OpenAI chính thức tích hợp công cụ tìm kiếm vào ChatGPT
Ngày 31/10/2024, OpenAI triển khai tính năng tìm kiếm trong đoạn hội thoại với ChatGPT cho người dùng trả phí (cùng người dùng trong danh sách chờ của SearchGPT) và sẽ mở rộng cho người dùng miễn phí, doanh nghiệp và các tổ chức giáo dục trong thời gian tới.
Thay vì ra mắt một sản phẩm riêng biệt, công cụ tìm kiếm sẽ được tích hợp trực tiếp vào giao diện ChatGPT hiện tại. Tính năng này sẽ tự động xác định khi nào cần sử dụng kết quả tìm kiếm trên web dựa trên yêu cầu của người dùng, đồng thời người dùng cũng có thể kích hoạt tìm kiếm web thủ công. Việc tích hợp tìm kiếm sẽ giúp ChatGPT thu hẹp khoảng cách cạnh tranh với các đối thủ như Microsoft Copilot và Google Gemini, những nền tảng AI từ lâu đã có khả năng truy cập internet thời gian thực.
Cuộc đua công nghệ nóng dần lên
Ở buổi giới thiệu trước khi chính ra mắt, ông Adam Fry, ChatGPT Search Lead của OpenAI, đã trình diễn tính năng bằng cách tìm kiếm thông tin về cổ phiếu Apple và các tin tức liên quan. Kết quả trả về gồm biểu đồ cổ phiếu tương tác, thông tin về kỳ báo cáo doanh thu sắp tới và các thông tin có liên kết dẫn đến nguồn bài viết gốc, đi kèm thanh công cụ với danh sách các trang web liên quan.
Sau đó, ông Fry thử tìm kiếm nhà hàng Ý tại San Francisco và nhận được bản đồ tương tác với các địa điểm gợi ý. Ông tiếp tục đặt câu hỏi để thu hẹp kết quả (như tìm nhà hàng “thân thiện và gần gũi với khu dân cư hơn”).
Chức năng tìm kiếm mới sẽ có mặt trên tất cả các nền tảng của ChatGPT: iOS, Android và ứng dụng máy tính cho macOS và Windows. Tính năng tìm kiếm này được phát triển dựa trên “sự kết hợp giữa các công nghệ tìm kiếm”, bao gồm Bing của Microsoft, theo lời của Fry. Trong một bài đăng, OpenAI cho biết mô hình tìm kiếm này là phiên bản GPT-4o được tinh chỉnh. Ban đầu, tính năng này được ra mắt cho 10.000 người dùng thử nghiệm với tên gọi SearchGPT vào tháng 7, và trước đó vào tháng 5, OpenAI đã mạnh tay chiêu mộ nhân tài từ Google cho đội ngũ tìm kiếm của mình.
Trước bản cập nhật này, kiến thức của ChatGPT bị giới hạn bởi mốc thời gian từ 2021 đến 2023 tùy thuộc vào từng mô hình. Người phát ngôn của OpenAI, ông Niko Felix, cho biết ngay cả khi kích hoạt tìm kiếm trực tiếp, công ty sẽ tiếp tục cập nhật dữ liệu huấn luyện (training data) để đảm bảo người dùng luôn được truy cập các tiến bộ mới nhất.
Tính năng tìm kiếm AI đang làm cuộc chạy đua giữa các công ty công nghệ lớn ngày một kịch tính. Meta được cho là đang phát triển giải pháp tìm kiếm AI của riêng mình, trong khi Google gần đây đã mở rộng tính năng AI Overview đến hơn 100 quốc gia. Khi được hỏi về thời điểm ra mắt trùng với báo cáo doanh thu quý III của Alphabet (cho thấy doanh thu tìm kiếm đạt 49,4 tỷ USD), ông Fry khẳng định việc ra mắt tính năng của OpenAI hoàn toàn là kế hoạch độc lập.
Một lý do người dùng có thể chọn ChatGPT thay vì Google Search là không bị làm phiền bởi quảng cáo hoặc các kết quả được gắn thẻ quảng cáo ở đầu. Trong khi Google kiếm được nhiều tiền từ quảng cáo ở trang kết quả tìm kiếm, ông Fry cho biết hiện tại “không có kế hoạch” chèn quảng cáo vào ChatGPT.
Tuy nhiên, chi phí vận hành công cụ tìm kiếm AI đắt đỏ hơn so với tìm kiếm truyền thống, hiện tại vẫn chưa rõ OpenAI sẽ tài trợ tính năng này cho người dùng miễn phí như thế nào. Theo ông Felix chia sẻ, người dùng miễn phí sẽ có giới hạn về số lần sử dụng các mô hình tìm kiếm mới nhất.
Nhiều dịch vụ tìm kiếm AI cũng đang đối mặt với các vụ kiện. News Corp và The New York Times đã đệ đơn kiện startup tìm kiếm AI Perplexity, cáo buộc hãng này vi phạm bản quyền “ở quy mô lớn”. The New York Times cũng đã kiện OpenAI vì cho rằng công ty đã sử dụng nội dung của họ để huấn luyện các mô hình ngôn ngữ lớn. Khi được hỏi về cách OpenAI dự định tránh những cáo buộc tương tự, ông Fry cho biết công ty hiện đang làm việc với các đối tác tin tức như công ty mẹ của The Verge, Vox Media…
“Chúng tôi đang làm việc rất chặt chẽ với tất cả các đối tác đó để hiểu rõ cách sử dụng nội dung một cách có trách nhiệm và giúp mang lại kết quả tốt nhất cho các đối tác nhà xuất bản”, Fry nói thêm rằng bất kỳ đơn vị xuất bản nào cũng có thể chọn không cho phép OpenAI sử dụng công cụ thu thập dữ liệu của mình. Công cụ này cũng sẽ không truy cập và lấy các nội dung trả phí từ các trang tin, ông cho biết.
Về vấn đề “AI bị ảo giác” (hallucinations) như khi AI Overview của Google khuyến nghị người dùng cho keo vào pizza — Fry tin rằng ChatGPT sẽ “cải thiện độ chính xác tổng thể”.
“Một số lỗi AI bị ảo giác do không có thông tin mới nhất. Giờ đây khi ChatGPT có thể truy cập thông tin mới nhất, điều này sẽ giúp nó đưa ra quyết định tốt hơn về đâu là câu trả lời đúng và chính xác”, Fry nói. Khi được hỏi về các trường hợp ngoại lệ và khả năng sai sót, ông cho biết “chúng tôi sẽ cố gắng minh bạch” nếu có sai lầm.
Theo Phương Quyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Tổng hợp