còn là “cộng đồng tưởng tượng” của Gen Z, hình thành dựa trên sở thích chung như âm nhạc, thời trang, hoặc phong cách sống. Những cộng đồng này giúp Gen Z tìm thấy sự đồng cảm và kết nối, từ đó ảnh hưởng đến thói quen mua sắm.

Theo khảo sát từ YouNet Media, 51% Gen Z bị tác động bởi các xu hướng trên mạng xã hội khi chọn mua sản phẩm mới.

Kết quả khảo sát các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua sản phẩm mới của Gen Z.

Kết quả khảo sát các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua sản phẩm mới của Gen Z.
Nguồn: Vietnam e-Commerce Intelligence Report 2025

Tháng 1/2023 đến tháng 8/2024, công cụ lắng nghe mạng xã hội (MXH) của YouNet Media đã ghi nhận khoảng 600.000 thảo luận, hơn 21 triệu lượt tương tác liên quan đến Top 5 thương hiệu mỹ phẩm nội địa Trung, bao gồm Focallure, Colorkey, Judydoll, Perfect Diary và Zeesea.

Đáng chú ý, dữ liệu nhân khẩu học cho thấy hơn 50% lượng người tham gia thảo luận về các thương hiệu mỹ phẩm này là Gen Z.

Song song đó, dữ liệu của YouNet ECI từ 4 nền tảng Shopee, Lazada, TikTok Shop và Tiki cho thấy 5 thương hiệu kể trên đã thu về tổng cộng 26 triệu USD (hơn 660 tỷ đồng) trong vòng 12 tháng (từ tháng 9/2023 – tháng 8/2024).

“Sự tăng trưởng vượt bậc này phản ánh tác động mạnh mẽ của các xu hướng trên MXH lên doanh số của các nhãn hàng, đặc biệt là nhờ nhóm khách hàng Gen Z. Trong thời đại Shoppertainment, các xu hướng MXH sẽ không chỉ giúp nhận diện thương hiệu, mà còn có khả năng chuyển hóa thành hiệu quả kinh tế”,Mai Cẩm Linh – Giám đốc Kinh doanh, YouNet Media – đánh giá.

Shoppertainment: Chiến lược chạm đến Gen Z

Theo kết quả từ báo cáo, một trong những chiến lược tiếp cận Gen Z hiệu quả nhất là “Shoppertainment” – kết hợp giữa giải trí và mua sắm.

Kết quả khảo sát từ YouNet Media đã ghi nhận 55% Gen Z thường xuyên tham khảo nội dung từ micro-influencers yêu thích trước khi quyết định mua hàng. Các micro-influencers – những người có lượng theo dõi từ 10.000 đến 100.000 – là nguồn tham khảo đáng tin cậy với Gen Z. Những micro-influencers này có phong cách sống gần gũi, tạo sức ảnh hưởng lớn trong các lĩnh vực thời trang, làm đẹp, và chăm sóc cá nhân.

Một ví dụ về việc áp dụng thành công insight này là Cocoon, thương hiệu mỹ phẩm thiên nhiên đã chinh phục Gen Z bằng cách kết hợp câu chuyện về nguồn gốc bản địa với chiến lược micro-influencer marketing. Cocoon không chọn những influencer quá nổi tiếng mà tập trung vào những người có phong cách sống tương đồng với Gen Z, tạo được sự chân thật và kết nối sâu sắc.

Cũng theo khảo sát của YouNet Media, Top 3 dạng nội dung có tác dụng thuyết phục Gen Z mua sắm tức thì là: Livestream hay video dùng thử sản phẩm từ influencers, flash sales hay ưu đãi giới hạn, và nội dung đập hộp hay review của người dùng.

Calem.club – một thương hiệu thời trang dành cho giới trẻ – đã tận dụng các dạng nội dung này một cách triệt để. Theo dữ liệu lắng nghe mạng xã hội của YouNet Media, thương hiệu này trong một tháng 10 đăng tải hơn 20 video và thực hiện 24 phiên livestream trên TikTok, kết hợp xu hướng âm nhạc và sự kiện, đồng thời hợp tác với các micro-influencers để ra mắt sản phẩm trên sóng livestream. Sau 6 tháng đầu năm 2024, Calem.club lọt vào Top 15 thương hiệu thời trang bán chạy nhất trên TikTok Shop, với doanh thu trung bình 5 tỷ đồng/tháng.

Ví dụ về ứng dụng Shoppertainment trong suốt hành trình mua hàng của khách hàng Gen Z.

Ví dụ về ứng dụng Shoppertainment trong suốt hành trình mua hàng của khách hàng Gen Z.
Nguồn: Vietnam e-Commerce Intelligence Report 2025

Thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp

Theo bà Mai Cẩm Linh, Giám đốc Kinh doanh YouNet Media, hiểu được cách Gen Z gắn kết với mạng xã hội là chìa khóa để thương hiệu tiếp cận đúng tệp khách hàng.

Theo khuyến nghị trong báo cáo từ YouNet ECI và YouNet Media, các doanh nghiệp cần tập trung vào:

  1. Tạo nội dung cuốn hút và chân thật: Hợp tác với các micro-influencers có phong cách sống tương đồng với nhóm khách hàng mục tiêu để tổ chức livestream tương tác, giới thiệu sản phẩm và chia sẻ trải nghiệm mua sắm.
  2. Cá nhân hóa trải nghiệm người dùng: Thiết kế các ưu đãi độc quyền dành riêng cho người theo dõi influencers hoặc tung ra các sản phẩm phiên bản giới hạn thông qua mạng xã hội, giúp tăng tính kết nối đặc biệt cho khách hàng.
  3. Kết hợp giải trí và mua sắm: Chủ động theo dõi và nắm bắt các xu hướng mua sắm mới nhất, từ trong nước đến quốc tế, để tích hợp vào các chiến lược truyền thông và hoạt động bán hàng.

Kết luận

Gen Z không chỉ là nhóm khách hàng tiềm năng, mà còn là những người định hình tương lai của TMĐT. Với sức ảnh hưởng lớn từ mạng xã hội và xu hướng sống hiện đại, họ đòi hỏi các thương hiệu phải sáng tạo, cá nhân hóa và mang đến trải nghiệm độc đáo. Việc áp dụng chiến lược đúng đắn không chỉ giúp doanh nghiệp tăng trưởng mà còn xây dựng được sự gắn kết lâu dài với thế hệ khách hàng đầy tiềm năng này.

Tải báo cáo đầy đủ ngay tại đây.