Vào ngành Marketing #6: Đừng tự “co cụm” cơ hội nghề nghiệp
Trong mùa tuyển sinh năm nay, Marketing tiếp tục trở thành “vua điểm tuyển” tại nhiều trường đại học lớn. Những lo lắng về sự cạnh tranh cao của ngành bắt đầu xuất hiện trên nhiều diễn đàn, một số bạn chưa có cơ hội học đúng chuyên ngành thì bắt đầu suy nghĩ đến việc “tự tìm hiểu”. Thế nhưng liệu có nên học về ngành này bằng cách “tự tìm hiểu”? Có điều nào “tưởng vậy mà không phải vậy” thường bị hiểu sai về ngành?
Trong số thứ 6 của Vào ngành Marketing, cùng lắng nghe những chia sẻ của ThS. Trần Tấn Hoàng Hậu, Giảng viên chuyên ngành Marketing, Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học TP. HCM (HUFLIT).
Những năm gần đây, Marketing là ngành luôn thu hút sự quan tâm của các thí sinh trên cả nước. Năm nay, Marketing tiếp tục trở thành một trong những ngành có điểm chuẩn cao nhất tại nhiều trường đại học. Vậy sức hút của ngành Marketing đến từ đâu? Từ học Marketing đến làm Marketer: Sinh viên cần chuẩn bị gì? Hãy cùng Brands Vietnam tìm câu trả lời qua chia sẻ của các giảng viên đã có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy bằng series “Vào ngành Marketing”.
* Có một số ý kiến cho rằng, ngành Marketing đang ngày càng trở nên “khốc liệt” hơn về cơ hội việc làm vì nhiều bạn khi muốn chuyển ngành cũng sẽ nghĩ đến làm Marketing đầu tiên. Trong tương lai, cung có thể sẽ nhiều hơn cầu. Thầy nghĩ thế nào về “dự báo” này?
Hiện nay, Việt Nam có hơn 200 cơ sở giáo dục đại học và trong số đó nhiều trường đó có đào tạo ngành Marketing, bình quân một năm sẽ có khoảng vài chục ngàn sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Marketing.
Thế nhưng, cũng cần lưu ý thêm một điểm rằng, theo Trung tâm Dự báo Nhân lực và Thông tin Thị trường Lao động TP.HCM, đến năm 2025, ngành Marketing cần tới 21.600 lao động trở lên mỗi năm. Có thể thấy, nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành Marketing hiện nay vẫn là rất lớn.
Nhiều bạn có thể lo sợ nhu cầu bị bão hòa nên dễ thất nghiệp. Tuy nhiên, thầy vẫn thường trả lời với các bạn rằng đừng lo sợ chuyện này. Lấy ví dụ đơn giản, khoảng 2015-2017, chúng ta có cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư – dự kiến sẽ dùng robot để thay thế con người. Thực tế, mọi thứ vẫn do con người tạo ra, máy móc chỉ là công cụ hỗ trợ. Nhiệm vụ của chúng ta là phải liên tục cập nhật kiến thức để có thể tạo ra và điều khiển robot.
Hiện nay, nhiều bạn thấy xu hướng AI (trí thông minh nhân tạo) lên ngôi và rất sợ khi AI phát triển như thế thì khả năng thất nghiệp cũng sẽ tăng. Thực tế, trí tuệ nhân tạo được thực hiện vẫn do con người tạo ra. Nó phải được học từ con người, được con người “training”, vì vậy mà nghề “AI trainner” – những người đào tạo lại AI ra đời. Như vậy, rõ ràng không mất đi gì cả mà chỉ là sự chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác.
Bạn chỉ thất nghiệp khi tự co cụm lại và nghĩ Marketing là làm quảng cáo, giúp doanh nghiệp bán được hàng.
Một quán bán bún riêu bây giờ có thể thành một chuỗi bán bún riêu và có cả một bộ phận Marketing. Có thể thấy ngay cả những người bán truyền thống nhỏ lẻ ban đầu, họ cũng dần dần dịch chuyển sang bán theo những phương thức hiện đại hơn, lúc đó lại tiếp tục cần Marketing. Điều này có nghĩa rằng xu hướng thị trường càng ngày càng phát triển, nhu cầu về nguồn nhân lực của Marketing cũng sẽ tăng theo.
Một số người vẫn nghĩ Marketing là giúp cho kinh doanh để bán hàng, đó có thể là quan điểm lỗi thời, Marketing là giúp cho doanh nghiệp tiếp cận được khách hàng. Doanh nghiệp tiếp cận khách hàng không chỉ để bán hàng mà doanh nghiệp tiếp cận khách hàng còn để xây dựng mối quan hệ và nhiều mục tiêu khác. Bạn chỉ thất nghiệp khi tự co cụm lại và nghĩ Marketing là làm quảng cáo, giúp bán được hàng.
* Marketing không phải chỉ làm quảng cáo, giúp bán được hàng có phải là hiểu lầm “thường thấy” về ngành mà thầy muốn “đính chính”?
Quả thật, có những hiểu lầm lớn trên thị trường về vị trí gọi chung là “làm Marketing”. Chẳng hạn như khi nói đến CMO, đây không phải là vị trí làm mỗi công việc liên quan đến truyền thông tiếp thị. Một người CMO sẽ làm rất nhiều việc, bao gồm cả nghiên cứu sản phẩm (thị trường), đề xuất sản phẩm vì họ là người hiểu được khách hàng nên họ phải nắm rất vững sản phẩm. Và vì hiểu khách hàng nên họ biết được khách hàng mong muốn cái gì với chi phí bao nhiêu để định ra được những chính sách giá phù hợp.
Ngoài ra, họ còn phải biết được khách hàng muốn mua hàng ở đâu để đưa ra chính sách phân phối, bán hàng phù hợp và những kênh truyền thông, quảng cáo tương ứng. Chúng ta sẽ có những vị trí như product marketing (tiếp thị về sản phẩm), price strategy (chiến lược về giá cả), distribution strategy (chiến lược phân phối) hay communication strategy (chiến lược truyền thông).
Nhiều bạn thấy các content creator hay travel blogger đi đây đó, vừa đi vừa xây dựng content lại vừa kiếm được tiền nên cũng mơ ước có thể giống như vậy và nghĩ rằng Marketing là như thế. Nhưng thật ra, đó chỉ là một phần rất nhỏ. Marketing còn là câu chuyện của sản phẩm, giá cả, phân phối, xúc tiến bán hàng, khuyến mãi, truyền thông… Đừng nghĩ Marketing chỉ là làm quảng cáo.
Trong một tổ chức doanh nghiệp, Marketing giống như mạch máu của doanh nghiệp. Nhiều bộ phận tưởng như không liên quan đến Marketing nhưng thật ra vẫn rất cần Marketing. Chẳng hạn như bộ phận nhân sự, không chỉ dừng lại ở những bài tuyển dụng thô sơ như lúc trước, người làm nhân sự vẫn cần Marketing để thu hút nhân tài về cho công ty.
Đó là lý do tại sao thầy vẫn khuyến cáo các bạn trẻ nên tham gia một chương trình đào tạo về Marketing để hiểu tường tận về ngành. Sau này, khi bạn có mong muốn khởi nghiệp, bạn cũng hiểu rằng Marketing có vai trò thế nào trong một tổ chức doanh nghiệp.
* Hai năm trở lại đây, một số trường đại học bắt đầu bổ sung ngành Thương mại Điện tử vào chương trình đào tạo. Thầy có thể chia sẻ thêm về cơ hội nghề nghiệp cũng như xu hướng phát triển của lĩnh vực này?
Thực tế, thương mại điện tử (TMĐT) đã xuất hiện trong các trường đại học từ khá lâu, chỉ có điều chưa phải chuyên ngành mà là một bộ môn. TMĐT là một trong những nền tảng có sự bứt phá ngoạn mục sau dịch COVID-19, mang đến những thay đổi lớn cho nền kinh tế ở việt nam nói riêng và thế giới nói chung.
Có thể nói, cột mốc năm 2021 là cột mốc làm TMĐT phải trở mình, các nền tảng bán hàng online cực kì phát triển. Gần như hiện nay hơn 90% doanh nghiệp đều có sự chuyển dịch, từ việc chỉ có mô hình kinh doanh truyền thống đến bổ sung mô hình kinh doanh TMĐT.
Từ năm 2023, HUFLIT đã có thêm ngành Thương mại Điện tử trong chương trình đào tạo. Cần hiểu rằng, việc mở chuyên ngành đào tạo xuất phát từ nhu cầu thị trường. Bởi thực chất, trường đại học đang cũng chỉ đào tạo nhân lực phục vụ cho các doanh nghiệp, cho sự phát triển của xã hội.
Nhu cầu về nguồn nhân lực cho ngành TMĐT hiện nay là rất lớn. Tuy nhiên, cũng cần phân định rõ hai mảng lớn trong ngành: thứ nhất là thuộc về công nghệ – những doanh nghiệp thương mại điện tử toàn cầu như Amazon, Shopee (công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam); thứ hai thuộc về nền tảng, tức là những ngành có ứng dụng thương mại điện tử.
Chẳng hạn như với nhóm ngành bán lẻ, đây là nhóm ngành rất cần các vị trí về TMĐT. Những vị trí cần trong một giao dịch thương mại truyền thống như mua hàng, bán hàng, tài chính, kế toán thì hiện nay đều cần cho một giao dịch TMĐT. Ví dụ như bộ phận content, khi nghe đến content, nhiều bạn sẽ nghĩ đến những người tạo nội dung trên Facebook, TikTok… nhưng không phải như vậy. Vị trí content trong TMĐT là những content liên quan đến sản phẩm. Cùng là sản phẩm đó, người làm vị trí này có thể viết ra hàng trăm bài khác nhau để đăng trên các nền tảng khác nhau.
Hiện tại khi mua một sản phẩm nào đó, có thể bạn sẽ muốn lên các sàn TMĐT để mua hàng, nhưng hạn chế của online là chúng ta không được cầm, nắm, trải nghiệm thực tế. Một số người vì vậy chọn ra cửa hàng trải nghiệm, dẫn đến xu hướng “showrooming”, nghĩa là mọi người tới cửa hàng xem rồi về đặt online. Vì vậy, các thương hiệu hiện nay bắt buộc phải có động thái mang đến những giá trị gia tăng cho khách hàng như chính sách chăm sóc khách hàng, bảo hành, vận chuyển…
* Thầy có nhắc đến việc “nên tham gia một chương trình đào tạo về Marketing”, phải chăng thầy không khuyến khích việc tự tìm hiểu khi mới tiếp cận với ngành?
Thầy khuyên các bạn học qua chương trình đào tạo đại học về chuyên ngành Marketing chính là để hiểu Marketing rộng như thế nào và có những yêu cầu nào, tránh ngộ nhận về ngành. Việc học có thể sẽ mất của các bạn khoảng 3.5 năm nhưng bạn sẽ có khung nền kiến thức vững chắc và tiết kiệm được chi phí cho chuyện liên tục “thử và sai”.
Nhiều bạn vì muốn tiếp cận nhanh nhất nên tự nghiên cứu mà quên mất rằng hiện nay, thông tin quá nhiều, rất khó để có thể xác định đâu là thông tin đúng. Đi học là để biết được đâu là những thông tin chính xác, khi tự tìm hiểu, thông tin sẽ bị loãng, rất nguy hiểm. Thầy khuyến cáo các bạn không nên tự tìm hiểu vì dễ sai, mà sai thì sẽ phải trả giá.
Với một số bạn trẻ có thể vì lý do nào đó nên không thể tham gia chương trình đại học, vẫn có thể tiếp cận Marketing ở nhiều bậc khác như các chương trình cao đẳng hoặc trung cấp. Với những bạn đã có một bằng cử nhân, nếu muốn chuyển ngành, có thời gian và điều kiện thì hãy cân nhắc học văn bằng 2 hoặc chương trình sau đại học.
Trong trường hợp vẫn không có điều kiện để học, các bạn cũng có thể tìm hiểu các khóa học bên ngoài, những chứng chỉ đào tạo ngắn hạn nhưng phải thật cẩn thận vì không phải khóa nào cũng chất lượng. Hiện nay có thực trạng nhiều người không có chuyên môn vững nhưng vẫn tự phong mình là chuyên gia rồi mở lớp để dạy. Nếu học những khóa như vậy, bạn sẽ không thể học cái đúng mà chỉ tiếp tục học thêm những điều có thể không phù hợp.
* Ngoài việc không nên tự tìm hiểu khi chưa có kiến thức nền vững chắc, có điều gì đó khác thường bị “bỏ quên” về ngành thầy muốn nhắn gửi đến các bạn trẻ?
Hoạt động Marketing xuất hiện hằng ngày trong cuộc sống của chúng ta, vì vậy hãy quan sát chứ đừng chỉ nghĩ về những thứ cao siêu.
Có thể học về ngành không chỉ từ những thứ cao siêu. Lấy một ví dụ nhỏ, thầy vẫn hay hỏi các bạn sinh viên cô bán trái cây gọt sẵn ngoài cổng trường có đang làm Marketing hay không? Bây giờ hãy cùng thử phân tích. Thứ nhất, cô sẽ lựa những trái cây ngon, gọt, cắt rồi trưng bày lên tủ kính. Bạn nhìn vào tủ kính và thấy những trái dưa hấu trông rất đỏ, những trái xoài, trái đu đủ vàng ươm. Không dừng lại ở đó, cô có thêm một thau muối thật to, đỏ rực, ngon mắt. Bạn đi ra khỏi cửa trường đại học, nhìn thấy xe trái cây, bạn thèm và muốn mua.
Nếu bạn chú ý, đó có thể là một trong những chuyên gia Marketing dù không đi học về Marketing. Có thể nói, hoạt động Marketing xuất hiện hằng ngày trong cuộc sống của chúng ta. Những người buôn bán hàng rong cũng là những người đang làm Marketing, hãy quan sát họ, đừng chỉ nghĩ về những thứ cao siêu.
Một điều mà thầy luôn khuyến cáo cơ bản đầu tiên với các bạn sinh viên là tiếng Anh. Khi có tiếng Anh, các bạn sẽ dễ dàng cập nhật những thông tin mới nhất, xu hướng mới nhất để làm nghề, tiếp cận với các tài liệu quốc tế…
Cuối cùng, nhiều bạn cho rằng phải thật năng động sáng tạo mới có thể làm Marketing. Thầy không phủ nhận năng động và sáng tạo là hai yếu tố quan trọng để dấn thân vào ngành. Tuy nhiên, hai yếu tố này cũng có thể rèn luyện trong quá trình học thuật. Chỉ có đam mê là không thể rèn luyện, vì vậy, đam mê mới là yếu tố tiên quyết đầu tiên.
* Cảm ơn thầy vì những chia sẻ rất thú vị!
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.
Phố Hương / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam