[BSI Case Study] Mùa hè đầy nắng của chương trình “Anh trai say hi”
Từ lúc bắt đầu cho tới lúc dừng phát sóng, chương trình “Anh trai say hi” đã khẳng định được sự ảnh hưởng của mình trên mạng xã hội khi giữ vững vị trí Top1 trên BXH BSI Top10 Shows 4 tháng liền. Bên cạnh đó, các nghệ sĩ tham gia chương trình cũng bắt đầu bước ra ánh sáng, được đông đảo các bạn trẻ đón nhận.
“Anh trai say hi” đã tạo nên sức ảnh hưởng mạnh mẽ trên mạng xã hội như thế nào? Hãy cùng Buzzmetrics nhìn lại hành trình vừa qua của “Anh trai say hi” để hiểu thêm về cách chương trình “go viral” nhé.
* Đây là bài viết được cập nhật và bổ sung dựa trên bài phân tích “Anh trai say hi” vào tháng 8 của Buzzmetrics.
1. Diễn biến thảo luận mạng xã hội về chương trình “Anh trai say hi”
Có thể chia hành trình thảo luận của “Anh trai say hi” thành 4 giai đoạn, tương ứng với 4 tháng phát sóng.
- Tháng 6 – Giai đoạn khởi động: Chương trình mới phát sóng, lượng thảo luận vẫn chưa thực sự bứt phá. Bên cạnh đó, chương trình cũng vướng phải nhiều tranh cãi.
- Tháng 7 – Giai đoạn tăng tốc: Chương trình vượt mốc 1 triệu thảo luận với “Catch me if you can” là bài hát bản lề. Không chỉ đạt Top 1 Trending, “Catch me if you can” còn góp phần đẩy thảo luận cho chương trình.
- Tháng 8 – Giai đoạn đạt đỉnh: Lượng thảo luận đã lên gấp đôi và đạt đỉnh với số người thảo luận cũng tăng thêm 200 nghìn. Trong tháng này, chương trình có hàng loạt ca khúc lọt Top Trending của YouTube, có thể kể đến “Regret”, “Ngáo ngơ”, I’m thinking about you”, Kim phút kim giờ”...
- Tháng 9 – Giai đoạn duy trì: Lượng thảo luận được duy trì ở mức hơn 1,5 triệu, tập trung vào 2 sự kiện chính là đêm Chung kết và concert.
2. Hiệu ứng tích cực của “Anh trai say hi” trong việc tạo thảo luận của các nghệ sĩ
Một điểm đáng ghi nhận ở “Anh trai say hi” là việc giới thiệu nhiều nghệ sĩ trẻ đến với khán giả, đồng thời hâm nóng tên tuổi của những nghệ sĩ đã hoạt động lâu năm. Trong 4 tháng phát sóng, đã có tới 11 nghệ sĩ tham gia chương trình góp mặt vào BXH BSI Top10 Influencers. Trong đó, có tới 7 nghệ sĩ lần đầu góp mặt: Negav, Rhyder, Dương Domic, Quân AP, JSOL, Hùng Huỳnh, Pháp Kiều.
Theo ghi nhận của Buzzmetrics, các thảo luận có liên quan tới “Anh trai say hi” (thảo luận chứa từ khóa của chương trình hoặc thảo luận xuất hiện trên các kênh truyền thông của chương trình) chiếm ít nhất 20% thảo luận của nghệ sĩ. Con số cụ thể không dưới 100 nghìn thảo luận cho từng nghệ sĩ. Trên thực tế, sức ảnh hưởng của “Anh trai say hi” đối với các nghệ sĩ tham gia còn lớn hơn rất nhiều.
3. Đặc trưng thảo luận của chương trình “Anh trai say hi”
Nhân tố “trẻ” là thế mạnh của “Anh trai say hi”. “Trẻ” ở đây không chỉ nói đến những người nổi tiếng tham gia chương trình (với độ tuổi trung bình là 22 – người lớn tuổi nhất sinh năm 1988 còn người nhỏ tuổi nhất sinh năm 2003). “Trẻ” ở đây còn là tệp người dùng cũng như nền tảng thảo luận chủ lực của chương trình.
Để giúp bạn đọc hình dung rõ hơn, Buzzmetrics sẽ đối chiếu “Anh trai say hi” với 2 chương trình phổ biến khác là “Anh trai vượt ngàn chông gai” và “2 ngày 1 đêm”. Qua đó, bạn đọc sẽ nắm được đặc trưng của từng chương trình.
Trong 2 tháng cao điểm của “Anh trai say hi”, 46,7% người tham gia thảo luận nằm trong nhóm tuổi 18-24, biến Gen Z trở thành nhóm người dùng chủ lực của chương trình. Đối với “2 ngày 1 đêm” và “Anh trai vượt ngàn chông gai”, nhóm người dùng thảo luận nổi bật lại trong độ tuổi 25-34 (đa phần Gen Y). Đặc biệt hơn, “Anh trai vượt ngàn chông gai” còn đón nhận nhóm người thảo luận trong độ tuổi 35-44 (đa phần là Gen X). Với sức trẻ từ Gen Z, “Anh trai say hi” đã tạo ra một lượng thảo luận rất lớn trên khắp các nền tảng.
Xét về nền tảng, gần 2 triệu thảo luận về “Anh trai say hi” đến từ TikTok, nhiều hơn bất kỳ nền tảng nào khác (chiếm 46,6%). So với Facebook và YouTube, TikTok là một nền tảng trẻ trung hơn cùng với thuật toán “push content” khuyến khích tương tác từ người dùng. Nhiều đoạn nhạc Top Trending của chương trình cũng được ưa chuộng trên TikTok. Ngoài ra, thế mạnh của chương trình còn nằm ở các đoạn Uncut và BTS, tỏ ra vô cùng phù hợp với nền tảng thiên về short-form content như TikTok.
Đối với “Anh trai vượt ngàn chông gai” và “2 ngày 1 đêm”, Facebook mới là nền tảng chính (chiếm lần lượt 53,7% và 35,5%). Riêng “Anh trai vượt ngàn chông gai”, các bài viết thường là các bài phân tích chuyên sâu, các bài cảm nhận dài. Người dùng khi viết bài thường cho thấy sự đầu tư nghiên cứu về chương trình. Không chỉ vậy, chương trình cũng thường xuyên diễn ra những cuộc tranh luận vượt ra khỏi khuôn khổ âm nhạc, hướng đến các giá trị văn hóa, lịch sử.
4. Dấu ấn âm nhạc của “Anh trai say hi” trên mạng xã hội
Chỉ số tương tác trên YouTube của chương trình “Anh trai say hi” rất ổn định.
- Xét về lượt xem: Đa số các tập đều có từ 7 đến 8 triệu lượt xem, thậm chí có tới 3 tập đạt 12 triệu lượt xem, không quá thua kém so với tập đầu tiên.
- Xét về lượt bình luận: Dường như người dùng không quá “mặn mà” với những tập đầu tiên. Tuy nhiên, từ tập 4 trở đi, lượt bình luận tiệm cận 30 nghìn ở nhiều tập. Đặc biệt tập 8 có hơn 32 nghìn bình luận.
- Xét về lượt thích: Tăng dần đều qua các tập, đạt đỉnh ở tập cuối với hơn 200 nghìn lượt thích.
Nếu xét trên lượt xem của các bài hát thì có tới 12 bài hát đạt hơn 10 triệu lượt xem, trong đó “Ngáo ngơ” và “Hào quang” là 2 bài hát đầu tiên cán mốc hơn 20 triệu lượt xem. Điều này cho thấy dấu ấn âm nhạc trẻ trung, cực kỳ phù hợp với thị hiếu giới trẻ của chương trình.
* Nguồn: Buzzmetrics