Sự “trỗi dậy” của trợ lý AI: APAC dẫn đầu trong các ứng dụng thực tiễn
Trí tuệ nhân tạo tạo sinh tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APAC) đang trên đà bùng nổ, với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 46,47%. Theo dự báo, giá trị thị trường sẽ tăng từ 8,45 tỷ USD năm 2024 lên 83,42 tỷ USD vào năm 2030.
Theo một báo cáo gần đây của Deloitte, tỷ lệ người dùng AI tạo sinh hàng ngày tại APAC dự kiến sẽ tăng gấp ba lần trong vòng 5 năm tới, từ 11% lên 32%. Trong đó, các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á đang dẫn đầu với tỷ lệ người dùng AI tạo sinh cao hơn 30% so với phần còn lại của châu lục.
Báo cáo cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của thế hệ trẻ trong việc thúc đẩy sự phát triển của AI tạo sinh, gọi họ là “Thế hệ AI” bởi họ đã lớn lên trong thời đại của trợ lý giọng nói và thuật toán đề xuất.
APAC: Điểm nóng toàn cầu của AI tạo sinh với tốc độ phát triển thần tốc
Những trợ lý AI được nâng cấp với khả năng hội thoại vượt trội đang cách mạng hóa trải nghiệm khách hàng, cung cấp hỗ trợ 24/7, phản hồi cá nhân hóa và xử lý đồng thời nhiều yêu cầu từ khách hàng.
Chẳng hạn, nền tảng thương mại điện tử Lazada đã triển khai LazzieChat, chatbot thông minh được hỗ trợ bởi ChatGPT, có thể hoạt động bằng tiếng Anh, Bahasa Indonesia và Tagalog. LazzieChat được thiết kế để trả lời các câu hỏi về mua sắm của khách hàng, mang lại trải nghiệm cá nhân hóa và gợi ý sản phẩm phù hợp. Đặc biệt, với tính năng kiểm tra da, người dùng có thể sử dụng camera điện thoại để xem chẩn đoán tình trạng da và nhận sản phẩm gợi ý dựa trên kết quả phân tích.
Bằng cách phân tích dữ liệu để tìm ra các xu hướng, trợ lý AI đang giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa sản phẩm và dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Có thể nói, sự đa dạng ngôn ngữ và văn hóa tại khu vực APAC cũng đặt ra những thách thức đặc thù, nhưng đồng thời cũng mang lại cơ hội cho nhiều start up. Ví dụ, Startup Wiz.AI của Singapore đã phát triển công nghệ AI hội thoại có khả năng nhận diện các mẫu giọng nói, tạo ra những cuộc trò chuyện tự nhiên hơn giữa chatbot AI và con người.
Các ứng dụng như Grab và Didi đang sử dụng công nghệ dịch thuật thời gian thực tích hợp AI, giúp người dùng và tài xế giao tiếp dễ dàng ngay cả khi không nói cùng ngôn ngữ. Tại Ngân hàng OCBC của Singapore, các trợ lý AI “OCBC Buddy và Wingman” hoạt động âm thầm, quét qua hàng nghìn tài liệu nội bộ và trang intranet để trả lời các câu hỏi, giảm tải những công việc nhàm chán cho khoảng 30.000 nhân viên, từ đó nâng cao năng suất làm việc.
Mặc dù AI tạo sinh trong lĩnh vực marketing vẫn còn hạn chế và chưa đạt đến tiềm năng thị trường, tại APAC, AI đã phát triển từ một công nghệ còn nhiều mới mẻ và xa lạ trở thành một ứng dụng phổ biến, được tùy chỉnh phù hợp với sắc thái văn hóa của từng thị trường địa phương.
AI trong y tế và giáo dục: Bổ trợ chứ không thay thế con người
Dân số Châu Á dự kiến tăng thêm 250 triệu người vào năm 2030, với tốc độ đô thị hóa nhanh hơn bất kỳ khu vực nào khác. Khi tuổi thọ ngày càng tăng, khu vực này đối mặt với nhiều khoảng trống trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, cùng những thách thức trong việc cung cấp giáo dục chất lượng. Biến đổi khí hậu và phương thức canh tác không bền vững đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành nông nghiệp, vốn là nguồn sống của Châu Á.
Trước những thay đổi kinh tế và nhân khẩu học, AI mang đến các giải pháp vượt xa giá trị GDP, đóng góp vào phúc lợi xã hội. Với sức mạnh từ các mô hình ngôn ngữ lớn, các ứng dụng AI sử dụng giọng nói và văn bản để hỗ trợ những lĩnh vực quan trọng như cải tiến y tế, nâng cao trải nghiệm học tập, cải thiện chất lượng sống và tối ưu hóa hoạt động canh tác, bao gồm cả nuôi trồng thủy sản.
Trong những lĩnh vực đòi hỏi sự chăm sóc chu đáo như y tế, công nghệ AI đang đóng vai trò hỗ trợ thay vì thay thế con người. Các trợ lý ảo AI mang lại trải nghiệm cá nhân hóa cho bệnh nhân, đồng thời giúp nhân viên y tế xử lý những công việc lặp đi lặp lại, để họ tập trung hơn vào việc chăm sóc bệnh nhân một cách cẩn thận.
Các công cụ AI có khả năng nhận diện bệnh thông qua triệu chứng, theo dõi tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và đặt lịch hẹn với bác sĩ. Tại Bệnh viện Siloam Sri Wijaya ở Indonesia, một trợ lý AI dạng chatbot được sử dụng để gửi tin nhắn nhắc nhở cha mẹ về lịch tiêm vắc xin cho trẻ sơ sinh.
Tại Trung Quốc, startup Shenzhen Bixin AI đã phát triển kính thông minh “vision-helper AI glasses” hỗ trợ người khiếm thị “nhìn” được môi trường xung quanh khi di chuyển một mình. Dựa trên các mô hình ngôn ngữ và thính giác tiên tiến, chiếc kính này được trang bị micro, loa và camera, giúp mô phỏng các khả năng nghe, nói và nhìn giống con người.
Người dùng có thể trực tiếp hỏi kính những thông tin cần thiết về môi trường xung quanh, chẳng hạn như tên con đường đang đi hoặc có chướng ngại vật nào phía trước hay không. Công nghệ này không chỉ cải thiện sự an toàn mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống cho người khiếm thị.
Bên cạnh đó, AI cũng đang mở ra nhiều cơ hội mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục. Duolingo là một ví dụ điển hình khi sử dụng AI để cá nhân hóa các bài học ngôn ngữ, đồng thời kết hợp trò chơi để giữ chân người học.
Tại Úc, Sở Giáo dục New South Wales đã hợp tác với Microsoft phát triển NSWEduChat – một “gia sư ảo” được coi là tương lai của AI trong giáo dục. Công cụ này được thiết kế riêng cho hệ thống giáo dục của bang New South Wales sau khi ChatGPT bị cấm tại đây. Cụ thể, thay vì viết bài luận khi học sinh yêu cầu, NSWEduChat sử dụng phương pháp gợi mở kiểu Socrates, đặt câu hỏi ngược lại để khuyến khích học sinh tư duy phản biện và phát triển kỹ năng suy luận.
Thúc đẩy năng suất trong nông nghiệp và dịch vụ công
Không chỉ trong giáo dục, các chính phủ Đông Nam Á cũng áp dụng AI để cải thiện quản lý đô thị. Tại Singapore, hàng nghìn công chức sử dụng chatbot dựa trên ChatGPT để hỗ trợ lập trình. Một trường hợp khác là ứng dụng Pair do cơ quan chính phủ GovTech phát triển, sau thời gian được triển khai, ứng dụng được đánh giả là có khả năng cung cấp phản hồi nhanh chóng, giúp tăng năng suất làm việc và mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Tại Hàn Quốc, việc tiếp cận thông tin về các dịch vụ công thường phức tạp. Để đơn giản hóa quy trình này, Bộ Nội vụ và An toàn Hàn Quốc đã ra mắt GoodPy – trợ lý ảo tích hợp trong các ứng dụng nhắn tin như Naver và Kakaotalk (từ “py” trong tiếng Hàn nghĩa là “thư ký”). Đây là một ví dụ xuất sắc về dịch vụ công lấy người dân làm trung tâm, sử dụng AI để cung cấp thông tin một cách dễ dàng và tiện lợi hơn.
Trong nông nghiệp, để giữ cho cá và tôm luôn khỏe mạnh, nông dân tại Indonesia sử dụng Mas Ahya, một công cụ hỗ trợ nông nghiệp được phát triển trên nền tảng Microsoft Azure OpenAI Service. “Chuyên gia nông nghiệp” này có khả năng trả lời nhiều câu hỏi bằng tiếng Java, chẳng hạn như “Chất lượng nước ao của tôi thế nào?” hay “Giá tôm trên thị trường hiện nay ra sao?”.
Nông dân sử dụng dữ liệu từ Mas Ahya để tối ưu hóa sản lượng và ước tính giá cả chính xác hơn. Tại Ấn Độ, nông dân cũng đối mặt với những thách thức riêng như thời tiết thất thường, sâu bệnh và gánh nặng tài chính. Startup Digital Green đã hợp tác với OpenAI để ra mắt FarmerChat, một trợ lý AI giúp nông dân nâng cao năng suất nông nghiệp.
Tựu trung lại, giá trị cốt lõi của trợ lý AI chính là trở thành một “phi công phụ”. Không chỉ giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng cá nhân hóa và tự động hóa các công việc phức tạp, trợ lý AI tại khu vực APAC đang thúc đẩy tiến bộ và nâng cao chất lượng sống.
Khu vực APAC đang dẫn đầu trong việc khai thác khả năng thực sự của trợ lý AI, từ đó giải quyết những vấn đề khó khăn, đơn giản hóa các quy trình dịch vụ công phức tạp và cách mạng hóa các phương thức canh tác, góp phần cải thiện cuộc sống của con người.
Theo Phố Hương / Brands Vietnam
* Nguồn: Marketing-Interactive