Hé lộ “công thức” xây dựng chiến lược Google Search Ads thông minh
Hãy tưởng tượng bạn đang điều hành một cửa hàng trực tuyến và muốn tăng doanh số thông qua quảng cáo Google. Bạn sẽ làm thế nào để đảm bảo quảng cáo của mình tiếp cận đúng khách hàng?
Câu trả lời bắt đầu từ việc xác định mục tiêu quảng cáo rõ ràng và nghiên cứu cụm từ tìm kiếm đúng nhu cầu của khách hàng.
Trong bài viết này, bạn sẽ đi sâu vào cách xác định mục tiêu trong Google Ads, lựa chọn các loại chiến dịch phù hợp và nghiên cứu bộ từ khoá để tối đa hóa hiệu quả quảng bá cho sản phẩm của bạn.
1. Xác định mục tiêu quảng cáo
Khi xây dựng chiến lược quảng cáo Google Ads, bước đầu tiên là xác định rõ mục tiêu và sản phẩm bạn muốn quảng bá. Google Ads giúp doanh nghiệp đạt được nhiều mục tiêu khác nhau, từ tăng doanh số trực tuyến, tại cửa hàng hoặc qua điện thoại, tăng lượng khách hàng tiềm năng, khuyến khích họ thực hiện hành động, đến tăng lượt truy cập website, hoặc xây dựng nhận thức cho thương hiệu.
Dựa vào mục tiêu, bạn có thể lựa chọn các loại chiến dịch tương ứng như như:
- Search/ Performance Max: tăng lượt truy cập website, xây dựng nhận thức thương hiệu, tăng doanh số, …
- Display/ Video: tăng lượt truy cập website, xây dựng nhận thức thương hiệu, …
- Shopping: tăng doanh số trực tuyến, …
- App: khuyến khích thực hiện hành động, tăng doanh số, …
Đối với quảng cáo Google Search Ads, sau khi hiểu rõ mục đích và sản phẩm, bạn cần xây dựng bộ từ khoá tìm kiếm đúng với nhu cầu của người dùng. Cùng A Piece of Marketing tìm hiểu cách xác định bộ từ khoá trong phần tiếp theo của bài viết.
2. Nghiên cứu bộ từ khoá
2.1 Tại sao bạn cần nghiên cứu bộ từ khoá
Nghiên cứu bộ từ khoá xác định cách mà quảng cáo của bạn xuất hiện trước mắt khách hàng. Khi một người dùng thực hiện tìm kiếm với cụm từ như “mua ô tô” Google sẽ khởi động một phiên đấu giá để xác định quảng cáo nào sẽ được hiển thị. Hệ thống tìm kiếm của Google sẽ xem xét tất cả các chiến dịch quảng cáo của các nhà quảng cáo, bao gồm cả các từ khoá trong nhóm quảng cáo của bạn và tìm sự phù hợp với từ khoá tìm kiếm của người dùng.
Mỗi nhà quảng cáo đã đặt giá (bid) cho từ khoá của họ, giá từ khoá số tiền họ sẵn sàng trả khi có người nhấp vào quảng cáo. Cuộc đấu giá này diễn ra mỗi khi có một tìm kiếm mới. Sau khi các quảng cáo được xếp hạng, Google sẽ quyết định quảng cáo nào sẽ được hiển thị dựa trên giá thầu và mức độ liên quan. Nếu quảng cáo của bạn không được xem là phù hợp, nó sẽ không xuất hiện. Do đó, việc nghiên cứu từ khoá không chỉ giúp tối ưu hóa khả năng hiển thị quảng cáo mà còn có thể chuyển đổi tìm kiếm thành doanh số.
💡Để kiểm soát các tìm kiếm nào kích hoạt quảng cáo của bạn, bạn hãy bắt đầu bằng cách nghĩ như một khách hàng.
2.2 Giải đáp các khái niệm về bộ từ khoá
Bộ từ khoá là một tập hợp các từ hoặc cụm từ mà các nhà quảng cáo sử dụng để kết nối quảng cáo của họ với tìm kiếm của người dùng.
Đối sánh rộng (broad match) là loại mặc định, cho phép quảng cáo hiển thị nếu từ khoá hoặc bất kỳ biến thể nào của nó (bao gồm cả từ viết sai, từ đồng nghĩa và các tìm kiếm liên quan) xuất hiện trong tìm kiếm của người dùng. Ví dụ, nếu một người dùng tìm kiếm “mua ô tô tại Hồ Chí Minh,” quảng cáo sẽ xuất hiện nhờ từ khoá “mua ô tô.”
Đối sánh rộng đã sửa đổi (broad match modifier) yêu cầu người dùng phải tìm kiếm với các từ khoá chính xác hơn. Khi thêm dấu “+” trước từ khoá, quảng cáo chỉ xuất hiện khi từ khoá hoặc biến thể gần của nó có mặt trong bất kỳ phần nào của tìm kiếm. Chẳng hạn, nếu bạn sử dụng các từ khoá +đen, +trắng, và +phượt, quảng cáo sẽ hiển thị cho những tìm kiếm như “mua xe ô tô đen”.
Đối sánh cụm từ (phrase match) yêu cầu từ khoá phải xuất hiện theo đúng thứ tự. Đặt từ khoá trong dấu ngoặc kép đảm bảo rằng quảng cáo chỉ xuất hiện khi người dùng tìm kiếm cụm từ đó hoặc các biến thể gần nghĩa. Giả sử bạn muốn quảng cáo cho sản phẩm “Xe ô tô màu đen đi phượt.” Nếu bạn sử dụng từ khoá “Xe ô tô màu đen,” quảng cáo sẽ hiển thị cho các tìm kiếm có chứa cụm từ này theo đúng thứ tự. Ví dụ:
- Tìm kiếm “Xe ô tô màu đen”
- Tìm kiếm “Xe ô tô màu đen đi phượt”
- Tìm kiếm “Đánh giá xe ô tô màu đen đi phượt”
Trong trường hợp này, quảng cáo sẽ không xuất hiện cho các tìm kiếm như “Xe ô tô màu trắng đen” hoặc “Ô tô xe màu đen” vì cụm từ không được sắp xếp theo thứ tự chính xác.
Ngược lại, đối sánh chính xác (exact match) yêu cầu tìm kiếm phải khớp chính xác với từ khoá được đặt trong dấu ngoặc vuông, và chỉ hiển thị quảng cáo nếu tìm kiếm có nghĩa tương tự như từ khoá. Điều này giúp các nhà quảng cáo nhắm đến đúng đối tượng mục tiêu và tăng khả năng chuyển đổi.
Nếu bạn sử dụng từ khoá [Xe ô tô màu đen], quảng cáo sẽ chỉ hiển thị khi người dùng tìm kiếm cụm từ chính xác đó hoặc gần giống như:
- Tìm kiếm “Xe ô tô màu đen”
- Tìm kiếm “Xe ô tô màu đen giá rẻ”
Quảng cáo sẽ không xuất hiện cho các tìm kiếm khác, như “Xe ô tô” hay “Mua xe ô tô,” vì chúng không khớp chính xác với từ khoá đã được chỉ định.
2.3 Xây dựng bộ từ khoá theo từng ad group
Để nghiên cứu bộ từ khoá khách hàng hay sử dụng trong tìm kiếm, bạn có thể sử dụng các công cụ như SEMRush, Google Keyword Planner, .. Tuy nhiên, để có được ý tưởng từ khoá dồi dào, bạn có thể tận dụng các công cụ AI như ChatGPT để yêu cầu đề xuất các từ khoá liên quan đến sản phẩm của bạn.
Ví dụ, bạn đang cần nghiên cứu từ khoá đến phần mềm quản lý dự án, bạn có thể yêu cầu ChatGPT “Hãy đề xuất 50 từ khoá được người dùng sử dụng để tìm kiếm các phần mềm quản lý dự án, tại Việt Nam”.
Sau khi có kết quả của ChatGPT, bạn có thể kiểm tra lại với SEMrush về lượt tìm kiếm (search volume), ngụ ý tìm kiếm của người dùng (search intent) và chi phí quảng cáo nếu bạn dùng từ khoá đó trong quảng cáo (CPC). CPC cũng sẽ là cơ sở để bạn ước tính chi phí mỗi lần nhấp cho quảng cáo, kết hợp với mục tiêu quảng cáo, bạn có thể ước tính chi phí và thời gian để thực hiện quảng cáo.
Cuối cùng, bạn có thể nhờ ChatGPT gộp các từ khoá có các đặc điểm chung, tương đồng nhau. Bằng cách này, bạn có thể xây dựng các adgroup và viết landing page và nội dung quảng cáo sát hơn với nhu cầu người dùng.
3. Cài đặt và tối ưu hóa chiến dịch Google Ads
Để cài đặt chiến dịch trong Google Ads, bạn có thể tham khảo video hướng dẫn dưới đây:
Google Ads thường xuyên cập nhật hệ thống mỗi năm, vì vậy để đảm bảo bạn đang theo dõi hướng dẫn mới nhất, hãy tìm kiếm với từ khóa “Google Search Ads Campaign Setup [Year],” với Year là năm hiện tại.
Cuối cùng, việc theo dõi và tối ưu hóa chiến dịch là yếu tố then chốt để đảm bảo thành công trên Google Ads. Bạn có thể tham khảo bài viết “Bí kíp tối ưu ROI với 10+ chỉ số quan trọng trong Google Search Ads” để hiểu rõ hơn về các chỉ số, đánh giá hiệu quả chiến dịch và thực hiện các điều chỉnh tối ưu.
Mục tiêu và từ khoá: Bí quyết tăng trưởng với Google Ads
Quảng cáo Google Search Ads là một công cụ mạnh mẽ, nhưng để phát huy tối đa hiệu quả, bạn cần hiểu rõ mục tiêu và thiết lập chiến dịch hợp lý. Hy vọng rằng qua các hướng dẫn trên, bạn đã hiểu rõ hơn việc cài đặt và tối ưu hóa quảng cáo, từ đó thúc đẩy doanh số và xây dựng thương hiệu vững mạnh.
Nguồn bài viết: Blog A Piece of Marketing