Fashion Icon #22: Pierre Cardin – Biểu tượng của phong cách thời trang Pháp lập dị
Pierre Cardin, nhà thiết kế người Pháp gốc Ý, nổi tiếng nhất với những thiết kế lập dị theo phong cách thời trang hình học, thời đại vũ trụ. Chính tư duy cầu thị và những bước đi táo bạo trong việc phát triển thương hiệu đã giúp ông mang đứa con tinh thần của mình đến toàn cầu, góp phần định hình lại ngành thời trang Pháp.
Fashion Icon là chuỗi bài về gương mặt đứng sau các biểu tượng thời trang đình đám trên thế giới do Brands Vietnam thực hiện. Thông qua chuỗi bài này, marketers có thể hiểu hơn về lịch sử hình thành và sự phát triển của các đế chế thời trang trên toàn cầu.
Bom đạn và tuổi thơ vô định
Pierre Cardin sinh năm 1922 tại một thị trấn nhỏ ở phía đông bắc nước Ý. Trước Thế chiến thứ nhất, ba mẹ ông là những thương nhân rượu vang, sở hữu các vườn nho và kho đá lạnh để cung cấp cho toàn bộ dân làng.
Nhưng cuộc sống ổn định ấy như một giấc mơ, biến mất khi ông mới 2 tuổi.
Chiến tranh đã để lại những tổn thương sâu sắc và ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc kinh doanh của gia đình ông. Giai đoạn đầu những năm 1920, chủ nghĩa phát xít Ý dần nổi lên khiến ba mẹ Pierre Cardin sợ chứng kiến con mình phải lớn lên trong môi trường bom rơi đạn lạc như vậy. Năm 1924, khi ông được 2 tuổi rưỡi, cả gia đình đã chuyển đến Pháp để lánh nạn.
Đến năm Pierre Cardin 7 tuổi, gia đình ông đã chuyển đến Saint-Étienne, một thị trấn lớn hơn. Vài năm sau, Pierre Cardin chơi thân với một cô gái cùng tuổi tên Janine, sống ở gần nhà. Một ngày nọ, ông đã thiết kế một bộ sưu tập váy cho búp bê của cô ấy và may chúng bằng chất liệu vải trắng tutu. Tuy nhiên, ba của ông không hài lòng khi thấy con trai mình thích thú với việc này. “Ông ấy nói làm váy không phải là công việc dành cho con trai”, Pierre Cardin hồi tưởng hình ảnh mình buồn bã khi nhìn thấy cảnh ba ông tháo bỏ những chiếc váy búp bê của mình.
“Tôi là một đứa trẻ rất nhạy cảm. Tôi được dạy cách cư xử lịch thiệp, nhưng lại cảm thấy cô đơn.”
Phần lớn thời gian, ông chìm đắm trong việc vẽ và thiết kế. Từ năm 14 tuổi, ông đã làm việc như một thợ may tập sự, học những điều cơ bản về thiết kế và xây dựng thời trang. Ngoài ra, ông còn đặc biệt dành tình yêu cho kiến trúc và sân khấu, vì chúng cho phép ông thoải mái bộc lộ cảm xúc.
Đến năm 17 tuổi, ông chuyển đến Vichy, một thành phố ở miền Trung nước Pháp. Thời điểm đó, năm 1940, ông suýt chết tại một trạm kiểm soát của Đức, sau đó ông quyết định gia nhập Hội Chữ thập đỏ ở Vichy với vai trò kế toán.
Sau khi Pháp được giải phóng năm 1944, Pierre Cardin có dịp trò chuyện cùng một người đồng nghiệp tại Hội Chữ thập đỏ. Người bạn này quen biết ông Waltener, một nhân vật có mối quan hệ rộng trong ngành thời trang. Nhờ sự giới thiệu của ông Waltener, Pierre Cardin đã được nhận làm thợ may tại Paquin – nhà mốt hàng đầu nước Pháp lúc bấy giờ.
Tại đây, ông có cơ hội gặp đạo diễn Jean Cocteau và nhà thiết kế Christian Bérard và hỗ trợ họ thực hiện phục trang và mặt nạ cho bộ phim “Người đẹp và Quái vật” (1946). Lúc đó, ước mơ của Pierre Cardin là bước chân vào sân khấu hoặc điện ảnh, nơi ông luôn tin rằng có thể giúp ông bộc lộ nhiều tầng cảm xúc của một tâm hồn nhạy cảm. Ông không nghĩ rằng bằng những thiết kế đầu tiên ở sân khấu kịch, Pierre Cardin đã từng bước bắt đầu sự nghiệp thời trang cao cấp.
Năm 1947, ông chuyển sang làm việc tại Christian Dior và trở thành nhân viên đầu tiên của nhà mốt này, góp phần tạo nên bộ sưu tập New Look huyền thoại giúp tôn vinh vẻ đẹp nữ tính đầy thanh lịch.
Trong hồi tưởng của mình, ông vẫn nhớ như in ngày đầu tiên ở Dior: “Lúc đó studio còn không có cái bàn ủi nào, tôi là người mang bàn ủi đến. May mắn thay, tôi được thực hiện bộ sưu tập đầu tiên – ‘New Look’ với Marguerite Carré, người đứng đầu xưởng may. Nếu không làm việc cho Christian Dior, tôi sẽ như thế nào ư? Có thể là một công chức”.
Sự tỉ mỉ và tận tâm của Pierre Cardin không chỉ được Dior mà còn cả giới thời trang trân trọng. Người ta hay gọi ông là một nhà cắt may hoàn hảo ở Dior. Về phía Dior, ông không chỉ là một nền tảng vững chắc cho Pierre Cardin, mà còn là người luôn ủng hộ và hỗ trợ Pierre Cardin khi người thợ may ngày nào đang từng bước thực hiện ước mơ tự đứng trên đôi chân của mình.
Pierre Cardin – nhà mốt đến từ “tương lai”
Sau vài năm trau dồi năng lực ở Dior, đến năm 1950, Pierre Cardin chính thức thành lập thương hiệu riêng cùng tên. Ban đầu, ông dự định thiết kế những bộ sưu tập dành riêng cho mảng sân khấu và điện ảnh. Pierre Cardin đã sớm xây dựng được một lượng khách hàng nhất định. Sau lưng ông là sự ủng hộ của Christian Dior khi không chỉ gửi lời chúc mừng bằng hoa hồng mà còn giới thiệu lượng khách hàng đông đảo của mình đến doanh nghiệp mới của Pierre Cardin.
Bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp của Pierre Cardin đến từ 30 bộ trang phục mà Dior và ông cùng nhiều tên tuổi khác thiết kế cho buổi “Vũ hội thế kỷ” dành cho một nghìn vị khách thượng lưu. Buổi vũ hội do bá tước Carlos de Beistegui tổ chức tại Palazzo Labia, Venice, năm 1951.
Tuy nhiên, điều làm nên di sản của ông chính là những thiết kế theo trường phái lập dị avant-garde mang phong cách tương lai. Từ năm 1953, Pierre Cardin cuối cùng đã lấn sân vào phân khúc thời trang may đo cao cấp, sau nhiều năm làm việc ở Paris – trái tim của làn sóng haute couture này.
Một trong những thiết kế nổi bật nhất của ông là chiếc váy bong bóng (bubble dress) ra mắt năm 1954. Đó là một chiếc váy rộng, bó ở eo, rộng ra ở hông và bó ở gấu váy một lần nữa tạo nên hiệu ứng như một “bong bóng” thực sự. Thời điểm ấy, dáng váy dài, chiết eo và New Look mới là “tiêu chuẩn thời trang nữ” cho nên thiết kế của Pierre Cardin thực sự như một làn gió hoàn toàn mới với thời trang. Lúc này, ông cũng trở thành thành viên của hiệp hội các nhà thiết kế thời trang cao cấp của Pháp và mở cửa hàng thời trang nữ đầu tiên của mình có tên là Eve.
Từ ngày đầu tiên, ông đã quyết tâm xây dựng một điều-gì-đó-khác-với-Dior và cho biết những nguồn cảm hứng của mình đến từ những form dáng, hoạt tiết hình tròn. Vì Pierre Cardin tư duy rằng, một hình tròn không có điểm dừng có thể truyền tải hiệu quả tinh thần không ngừng tiến lên của ông và những thiết kế của nhà mốt Pierre Cardin.
Tinh thần ấy thể hiện qua những hành trình, bước chân của ông trên vùng đất nhiều quốc gia. Năm 1957, Pierre Cardin lên đường rời Paris để tìm kiếm những nguồn cảm hứng mới. Ông quyết định đến Nhật Bản và trở thành một trong những nhà thiết kế phương Tây đầu tiên tìm kiếm cảm hứng và ảnh hưởng từ nghệ thuật và văn hóa phương Đông. Ở đây, ông làm giáo sư danh dự của Trường thời trang Bunka Fukusoi Nhật Bản và giảng dạy một tháng ở trường về kiến thức các đường cắt ba chiều.
Không chỉ vậy, Pierre Cardin đã mở một cửa hàng quần áo nam tên Adam tại Paris vào năm 1957 chuyên bán những thiết kế đơn giản dành cho nam như áo khoác không cổ và áo len cổ lọ. Những bộ vest không cổ này đã truyền cảm hứng cho trang phục sân khấu của ban nhạc The Beatles sau này.
Hầu hết các thiết kế ban đầu của Pierre Cardin là vest và áo khoác có tay áo raglan, váy có eo được định hình phía trước cùng với các dòng áo khoác có đường viền xếp nếp, váy bồng bềnh và áo sơ mi không đứng form. Nhờ những ngày tháng làm việc như một thợ may, bộ sưu tập của ông sở hữu những đường nét hoàn hảo và bóng bẩy, mang đến cảm giác như người mẫu của ông bước ra từ một bộ phim khoa học viễn tưởng hay một chuyến du hành vũ trụ.
Đến năm 1959, Pierre Cardin đã tuyên bố lấn sân sang những thiết kế may sẵn (ready-to-wear) bằng một bộ sưu tập cho cửa hàng bách hóa Printemps ở Paris. Bước đi dân chủ hóa này khiến giới thời trang cao cấp không khỏi “gai mắt”, dẫn đến quyết định “trục xuất” ông khỏi Hiệp hội thời trang cao cấp Chambre Syndicale.
Nhưng bộ sưu tập này vẫn làm rất tốt khi thể hiện những nét đặc trưng của Pierre Cardin. Đường viền cổ áo bất đối xứng và cổ áo lớn ôm trọn khuôn mặt, tất cả đều được cải tiến cho từng mùa. Những chiếc áo khoác hình thang cùng mũ sugarloaf cũng xuất hiện vào thời điểm này.
Đến những năm 1960, Pierre Cardin được truyền cảm hứng nhiều hơn bởi dự án Apollo, thúc đẩy ông trong việc đưa những chất liệu của tương lai và vũ trụ vào các thiết kế. Thời điểm này, các bộ sưu tập nổi bật với dáng váy cắt vuông, các lỗ tròn lớn và tay áo hình học tiếp tục định hình xu hướng không gian (space-age).
Trong đó, bộ sưu tập nổi tiếng Cosmos ra mắt năm 1964 không chỉ lột tả được không gian và tương lai bên trong các thiết kế mà còn tiên đoán khái niệm thời trang phi giới tính. Không chỉ lập dị và khác biệt ở phong cách thiết kế, Pierre Cardin còn sáng tạo trong khâu sử dụng các chất liệu sắc sảo nhưng linh hoạt như jersey và len crepe, bên cạnh vinyl, nỉ, và cả chất liệu tự phát triển mang tên Cardine – được Lauren Bacall mặc vào năm 1968.
“Những bộ trang phục tôi yêu thích nhất là những thứ tôi sáng tạo cho một cuộc sống chưa tồn tại – thế giới của ngày mai”.
Tư duy xây dựng thương hiệu của một nhà thiết kế
Cũng bắt đầu từ những năm 1960, Pierre Cardin bắt đầu tạo ra một hệ thống cấp phép (licensing) cho thời trang. Việc đó ắt hẳn bình thường với chúng ta ngày hôm nay, nhưng là một điều chưa ai biết đến vào thời điểm đó. Một dòng quần áo có in logo của nhà thiết kế trên đó khiến mọi người rất ngạc nhiên. Danh mục giấy phép của ông cuối cùng đã tăng đến con số 850 hợp đồng ở 110 cửa hàng trên toàn cầu. Thu nhập từ các hợp đồng này hỗ trợ công việc kinh doanh cửa hàng của Pierre Cardin, nhất là sự tăng trưởng của loại vải Cardine mà Pierre Cardin đã sử dụng để tạo ra những chiếc váy mô hình 3D.
Trong đó, phải kể đến cột mốc 1997, khi Pierre Cardin chính thức có mặt tại Việt Nam thông qua cú bắt tay với công ty An Phước. Công ty này được nhượng quyền sản xuất các sản phẩm như áo sơ mi, quần tây, cà vạt... thuộc dòng thời trang công sở của Pierre Cardin trong 3 năm và đặt tên thương hiệu Pierre Cardin cạnh tên thương hiệu An Phước. Pierre Cardin đã đồng ý cung cấp những sản phẩm mới của từng mùa cho Công ty An Phước, với điều kiện An Phước phải đáp ứng tiêu chuẩn Quốc Tế mà thương hiệu Pierre Cardin đã đặt ra.
Cú bắt tay này không chỉ minh chứng cho tinh thần xây dựng thương hiệu trên toàn cầu của Pierre Cardin mà còn mở ra một giai đoạn phát triển mới cho ngành dệt may Việt Nam khi lần đầu tiếp xúc những tiêu chuẩn lên rập, quảng bá sản phẩm, kiểm tra chất lượng theo chuẩn thời trang cao cấp quốc tế.
Giống với Emilio Pucci, Pierre Cardin không giới hạn mình ở việc chỉ thiết kế quần áo mà không ngừng dấn thân tìm kiếm những giới hạn mới của bản thân. Năm 1975, Pierre Cardin mở cửa hàng đồ nội thất đầu tiên trên phố Rue du Faubourg Saint-Honore, với các sản phẩm lấy cảm hứng rất nhiều từ các thiết kế thời trang của mình.
“Một chân bàn, một gốc cây, một cái cây, một chiếc lá, tất cả đều có thể cho tôi ý tưởng. Tôi có khả năng nhìn thấy một cây atisô và may một chiếc váy atisô!”.
Dù tuổi cao, Cardin vẫn không ngừng sáng tạo. Năm 2014, ông mở một bảo tàng vĩnh viễn tại trung tâm Paris để trưng bày những thiết kế mang tính biểu tượng của mình. Năm 2016, ông tổ chức một triển lãm ở miền nam nước Pháp. Tháng 10/2017, ở tuổi 95, ông ra mắt một cửa hàng pop-up tại London Fashion Week.
Cho đến ngày ông mất năm 2020, thế giới vẫn sẽ luôn nhớ về những thiết kế và tư duy đi trước thời đại, tinh thần cống hiến không ngừng của Pierre Cardin.
Như ông đã từng nói: “Thời trang là một thứ thiết yếu, bởi lẽ ai cũng phải ăn mặc. Giống như cây cối, mỗi mùa bạn lại thay đổi lớp vỏ ngoài... Để biết một nhà thiết kế có để lại dấu ấn trong ngành hay không, bạn chỉ cần nhắm mắt và nghĩ họ đại diện cho điều gì. Chanel để lại bộ suit nhỏ gọn, Paco Rabanne gắn liền với kim loại, Courrèges để lại dấu ấn, Elsa Schiaparelli, Madeleine Vionnet và rất nhiều nhà thiết kế khác nữa…”.
Còn Pierre Cardin? Không nghi ngờ gì, ông đã để lại cho thời trang một dấu ấn không thể phai mờ của tương lai.
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.
Theo Phương Quyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Tổng hợp