So sánh xã hội và áp lực ngầm trong thời đại số
Ngày nay, chỉ với một chiếc smartphone, chúng ta có thể dễ dàng bước vào cuộc sống của người khác: Từ giờ giấc họ thức dậy, họ ăn gì, đến những chuyến đi xa hoa họ tận hưởng, hay họ sở hữu mức thu nhập ra sao. Thế giới mạng xã hội ngập tràn những điều tưởng chừng vô cùng hoàn mỹ ấy, từng chút tạo ra chuỗi áp lực ngầm rằng ta phải thành công, phải giỏi, và phải bằng ai đó. Vì thế không ít người, đặc biệt là Gen Z, phải gánh trên vai áp lực cạnh tranh với thước đo thành công dường như không hồi kết.
Áp lực vô hình và hiệu ứng con vịt
Khi xem những bức hình lung linh trên mạng, ta thấy bản thân như đang tham gia cuộc đua marathon với bộ “chuẩn mực” không do ta tạo ra. Từ điểm số xuất sắc, nhà đẹp xe sang đến vẻ ngoài sáng lạng – mạng xã hội đã biến những điều đó thành “phải có”, thay vì “có thể có”.
Điều này vô tình đẩy nhiều người vào hiệu ứng con vịt (The Duck Syndrome): Trôi nổi trên mặt nước có vẻ bình lặng, nhưng dưới chân lại chao đảo và vùng vẫy để giữ thăng bằng. Từ góc nhìn bên ngoài, ai cũng có vẻ điềm tĩnh và tự tin, nhưng sâu bên trong, có lẽ chúng ta đều đang âm thầm gồng mình chống lại áp lực từ sự so sánh và kỳ vọng.
Đôi khi, thấy người khác đạt được thành tựu, chúng ta tự hỏi: “Tại sao mình không như họ? Chẳng phải ai cũng có cơ hội như nhau sao?”. Dù thực tế, mỗi người đều có xuất phát điểm riêng, cho nên hành trình không thể giống nhau. Thế nhưng, ta vẫn hay vô thức ép mình theo đuổi tiêu chuẩn của người khác, chỉ để nhận lại sự mệt mỏi và đánh mất dần bản sắc cá nhân.
Như những chú vịt dưới làn nước tĩnh lặng, mỗi chúng ta đều âm thầm gồng mình giữa cơn sóng áp lực và kỳ vọng.
So sánh xã hội và sức ép từ những chuẩn mực ảo
Một người bạn của tôi từng chia sẻ, mỗi sáng, việc đầu tiên cô ấy làm là mở điện thoại để xem những bức ảnh của bạn bè – những chuyến du lịch xa xỉ, những bữa ăn thịnh soạn. Thay vì cảm thấy vui mừng, cô ấy lại áp lực và trăn trở “Mình đã làm gì sai để không có được cuộc sống đó?”. Thử hỏi, bao nhiêu người trong số chúng ta cũng thấy áp lực trước những hình ảnh tương tự? Dẫu biết đó chỉ là bề nổi, ta vẫn khó tránh khỏi cảm giác tự ti khi so sánh mình với sự hào nhoáng đầy sắp đặt trên mạng.
So sánh xã hội (Social Comparison) là một hiện tượng tâm lý phổ biến, khi con người ta dùng thành công của kẻ khác làm thước đo giá trị đối với bản thân. Nhà tâm lý học Leon Festinger cho rằng, sự so sánh có thể giúp ta hiểu mình, nhưng trong thời đại số, mạng xã hội lại biến điều này thành thứ tiêu chuẩn đầy áp lực. Nơi mà ở đó, hằng ngày hằng giờ nhiều người cảm thấy mình chưa bao giờ đủ tốt hay hạnh phúc đủ đầy.
Vòng xoáy so sánh cũng dễ dàng đưa giới trẻ rơi vào hội chứng kẻ mạo danh (Imposter Syndrome), khi các bạn cảm thấy mình không xứng đáng với thành tựu hiện tại, luôn lo sợ mình chưa đạt “chuẩn”. Hầu hết chúng ta đều vô thức quên rằng: những gì ta thấy ở người khác là những khoảnh khắc đã được chọn lọc kỹ càng, chứ không phải toàn bộ quá trình hay khó khăn họ đã trải qua.
Chúng ta vẫn hay vô thức ép mình phải đạt được những tiêu chuẩn ngầm từ người khác, để rồi gây tổn thương cho chính mình.
Điều gì xảy ra khi ta đặt mục tiêu dựa trên việc “phải như ai đó”?
Theo nghiên cứu từ trường Đại học Stanford, những ai đặt mục tiêu dựa trên mong muốn cá nhân thường đạt được thành công bền vững hơn so với những ai luôn so sánh với người khác. Khi mục tiêu chỉ nhằm “bằng ai đó” dễ dẫn đến:
- Gia tăng cảm giác căng thẳng, bất an: Việc ép mình phải bằng người khác khiến chúng ta bị đặt vào tình thế “chạy đua” với tốc độ thành công của họ, từ đó sinh ra tâm lý lo âu và áp lực tinh thần.
- Giảm động lực nội tại: Khi mục tiêu chỉ xoay quanh việc vượt qua người khác, động lực dần chuyển từ những giá trị cá nhân sang sự ganh đua, làm giảm đi sự hài lòng và kiên trì của chúng ta trong quá trình thực hiện mục tiêu.
- Rơi vào vòng xoáy kỳ vọng không ngừng: Vòng lặp áp lực được tạo ra khi ta cảm thấy không bao giờ “đủ”. Đặt ra một mục tiêu và hoàn thành nó không còn mang lại sự hài lòng, bởi ngay sau đó, ta lại thấy một đích đến mới đã được người khác chinh phục. Điều này khiến chúng ta phải thúc ép bản thân tiếp tục nỗ lực, nhưng không bao giờ thỏa mãn.
Ba cách để biến áp lực so sánh thành động lực tích cực
1. Thực hành so sánh tích cực
Thay vì dùng thành công của người khác làm thước đo thành tựu cá nhân, hãy xem đó là nguồn cảm hứng. Khi thấy ai đó đạt được điều đáng ngưỡng mộ, bạn hãy hỏi bản thân: “Họ đã làm thế nào?”. Cách tiếp cận này giúp bạn xem thành công là động lực, chứ không phải gánh nặng so sánh.
2. Tạo ra vòng tròn hỗ trợ
Ưu tiên kết nối với những người bạn có suy nghĩ và năng lượng tích cực là cách tốt nhất để duy trì động lực. Những người này sẽ ủng hộ từng cố gắng của bạn, giúp bạn nhìn thấy giá trị của chính mình. Nhờ vòng tròn hỗ trợ, bạn sẽ phát triển vì những lý do chân thực, không vì áp lực bên ngoài.
3. Ghi nhận nỗ lực cá nhân
Viết ra những gì bạn đạt được, bao gồm mục tiêu nhỏ nhất. Danh sách này giúp bạn thấy rõ hành trình riêng của bản thân, bớt cảm giác thiếu thốn khi so sánh với thành tựu của người khác, đồng thời nhận ra hạnh phúc không chỉ nằm ở đích đến, mà là ở quá trình.
★★★
Xin mượn lời Matty Mullins để kết lại: “Chỉ có một người bạn nên cố gắng hơn, chính là bạn của hôm qua”. Chúc bạn luôn vững bước trên hành trình trở thành phiên bản tốt nhất của mình!