Young Lions Masterclass: Production Designer và hành trình tái hiện thập niên xưa phim “Em và Trịnh”

Young Lions Masterclass: Production Designer và hành trình tái hiện thập niên xưa phim “Em và Trịnh”

Trong bối cảnh điện ảnh toàn cầu phát triển mạnh mẽ, Hollywood sở hữu hàng thập kỷ kinh nghiệm, cơ sở hạ tầng phim trường hiện đại, kho đạo cụ phong phú và nguồn tài chính khổng lồ, cho phép họ dễ dàng hiện thực hóa mọi ý tưởng sáng tạo. Trong khi đó, các đoàn làm phim Việt Nam thường phải đối mặt với hạn chế về kinh phí, thiếu thốn đạo cụ và cơ sở vật chất, khiến họ phải dựa nhiều vào mối quan hệ cá nhân và sự hỗ trợ từ bạn bè. Tuy nhiên, chính trong những khó khăn đó, sự đam mê và tinh thần cống hiến của những người làm phim Việt lại tỏa sáng. Họ không chỉ đầu tư tâm huyết vào từng cảnh quay mà còn mang đến những câu chuyện đậm chất Việt Nam, giàu ý nghĩa và cảm xúc.

* Nội dung bài viết trích từ lớp học “Young Lions Masterclass – The Visionary Path” của Giảng viên Hà Đỗ – Giám đốc sáng tạo Tạp Chí Đẹp.

Giới thiệu Young Lions Masterclass

Young Lions Masterclass là chương trình độc quyền dành riêng cho Top 30 thí sinh xuất sắc nhất của Vietnam Young Lions đồng thời là phần thưởng dành cho đội chiến thắng giải Gold tại cuộc thi Awaken The Lions 2025. Đây là cánh cửa dẫn các bạn thí sinh đến với những kỹ năng thực chiến đỉnh cao trong ngành Marketing & Communication, được trực tiếp truyền đạt bởi các chuyên gia C-level và senior leaders từ các tập đoàn đa quốc gia danh tiếng.

Không chỉ dừng lại ở việc học lý thuyết, Top 30 thí sinh còn có cơ hội nhận coaching 1-1 để phá bỏ mọi giới hạn của bản thân và tham gia các hoạt động networking chất lượng, mở rộng mạng lưới kết nối với những người dẫn đầu ngành. Đây là cơ hội “vàng” để các bạn bứt phá sự nghiệp và định hình tương lai của mình

Young Lions Masterclass là chương trình độc quyền dành riêng cho Top 30 thí sinh xuất sắc nhất của Vietnam Young Lions.

Young Lions Masterclass là chương trình độc quyền dành riêng cho Top 30 thí sinh xuất sắc nhất của Vietnam Young Lions.
Nguồn: AIM Academy

Hôm nay, AIM chia sẻ kiến thức từ lớp Young Lions Masterclass với diễn giả là chị Hà Đỗ – Giám đốc sáng tạo Tạp Chí Đẹp, người phụ nữ được ví như một “phù thủy sáng tạo”, không còn là cái tên xa lạ trong làng Thời trang Việt Nam.

Để trở thành người Việt Nam đầu tiên ngồi ở hàng ghế đầy “quyền lực” trong Hội đồng Giám khảo tại Cannes Lions 2024, chính bản thân chị cũng đã phấn đấu không ngừng nghỉ trên chặng đường theo đuổi sự nghiệp của mình. Có thể nói, chị đã tạo nên một hành trình đầy tự hào và truyền cảm hứng cho không ít các bạn trẻ đã, đang và sẽ cống hiến vào ngành sáng tạo hiện đại tại Việt Nam.

Mặt khác, vai trò của Production Designer trở nên vô cùng quan trọng trong việc tái hiện chân thực bối cảnh lịch sử và văn hóa Việt. Hãy cùng chị Hà Đỗ khám phá sâu hơn về vai trò quan trọng của Production Designer trong điện ảnh Việt Nam, những thách thức họ phải đối mặt và tầm quan trọng của việc ủng hộ nền điện ảnh nước nhà.

Khám phá vai trò quan trọng của Production Designer trong điện ảnh

Production Designer trong phim là một công việc hiếm hoi và ít người biết đến ở Việt Nam. Theo định nghĩa của IMDb, Production Designer là người tạo ra thế giới hữu hình để diễn viên có thể diễn xuất. Tất cả những gì khán giả thấy trên màn ảnh – như cảnh trí, đạo cụ, trang phục, trang điểm – đều thuộc trách nhiệm của Production Designer. Trong quá trình làm phim, vai trò này kết hợp chặt chẽ với đạo diễn và đạo diễn hình ảnh (Director of Photography – DP) để tạo nên thế giới hình ảnh cho bộ phim.

Trong vai trò này, dù khán giả chỉ thấy thoáng qua các chi tiết trên phim, Production Designer cần phải hiểu rõ mọi thứ trong bối cảnh đó. Ví dụ, tại sao có màu sắc này, vì sao diễn viên mặc trang phục đó, và cảnh tiếp theo sẽ nối thế nào. Cần chăm lo tất cả, từ thiết kế bối cảnh, set đến phục trang và đạo cụ, và làm việc chặt chẽ với đạo diễn cùng người quay phim để đảm bảo sự liên tục của từng chi tiết. Nếu diễn viên mặc một bộ trang phục trong cảnh này, thì cảnh tiếp theo trang phục cũng phải đúng và nhất quán. Đạo cụ và bối cảnh cũng phải hài hòa để tránh làm gián đoạn dòng chảy của bộ phim. Đó là lý do công việc làm phim rất khó, và để làm phim hay lại càng khó hơn.

Công việc làm phim và Production Design là một lĩnh vực tổng hợp nhiều kiến thức khác nhau. Khi tham gia vào sản xuất phim, cần sử dụng hiểu biết về nhiều lĩnh vực như thiết kế nội thất, thiết kế trang phục và thậm chí còn phải đọc hiểu câu chuyện thật kỹ để tạo dựng bối cảnh phim phù hợp. Điều này có nghĩa là kể chuyện không chỉ là nhiệm vụ của diễn viên mà còn thể hiện qua từng chi tiết trong bối cảnh và cảnh trí. Mỗi phần của bối cảnh đều góp phần kể câu chuyện, vì thế sự chú ý đến từng chi tiết rất quan trọng.

Vai trò quan trọng của Production Designer trong điện ảnh.

Vai trò quan trọng của Production Designer trong điện ảnh.
Nguồn: AIM Academy

Thách thức và áp lực trong quá trình làm phim

Thêm vào đó, sản xuất phim là một dự án lớn, đòi hỏi sự hợp tác của rất nhiều người và nhiều bộ phận. Do đó, các kỹ năng như giao tiếp, tổ chức, quản lý tài chính và nhân sự là rất cần thiết. Qua mỗi dự án, mọi người đều học được rất nhiều từ những trải nghiệm đó.

Khi làm phim, công việc của Production Designer là giúp đạo diễn kể câu chuyện của họ theo đúng ý tưởng. Để làm điều này, làm việc theo nhóm là cực kỳ quan trọng, và đội ngũ phải hoạt động một cách mượt mà, không có sự gián đoạn. Bởi vì mỗi giây trên phim trường đều rất đắt đỏ; ví dụ, một ngày quay có thể tốn đến 600 triệu đồng. Nếu có sự cố nhỏ xảy ra, thiệt hại có thể rất lớn. Do đó, áp lực trong quá trình làm phim là rất lớn.

Làm phim là một công việc vô cùng khó khăn, đòi hỏi sự tâm huyết và hy sinh lớn lao. Trước đây, nhiều người có thể không xem phim Việt Nam vì cho rằng chất lượng không cao. Nhưng sau khi bắt đầu làm phim, có thể nhận ra rằng việc tạo ra một bộ phim, dù hay hay dở, đều khó khăn như nhau. Quá trình làm phim rất gian nan; từ giai đoạn sản xuất đến hậu kỳ đều đầy thử thách.

Khi làm thiết kế cho phim, luôn có sự trăn trở vì phim là tác phẩm của nhiều người, nhưng người kể chuyện chính và dẫn dắt tác phẩm là đạo diễn. Vì vậy, sự đồng điệu và tương tác giữa Production Designer và đạo diễn trở nên rất quan trọng. Đạo diễn phải tập trung nhiều vào diễn xuất trên phim trường, còn các phần còn lại thì Production Designer và người quay phim chính đảm nhận, nên cần phải giữ liên lạc liên tục với đạo diễn.

Mỗi chi tiết trong bối cảnh, trang phục đều nhằm hỗ trợ diễn viên diễn xuất, nhưng nếu có một chi tiết quá nổi bật hoặc khác lạ thì có thể làm khán giả mất tập trung vào câu chuyện chính. Khi đó, công việc coi như thất bại. Ví dụ, nếu có một nhân vật phụ mặc đồ quá nổi, thu hút hết sự chú ý thay vì nhân vật chính, thì đó là một sự lựa chọn sai. Vì vậy, trong quá trình làm việc, đội ngũ luôn phải ghi nhớ điều này để mọi chi tiết đều hài hòa và không làm lệch mạch truyện.

Thách thức và áp lực trong quá trình làm phim.

Thách thức và áp lực trong quá trình làm phim
Nguồn: AIM Academy

Sự nỗ lực trong quá trình sản xuất phim “Em và Trịnh”

Với quảng cáo TVC, dù chỉ kéo dài 30 giây đến vài phút, đã đòi hỏi rất nhiều công sức, huống chi là một bộ phim dài 90 phút hoặc như phim “Em và Trịnh” kéo dài hơn 3 tiếng. Sau khi hoàn thành phim này, có những thành viên trong đoàn phải tham gia vài buổi trị liệu tâm lý vì áp lực quá lớn trong quá trình làm phim. Đây không phải là công việc với một nhóm nhỏ 10 người mà là hàng trăm người trong vài tháng, thậm chí kéo dài cả năm. Mỗi khi tham gia làm phim, họ phải dừng mọi dự án khác vì không còn tâm trí để làm gì khác. Có người thường nói đùa với đội ngũ rằng khi làm xong phim, diễn viên có thể rời khỏi vai diễn, nhưng những người làm Production Design thì vẫn không thoát vai được vì công việc đòi hỏi tâm huyết rất lớn.

Sau khi tham gia sản xuất hai, ba bộ phim, nhiều người rất trân trọng những người làm phim ở Việt Nam. Vì thế, nếu có cơ hội, hãy dành chút thời gian và tiền bạc để ủng hộ phim Việt. Khán giả phim Việt rất đáng quý bởi họ giúp duy trì thị trường phim trong nước, nơi người xem có thể trải nghiệm phim không phụ đề và những câu chuyện Việt Nam vẫn còn rất nhiều điều để kể. Làm phim là một công việc vô cùng tốn kém.

Ví dụ, bộ phim “Em và Trịnh” là một trong những phim có chi phí sản xuất cao nhất ở Việt Nam với ngân sách lớn. Khi một nhà đầu tư bỏ ra số tiền lớn như vậy, họ kỳ vọng thu hồi ít nhất hai lần rưỡi vốn vì rạp chiếu thường giữ tới 60% doanh thu. Phim quay trong hơn bảy mươi ngày, đi qua nhiều địa điểm từ Huế, Bảo Lộc, Đà Lạt đến Sài Gòn. Điều kiện thời tiết cũng rất khắc nghiệt, có lúc mưa bão, lũ lụt, nhưng đoàn phim vẫn kiên trì trên phim trường, không ngại khó khăn. Dù trải qua những ngày như vậy, họ không bao giờ lên mạng để kể lể hay than phiền.

Sự nỗ lực trong quá trình sản xuất phim “Em và Trịnh”.

Sự nỗ lực trong quá trình sản xuất phim “Em và Trịnh”.
Nguồn: AIM Academy

Sự tỉ mỉ trong thiết kế sản xuất để tái hiện bối cảnh trong phim “Em và Trịnh”

Vì vậy, mỗi khi có phim lớn ra rạp, dù phim có thể không hoàn hảo, công sức của người làm phim là rất lớn. Đặc biệt là với những ai đang làm trong ngành, việc ủng hộ những người dám đứng ra sản xuất phim là vô cùng cần thiết. Quá trình làm phim từ khâu viết kịch bản, quay phim, sản xuất cho đến PR đều rất gian nan.

Điều thú vị trong công việc làm phim là không chỉ được làm việc ở những nơi sang trọng, mà còn có cơ hội gắn bó với đồng nghiệp trong những môi trường khó khăn nhất. Điều này giúp xây dựng mối quan hệ bền vững trong đội ngũ, để mọi người thấy được tinh thần và sự tận tâm của nhau. Chính nhờ vậy mà họ sẵn sàng hợp tác trong những dự án sau này.

Mỗi khi hoàn thành một bộ phim, không chỉ có thêm nhiều bạn bè mà còn học hỏi được nhiều từ tinh thần làm việc nhóm. Đó là lý do nhiều người luôn gắn bó với công việc làm phim, dù có cực nhọc đến đâu. Thực sự là vì họ rất đam mê và yêu thích công việc này.

Ví dụ, có một cảnh trong phim là lần đầu tiên Khánh Ly và Trịnh Công Sơn ngồi cùng nhau tại quán cà phê Tùng. Đoàn làm phim đã quyết định quay cảnh này ngay tại quán cà phê Tùng thật. Sau khi khảo sát nhiều lần, nhận thấy đây là một địa điểm nổi tiếng, rất khó thuê và giữ nguyên được nhiều nội thất cũ. Tuy nhiên, khi lên phim, cần phải có thêm vài yếu tố để tăng chiều sâu và tạo thêm cảm giác cho khung cảnh.

Production Designer đã đề xuất thêm một tấm gương phía sau để phản chiếu nhiều góc mặt khác nhau của hai nhân vật khi họ nói chuyện, đồng thời giới thiệu cảnh bên ngoài qua hình ảnh chiếc xe Volkswagen cũ đậu phía ngoài. Trên mặt bàn, cũng đặt một tấm kính trong suốt để phản chiếu nhẹ nhàng hình ảnh của cả hai nhân vật, tạo thêm chiều sâu và sự kết nối giữa họ với không gian xung quanh.

Trang phục của hai nhân vật cũng được chọn sao cho hài hòa với phong cách nội thất. Đặc biệt, lúc này Khánh Ly, khi đó còn tên là Mai, vẫn mang phong cách thời thượng, ăn mặc hơi “disco” và phóng khoáng. Sau khi gặp Trịnh Công Sơn, phong cách của cô dần trở nên điềm đạm và dịu dàng hơn, không còn nhảy và hát nhạc vũ trường như trước.

Khi thiết kế cảnh trí và nhân vật, đội ngũ phải tuân thủ kịch bản và sự phát triển tâm lý nhân vật qua từng cảnh. Bộ phim kéo dài từ những năm 60 đến 90, do đó sự thay đổi của các nhân vật, từ cách ăn mặc đến tạo hình, phải phản ánh đúng hoàn cảnh và tâm trạng của họ. Ví dụ, nhân vật Trịnh Công Sơn thay đổi từ hình ảnh chàng trai thư sinh trước chiến tranh đến khi viết những ca khúc về quê hương và phản chiến sau khi chịu tác động của chiến tranh.

Vì vậy, trong thiết kế một bộ phim, không có phần nào là tách rời. Mọi chi tiết từ quần áo, trang điểm, bối cảnh đến cảm xúc của nhân vật tại thời điểm đó đều phải kết nối với những cảnh trước và sau, tạo nên sự liên kết chặt chẽ trong toàn bộ câu chuyện.

Chẳng hạn, nếu quay một cảnh mưa, thì đồ diễn viên phải có sẵn hai, ba bộ để thay phòng trường hợp phải quay lại. Còn khi làm phim về Trịnh Công Sơn, trong cảnh ông viết thư, mỗi lá thư phải chuẩn bị theo các giai đoạn viết khác nhau và giấy cũng phải mô phỏng đúng thời kỳ đó.

Production Designer học được rất nhiều kỹ thuật khi làm phim, từ việc chuẩn bị đạo cụ cho đúng với thời kỳ lịch sử, đến việc viết thư tay sao cho giống với thời đó. Quá trình nghiên cứu rất dài và chi tiết, để đảm bảo tính chính xác lịch sử. Phim là một công việc rất dễ gặp sai sót vì có nhiều chi tiết mà không thể kiểm soát hoàn toàn.

Sự tỉ mỉ trong thiết kế sản xuất để tái hiện bối cảnh trong phim “Em và Trịnh”.

Sự tỉ mỉ trong thiết kế sản xuất để tái hiện bối cảnh trong phim “Em và Trịnh”.
Nguồn: AIM Academy

Phần kết

Những chia sẻ từ chị Hà Đỗ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đồng hành và hợp tác để chinh phục những thành tựu lớn. Trong lĩnh vực làm phim, sự gắn kết giữa các thành viên không chỉ là chìa khóa dẫn đến thành công mà còn là động lực vượt qua mọi khó khăn. Cùng nhau, các thành viên chia sẻ những thử thách, lưu giữ những khoảnh khắc đáng nhớ và kiến tạo nên những tác phẩm giá trị. Chính điều này làm cho công việc, dù thử thách và áp lực, vẫn luôn được yêu mến và trân trọng.

Young Lions Masterclass: Production Designer và hành trình tái hiện thập niên xưa phim “Em và Trịnh”

Nguồn: AIM Academy

Chiến thắng tại Vietnam Young Lions chỉ là nét bút khởi đầu, còn Masterclass chính là bảng màu giúp bạn vẽ nên những tác phẩm sáng tạo đáng tự hào. Đối với AIM Academy, Masterclass Young Lions là cánh cổng mở ra những góc nhìn sáng tạo và tư duy đột phá, giúp bạn tiếp cận những kiến thức thực tiễn trong ngành quảng cáo từ các chuyên gia hàng đầu.

AIM mong muốn chia sẻ những kiến thức quý giá từ Masterclass, nhưng điều đó chỉ thực sự ý nghĩa khi có sự đồng hành của các bạn. Hãy nhanh tay nắm bắt cơ hội và đăng ký tham gia cuộc thi Vietnam Young Lions và cuộc thi Awaken The Lions để cùng bước vào hành trình thú vị này!