TikTok, Upwork và Publicis Groupe sa thải hàng loạt vị trí trên toàn cầu
Tháng 10 vừa qua, một làn sóng cắt giảm nhân sự từ các tập đoàn lớn trên toàn cầu bao gồm TikTok, Upwork và công ty quảng cáo đa quốc gia Publicis Groupe đã nổ ra. Làn sóng này bắt nguồn từ đâu? Và liệu khi nào sẽ dừng lại?
Bắt buộc quay trở lại văn phòng
Vào tháng 9/2023, CEO của Publicis Groupe, ông Arthur Sadoun đã ban hành quy định bắt buộc quay trở lại văn phòng (RTO). Tuy nhiên, nhiều nhân viên trong số 10.000 người của tập đoàn được cho là đã “phớt lờ” thông báo này.
Theo quy định, nhân viên được yêu cầu có mặt tại văn phòng ba ngày mỗi tuần, trong đó bắt buộc phải làm việc vào thứ hai. Người phát ngôn của Publicis tại Mỹ chia sẻ rằng ban quản lý đã rất “rõ ràng và nhất quán” về chính sách này, và phần lớn nhân viên đã tuân thủ. Tuy nhiên, gần 100 nhân viên tại Mỹ đã bị sa thải.
Vào cuối tháng 10, có thêm 200 nhân viên khác phải đối mặt với tình trạng mất việc, dù vậy, Publicis vẫn chưa xác nhận liệu đợt sa thải mới này có liên quan đến chính sách RTO hay không. Đợt sa thải mới nhất này của Publicis đã góp phần vào làn sóng cắt giảm nhân sự ngày càng gia tăng từ các tập đoàn lớn trong năm nay.
Tương tự, quy định quay lại văn phòng (RTO) của Amazon, do CEO Andy Jassy công bố vào tháng 9 đã vấp phải phản ứng từ nhân viên và các chuyên gia kinh doanh. Khoảng 73% nhân viên Amazon hiện đang cân nhắc nghỉ việc vì quy định RTO này, một khái niệm mà nhà kinh tế học Stanford Nicholas Bloom gọi là “sa thải ngầm”.
Trong thông báo về RTO, ông Jassy kêu gọi tăng 15% tỷ lệ nhân viên thực hiện công việc trực tiếp so với quản lý. Ông lý giải: “Việc giảm số lượng quản lý sẽ loại bỏ các lớp trung gian và làm cho tổ chức gọn gàng hơn hiện tại. Nếu thực hiện tốt, điều này sẽ giúp các nhân viên làm việc nhanh hơn, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đẩy mạnh quá trình ra quyết định ngay tại các bộ phận tác động đến khách hàng nhiều nhất, giảm thiểu quan liêu và củng cố khả năng của tổ chức trong việc mang lại cuộc sống tốt đẹp và dễ dàng hơn cho khách hàng mỗi ngày”.
Nền tảng tìm kiếm việc trực tuyến toàn cầu – Upwork gần đây cũng thông báo cắt giảm 21% nhân sự. Việc này ảnh hưởng đến cả nhân viên toàn thời gian và nhân viên làm việc theo mô hình kết hợp (hybrid).
CEO kiêm Chủ tịch Hayden Brown cho biết động thái này nhằm mục đích đưa tổ chức phù hợp hơn với các ưu tiên chiến lược, đồng thời viện dẫn cả "môi trường kinh doanh" hiện tại và các nguyên tắc vận hành trong tương lai của công ty là những yếu tố chính dẫn đến quyết định này.
Các “ông lớn” mạng xã hội cũng tham gia làn sóng cắt giảm nhân sự
Thực tế, các nền tảng mạng xã hội như TikTok và Meta cũng đã thực hiện hàng trăm đợt sa thải nhân viên trên toàn cầu. TikTok đã cắt giảm gần 500 vị trí tại Malaysia để tập trung vào hoạt động kiểm duyệt nội dung bằng trí tuệ nhân tạo (AI), trong đó công ty mẹ ByteDance xác nhận với Reuters rằng phần lớn các nhân viên bị ảnh hưởng thuộc bộ phận kiểm duyệt nội dung.
Theo Reuters, các đợt cắt giảm này diễn ra sau nhiều tháng chính phủ Malaysia báo cáo sự gia tăng đột biến của các nội dung gây hại trên mạng xã hội. Cụ thể, chỉ riêng trong quý đầu tiên của năm 2024, chính phủ đã chuyển 51.638 trường hợp tới các nền tảng như TikTok và Meta để xử lý.
Từ trước đến nay, TikTok vẫn sử dụng kết hợp giữa tính năng phát hiện tự động và người kiểm duyệt để xem xét các nội dung được đăng trên nền tảng. Một nguồn tin cho biết TikTok cũng đang có kế hoạch cắt giảm thêm nhân sự vào tháng tới khi tìm cách hợp nhất một số hoạt động. “Chúng tôi đang thực hiện những thay đổi này như một phần trong những nỗ lực liên tục nhằm củng cố mô hình hoạt động toàn cầu về kiểm duyệt nội dung”, người phát ngôn của TikTok cho biết trong một tuyên bố.
Meta cũng bắt đầu cắt giảm nhân sự tại WhatsApp, Instagram và Reality Labs vào đầu tháng này, tuy nhiên, đợt sa thải này dường như xảy ra đồng thời với quá trình tái tổ chức một số nhóm cụ thể.
“Điều này bao gồm việc chuyển một số nhóm đến các địa điểm khác và chuyển một số nhân viên sang vai trò khác. Khi một vai trò bị loại bỏ, chúng tôi nỗ lực tìm kiếm các cơ hội khác cho những nhân viên bị ảnh hưởng” – người phát ngôn của công ty Dave Arnold chia sẻ với The Verge.
Tái cấu trúc dẫn đến sa thải hàng loạt
Bên cạnh các công ty truyền thông, các tổ chức tài chính cũng đang tái cấu trúc lực lượng lao động để tinh giản hoạt động. Theo Reuters, công ty quản lý đầu tư toàn cầu Goldman đã tái áp dụng chính sách sa thải dựa trên hiệu suất vào năm 2022 sau hai năm tạm dừng, khiến từ 1% đến 5% nhân viên mất việc trong năm 2023.
Tập đoàn cung cấp dịch vụ thẻ tín dụng Visa cũng công bố kế hoạch sa thải khoảng 1.400 nhân viên và nhà thầu vào cuối năm 2024, chủ yếu nhắm vào các vị trí công nghệ. Đáng lo ngại hơn nữa là trong bối cảnh này, tính đến tháng 9 vừa qua, có khoảng 7,4 triệu vị trí cần tuyển dụng trong khi chỉ có 5,6 triệu người đã được tuyển dụng.
Nghiên cứu “The impact of employee turnover and turnover volatility on labor productivity: a flexible non-linear approach” (tạm dịch: Tác động của tỷ lệ nghỉ việc và sự biến động trong tỷ lệ nghỉ việc lên năng suất lao động) chỉ ra rằng khi nhân viên nghỉ việc, năng suất lao động tăng hoặc giảm còn tùy thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể.
Các công ty có tỷ lệ nghỉ việc ít biến động có thể đạt được năng suất cao, với mức tăng năng suất lên tới 12,1%. Trong khi đó, các công ty có tỷ lệ nghỉ việc biến động cao (thay đổi nhiều qua các giai đoạn) chỉ đạt được lợi ích năng suất thấp hơn (8,1%), bởi sự thay đổi thất thường khiến họ khó duy trì và cải tiến các quy trình nội bộ một cách nhất quán.
Vì vậy, trong khi nhiều công ty hướng tới việc nâng cao hiệu quả thì những tác động thật sự của tỷ lệ thôi việc (turnover rates) đến năng suất lao động và doanh thu của công ty đang đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của các chiến lược sa thải.
Theo Phố Hương / Brands Vietnam
* Nguồn: Tổng hợp