Báo cáo YouNet Vietnam e-Commerce Intelligence 2025: Từ hành vi người tiêu dùng đến bứt phá tăng trưởng trên TMĐT
YouNet ECI và YouNet Media vừa ra mắt báo cáo “Dự báo xu hướng tăng trưởng của thị trường TMĐT Việt Nam giai đoạn 2025-2028”. Báo cáo cung cấp dữ liệu doanh thu các ngành hàng trên kênh e-Commerce và phân tích hành vi mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng để đặt nền móng chiến lược cho doanh nghiệp trong 5 năm tới. Tải báo cáo đầy đủ tại đây.
Từ giữa năm 2023, sự xuất hiện của nền tảng TikTok Shop cùng sự phát triển của xu hướng mua sắm kết hợp giải trí (Shoppertainment) đang làm thay đổi hoàn toàn thói quen mua sắm và mức chi cho thương mại điện tử của người tiêu dùng.
Theo kết quả nghiên cứu từ YouNet ECI và YouNet Media, những yếu tố này có khả năng làm tăng dự báo tăng trưởng thị trường TMĐT Việt Nam lên mức tối đa 35% CAGR (tăng trưởng kép hàng năm) từ năm 2024 đến năm 2028, tích cực hơn mọi dự báo trước đây từ các bên. Cụ thể, YouNet ECI và YouNet Media dự báo tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử tại Việt Nam có tiềm năng đạt mốc 49,9 tỷ USD/năm vào năm 2028, nếu TMĐT Việt Nam đạt được hết những cơ hội tăng trưởng đang xuất hiện.
Ông Nguyễn Phương Lâm – Giám đốc Phân tích Thị trường, YouNet ECI – giải thích thêm: “Cơ sở cho dự báo tích cực này của chúng tôi là 3 cơ hội tăng trưởng rõ rệt mà chúng tôi nhìn thấy từ dữ liệu: một là thu nhập của người dân Việt Nam gia tăng dẫn đến chi tiêu cho TMĐT tăng theo trong 5 năm tới, hai là xu hướng mua sắm kết hợp giải trí kích thích tiêu dùng và 3 là sự chuyển dịch đáng kể của những ngành hàng giá trị cao từ kênh offline lên TMĐT”.
Cứ 3 người tiêu dùng số thì có 2 người chốt đơn trực tuyến mỗi tuần
Theo khảo sát của YouNet Media với mẫu 700 người tiêu dùng đến từ các thành phố tại Việt Nam, 62,8% người tiêu dùng số (digital consumers) hiện chốt đơn trên các sàn TMĐT ít nhất một lần mỗi tuần.
Đào sâu phân tích, nghiên cứu thấy có tỷ lệ thuận rõ rệt giữa mức thu nhập với tần suất mua sắm trực tuyến và kích thước giỏ hàng của người tiêu dùng. Đặc biệt, ở mức thu nhập từ 30 triệu đồng/tháng trở lên thì người tiêu dùng Việt Nam mua sắm gần như không phụ thuộc vào các chương trình khuyến mãi của sàn mà có thể mua bất cứ khi nào có nhu cầu.
Xét theo độ tuổi, Gen Z (53,4%) và Millennials (46,6%) là hai thế hệ dẫn đầu xu hướng mua sắm trực tuyến. Dù có sự khác biệt về mức chi tiêu và danh mục sản phẩm yêu thích, cả hai đều cho thấy tiềm năng lớn trong việc gia tăng tần suất mua sắm và giá trị giỏ hàng nếu được tiếp cận đúng cách.
“Những bước phát triển của thương mại điện tử trong năm qua đã tạo ra các nhu cầu và kỳ vọng mới ở người tiêu dùng. Bằng cách xác định và đáp ứng những động lực này, các thương hiệu có thể đẩy mức độ chi tiêu và lòng trung thành của người tiêu dùng lên một mức mới”, bà Mai Cẩm Linh – Giám đốc Kinh doanh, YouNet Media – khẳng định.
51% Gen Z chịu ảnh hưởng từ các xu hướng mạng xã hội khi chọn mua sản phẩm mới
Gen Z, đại diện cho thời đại kỷ nguyên số, là nhóm dẫn đầu trong việc tạo ra và thích nghi với các xu hướng mới. Theo khảo sát của YouNet Media, các sản phẩm họ thường mua sắm trên TMĐT chủ yếu thuộc danh mục thời trang, sắc đẹp và chăm sóc cá nhân, thể hiện sự quan tâm đến việc chăm sóc bản thân và tìm kiếm các sản phẩm phù hợp với lối sống hiện đại.
Tiềm năng thị trường từ Gen Z
- Tăng trưởng giỏ hàng: Giá trị giỏ hàng trung bình cho các ngành thời trang, sắc đẹp và chăm sóc cá nhân được YouNet ECI dự báo tăng 2,3 lần từ 2023 đến 2028, đạt mức 28,8 USD/giỏ hàng.
- Tổng chi tiêu tăng mạnh: Chi tiêu trực tuyến của Gen Z theo tính toán của YouNet ECI dự kiến tăng từ 4,5 tỷ USD (2023) lên đến 20,3 tỷ USD (2028), nếu các doanh nghiệp đáp ứng được nhu cầu của Gen Z trong mua sắm kết hợp giải trí.
Hành vi tiêu dùng đặc trưng
- Micro-influencers dẫn dắt quyết định mua sắm: 55% Gen Z tham khảo đánh giá từ micro-influencers (10.000-100.000 người theo dõi) trước khi mua hàng, đặc biệt trong lĩnh vực thời trang và làm đẹp.
- Mua sắm kết hợp giải trí: 51% Gen Z chọn mua sản phẩm mới trên TMĐT dựa trên xu hướng viral trên mạng xã hội và 35% dựa trên mã giảm giá, khuyến mãi.
Chiến lược tiếp cận hiệu quả
- Hợp tác với influencers: Kết nối với micro-influencers có phong cách phù hợp đối tượng khách hàng để tạo nội dung chân thực như review, unbox sản phẩm, và livestream tương tác trực tiếp.
- Cá nhân hóa trải nghiệm: Tập trung vào ưu đãi độc quyền, sản phẩm phiên bản giới hạn và nội dung giải trí sáng tạo để tăng tính hấp dẫn và giữ chân khách hàng.
- Tận dụng sức mạnh mạng xã hội: Theo sát các xu hướng mới để nhanh chóng đưa sản phẩm tiếp cận đúng đối tượng Gen Z.
Gen Millennials – Mua sắm hàng hóa giá trị cao và yêu cầu khắt khe về dịch vụ hậu mãi
Theo khảo sát của YouNet Media, Gen Millennials (sinh ra trong thời gian 1981-1995) mua sắm trực tuyến với tần suất nhiều hơn Gen Z, khoảng 1-3 lần mỗi tuần. Giá trị trung bình mỗi đơn hàng của Gen Millennials lên đến 125 USD, cao hơn nhiều so với Gen Z. Ngoài các sản phẩm chăm sóc cá nhân như thời trang và làm đẹp, Millennials còn chi nhiều cho các sản phẩm điện gia dụng và điện tử tiêu dùng.
Tiềm năng tăng trưởng từ Millennials
- Chi tiêu tăng mạnh: YouNet ECI dự báo tổng chi tiêu trực tuyến của Millennials sẽ tăng từ 6,9 tỷ USD năm 2023 lên 29,7 tỷ USD năm 2028, nếu các thương hiệu đáp ứng đúng kỳ vọng của họ.
- Lối sống cân bằng: 82% Millennials coi trọng sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Điều này mở ra cơ hội cho các thương hiệu Thể thao và Công nghệ Giải trí cao cấp, cùng các sản phẩm hỗ trợ tiện nghi gia đình.
Hành vi tiêu dùng đặc trưng
- Yêu cầu cao về dịch vụ: Theo kết quả khảo sát của YouNet Media, Top 3 yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của Millennials bao gồm:
- Chính sách hoàn trả và bảo hành rõ ràng.
- Phương thức thanh toán thuận tiện trên cùng một nền tảng.
- Khả năng thỏa thuận thời gian giao hàng linh hoạt.
- Giá cả không phải yếu tố quyết định: Trong khi Gen Z bị thu hút bởi khuyến mãi, giá cả và mã khuyến mãi chỉ đứng ở vị trí thứ 5 và 10 trong ưu tiên của Millennials.
Chiến lược tiếp cận hiệu quả
- Đầu tư vào dịch vụ chất lượng: Xây dựng chính sách hậu mãi rõ ràng, thanh toán tiện lợi và giao hàng linh hoạt để tạo niềm tin lâu dài.
- Phát triển cộng đồng trực tuyến: Tài trợ các sự kiện, giải đấu hoặc nhóm sở thích chung để tăng gắn kết với nhóm khách hàng này.
- Tập trung vào sản phẩm công nghệ tiện nghi cho gia đình: Đáp ứng nhu cầu tiện nghi để Millennials sẵn sàng đầu tư vào các thiết bị hiện đại trên kênh online.
Ông Nguyễn Phương Lâm – Giám đốc Phân tích Thị trường, YouNet ECI – chia sẻ: “Tăng trưởng bền vững trên thương mại điện tử hiện nay phụ thuộc vào việc hiểu rõ hành vi người tiêu dùng ở mức độ chi tiết nhất. Chúng tôi tin rằng dữ liệu không chỉ đơn thuần là một công cụ, mà là nền tảng cho việc ra quyết định chiến lược."
Tải báo cáo đầy đủ tại đây.
Phương pháp nghiên cứu:
YouNet Media thực hiện khảo sát trực tuyến với 700 người tiêu dùng số thuộc các độ tuổi và giới tính đến từ các thành phố tại Việt Nam.
YouNet ECI thu thập liên tục dữ liệu doanh thu, giá bán, điểm đánh giá của 3,9 triệu gian hàng và 16.000+ nhãn hàng đang bán trên các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop, sau đó thực hiện xử lý và phân tích theo quy trình E.M.D.A.