Marketer Phố Hương
Phố Hương

Content Executive @ Brands Vietnam

Vào ngành Marketing #7: Đâu là thời điểm “vàng” để tạo nên lợi thế cạnh tranh bền vững?

Vào ngành Marketing #7: Đâu là thời điểm “vàng” để tạo nên lợi thế cạnh tranh bền vững?

“Marketing là ngành có rào cản gia nhập thấp, vấn đề là bạn có thể trụ được với ngành bao lâu”.

Đó là chia sẻ của ThS Nguyễn Nam Phong, giảng viên khoa Marketing, Trường Đại học Tài chính – Marketing (UFM), trong “Vào ngành Marketing” số thứ 7. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện tại, nếu đã có cơ hội được đào tạo ngành Marketing trên giảng đường đại học, các bạn sinh viên cần lưu ý những điều gì để có thể biến quãng thời gian này thành lợi điểm và bứt phá mạnh mẽ khi chính thức “gia nhập” thị trường lao động sau này? Cùng tìm câu trả lời qua bài viết dưới đây.

Những năm gần đây, Marketing là ngành luôn thu hút sự quan tâm của các thí sinh trên cả nước. Năm nay, Marketing tiếp tục trở thành một trong những ngành có điểm chuẩn cao nhất tại nhiều trường đại học. Vậy sức hút của ngành Marketing đến từ đâu? Từ học Marketing đến làm Marketer: Sinh viên cần chuẩn bị gì? Hãy cùng Brands Vietnam tìm câu trả lời qua chia sẻ của các giảng viên đã có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy bằng series “Vào ngành Marketing”.

* Theo thầy, đâu là những yếu tố giúp ngành Marketing trở nên hấp dẫn trong mắt nhiều bạn trẻ?

Cách đây khoảng 20-30 năm trở về trước, nền kinh tế cung không đủ cầu, mấu chốt khi đó là sản xuất nên có thể thấy nhiều người chọn hướng con đi học kỹ sư. Hiện nay, khi năng lực sản xuất đã tương đối tốt, mấu chốt của việc kinh doanh chuyển sang sales và Marketing. Vì vậy, trước hết, có thể thấy rằng vai trò của Marketing trong nền kinh tế hiện nay đang được nâng cao.

Bên cạnh đó, không thể bỏ qua câu chuyện thí sinh chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố tăng thêm, ở đây là báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng khác. Thầy có một ký ức vừa thực tế vừa vui thế này: Thời điểm thầy thi đại học, một năm trước đó báo chí chạy một loạt bài về hacker, và thế là năm đó điểm của ngành máy tính tăng cao. Qua năm sau, khi một loạt cuộc thi Robocon, ngành tự động hóa, điều khiển “lên sóng”, đến lượt điểm của ngành cơ điện tử tăng cao. Do đó, cũng phải nhắc đến sự tác động của media khi nói đến câu chuyện điểm chuẩn ngành.

Có thể thấy rằng vai trò của Marketing trong nền kinh tế hiện nay đang được nâng cao.

Có thể thấy rằng vai trò của Marketing trong nền kinh tế hiện nay đang được nâng cao.
Nguồn: Odua Images

* Hai năm trở lại đây, một số trường đại học bắt đầu bổ sung ngành Thương mại điện tử vào chương trình đào tạo. Thầy có thể chia sẻ thêm về xu hướng phát triển của lĩnh vực này?

Thương mại điện tử đã bắt đầu “hot” từ trước dịch, thời điểm những năm 2017, 2018, những người bán hàng trên các sàn thương mại điện tử đã bắt đầu rất “ăn nên làm ra”. Tuy nhiên, dịch là một bước ngoặt để thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ. Trong khi đa số các ngành khác gặp khá nhiều khó khăn trong thời gian dịch thì các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada đã ghi nhận doanh thu tăng đột biến.

Marketing là nghề có rào cản gia nhập thấp, bất kỳ ai cũng có thể chuyển sang, nhưng vấn đề là ở chỗ có thể trụ được với nghề bao lâu.

Từ năm ngoái, một số báo cáo về tình hình kinh doanh của chợ truyền thống ở TP.HCM, chẳng hạn như chợ An Đông, chợ Ninh Hiệp bắt đầu cho thấy dấu hiệu ảm đạm, mặt bằng thuê mướn tương đối khó khăn. Theo thầy, những địa điểm kinh doanh offline về sau này sẽ dành cho những ngành đòi hỏi trải nghiệm thực tế, ví dụ như nhà hàng, quán ăn… Những địa điểm như chợ truyền thống, nếu xét về lâu dài khoảng 20-30 năm nữa, có thể chỉ đảm nhiệm vai trò về mặt văn hóa mà không còn đảm nhiệm vai trò về mặt thương mại.

Hiểu một cách cơ bản, thương mại điện tử là thương mại và trên các phương tiện điện tử. Phương tiện điện tử sẽ tự động hóa và xử lý một số khâu theo cách tự động và và gọn gàng hơn. Như vậy, vai trò của người làm Marketing trên nền tảng thương mại điện tử sẽ còn thu hẹp lại ở những phần như chọn phân khúc và đề xuất ra cái phối thức giá trị.

Hiện giờ, trên các sàn thương mại điện tử đang hướng đến cạnh tranh về giá. Khi người dùng thao tác tìm kiếm sản phẩm, sàn sẽ tự động gợi ý thêm cho người dùng những nhà bán liên quan để so sánh về giá. Vì vậy, đối với việc làm Marketing trên sàn thương mại điện tử, việc chọn được phân khúc và định vị phù hợp là rất quan trọng. Nếu không làm tốt ở bước này, chúng ta sẽ đi theo cuộc chiến về giá với những bên khác.

* Một số ý kiến cho rằng, Marketing sẽ ngày càng trở nên “khốc liệt” hơn về cơ hội việc làm vì lượng sinh viên tốt nghiệp ngành Marketing rất đông, chưa kể đến các bạn chuyển ngành, thầy nghĩ thế nào về ý kiến này?

Quả thật, trong thị trường lao động, Marketing là nghề có rào cản gia nhập thấp. Thử hình dung đơn giản, với những nghề như bác sĩ, kỹ sư, đó là những công việc không thể bước vào làm ngay lập tức, bạn phải có chứng chỉ hành nghề. Với Marketing, bất kỳ ai cũng có thể chuyển sang, vấn đề là ở chỗ có thể trụ được với nghề bao lâu. Vì vậy, nghề Marketing quả thật có mức độ cạnh tranh khá cao. Nếu muốn trụ được với nghề, phải trang bị kiến thức và kỹ năng vững vàng, thái độ phù hợp.

Bây giờ, hãy thử nhìn các cầu thủ bóng đá, một cầu thủ đường phố khi rèn luyện chăm chỉ hoàn toàn vẫn có thể vào đội tuyển, không phải chỉ có các cầu thủ trong những câu lạc bộ lớn mới có thể. Vì vậy, trong thời gian được đào tạo, phải cố gắng trau dồi thật nhiều và thật nhanh để tạo nên lợi thế. Tương tự, với các bạn đang có cơ hội học chuyên ngành Marketing ở trường đại học, nếu đã được đào tạo một cách chính quy thì trong thời gian đào tạo, phải cố gắng “bóc lột” thầy cô tối đa để tạo được lợi thế cạnh tranh bền vững.

Nếu đã được đào tạo chuyên ngành Marketing một cách chính quy thì trong thời gian đào tạo, các bạn phải cố gắng “bóc lột” thầy cô tối đa để tạo được lợi thế cạnh tranh bền vững.

Nếu đã được đào tạo Marketing một cách chính quy thì trong thời gian đào tạo, các bạn phải cố gắng “bóc lột” thầy cô tối đa để tạo được lợi thế cạnh tranh bền vững.
Nguồn: Pexels

* Có hiểu lầm hay ngộ nhận nào đó về ngành thường gặp phải ở các bạn tân sinh viên mà thầy muốn “đính chính”?

Ngộ nhận phổ biến nhất có lẽ là làm Marketing là những bạn đi ra ngoài làm truyền thông, tác động đến khách hàng, cũng tức là phần promotion. Mảng đó đúng là Marketing, nhưng trong ngành Marketing có rất nhiều ngách khác nhau, đòi hỏi những tố chất khác nhau.

Vậy rốt cuộc, làm Marketing là làm gì?

Hãy thử đi từ định nghĩa của Hiệp hội Marketing Mỹ năm 2017: “Marketing là hoạt động, tập hợp các tổ chức và quy trình để tạo, truyền thông, phân phối và trao đổi các sản phẩm có giá trị cao cho khách hàng, đối tác và xã hội nói chung”. Như vậy, công việc của người làm Marketing không phải chỉ có promotion mà còn có hoạt động “tạo ra”, “phân phối”, trao đổi.

Chẳng hạn như với một lượng dữ liệu được nhận, Marketer phải tiến hành phân loại khách hàng ra từng nhóm cụ thể và xác định với những nhóm đó, hành vi của của khách hàng là như thế nào. Việc đó yêu cầu tư duy phân tích dữ liệu nhiều hơn tư duy sáng tạo. Tư duy phân tích trong trường hợp này là để nhìn rõ chân dung khách hàng, tiếp theo mới đến phần sáng tạo, tức là câu chuyện về định vị, sản xuất ra media…

* Thầy nghĩ thế nào về quan điểm không học Marketing vẫn có thể làm Marketing?

Với một số ý kiến cho rằng không học Marketing cũng làm Marketing được, cần xem xét kỹ hơn số lượng này chiếm tỉ lệ bao nhiêu. Ngược lại, học Marketing bài bản không đảm bảo bạn sẽ trở thành một Marketer giỏi, nhưng đừng phủ nhận những giá trị mà các đơn vị đào tạo mang lại. Đơn vị đào tạo có thể cung cấp cho bạn một số kiến thức để bạn có lợi thế hơn, nhưng trên con đường sự nghiệp lâu dài, việc có phát huy được lợi thế đó hay không còn phụ thuộc vào sự trau dồi ở từng bạn.

Không giống như những vị trí thực thi đòi hỏi kỹ năng như khi bạn mới ra trường, khi càng lên những vị trí cao, Marketer càng cần có tầm nhìn chiến lược. Nhìn chung, trên thị trường hiện nay nếu chỉ làm mà không có chiến lược thì công ty khó duy trì và phát triển bền vững.

Cách đây 20-30 năm, bạn mở ra một quán ăn, bạn là người nói chuyện hoạt ngôn vui vẻ, nấu ngon thì quán của bạn có thể dần có tiếng tăm. Nhưng hãy thử nhìn những chuỗi cà phê đang cạnh tranh gay gắt với nhau trong hiện, với những cái tên như Highlands, Phúc Long… sự cạnh tranh của họ là cạnh tranh về chiến lược để tối ưu hóa chi phí đồng thời cung cấp phối thức giá trị phù hợp cho nhóm khách hàng mục tiêu. Khi nền kinh tế dần cạnh tranh gay gắt hơn, những đòi hỏi đối với một nhân sự làm vị trí Marketing cũng sẽ cao hơn.

Bên cạnh đó, cũng đừng nghĩ việc học chỉ có thể diễn ra ở trường học. Có rất nhiều người vẫn tự học hỏi, đọc sách, tham gia các khóa học bên ngoài để nâng cao chuyên môn, bổ sung kiến thức nhằm giúp công ty giải quyết những tình huống khó. Dù họ không vào trường đại học, hoặc không từ trường đại học ra thì cũng đừng lầm tưởng rằng họ không đi học.

Khi nền kinh tế dần cạnh tranh gay gắt hơn, những đòi hỏi đối với một nhân sự làm vị trí Marketing cũng sẽ cao hơn.

Khi nền kinh tế cạnh tranh gay gắt hơn, những đòi hỏi đối với một nhân sự làm vị trí Marketing cũng sẽ cao hơn.
Nguồn: Hires.vn

* Liệu có nên đi thực tập sớm để tiếp cận Marketing trong môi trường thực chiến, ý nghĩa của việc thực tập theo thầy mấu chốt là ở điểm nào?

Khi học Marketing tại các trường đào tạo chính quy, trường có thể cung cấp cho các em những kiến thức và kỹ năng có tính nguyên tắc, đã được đúc kết thành lý thuyết thông qua các case từ khắp nơi trên thế giới và phân tích, mổ xẻ từ nhiều khía cạnh để giúp các em nắm bắt kiến thức vững vàng.

Nhà trường cũng luôn cố gắng tạo điều kiện để sinh viên có cơ hội thực hành nhiều hơn và sâu sát hơn. Tuy nhiên, dù thế nào thì trường học vẫn là một đơn vị đào tạo, không phải một công ty kinh doanh, vì vậy, sự mô phỏng dĩ nhiên không thể đúng hoàn toàn. Khi thực tập hay đi làm ở bên ngoài, các em sẽ được trải nghiệm trong một ngách cụ thể tùy theo lĩnh vực mà công ty các em làm việc đang hoạt động.

Đối với người trẻ, đặc biệt trong độ tuổi sinh viên, mục tiêu không nên là kiếm tiền mà nên là tích lũy kiến thức, kỹ năng và quan trọng nhất là phải tích lũy một cách có chiến lược.

Như lúc nãy thầy có chia sẻ, lĩnh vực Marketing có nhiều công việc, mỗi công việc đòi hỏi những tố chất và kỹ năng khác nhau, sinh viên nên tìm cách trải nghiệm các công việc đó để sớm tìm ra được “ngách” dành cho mình. Thầy nghĩ rằng nếu trước khi ra trường, có thể chốt được ngách mình muốn theo đuổi trong sự nghiệp thì đó là sự thành công trong việc trải nghiệm thời sinh viên.

Lĩnh vực Marketing có nhiều công việc và sinh viên nên tìm cách trải nghiệm các công việc đó để sớm tìm ra được “ngách” dành cho mình.

Lĩnh vực Marketing có nhiều công việc và sinh viên nên tìm cách trải nghiệm các công việc đó để sớm tìm ra được “ngách” dành cho mình.
Nguồn: @bongkarngraphic

* Cuối cùng, đâu là những kiến thức, kỹ năng mà như thầy nói, các bạn sinh viên nên tập trung trau dồi khi còn ngồi trên ghế nhà trường để tạo nên lợi thế cạnh tranh bền vững?

Đối với người làm Marketing, điểm cốt lõi mà vị trí nào cũng cần là sự thấu hiểu về các nguyên lý Marketing, thấu hiểu về hành vi khách hàng, biết cách định vị khách hàng mục tiêu.

Một kỹ năng cần trau dồi để thích nghi với sự thay đổi của ngành đó là hiện giờ, chúng ta đã bắt đầu ứng dụng công nghệ. Dĩ nhiên, không thể đòi hỏi Marketer ở mức của một người developer (người phát triển phần mềm), nhưng phải có đủ khả năng để sử dụng được những công cụ do developer tạo ra.

Trong công nghệ lại có nhiều công cụ khác nhau, phục vụ cho những mục đích khác nhau, chẳng hạn như với việc phân tích dữ liệu để tìm ra insight, có thể dùng những công cụ như Tableau hoặc Power BI. Sinh viên Marketing mới ra trường và sử dụng được thành thạo những công cụ đó sẽ có thể gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng về mặt thao tác thực hành.

Đối với người làm Marketing, điểm cốt lõi mà vị trí nào cũng cần là sự thấu hiểu về các nguyên lý Marketing, thấu hiểu về hành vi khách hàng, biết cách định vị khách hàng mục tiêu.

Hay một nhánh khác là sử dụng các công cụ về AI để sáng tạo nội dung. Nếu công việc này lúc trước cần nhiều người đảm nhiệm thì hiện tại, có thể thương hiệu chỉ cần một người biết dùng công cụ.

Trong bối cảnh như vậy, Marketer có thể làm gì?

Đầu tiên là hiểu bản chất của việc Marketing của mình như phục vụ ai, cung cấp giá trị là gì, điểm khác biệt của mình là gì. Tiếp theo, người làm Marketing cần tập trung vào những điểm mà công cụ không làm được, đó là chỗ đắc dụng của mình. Nếu công cụ đã có thể sản xuất hàng loạt, đừng cố gắng dùng sức để làm chuyện đó nữa, hãy học cách để công cụ có thể sản xuất ra nội dung theo đúng ý mình, và mình tiến hành “nâng cấp” nó.

Nếu thế hệ trước việc học được hình dung là phải học qua trường lớp sách vở thì những thế hệ sau bắt đầu có thêm lựa chọn học trên mạng xã hội nhiều. Dĩ nhiên, học nhiều là tốt, tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng đọc trên mạng xã hội thì nên có tư duy phản biện để nhận biết được đâu mới là những thông tin có giá trị.

Với các tài liệu hay giáo trình, trước khi xuất bản sẽ có một hội đồng bình duyệt. Bây giờ, một kênh trên mạng xã hội thì không ai có thể bình duyệt, sự sàng lọc đang dừng lại sàng lọc về ngôn từ, còn tính đúng sai của từng kiến thức vẫn chưa được kiểm chứng.

* Cảm ơn thầy vì những chia sẻ bổ ích!

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Phố Hương / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam