Marketer Huỳnh Nhật Bảo Ngọc
Huỳnh Nhật Bảo Ngọc

Marketing Executive @ Think Digital

Tết 2025: Điểm qua những xu hướng tiêu biểu của người tiêu dùng và gợi ý dành cho thương hiệu

Tết 2025: Điểm qua những xu hướng tiêu biểu của người tiêu dùng và gợi ý dành cho thương hiệu

Tăng chi tiêu nhưng vẫn ưu tiên “săn” khuyến mãi, tập trung nhiều vào các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ và chăm sóc cá nhân, đưa ra quyết định mua hàng nhờ các quảng cáo cá nhân hóa – là một số điểm nổi bật về xu hướng tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán của người Việt.

Tết Nguyên đán là dịp lễ quan trọng nhất trong năm, đồng thời cũng là lúc người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi tiêu “mạnh tay” hơn để mua sắm, chuẩn bị cho năm mới. Vì vậy đối với các thương hiệu, đây là thời điểm thích hợp nhất để triển khai các hoạt động truyền thông, không chỉ để thúc đẩy doanh số mà còn xây dựng mối liên kết chặt chẽ với người tiêu dùng.

Một số nội dung chính trong bài viết:

  • Xu hướng tiêu dùng trong dịp Tết: Nắm bắt các nhu cầu tiêu dùng và hành vi trong dịp Tết của người Việt để đưa ra các chiến lược tiếp cận phù hợp.
  • Gợi ý hoạt động Marketing mùa Tết cho các thương hiệu: Một số gợi ý về hoạt động, thông điệp truyền thông cho các chiến dịch quảng cáo để thu hút sự chú ý và tạo ấn tượng với khách hàng.
  • Điểm lại chiến dịch Tết nổi bật năm 2024: Tổng hợp những hoạt động truyền thông, chiến dịch Tết 2024 nổi bật của các thương hiệu.

1. Tăng chi tiêu nhưng vẫn ưu tiên “săn” khuyến mãi

Theo nghiên cứu của YouGov, trong bối cảnh tình hình tài chính không ổn định, mức chi tiêu trong dịp Tết 2024 của người Việt vẫn có xu hướng tăng nhẹ năm trước. Đáng chú ý, họ sẽ tận dụng các sự kiện giảm giá như dịp Mega Sale cuối năm để có những sự lựa chọn ưu đãi hơn, đặc biệt là trên các kênh mua hàng online.

Do đó, với những dấu hiệu phục hồi tích cực của nền kinh tế, sức mua vào dịp Tết 2025 sắp tới đây được dự đoán sẽ gia tăng so với Tết 2024. Tuy nhiên, người Việt vẫn có xu hướng cẩn trọng hơn khi chi tiêu, ưu tiên những sản phẩm có giá cả phù hợp, đi kèm các chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Bên cạnh đó, họ còn chú trọng nhiều đến chất lượng, công dụng của sản phẩm để đưa ra quyết định chi tiêu hợp lý trong dịp Tết.

Người Việt chi tiêu nhiều hơn và ưu tiên tìm khuyến mãi.

Gợi ý cho thương hiệu:

  • Đảm bảo giá cả hợp lý và có các giá trị cộng thêm cho người tiêu dùng: Ưu tiên xây dựng những set quà, sản phẩm đầy đặn, chỉn chu nhưng cạnh tranh tốt về giá. Thương hiệu nên cân nhắc nhấn mạnh vào yếu tố dinh dưỡng hoặc giá trị cộng thêm cho người dùng như: Tặng kèm đồ dùng Tết, Khuyến mãi...
  • Tập trung vào lợi ích và công dụng của sản phẩm/dịch vụ: Khi người tiêu dùng ngày càng chú trọng vào chất lượng và công dụng của sản phẩm, thương hiệu nên làm nổi bật những lợi ích cụ thể và thiết thực. Ví dụ, có thể nhấn mạnh các yếu tố như sức khỏe, sự tiện lợi...
  • Xây dựng chương trình khuyến mãi trên các kênh mua sắm trực tuyến: Với xu hướng mua hàng online ngày càng phát triển mạnh mẽ, thương hiệu nên tối ưu hóa sự hiện diện của mình trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội với các chương trình ưu đãi phù hợp, đặc biệt là vào dịp Black Friday và Mega Sale vào cuối năm.

2. Chăm sóc sức khoẻ và chăm sóc cá nhân là những lựa chọn hàng đầu

Giữa bối cảnh nhiều lo âu còn hiện hữu, các ngành hàng như tiêu dùng nhanh, thực phẩm chức năng, thời trang và chăm sóc cá nhân sẽ được người Việt chi tiêu nhiều hơn vào dịp Tết (theo YouGov – Nghiên cứu hành vi mua sắm Tết). Điều này phản ánh sự ưu tiên cho các nhu cầu thiết yếu và sức khỏe thay vì các sản phẩm không thiết yếu như dịch vụ spa, du lịch hay thể hình.

Những ngành hàng được ưu tiên lựa chọn vào dịp Tết.

Cụ thể, nhóm ngành hàng được ưu tiên chi tiêu bao gồm:

  • Dinh dưỡng và thực phẩm chức năng (45%): Từ sau giai đoạn dịch bệnh, đa phần người tiêu dùng tại Việt Nam đều có xu hướng quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn. Vì vậy, họ thường ưu tiên mua các mặt hàng có nguồn gốc thiên nhiên, lành mạnh, giàu dinh dưỡng.
  • Chăm sóc cá nhân (43%): Tết là dịp để mọi người “tái tạo”, làm mới bản thân sau một năm học tập, làm việc. Do đó mà nhu cầu cho sản phẩm chăm sóc cá nhân, đặc biệt là các sản phẩm vệ sinh và chăm sóc sắc đẹp cũng gia tăng. Đây là một phần quan trọng trong việc chuẩn bị đón Tết, đặc biệt là với Gen Z và Gen Millennials.
  • Thời trang và phụ kiện (45%): Các mặt hàng thời trang vẫn giữ vị trí quan trọng khi người tiêu dùng muốn sắm sửa quần áo mới, mang lại may mắn cho năm mới.
  • Đồ ăn và đồ uống không cồn (42% và 38%): Đây là các sản phẩm thiết yếu trong dịp Tết, phục vụ nhu cầu sum họp và chiêu đãi gia đình, bạn bè.

Gợi ý cho thương hiệu – Lựa chọn thời gian triển khai chiến dịch phù hợp: Càng gần Tết, mức độ cạnh tranh của các thương hiệu càng gay gắt khi người dùng có rất nhiều sự lựa chọn khác nhau, đặc biệt là với các sản phẩm/dịch vụ thiết yếu. Vì vậy, việc bắt đầu chiến dịch Tết sớm có thể giúp thương hiệu tạo ưu thế và chiếm vị trí top-of-mind của người dùng.

Đối với các thương hiệu thuộc nhóm ít được chi tiêu vào dịp Tết, dưới đây là một số gợi ý để thu hút sự chú ý và tạo ra nhu cầu trong bối cảnh người tiêu dùng có xu hướng ưu tiên chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu hơn:

  • Liên kết với các thương hiệu khác: Thương hiệu có thể cân nhắc việc liên kết với các thương hiệu thuộc ngành hàng thiết yếu, để gia tăng giá trị cho các sản phẩm của mình. Ví dụ, dịch vụ spa có thể hợp tác với thương hiệu dinh dưỡng và thực phẩm chức năng để quảng bá gói sản phẩm “Chăm sóc sức khỏe toàn diện”, hoặc kết hợp với thương hiệu thời trang để tặng kèm voucher mua sắm thời trang khi sử dụng dịch vụ tại spa.
  • Khuyến mãi đầu năm hoặc chương trình cho khách hàng thân thiết: Thương hiệu có thể triển khai các ưu đãi cho dịp sau Tết hoặc giảm giá cho khách hàng thân thiết nhằm giữ chân người tiêu dùng ngay cả khi họ không chi tiêu nhiều vào giai đoạn Tết.

3. Với người Việt, Tết là thời điểm dành cho những khoảnh khắc sum vầy và đoàn viên

Theo báo cáo “Winning Tet Report” của Cốc Cốc, phần lớn người Việt (72%) xem Tết là dịp để gặp mặt, sum họp và đoàn viên. Đây là một truyền thống quan trọng, khi gia đình và người thân quây quần bên nhau để chia sẻ những khoảnh khắc ý nghĩa. Bên cạnh đó, các hoạt động như dọn dẹp, tân trang nhà cửa, giải trí tại gia và đi mua sắm cùng gia đình dường như cũng là một phần không thể thiếu trong ngày Tết Nguyên đán.

Người Việt thường làm gì vào ngày Tết?

Dựa trên các xu hướng trên, thương hiệu có thể tối ưu hóa hoạt động tiếp thị dịp Tết như sau:

  • Truyền tải thông điệp gia đình và sự kết nối: Tận dụng chủ đề sum họp, gặp mặt, đoàn viên, các thương hiệu có thể triển khai thông điệp một cách khéo léo để lồng ghép câu chuyện thương hiệu, sản phẩm vào các bối cảnh này.
  • Triển khai các hoạt đồng chia sẻ khoảnh khắc ngày Tết: Thương hiệu có thể tổ chức các sự kiện, minigame, để người dùng chia sẻ video hoặc bài viết về những câu chuyện xoay quanh quá trình chuẩn bị cho ngày Tết, khoảnh khắc đón Tết bên gia đình. Hoặc đối với các thương hiệu thuộc nhóm đồ gia dụng, chăm sóc và trang trí nhà cửa, có thể tổ chức các chiến dịch “cùng nhau tân trang nhà cửa” với các hướng dẫn hoặc thử thách trang trí Tết.

4. Các chủ đề liên quan đến cảm xúc của ngày Tết được thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội

Theo thống kê của Buzzmetrics, các chủ đề liên quan đến cảm xúc và hoạt động ngày Tết như ăn uống, lì xì, chúc Tết, giải trí... đều có sự gia tăng đáng kể về mức độ thảo luận trên mạng xã hội. Tuy nhiên, trong khi các chủ đề quen thuộc như du lịch, lì xì vẫn giữ vị trí hàng đầu về mức độ thảo luận trong dịp Tết 2024, thì đoàn tụ lại trở thành chủ đề ít được quan tâm hơn.

Các chủ đề liên quan đến cảm xúc của ngày Tết được thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội.

Bên cạnh đó, thảo luận về các chủ đề mang tính chất truyền thống như hoạt động như cúng kiếng, dọn dẹp nhà cửa, xông đất đang bắt đầu có sự sụt giảm. Điều này phần nào thể hiện sự người Việt có xu hướng đón một cái Tết đơn giản hơn, tập trung vào các hoạt động nghỉ ngơi, thư giãn, trải nghiệm.

Gợi ý cho thương hiệu:

  • Xây dựng thông điệp dựa trên sự thấu hiểu, đồng điệu với những cảm xúc và hoạt động ngày Tết: Từ những thay đổi trên, có thể thấy rằng các nội dung truyền thông nhẹ nhàng, gần gũi, và phản ánh lối sống Tết hiện đại với các hoạt động giản đơn sẽ dễ tạo sự kết nối với người tiêu dùng hơn. Thương hiệu có thể xây dựng thông điệp xoay quanh các khoảnh khắc gắn kết, chia sẻ và tận hưởng những điều nhỏ bé trong dịp Tết.
  • Tạo nội dung liên quan đến các hoạt động giải trí: Khi thảo luận về các chủ đề như giải trí đang có xu hướng gia tăng, nhãn hàng có thể tài trợ hoặc hợp tác với những nội dung giải trí phổ biến (chẳng hạn như chương trình Tết, game show hoặc phim ngắn hài Tết) để tăng cường nhận diện thương hiệu.

5. Quảng cáo cá nhân hóa và Influencer Marketing tác động mạnh mẽ đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng trẻ

Theo YouGov, 87% người tiêu dùng đưa ra quyết định mua hàng nhờ các quảng cáo cá nhân hóa, đặc biệt là Gen Z và Gen Millennials. Thay vì chủ động tìm kiếm, việc bị động tiếp nhận một nội dung quảng cáo có sự phù hợp với sở thích và nhu cầu cá nhân càng khiến họ tò mò và mong muốn tìm hiểu sâu hơn.

Quảng cáo cá nhân hóa và Influencer Marketing tác động mạnh mẽ đến quyết định mua hàng ngày Tết.

Ngoài ra, đề xuất từ những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội (influencers) cũng là một yếu tố có tác động lớn đến quyết định mua sắm Tết, trong đó, nhóm khách hàng Gen Z và Millennials chiếm phần lớn (58%). Tuy nhiên, nhóm người tiêu dùng trẻ này vẫn có sự chọn lọc rất kỹ lưỡng trong việc theo dõi và tin tưởng gợi ý từ influencers. Vì vậy việc thương hiệu “chọn mặt gửi vàng” cho đúng người sẽ quyết định thành bại của chiến lược Influencer Marketing dịp Tết này.

Gợi ý cho thương hiệu:

  • Cá nhân hóa quảng cáo trực tuyến: Thương hiệu nên tận dụng dữ liệu khách hàng để tùy chỉnh nội dung quảng cáo sao cho gần gũi và hấp dẫn. Ví dụ, có thể áp dụng công nghệ AI hoặc khai thác dữ liệu người dùng để đề xuất sản phẩm phù hợp với từng nhóm đối tượng, đặc biệt là Gen Z và Millennials.
  • Hợp tác với nhà sáng tạo nội dung: Nhãn hàng có thể kết hợp với các Influencers, Content Creators để triển khai livestream, video review hoặc đơn giản là bài đăng để chia sẻ trải nghiệm thực tế khi sử dụng sản phẩm Tết, cùng với các ưu đãi độc quyền để họ quảng bá đến tệp người xem của mình.
  • Đẩy mạnh chiến lược truyền thông đa kênh: Tích hợp quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến như Facebook, TikTok, Instagram và YouTube để tiếp cận tối đa khách hàng mục tiêu. Sự phối hợp giữa quảng cáo cá nhân hóa và những đề xuất từ nhà sáng tạo nội dung sẽ giúp tăng cường hiệu quả tiếp thị.

6. Cùng nhìn lại cách các thương hiệu triển khai chiến dịch Tết 2024

Từ các hành vi và xu hướng tiêu dùng trên, nhiều thương hiệu đã tận dụng để triển khai các chiến dịch Tết 2024 vô cùng sáng tạo và ấn tượng, từ thông điệp đến các hoạt động thực thi. Mời bạn cùng mình điểm lại một số chiến dịch tiêu biểu bên dưới.

Lifebuoy – Tết ổn rồi!

Thông qua việc khai thác insight “Những kỳ vọng quá lớn lao khiến mỗi người đánh mất ý nghĩa thực sự của ngày Tết”, Lifebuoy mang đến thông điệp giúp chúng ta tái định nghĩa về “Tết ổn”: Tết ổn là có sức khỏe và có nhau! Giữa bối cảnh kinh tế – thị trường năm 2023 và 2024 biến động, thông điệp vô cùng “chạm” này đã kết nối chặt chẽ với cảm xúc của người xem.

Lifebuoy – Tết ổn rồi.

Bên cạnh đó, thành công của chiến dịch còn đến từ việc xây dựng được một lộ trình truyền thông lý, với một số hoạt động nổi bật như:

  • Bức tường Tết ổn: Khởi động chiến dịch, Lifebuoy cùng người xây nên bức tường Tết ổn, trong đó mỗi viên gạch là những mơ ước lớn lao của từng người. Để rồi bức tường bị phá vỡ để lộ ra thông điệp thực sự: “Tết ổn đơn giản là Tết có sức khỏe và gia đình kề bên!”.
  • MV “Tết ổn rồi!” và cuộc thi Cover.
  • CSR “Tết ổn đến với mọi miền”: Lifebuoy trao tặng túi lộc – phần quà sức khỏe gồm nước rửa tay, sữa tắm Lifebuoy và bao lì xì, áo dài, nhu yếu phẩm...

Nabati – Tết rộn ràng như ý

Thấu hiểu rằng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc tặng quà Tết đôi khi trở thành gánh nặng của nhiều người lao động, Nabati cùng sản phẩm hộp quà Tết có giá thành phải chăng mang đến thông điệp: “Tết có Nabati, Tết rộn ràng như ý”, với mong muốn đồng hành cùng người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán 2024 để họ giảm bớt nỗi lo mua sắm quà Tết trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động.

Nabati – Tết rộn ràng như ý.

Từ đó, thương hiệu đã triển khai hàng loạt các hoạt động phù hợp:

  • Social Noise “Quà vật chất hay tinh thần”: Chiến dịch khởi xướng một thảo luận nên tặng quà vật chất hay chỉ tinh thần trong bối cảnh khó khăn, để thúc đẩy thảo luận trước ngày thông điệp chính ra mắt.
  • Minigame và Photo Contest chia sẻ khoảnh khắc ngày Tết.
  • CSR “Trao Tết rộn ràng”: Cuối chiến dịch, hàng nghìn hộp quà được ân cần trao tay người công nhân và con em trên đường về quê ăn Tết.

Tổng kết

Tết Nguyên đán luôn có ý nghĩa to lớn trong đời sống văn hoá – xã hội của người Việt. Vì vậy việc hiểu rõ các xu hướng tiêu dùng và sự thay đổi trong hành vi mua sắm sẽ giúp thương hiệu tạo ra những chiến lược marketing hiệu quả, đón đầu nhu cầu và lan tỏa thông điệp gắn kết, phù hợp với văn hóa và tâm lý mùa Tết. Một chiến dịch Tết thành công không chỉ nằm ở việc thu hút khách hàng mà còn để lại dấu ấn lâu dài, làm nổi bật giá trị thương hiệu trong lòng người tiêu dùng.

Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã phần nào hiểu hơn được về thị hiếu của người tiêu dùng Việt, để áp dụng trong việc triển khai các chiến lược và chiến dịch truyền thông cho dịp Tết Nguyên đán 2025 sắp tới.

Nếu muốn tìm hiểu chi tiết hơn về các case-study nổi bật dịp Tết 2024, cùng những hành vi và insight nổi bật của người tiêu dùng Việt, bạn có thể tải xuống báo cáo thị trường và xu hướng tiêu dùng được thực hiện bởi Think Digital và Media Lab tại đây.

Tết 2025: Điểm qua những xu hướng tiêu biểu của người tiêu dùng và gợi ý dành cho thương hiệu