WARC: 65% marketer dự đoán tình hình kinh doanh sẽ cải thiện vào năm 2025
Ngày 12/11/2024 - WARC công bố bộ công cụ Marketer’s Toolkit 2025 với 5 xu hướng chính định hình chiến lược marketing toàn cầu gồm: Kinh tế khởi sắc, căng thẳng giữa mạng xã hội và an toàn thương hiệu, nhóm người dùng sống độc lập ngày càng tăng, xây dựng thương hiệu để bao phủ toàn bộ trải nghiệm khách hàng và quản lý tác động của AI đối với môi trường.
Báo cáo xác định xu hướng bằng phương pháp GEISTE độc quyền của WARC (Chính phủ, Kinh tế, Công nghiệp, Xã hội, Công nghệ, Môi trường). Ngoài ra, báo cáo kết hợp khảo sát toàn cầu từ 1.165 giám đốc tiếp thị, các cuộc phỏng vấn trực tiếp với các nhà tiếp thị hàng đầu trên toàn cầu và phân tích chuyên sâu từ đội ngũ chuyên gia của WARC.
Ông Aditya Kishore, Insight Director của WARC, cho biết: “Dù cho việc tăng trưởng nhanh trên toàn cầu vào năm 2025 là không khả thi, nhưng vẫn có những lý do để chúng ta kỳ vọng vào một tương lai ổn định hơn so với những năm gần đây khi các ngân hàng trung ương giành lại quyền kiểm soát lạm phát và lãi suất giảm xuống. WARC dự báo chi tiêu quảng cáo toàn cầu sẽ tăng lên 1,15 nghìn tỷ USD vào năm tới.
Việc xác định các chiến lược đúng đắn cho giai đoạn kinh tế mới là chủ đề chính của bộ công cụ Marketer’s Toolkit 2025, cũng như mở rộng quan niệm về xây dựng thương hiệu để bao trùm toàn bộ trải nghiệm khách hàng. Các marketer sẽ cần xem xét cẩn thận các vùng tiềm năng và phát triển chiến lược phù hợp để khai thác chúng.”
Dưới đây là năm xu hướng hàng đầu trong bộ công cụ Marketer’s Toolkit 2025 của WARC:
Tận dụng sự phục hồi kinh tế
Hai phần ba (65%) người tham gia khảo sát tin rằng môi trường kinh doanh trong năm 2025 sẽ tốt hơn so với năm nay.
Nhận định này đến từ nhiều quan sát từ góc độ kinh tế đến người tiêu dùng. Cụ thể, khi lạm phát giảm dần, nền kinh tế toàn cầu bước vào giai đoạn mới và niềm tin người tiêu dùng được củng cố lại, thách thức đối với các nhà tiếp thị là chuyển từ việc truyền tải thông điệp tăng giá và giảm giá sang xây dựng hoặc duy trì sức mạnh định giá và chứng minh giá trị thương hiệu của họ xứng đáng với mức giá cao.
Báo cáo gợi ý các marketer nên tập trung xây dựng thương hiệu liên tục để bảo vệ chiến lược định giá, tránh thay đổi quảng cáo thường xuyên khiến người tiêu dùng bối rối và làm giảm giá trị thương hiệu. Song song đó, thương hiệu cần nói lên tiếng lòng người tiêu dùng trong những buổi họp, truyền tải nó qua 4P – Product, Price, Place, Promotion.
Thu hẹp khoảng cách trải nghiệm khách hàng
Sự bất mãn của khách hàng trên toàn cầu đối với chất lượng dịch vụ đang ngày càng tăng, đặt ra một vấn đề quan trọng và cấp thiết cho các nhà tiếp thị. Các thương hiệu gặp khó khăn với hành trình khách hàng phức tạp, cắt giảm chi phí và đảm bảo biên lợi nhuận. Vì vậy, người tiêu dùng cảm thấy khoảng cách giữa lời hứa thương hiệu và trải nghiệm thực tế của họ ngày càng bị “kéo xa”. Một con số đáng kinh ngạc là 3,7 nghìn tỷ USD đang gặp rủi ro khi khách hàng cắt giảm chi tiêu hoặc chuyển sang thương hiệu khác sau khi có những trải nghiệm tồi tệ.
Theo khảo sát trong bộ công cụ Marketer’s Toolkit, phần lớn các nhà tiếp thị chỉ trực tiếp quản lý hai yếu tố của trải nghiệm khách hàng: thiết kế trang web/ứng dụng và đo lường sự hài lòng của khách hàng.
Các thương hiệu được khuyến khích cần điều chỉnh chiến lược để thực hiện lời hứa và nâng cao trải nghiệm khách hàng, và không ngừng lắng nghe phản hồi từ khách hàng để cải thiện. Việc này giúp tăng cường mức độ ghi nhớ và điểm độc đáo của thương hiệu tại những điểm chạm quan trọng (ứng dụng, trang web, cửa hàng bán lẻ).
Bà Andrea Sengara, Head of Marketing tại Mỹ của Campari Group, nói: “Điều quan trọng với tôi là thu nhận ý kiến phản hồi từ mọi người trong tổ chức. Từ trải nghiệm của khách hàng tại cửa hàng và các nhà hàng, đến trải nghiệm khi thử sản phẩm, tất cả những điều này đều có thể giúp chúng tôi cải thiện cách xây dựng thương hiệu.”
“Tiến thoái lưỡng nan” với chiến lược kỹ thuật số
Mặc dù còn nhiều lo ngại về việc quản lý ngôn từ gây kích động và tính minh bạch của thông tin trên mạng xã hội, các nhà tiếp thị vẫn không thể bỏ qua các nền tảng công nghệ lớn trong kế hoạch marketing của họ, thậm chí chiếm tỷ trọng lớn trong ngân sách quảng cáo. Theo dự báo của WARC Media, các nền tảng Alphabet, Amazon và Meta sẽ chiếm 44% tổng chi tiêu quảng cáo toàn cầu trong năm nay.
Điều đó khiến cho các marketer ngày càng quan tâm đến việc bảo vệ an toàn cho hình ảnh thương hiệu, với 40% người tham gia khảo sát dự đoán rằng "an toàn thương hiệu" sẽ tác động đáng kể đến chiến lược marketing trong 12 tháng tới, tăng 10% trong ba năm gần đây. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có 8% người được khảo sát cho biết có dự định cắt giảm hoặc dừng đầu tư vào mạng xã hội trong chiến lược sắp tới.
Ngoài ra, các web mở cũng đang tạo ra không ít lo lắng, nhất là với sự phát triển của các trang web do AI tạo ra chỉ để quảng cáo (Made For Advertising). Theo Jupiter Research, mỗi năm có hơn 80 tỷ USD chi tiêu toàn cầu bị mất do gian lận quảng cáo.
Tuy có một số sáng kiến trong ngành để cải thiện điều này, phần lớn đều không thành công. Thế nên thương hiệu có trách nhiệm quản lý nơi quảng cáo của mình xuất hiện. Ngày nay, khi các phương tiện truyền thông ngày càng phong phú, thương hiệu có nhiều sự lựa chọn hơn và bớt phụ thuộc vào các ông lớn. Ngoài ra, quá trình lập kế hoạch truyền thông ngày càng đổi mới nhằm giúp marketer giảm thiểu rủi ro của các công cụ quản lý chiến dịch được hỗ trợ bởi AI của các nền tảng kỹ thuật số.
AI và sự bền vững
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang cách mạng hóa ngành quảng cáo. Nhưng tiềm năng to lớn của công nghệ này đi kèm với việc mức độ sử dụng năng lượng không ngừng tăng.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng tạo một hình ảnh bằng một mô hình AI mạnh tiêu thụ năng lượng tương đương với việc sạc một chiếc điện thoại thông minh – từ 5g đến 10g khí thải CO2. Một chiến dịch marketing điển hình tạo ra lượng khí thải tương đương với lượng phát thải của bảy người mỗi năm.
Tuy nhiên, ít marketer chú ý đến sự giao thoa giữa AI, việc mua phương tiện truyền thông và tính bền vững. Chỉ chưa đến một phần ba (32%) người tham gia khảo sát nghĩ rằng mối lo ngại về tính bền vững của AI có thể ảnh hưởng đến việc mua phương tiện truyền thông vào năm 2025.
Vì vậy, các thương hiệu và agency cần tích hợp tính bền vững vào kế hoạch AI của họ. Các media buyer có thể “làm gương” bằng cách xây dựng các tư liệu hướng dẫn lên kế hoạch phương tiện truyền thông bền vững. Sự hợp tác toàn ngành là yếu tố quan trọng để đảm bảo tác động của việc sử dụng AI trong quảng cáo được giám sát một cách nhất quán và có thể dần dần mở rộng.
Thời đại sống độc lập: Marketer chưa khai thác hết cơ hội từ thị trường này
Số người sống độc thân đã tăng đều trong vài thập kỷ qua. Năm 2023, ước tính có khoảng 484 triệu hộ gia đình đơn thân trên toàn cầu, chiếm một phần năm tổng số hộ gia đình toàn cầu. Con số này dự kiến sẽ tăng 48% vào năm 2040, vượt xa tốc độ tăng trưởng của tất cả các loại hộ gia đình khác. Những người tiêu dùng này ngày càng muốn tách biệt khi mua sắm, ăn uống và giải trí một mình.
Tuy nhiên, khá ít nhà tiếp thị đang nhắm mục tiêu sản phẩm hoặc dịch vụ đến phân khúc này, thậm chí chưa truyền tải với sắc thái cảm xúc phù hợp để kết nối với đối tượng này.
Các thương hiệu có cơ hội thực sự để tiếp cận đối tượng này với các sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nhu cầu cụ thể của họ và giảm “phí độc thân” để họ cảm thấy được trân trọng.
Bộ công cụ Marketer’s Toolkit 2025 được phát triển dựa trên nghiên cứu xu hướng GEISTE độc quyền của WARC, cùng với thông tin từ hơn 1.100 marketer toàn cầu và các cuộc phỏng vấn trực tiếp với lãnh đạo marketing. Đây là năm thứ 14 WARC phát hànnh bộ công cụ Marketer’s Toolkit giúp các marketer lên chiến lược, lập kế hoạch và ra quyết định quan trọng để vượt qua những thách thức và tận dụng cơ hội trong năm tới.
Xem chi tiết thông tin về công cụ Marketer’s Toolkit 2025 tại đây.
Theo Phương Quyên / Brands Vietnam
* Nguồn: WARC