Cập nhật các từ lóng mạng xã hội nổi bật tháng 6-9/2024
Theo thống kê của Buzzmetrics, chỉ trong vòng 4 tháng Hè (từ tháng 6 tới tháng 9), đã có ít nhất 30 social slangs mới “go-viral” trên các nền tảng mạng xã hội. Hãy cùng Buzzmetrics điểm qua 10 social slangs nổi bật trong giai đoạn vừa qua nhé!
Báo cáo nhanh về social slang của Buzzmetrics sẽ cung cấp cho bạn:
- Lý do “go viral” của các social slang.
- Nền tảng thảo luận nổi bật.
- Lượng thảo luận và các lưu ý sử dụng social slang.
#1. Đỉnh nóc, kịch trần, bay phấp phới
“Đỉnh nóc, kịch trần, bay phấp phới” vốn dĩ là câu nói của NSND Tự Long trong chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai” để mô tả danh thủ Hồng Sơn. Sau đó, câu nói được cộng đồng mạng dùng như một lời khen tặng, thay cho “giỏi quá” hay “xuất sắc quá”.
Chỉ trong 4 tháng, “Đỉnh nóc, kịch trần, bay phấp phới” đã có hơn 1,1 triệu lượt nhắc đến. Nổi lên từ nền tảng YouTube nhưng Facebook mới là nền tảng lan tỏa chính của social slang (chiếm 85,07% tổng thảo luận). Có thể nói, “Đỉnh nóc, kịch trần, bay phấp phới” đã trở thành slang-quốc-dân của Gen Y.
Đây là một social slang dễ ứng dụng vào những tình huống tích cực trong cuộc sống. Không khó để bắt gặp các thương hiệu hoặc các trang tin chính thống sử dụng social slang trong những bài đăng của mình. Dạng rút gọn của social slang là “Đỉnh nóc” hay “Đỉnh nóc, kịch trần” cũng trở thành câu cửa miệng khi giao tiếp trên mạng xã hội.
#2. Khó chệu vô cùng
“Khó chệu vô cùng” là câu thoại của TikToker Huỳnh Nhật khi vào vai Violet Vũ – một nhân viên văn phòng hay cáu kỉnh. Social slang được sử dụng để bày tỏ sự khó chịu, bức xúc đối với một vấn đề nào đó trong cuộc sống.
Trong vòng 4 tháng, “Khó chệu vô cùng” cũng thu về hơn 1,1 triệu thảo luận, với TikTok là nền tảng lan truyền chính (chiếm 57,64% tổng thảo luận). Thông qua cách biến đổi “chịu” thành “chệu” cùng nét mặt và giọng điệu hài hước của Violet Vũ, social slang dễ dàng tạo nên sức hút đối với Gen Z trên TikTok. Trước đó, Huỳnh Nhật cũng đã “go-viral” với social slang “Bảo Ngọc xin lỗi”.
#3. Phông bạt
“Phông bạt” vốn không phải một khái niệm quá mới trong cuộc sống hằng ngày. Trong giao tiếp trên mạng xã hội, “Phông bạt” thường được dùng để mỉa mai lối sống ngụy tạo, “thùng rỗng kêu to” hay khoe khoang những điều mà mình không thực sự có.
Trong khoảng thời gian thống kê, “Phông bạt” đã thu về khoảng 943.030 thảo luận, với Facebook là nền tảng thảo luận chính (chiếm 64,37%). Bắt đầu từ sự kiện các bản sao kê quyên góp ủng hộ được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công bố, social slang “Phông bạt” bùng nổ trên mạng xã hội. Cùng lúc đó, social slang “Check var” cũng được sử dụng nhiều trở lại sau trào lưu “Flexing” năm 2023. Bộ đôi social slang “Phông bạt” và “Check var” thường đi chung với nhau trong các bài đăng bóc trần các “gương mặt sống ảo”.
#4. Ai sợ thì đi về
“Ai sợ thì đi về” là câu nói của rapper MCK khi biểu diễn tại chương trình “Những thành phố mơ màng”. Tạo hình “không chân mày” mới lạ và có phần đáng sợ của nam rapper là yếu tố góp phần tạo sự viral của social slang này. Tính từ 01/06 đến 30/09/2024, “Ai sợ đi về” đã thu về 867.404 thảo luận, với Facebook là nền tảng thảo luận chính (chiếm 57,78% tổng thảo luận).
Trong các cuộc hội thoại, cộng đồng mạng thường sử dụng social slang này trong 02 bối cảnh sau:
- (1) Thể hiện sự tự tin, bỏ qua những ý kiến trái chiều.
- (2) Phản ứng với những tình huống “khó đỡ” và “mới mẻ” trong cuộc sống.
#5. Đã làm gì đâu?
“Đã làm gì đâu?” là một trong những câu nói hài hước của Quang Trung trong chương trình “Anh trai say hi”. Social slang này thường được cộng đồng mạng dùng trong bối cảnh:
- (1) Thể hiện sự bất ngờ, ngạc nhiên một cách hài hước khi bị ai đó hiểu lầm hay trách móc mà họ không có lỗi.
- (2) Thanh minh cho hành động không phải lỗi của mình.
- (3) Biện hộ cho tội lỗi định làm nhưng chưa hoàn thành đã bị phát hiện.
Tính từ 01/06 đến 30/09/2024, “Đã làm gì đâu?” đã thu về 844.012 thảo luận, với TikTok là nền tảng thảo luận chính (chiếm 81,01% tổng thảo luận). Vô vàn clip ngắn với nét diễn hài hước về những tình huống “Đã làm gì đâu?” đã được cộng đồng mạng đăng tải như “Bị bạn thân phát hiện mập mờ nhắn tin với người yêu cũ dù nói sẽ không bao giờ”, “Định uống trộm trà sữa của bạn nhưng không thành”...
#6. Overthinking
“Overthinking” là một hội chứng về tâm lý, được sử dụng để chỉ trạng thái suy nghĩ nhiều quá mức và không thật sự cần thiết. Tuy nhiên, cư dân mạng Việt Nam lại sử dụng “Overthinking” trong những tình huống hài hước, khá là “vô tree” như”:
- Học văn giỏi bằng cách “overthinking”.
- “Elm” người yêu “overthinking” tự nhiên suy diễn viễn cảnh mình là tiểu tam trong mối quan hệ này.
Do đó, “Overthinking” qua góc nhìn hài hước của cư dân mạng Việt Nam còn được hiểu là “ố dề thinking” hay “over linh tinh”. “Overthinking” đã tạo ra 702.572 thảo luận. Nền tảng lan truyền chính là TikTok với vô vàn video cộng đồng mạng chia sẻ về những tình huống “Overthinking”.
#7. The Liems
“The Liems” được cộng đồng mạng sử dụng để chỉ những người uy tín, hành động đúng với lời nói hoặc những người sống tốt nhưng luôn bị nghi ngờ, đổ oan. Người đầu tiên được phong danh hiệu “The Liems” có lẽ là Cristiano Ronaldo của giới bóng đá. Tiếp đến là các nhân vật nổi tiếng như Tai Lung trong “Kung Fu Panda“, Vegeta trong “Dragon Ball”, Leslie từng tham gia “MasterChef”...
Vào tháng 9, sự kiện sao kê bão lũ đã khiến một số người nổi tiếng bị cộng đồng mạng chỉ trích vì hành động phông bạt, “fake” số tiền quyên góp. Trong bối cảnh đó, những gương mặt nói được, làm được như Hòa Minzy, Độ Mixi, Võ Hà Linh... được cộng đồng mạng công nhận là thành viên của hội “The Liems – Một đời liêm khiết”. Trong vòng 4 tháng, “The Liems” đã tạo ra 387.528 thảo luận. Nền tảng lan truyền chính là Facebook (chiếm 75,89% tổng thảo luận).
#8. Hồng Hài Nhi
Trước đây, trong mối quan hệ có sự chênh lệch về tuổi tác, cộng đồng mạng hay gọi “phi công trẻ”. Dạo gần đây, “Hồng Hài Nhi” lại được cộng đồng mạng ưa chuộng hơn. Theo nét nghĩa đó, “Hồng Hài Nhi” thường xuất hiện trong các ngữ cảnh như:
- (1) Cách phụ nữ gọi người yêu kém tuổi; đồng thời, các cô nàng cũng gọi mình là “thợ săn Hồng Hài Nhi”.
- (2) Khen một chàng trai có ngoại hình trẻ trung và sáng sủa.
Tính trong thời gian nghiên cứu, “Hồng Hài Nhi” đã thu về 381.745 thảo luận dù chỉ mới bắt đầu xuất hiện từ đầu tháng 9. TikTok là nền tảng thảo luận chính (chiếm 73,23% tổng thảo luận). Ngoài “Hồng Hài Nhi”, cộng đồng mạng còn lập hẳn một danh sách social slang lấy cảm hứng từ “Tây Du Ký” như: “Ngưu Ma Vương” – đàn ông hơn tuổi, “Nhị Lang Thần” – con trai bằng tuổi, “Tiểu Tiên Nữ” – em gái nhỏ tuổi...
#9. Bạch Nguyệt Quang
Theo lý giải của cộng đồng mạng, “Bạch Nguyệt Quang” là từ để mô tả hình mẫu lý tưởng, mối tình đầu hay người mình yêu nhưng không có được. Social slang này bắt nguồn từ các hội nhóm yêu tiếng Trung nhưng lại được lan truyền rộng rãi nhờ trào lưu hóa thân thành “Bạch Nguyệt Quang” trên TikTok.
Trong thời gian thống kê, “Bạch Nguyệt Quang” đã thu về 336.423 thảo luận, với TikTok là nền tảng thảo luận chính. Cộng đồng mạng Việt Nam thường dùng “Bạch Nguyệt Quang” trong các ngữ cảnh như:
- (1) Khen ai đó có nét đẹp trong trẻo, nhẹ nhàng hay thuần khiết.
- (2) Hoài niệm về miền ký ức tình yêu những ngày xưa cũ.
#10. Cũng cũng
Ngày xưa thì “dịu”, “keo”, “tái châu”, “chả quyên”... còn dạo gần đây thì cộng đồng mạng dùng “cũng cũng” hay “cũm cũm” để bày tỏ ý kiến, quan điểm về một điều gì đó. Theo nét nghĩa chung thì “cũng cũng” có thể hiểu cơ bản là ổn, cũng được, OK... Khi vào các tình huống cụ thể thì ý nghĩa của “cũng cũng” sẽ tùy biến. Ví dụ như:
- Khen một món ăn ngon → “Món này cũng cũng”.
- Khen một ai đó đẹp → “Tấm này nhìn bà cũng cũng”.
- Nói về một kết quả tốt → “Hôm qua tui đi thi cũng cũng”.
Tính từ tháng 6 đến tháng 9, “cũng cũng” đã có khoảng 283.443 lượt thảo luận với sức lan tỏa mạnh trên TikTok. Hiện tại, TikTok đang là nền tảng thảo luận chính với 58,73% tổng lượng thảo luận.
* Nguồn: Buzzmetrics