Làm thế nào để viết tốt hơn?

Mình bắt đầu viết hằng ngày vào tháng 3.2021, đến nay, mình có một “gia tài” đồ sộ với gần 5000 bài đăng trên các nền tảng mạng xã hội, website; tác giả của 1 cuốn sách, chấp bút cho 2 cuốn sách khác và có hàng chục bài báo khác nhau. Tất cả điều này không phải đến từ việc mình là cựu sinh viên Báo chí mà đến từ nỗ lực viết hằng ngày hơn 3 năm qua.

Bài viết này, mình muốn chia sẻ đến bạn một số phương pháp để luyện viết tốt hơn thông qua những trải nghiệm thực tế.

Phương pháp 1: Viết hằng ngày

Hai năm trước, mình tạo ra một group chat nhỏ để vượt lười và động viên nhau viết hằng ngày. Ban đầu, có rất nhiều cây viết hừng hực khí thế, hứa hẹn viết bài/ngày liên tục trong 21 ngày, đến cuối hành trình, chẳng ai trong số đó viết đủ như đúng cam kết.

Viết hằng ngày giúp mình:

  • Hình thành thói quen: Vào mỗi sáng hoặc tối trước khi đi ngủ, mình đều viết một vài dòng như một nghi thức. Đó có thể là lời cảm ơn, mục tiêu cần hoàn thành,... có thể bài dài, cũng có thể ngắn,... nhưng quan trọng viết giúp mình hình thành thói quen, không còn sợ viết nữa.
  • Nhiều ý tưởng: Viết đều đặn góp phần kích thích sáng tạo, nhờ đó mình có thêm ý tưởng để viết nhiều hơn. Chẳng hạn như kho ý tưởng mà mình lập ra từ đầu năm chưa bao giờ dùng hết, ngay khi mình viết bài này, ý tưởng nội dung mà mình lên có thể dùng đến hết năm sau.
  • Giàu vốn từ: Càng viết, bạn sẽ càng nhận ra vốn từ của mình cải thiện đáng kể, nhất là khi đang viết bỗng dưng bí từ và tìm từ thay thế, bổ sung. Cứ lặp lại như vậy, túi ngôn từ của bạn sẽ ngày càng lớn hơn, từ vựng được tích lũy nhiều hơn.
  • Tốc độ gõ nhanh hơn: Kể từ khi viết hằng ngày, tốc độ gõ của mình khá nhanh, một phần vì công việc, phần vì chạy… deadline. Gõ nhanh hơn cũng giúp mình hoàn thành các dự án theo đúng kế hoạch (và thậm chí sớm hơn).

Phương pháp 2: Nâng cấp chủ đề viết

Nếu chỉ viết hằng ngày thôi thì chưa đủ để tiến bộ, mình thường gợi ý cho các bạn học viên một số mẹo như nâng cấp chủ đề viết và nâng cấp số lượng từ (qua từng giai đoạn).

Chẳng hạn như trong tháng đầu tiên, bạn chọn viết tự do (viết cho chính mình) với những chủ đề đơn giản như:

  • Tên của bạn có ý nghĩa là gì?
  • Món quà mà bạn nhận được từ mẹ
  • Một cuốn sách đáng nhớ mà bạn từng đọc
  • Một nơi bạn muốn đến trong năm nay
  • Những dự định mà bạn muốn thực hiện trong 3 năm tới

Thì tiếp tục đến tháng thứ 2, những chủ đề này sẽ được nâng cấp lên, chẳng hạn như:

  • Hãy viết một cái kết mới cho cuốn truyện bạn thích
  • Nếu bạn có một siêu năng lực có thể nhìn thấy ước mơ của người khác, bạn sẽ làm gì?
  • Viết về cuộc sống mơ ước của bạn sau 5 năm hoặc 10 năm nữa

Trên đây là những ví dụ mà mình gợi ý, bạn có thể nâng cấp các chủ đề khó hơn tùy theo khả năng của mình.

Trong các buổi đào tạo, mình thường gợi ý các bạn tự chia ra các cấp độ viết tùy theo nhu cầu, sở thích cũng như năng lực của mình. Dưới đây là 5 cấp độ viết mà những bạn mới bắt đầu có thể tham khảo:

  • Cấp độ 1: Viết cho chính mình (viết nhật ký)
  • Cấp độ 2: Viết sáng tạo (kích thích trí tưởng tượng, tư duy)
  • Cấp độ 3: Viết về vấn đề trong xã hội (chủ đề gây tranh cãi, một trào lưu mới, thực trạng đáng lên án...)
  • Cấp độ 4: Viết cho một nhóm đối tượng độc giả mà bạn muốn hướng đến (ví dụ viết cho thiếu nhi, viết cho thế hệ gen Z, viết cho phụ nữ,...)
  • Cấp độ 5: Thực hành biên tập các dạng nội dung bạn đã viết hoặc biên tập bài viết của người khác.

Ngoài việc nâng cấp chủ đề, bạn có thể tăng dần số lượng từ viết qua mỗi giai đoạn. Ví dụ tháng đầu tiên bạn viết một bài có độ dài khoảng 100 - 200 từ, tháng tiếp theo các bài viết dài khoảng 400 - 500 từ,... Tiếp tục theo lộ trình này đều đặn, bạn sẽ dễ dàng viết được những bài viết dài, có chiều sâu hơn.

Nếu bạn chưa biết viết gì, tham khảo bài này nhé: 45+ ý tưởng viết mỗi ngày giúp bạn thỏa sức sáng tạo nội dung

Phương pháp 3: Đọc sách kết hợp ghi chép

Đọc sách là một trong những phương pháp tuyệt vời giúp mình có thêm ý tưởng và bổ sung vào kho từ vựng nhiều từ hay, ý đẹp. Tuy nhiên, không phải lúc nào đọc sách nhiều là sẽ viết hay. Như mình đã nói, đọc 100 cuốn sách cũng không thể nào viết hay được nếu bạn chưa bắt đầu gõ chữ nào.

Có 3 cách đọc sách mà mình áp dụng để viết tốt hơn như:

Đọc sách trau dồi từ vựng

Với mục đích này, mình thường chọn những cuốn sách của tác giả Việt ví dụ Thạch Lam, Nguyễn Nhật Ánh, Vũ Trọng Phụng,... Những cuốn sách được viết bởi những nhà văn tài hoa của Việt Nam là lựa chọn phù hợp nhất với những bạn thường xuyên gặp tình trạng bí từ:

Một số cuốn sách mình gợi ý như là:

  • Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam)
  • Hà Nội băm sáu phố phường (Thạch Lam)
  • Miếng ngon Hà Nội (Vũ Bằng)
  • Những ngày thơ ấu (Nguyên Hồng)
  • Chữ xưa còn một chút này (Thùy Dung)
  • Nằm nghe gió thổi sau hè (cuốn sách của mình)
  • ...

Đọc sách cải thiện tư duy logic

Với mục đích này, mình thường chọn những cuốn sách liên quan đến phản biện, tranh luận như

  • Phản biện như một chuyên gia (Lang Minh)
  • Tư duy phản biện (Zoe Mckey)
  • Rèn luyện tư duy phản biện
  • ...

Đọc sách chuyên môn để thu nạp kiến thức

Song song với trau dồi vốn từ hay rèn tư duy logic, mình còn đọc những cuốn sách về chuyên môn nhằm thu nạp kiến thức về Content Marketing hay Copywriting. Một số đầu sách mà mình đã từng đọc và thấy hữu ích như

  • Hơi thở con sen (Phùng Thái Học)
  • Nghề Copywriter (Ngọc Ánh Phạm)
  • Content hay nói thay nước bọt
  • ...

Bên cạnh đọc sách, bạn đừng quên học cách ghi chép. Đọc xong một cuốn sách, bạn thử viết lại cảm nhận về cuốn sách đó. Nếu có từ ngữ nào đó bạn ấn tượng, nhớ ghi chép lại để dùng trong bài viết khác của mình. Có cách diễn đạt nào hay hay, học hỏi cách đặt câu giống vậy. Với những kiến thức mới lạ trong sách, bạn lưu lại để dùng làm dẫn chứng sau này... Thấy người ta viết câu cú ra sao, trình bày như nào, học hỏi để sau này tự biên tập bài cho chính mình.

Phương pháp 4: Tìm người đồng hành

Một người đồng hành không chỉ truyền cảm hứng, động lực cho bạn mà đôi khi còn giúp bạn sửa lỗi khi viết. Tuy nhiên không phải lúc nào bạn cũng tìm được một người đồng hành “tâm đầu ý hợp”.

Mình chia người đồng hành thành 2 nhóm:

  • Nhóm tạo động lực, truyền cảm hứng cho bạn

Năm 2021, khi bắt đầu viết trên các cộng đồng, mình kết bạn với một bạn cùng sở thích viết. Chúng mình đã cùng cổ vũ nhau viết và đến bây giờ mỗi người đều có thành tựu riêng.

Người đồng hành của bạn có thể là một người quen qua mạng xã hội cùng sở thích. Hoặc nếu bạn thần tượng một ai đó trong nghề, có thể theo dõi trang cá nhân của họ để tìm thấy động lực. Bản thân mình từng theo dõi một cây viết suốt 2 năm trời và được truyền cảm hứng rất nhiều.

Nếu bạn có em bé, thật tuyệt vì em bé cũng là một người bạn đồng hành lý tưởng. Bạn có thể cùng bé viết những chủ đề đơn giản và tăng độ khó của chủ đề theo thời gian.

  • Nhóm giúp bạn sửa lỗi, cải thiện kỹ năng

Viết liên tục trong thời gian dài nhưng không được góp ý để chỉnh sửa thì rất khó để tiến bộ. Mình từng hướng dẫn một học viên, bạn viết liên tục nhiều năm nhưng đến bây giờ kỹ năng vẫn dậm chân tại chỗ. Lý do là vì bạn chẳng biết mình sai ở đâu để sửa.

Vậy thì người đồng hành lúc này không chỉ truyền cảm hứng mà còn giúp bạn sửa lỗi, góp ý về nội dung. Và lúc này bạn cần có một người giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm để góp ý. Đó có thể là mentor, trainer, giáo viên,... có nền tảng về viết. Họ sẽ đọc bài của bạn, chỉ ra lỗi sai, hướng dẫn phương pháp để viết tốt hơn.

Không phải bất kỳ mentor hay trainer giỏi sẽ giúp học viên, học trò của mình tiến bộ. Bạn cần chọn người phù hợp với mình về cả phong cách viết, mục tiêu phát triển, nếu không thì rất khó để bạn đạt được mục tiêu như mong muốn. Giống như bạn muốn học viết quảng cáo nhưng lại tìm đến một tiểu thuyết gia. Hoặc là bạn muốn học viết thơ nhưng lại tìm đến một khóa học kể chuyện.

Nếu không tìm đúng người đồng hành, bạn sẽ mất nhiều thời gian, công sức. Tất nhiên bất kỳ người hướng dẫn nào cũng sẽ mang đến cho bạn trải nghiệm, kiến thức mới. Nhưng bạn nên tìm người phù hợp để rút ngắn thời gian đạt được mục tiêu của mình.

Những phương pháp mà mình chia sẻ dựa trên trải nghiệm của bản thân, sau hơn 3 năm kiên trì viết hằng ngày. Phương pháp này có thể phù hợp với người này, không hợp với người kia, điều này là bình thường. Mình hy vọng bạn sẽ tìm thấy được một (vài) điều hữu ích trong bài viết này. Nếu bạn muốn đọc thêm các bài liên quan đến viết lách, mời ghé thăm website của mình nhé: duongstory.com.