We Are Social: Cập nhật những số liệu đáng chú ý về xu hướng kỹ thuật số toàn cầu đến tháng 10/2024
Ngày 25/10, We Are Social và Meltwater phát hành báo cáo Digital 2024 October Statshot – phiên bản cập nhật hàng quý của báo cáo Digital 2024, mang đến những số liệu mới nhất về xu hướng truyền thông xã hội và kỹ thuật số trên toàn thế giới tính đến tháng 10/2024.
Số liệu đáng chú ý ở toàn cầu
Báo cáo cho thấy số lượng người dùng mạng xã hội toàn cầu đã đạt 5,22 tỷ người, tương đương với 63,8% tổng dân số toàn cầu. Tức là tăng thêm 256 triệu người, tương đương 5% so với năm trước. Ở Đông Nam Á, số lượng người dùng mạng xã hội cao hơn một chút so với mức trung bình toàn cầu, chiếm 64,3% tổng dân số trong khu vực. Singapore đứng thứ tư toàn cầu với 88,8% dân số sử dụng mạng xã hội.
Thời gian trung bình hàng ngày người dùng toàn cầu dành cho việc sử dụng mạng xã hội là 2 giờ 19 phút, với số lượng nền tảng trung bình mỗi tháng người dùng toàn cầu sử dụng là 6,8 nền tảng. Hầu hết người dùng mạng xã hội ở Đông Nam Á hoạt động tích cực hơn so với toàn cầu. Tại Philippines, thời gian trung bình hàng ngày người dùng dành cho mạng xã hội là 3 giờ 33 phút, trong khi số lượng nền tảng trung bình được sử dụng mỗi tháng là 8,2 nền tảng.
Tại Indonesia, mạng xã hội chiếm gần một nửa (44,3%) thời gian sử dụng internet của người dùng. Tỷ lệ người dùng tìm kiếm thương hiệu trên mạng xã hội tại quốc gia này là 63,9% - cao hơn rất nhiều so với toàn cầu (49,3%).
Trong số các nền tảng mạng xã hội, TikTok là một trong những nền tảng được người dùng Android toàn cầu sử dụng nhiều nhất, với 34 giờ 15 phút mỗi tháng - tương đương với hơn 1 giờ mỗi ngày. Đứng vị trí thứ hai là YouTube với 29 giờ 21 phút mỗi tháng.
Đối với người dùng tại Thái Lan, YouTube là một trong những nền tảng được ưa chuộng nhất, với 46 giờ 25 phút mỗi tháng trên thiết bị Android. Malaysia, Singapore, Việt Nam và Indonesia cũng đều vượt mức trung bình toàn cầu.
Instagram là nền tảng phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới với số phiên sử dụng ứng dụng mỗi tháng đạt 351,1 phiên. Tuy nhiên, con số này ở các quốc gia Đông Nam Á lại thấp hơn. Cụ thể, số phiên sử dụng ứng dụng mỗi tháng trung bình ở Việt Nam là 83,7 phiên và ở Philippines là 135,8 phiên. Dù vậy, đây lại là 2 quốc gia có lượng người dùng hoạt động tích cực nhất của Facebook. Ở Việt Nam, thời gian trung bình dành cho Facebook là 24 giờ 11 phút mỗi tháng và ở Philippines là 23 giờ 26 phút – so với 18 giờ 44 phút toàn cầu (chỉ tính trên thiết bị Android).
Khu vực này vẫn tiếp tục dẫn đầu về số lượng người dùng hoạt động tích cực nhất trên các ứng dụng nhắn tin. Philippines là nơi có lượng người dùng Messenger hoạt động tích cực nhất, với thời gian sử dụng trung bình là 15 giờ 31 phút và số phiên sử dụng là 768,9 phiên mỗi tháng trên Android. Người dùng Indonesia đứng thứ hai về WhatsApp, với hơn 26 giờ mỗi tháng, trung bình 1.374,3 phiên mỗi tháng. Singapore cũng có lượng người dùng Telegram hoạt động tích cực nhất toàn cầu, truy cập 258,6 phiên so với mức trung bình toàn cầu là 186,6 phiên (chỉ tính trên thiết bị Android).
Một số nội dung nổi bật khác từ báo cáo:
- Số người dùng internet toàn cầu đã tăng 151 triệu người (+2,8%) trong 12 tháng qua, thời gian trực tuyến trung bình mỗi ngày là 6 giờ 36 phút.
- Người dùng mạng xã hội tại Philippines có khả năng cao nhất toàn cầu trong việc theo dõi các influencer (44,6% so với mức trung bình toàn cầu là 21,6%).
- Singapore là một trong những thị trường hàng đầu của Reddit, dành gần 4 giờ mỗi tháng trên ứng dụng Android với trung bình 122 phiên.
- Game vẫn tiếp tục phổ biến trong khu vực Đông Nam Á, với Philippines, Indonesia, Việt Nam và Thái Lan nằm Top 4 toàn cầu về số người dùng internet chơi game.
- Ứng dụng ChatGPT nằm trong Top 20 ứng dụng không phải game có doanh thu cao nhất trên thế giới.
Số liệu đáng chú ý ở Việt Nam
Dân số Việt Nam đã đạt hơn 100 triệu người, trở thành quốc gia thứ 16 trên thế giới đạt dân số chín chữ số.
Hiện nay, cứ 5 người Việt Nam thì có 4 người (78,8% ) sử dụng internet, dù tỷ lệ không cao nhưng một khi người Việt Nam trực tuyến, họ sẽ nhanh chóng bắt kịp các đổi mới kỹ thuật số. Điển hình là việc Việt Nam là quốc gia đứng ở vị trí cao trong việc sử dụng trợ lý ảo, thực hiện cuộc gọi video và đầu tư vào tiền điện tử.
Người dùng internet Việt Nam cũng là một trong những người dùng mua sắm trực tuyến tích cực nhất, dữ liệu từ GWI cho thấy gần 6 trong 10 người dùng internet trưởng thành ở Việt Nam (59%) thực hiện ít nhất một giao dịch mua sắm trực tuyến mỗi tuần.
Tương tự, gần 3/4 người dùng internet trưởng thành của Việt Nam (74,1%) cho biết họ trả tiền cho một loại nội dung kỹ thuật số nào đó mỗi tháng. Điều này cũng dễ hiểu khi Việt Nam là một trong những quốc gia sở hữu lượng game thủ hoạt động tích cực nhất thế giới. Dữ liệu của GWI cho thấy tới 94% người dùng internet Việt Nam chơi video game, đứng thứ ba trong số 53 quốc gia được GWI khảo sát.
Tuy nhiên, người Việt Nam có xu hướng ít dành thời gian xem truyền hình, với thời gian trung bình chỉ 2 giờ 12 phút mỗi ngày, xếp thứ 53 theo dữ liệu của GWI. Thú vị là, khi người Việt Nam xem truyền hình, họ có xu hướng lựa chọn các dịch vụ streaming, với các nền tảng OTT và dành một nửa thời gian xem TV trên các nền tảng này.
Một số liệu đáng chú ý khác là người dùng internet Việt Nam có xu hướng sử dụng các dịch vụ sức khỏe và phúc lợi kỹ thuật số. Chẳng hạn, hơn 1/4 dân số sử dụng internet của Việt Nam trong độ tuổi 16 đến 64 cho biết, họ sử dụng dịch vụ sức khỏe hoặc thể dục kỹ thuật số mỗi tháng, trong khi 86,5% người trong nhóm này cho biết các nguồn tài nguyên trực tuyến là nguồn thông tin quan trọng khi lựa chọn phương pháp điều trị cho các vấn đề sức khỏe thông thường như đau đầu và cảm lạnh.
Cuối cùng, mạng xã hội vẫn là một điểm đến được cộng đồng trực tuyến của Việt Nam ưa chuộng, theo dữ liệu từ Kepios, Việt Nam đứng thứ 6 về tỷ lệ người dùng internet sử dụng ít nhất một nền tảng mạng xã hội mỗi tháng.
Xem báo cáo Digital 2024 October Statshot đầy đủ tại đây.
Theo Mai Trâm / Brands Vietnam
* Nguồn: We Are Social