Xu hướng du lịch tự túc lên ngôi – Sự chuyển biến mới của ngành “công nghiệp không khói”
Trong bối cảnh ngành du lịch toàn cầu không ngừng thay đổi, du lịch tự túc đang nổi lên như một xu hướng mạnh mẽ, phản ánh sự chuyển biến trong hành vi của người tiêu dùng hiện đại. Thay vì phụ thuộc vào các gói tour truyền thống, ngày càng nhiều du khách tìm kiếm trải nghiệm cá nhân hóa, linh hoạt và hoàn toàn tự do lựa chọn lịch trình của riêng mình.
Sự phát triển của công nghệ đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xu hướng này, với hàng loạt ứng dụng di động, nền tảng đặt phòng trực tuyến và các công cụ hỗ trợ thông tin du lịch thời gian thực, giúp du khách dễ dàng tự lập kế hoạch và quản lý chuyến đi. Khái niệm “tự do – tự lo” không chỉ đem đến sự chủ động mà còn mở ra không gian để khám phá theo cách riêng, đáp ứng tối đa nhu cầu và sở thích cá nhân của mỗi người.
1. Những con số ấn tượng của “du lịch tự túc”
Du lịch tự túc không còn là khái niệm xa lạ đối với du khách phương Tây, nhưng tại các quốc gia Châu Á, đặc biệt là Việt Nam, xu hướng này chỉ mới thật sự bùng nổ kể từ năm 2016. Với cơn cuồng phong của công nghệ và sự phát triển không ngừng của các nền tảng du lịch trực tuyến (OTA), xu hướng du lịch “tự do – tự lo” này đang có những bước tiến mạnh mẽ, dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới.
Một trong những dấu ấn đáng chú ý là sự thay đổi trong mục đích du lịch, đặc biệt là với giới trẻ. Theo báo cáo của Booking.com và Milieu Insight, ngày nay, du khách không chỉ tìm kiếm các chuyến tham quan hoặc nghỉ dưỡng đơn thuần mà còn khao khát những trải nghiệm mang tính cá nhân hóa, từ “du lịch có cuộc sống lành mạnh hơn” (35%) đến những khái niệm mới mẻ nôm na như “du lịch học tập” (20%) hoặc thậm chí là “du lịch chỉ để ăn” (15%). Điều này giải thích cho sự gia tăng đột biến trong nhu cầu du lịch tự túc, với từ khóa “du lịch tự túc” tăng 131% từ năm 2016 đến năm 2019 trên Google.
Ngoài ra, trên các nền tảng du lịch như Klook, thuật ngữ “du lịch tự túc” đã tăng trưởng nhanh chóng, chiếm tới 11% thị trường vào năm 2019, cho thấy nhu cầu ngày càng lớn của người dùng về các chuyến đi tự tổ chức. Còn khía cạnh mạng xã hội, hashtag #backpackingtravel đã liên kết với hơn 15 triệu bài đăng trên Instagram, một con số ấn tượng cho thấy sức hút của du lịch tự túc trong cộng đồng du lịch toàn cầu, trong đó hơn 222.000 đến từ châu Á.
Theo một khảo sát của Outbox hồi tháng 8/2024, không mấy bất ngờ khi khách hàng từ 45-54 tuổi dẫn đầu xu hướng lựa chọn hình thức du lịch tự túc bằng việc tự đặt các gói dịch vụ combo và dịch vụ trải nghiệm/tham quan tại điểm đến với tỷ lệ booking travel với tỷ lên 45,2%.
Tuy nhiên, du lịch tự túc còn gây ngạc nhiên khi có sự tham gia ngày càng đông đảo của nhóm khách hàng từ 55-65 tuổi với 22,2%. Điều này chứng tỏ rằng du lịch tự túc không chỉ là xu hướng của giới trẻ mà còn thu hút sự quan tâm của mọi lứa tuổi, khi ai cũng mong muốn trải nghiệm sự tự do và khám phá thế giới theo cách riêng của mình.
2. Vì sao xu hướng này ngày càng được ưa chuộng?
Có nhiều lý do giải thích cho sự hấp dẫn của du lịch tự túc, từ sự linh hoạt, khả năng tự chủ, đến tính tiện lợi và cá nhân hóa. Khác với những chuyến du lịch truyền thống, nơi lịch trình thường được cố định và phụ thuộc vào kế hoạch của người khác, du khách đi du lịch tự túc hoàn toàn tự do quyết định mọi thứ. Họ có thể tự do lựa chọn điểm đến, phương thức di chuyển, ẩm thực, chỗ ở và các hoạt động theo ý thích, từ đó trải nghiệm chuyến đi theo cách độc đáo và cá nhân nhất. Trong đó, 26% số người chọn đi du lịch một mình vì họ chỉ muốn khám phá những địa điểm mới.
Hơn nữa, với sự tự do trong tốc độ di chuyển và các lựa chọn dừng chân, du khách có thể tận hưởng những trải nghiệm phong phú, từ ẩm thực địa phương đến các hình thức nghỉ ngơi độc đáo, qua đó tạo nên những kỷ niệm đẹp và khó quên. Chính sự chủ động trong việc lên kế hoạch và thực hiện hành trình giúp người du lịch tự túc không chỉ giải tỏa căng thẳng, mà còn phát triển sự tự tin khi tự mình vượt qua các thử thách. Việc khám phá những địa điểm mới mẻ, không theo một khuôn mẫu sẵn có, góp phần thúc đẩy sự lạc quan, cảm giác thành tựu và khuyến khích họ mở rộng giới hạn bản thân.
Theo báo cáo chi tiết từ Solo Travel World, một phân khúc đáng chú ý trong cộng đồng du lịch độc hành chính là những cá nhân sở hữu trình độ học vấn cao. Số liệu thống kê năm 2018 của trang web này đã chỉ ra một bức tranh rõ nét: 50% số người đăng ký các hành trình khám phá một mình đã hoàn thành chương trình cao đẳng hoặc đại học. Con số thậm chí còn ấn tượng hơn khi 35% trong số họ sở hữu những tấm bằng danh giá như MBA hay Tiến sĩ.
Không chỉ dừng lại ở đó, những du khách độc hành này còn là những người có kinh nghiệm du lịch dày dạn. Trung bình mỗi năm, họ thực hiện khoảng ba chuyến đi, điều này cho thấy một sự đam mê khám phá và trải nghiệm văn hóa vô cùng mãnh liệt. Việc thường xuyên di chuyển một mình đã trang bị cho họ những kỹ năng sống độc lập, khả năng thích nghi nhanh chóng và một tâm hồn luôn rộng mở với những điều mới lạ.
3. Sự thay đổi trong hành vi của khách du lịch trong cuộc cách mạng số
Công nghệ chắc chắn đã trở thành chất xúc tác quan trọng cho sự phổ biến ngày càng tăng của du lịch tự túc. Minh chứng bằng việc thông qua một khảo sát của Outbox (đáp viên có thể chọn nhiều câu trả lời cho một câu hỏi).
Phân bố độ tuổi tiếp cận các kênh truyền thông, theo đó đa phần người tiêu dùng sẽ tiếp cận hiệu quả hơn thông qua kênh Video (YouTube, TikTok...) với tỷ lệ lần lượt là 20,7% ở nhóm 18-24, 52,9% ở nhóm 25-34 và 20,7% ở nhóm 35-44.
Trước đây, hầu hết du khách thường phụ thuộc vào các công ty du lịch hoặc hướng dẫn viên để lên kế hoạch và tổ chức chuyến đi. Tuy nhiên, với sự ra đời của các nền tảng trực tuyến và ứng dụng di động như Google Maps, Tripadvisor, Booking.com, và Airbnb, khách du lịch ngày nay có thể tự mình tìm kiếm thông tin, so sánh giá cả, đặt vé máy bay, khách sạn, và thậm chí cả tour tham quan chỉ bằng vài thao tác đơn giản trên điện thoại.
Theo một nghiên cứu của Statista, trong năm 2023, khoảng 83% khách du lịch toàn cầu đã sử dụng các nền tảng trực tuyến để đặt chỗ ở và 61% du khách đã tự lập kế hoạch chuyến đi của mình mà không cần sự hỗ trợ từ các công ty du lịch.
Các nền tảng OTA đã thay đổi mạnh mẽ hành vi du lịch tự túc của khách du lịch, mang lại nhiều lợi ích vượt trội so với du lịch truyền thống:
- Một trong những tác động lớn nhất của OTA là khả năng dễ dàng tra cứu và so sánh các lựa chọn về khách sạn, vé máy bay, dịch vụ cho thuê xe và các gói tour tham quan.
- OTA cung cấp thông tin chi tiết về các dịch vụ, bao gồm đánh giá từ những khách hàng trước, hình ảnh thực tế, và thông tin về tiện nghi.
- Các OTA thường cung cấp nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá, và gói dịch vụ kết hợp giúp du khách tự túc tiết kiệm chi phí.
- Với các OTA, việc quản lý đặt chỗ, hủy dịch vụ, hoặc thay đổi kế hoạch du lịch trở nên dễ dàng hơn. Khách du lịch có thể kiểm tra và điều chỉnh các chi tiết chỉ bằng vài cú nhấp chuột thông qua các ứng dụng hoặc trang web OTA, thay vì phải liên hệ trực tiếp với nhiều nhà cung cấp khác nhau.
- OTA khuyến khích xu hướng du lịch cá nhân hoặc theo nhóm nhỏ, thay vì phụ thuộc vào các tour du lịch truyền thống với số lượng lớn người tham gia.
Theo các chuyên gia về dự đoán thị trường du lịch trong bối cảnh AI ngày càng phát triển mạnh mẽ. Sự ra đời của các mô hình ngôn ngữ lớn như GPT-4 và Bard của Google đang mang lại những cơ hội to lớn cho hiệu quả kinh doanh và giao tiếp với khách hàng. API và tiện ích có sẵn cho mọi người, do đó việc áp dụng không hề bị cản trở. Xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển và trở nên bình thường hơn, do đó chúng ta chắc chắn sẽ thấy nhiều công ty khởi nghiệp AI xuất hiện trong công nghệ du lịch.
4. Lối đi nào cho các doanh nghiệp du lịch truyền thống trong thời đại số?
Trong thời đại công nghệ số phát triển như một cơn sóng thần, việc thay đổi để thích nghi là một phần tất yếu, trong đó bao gồm cả du lịch. Một báo cáo đáng chú ý về sự phổ biến của du lịch tự túc là thông tin từ Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO). Theo dữ liệu mới nhất, du lịch quốc tế đang phục hồi và đang tiến gần đến 84% mức trước đại dịch. Kéo theo đó là hành vi tiêu dùng của du khách thay đổi đáng kể.
Theo khảo sát gần đây của Outbox thì có đến gần 70% du khách lựa chọn tự lên kế hoạch chuyến đi (36%) cho mình hoặc chọn sử dụng một phần dịch vụ tại điểm đến (34,8%) thay vì lựa chọn cả một gói tour.
Vậy các doanh nghiệp du lịch cần làm gì để nắm bắt được hành vi tiêu dùng trên?
Tối ưu hóa trải nghiệm cá nhân
Nhu cầu đặc thù của thị trường du lịch tự túc đòi hỏi các doanh nghiệp lữ hành phải tập trung vào phân khúc này phải phát triển các sản phẩm du lịch chuyên biệt và cá nhân hóa cao. Tối ưu hóa trải nghiệm văn hóa địa phương là một yếu tố trọng tâm mà khách du lịch cá nhân luôn tìm kiếm.
Theo báo cáo của Booking.com, có đến 58% du khách toàn cầu bày tỏ mong muốn các trải nghiệm du lịch của họ sẽ được kết nối sâu sắc hơn với văn hóa địa phương, bao gồm việc tham gia vào các hoạt động cộng đồng và trải nghiệm đời sống địa phương. Một khảo sát của Outbox đã đưa ra Top 5 địa điểm trong nước và nước ngoài được du khách ưa chuộng nhất cho những chuyến đi tự túc của mình.
Để đáp ứng nhu cầu này, các doanh nghiệp lữ hành và các đơn vị cung cấp dịch vụ địa phương có thể đổi mới sản phẩm du lịch bằng cách lồng ghép yếu tố tương tác và kết nối giữa du khách và cộng đồng bản địa trong mỗi chuyến đi. Chẳng hạn, các mô hình homestay và farmstay ngày càng được ưa chuộng, đặc biệt là khi chúng mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền. Theo một nghiên cứu của Statista, doanh thu từ homestay và farmstay dự kiến sẽ đạt 21,6 tỷ USD vào năm 2024, cho thấy tiềm năng lớn của các mô hình lưu trú sáng tạo và độc đáo này.
Các tour du lịch hay gói dịch vụ nên được thiết kế sao cho có thể tùy chỉnh, để khách hàng có thể lựa chọn các yếu tố phù hợp với sở thích cá nhân, từ địa điểm đến loại hình hoạt động. Việc cung cấp các lựa chọn về chỗ ở, phương tiện di chuyển, hay thậm chí là các trải nghiệm độc đáo (ẩm thực, văn hóa địa phương) sẽ làm tăng cảm giác cá nhân hóa. Đặc biệt, sau mỗi chuyến đi, việc thu thập phản hồi từ khách hàng và điều chỉnh các dịch vụ dựa trên các góp ý này sẽ giúp cải thiện chất lượng cá nhân hóa cho các chuyến đi trong tương lai.
Bên cạnh đó, trên môi trường kỹ thuật số, để gia tăng thêm hiệu quả của trải nghiệm cá nhân hóa, các doanh nghiệp du lịch có thể sử dụng dữ liệu từ hành vi truy cập trang web, lịch sử đặt dịch vụ, phản hồi từ khách hàng để hiểu rõ hơn về sở thích và nhu cầu của họ.
Thứ hai là tạo ra các chiến dịch email marketing được cá nhân hóa với nội dung phù hợp với từng khách hàng. Chẳng hạn, nếu khách hàng đã từng tham gia một tour du lịch biển, doanh nghiệp có thể gửi cho họ những ưu đãi liên quan đến các tour tương tự hoặc gợi ý về các địa điểm biển khác mà họ có thể quan tâm.
Cuối cùng, khách hàng có thể tương tác với doanh nghiệp qua đa kênh (omnichannel) như website, mạng xã hội, ứng dụng di động, email hoặc trực tiếp. Đảm bảo mọi kênh đều được cá nhân hóa và đồng bộ hóa, giúp khách hàng có trải nghiệm liền mạch dù họ sử dụng bất kỳ nền tảng nào.
Ứng dụng di động cho du lịch thông minh
Ứng dụng du lịch thông minh trên điện thoại di động đã trở thành một trong những giải pháp hiệu quả nhất cho quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch. Theo báo cáo của Statista, đến năm 2023, có hơn 80% khách du lịch toàn cầu sử dụng các ứng dụng di động để lên kế hoạch và đặt dịch vụ cho chuyến đi của họ.
Điều này đặc biệt phù hợp với nhu cầu của khách hàng hiện đại, những người yêu cầu sự tiện lợi, nhanh chóng và tự chủ trong việc lập kế hoạch du lịch. Ngoài ra, các ứng dụng còn hỗ trợ cá nhân hóa trải nghiệm, với khả năng gợi ý dịch vụ dựa trên sở thích và thói quen du lịch của người dùng. Nghiên cứu của Travelport cho thấy 70% khách du lịch toàn cầu cảm thấy thoải mái hơn khi sử dụng ứng dụng để quản lý chuyến đi so với các phương thức truyền thống.
Để phát triển các ứng dụng di động du lịch thông minh hiệu quả, đặc biệt dành cho khách du lịch tự túc, các doanh nghiệp cần tập trung vào việc cung cấp những tính năng và trải nghiệm hỗ trợ trực tiếp vào quá trình lên kế hoạch và khám phá của người dùng:
- Tùy chỉnh hành trình: Cho phép người dùng tạo và tùy chỉnh lịch trình chuyến đi của họ dựa trên nhu cầu cá nhân. Ứng dụng nên có tính năng lưu trữ hành trình và cập nhật khi có thay đổi (ví dụ: thay đổi thời gian mở cửa địa điểm, thời tiết).
- Bản đồ ngoại tuyến: Nhiều khách du lịch tự túc cần bản đồ chi tiết khi họ không có kết nối internet. Ứng dụng nên cung cấp bản đồ có thể tải về trước và sử dụng ngoại tuyến, giúp họ dễ dàng di chuyển mà không lo lắng về dữ liệu di động.
- Dịch thuật tức thời: Ứng dụng nên có tính năng dịch ngôn ngữ, đặc biệt với các ngôn ngữ hiếm. Chức năng dịch văn bản và giọng nói có thể rất hữu ích khi khách du lịch cần giao tiếp với người dân địa phương hoặc đọc các chỉ dẫn, biển hiệu.
- Cảnh báo an ninh: Cung cấp các cảnh báo về an ninh, ví dụ như những khu vực không an toàn hoặc sự cố an ninh xảy ra gần vị trí của người dùng.
Thực tế ảo trong du lịch
Quảng bá doanh nghiệp là một hoạt động thiết yếu để nâng cao sức ảnh hưởng của thương hiệu và tạo ấn tượng mạnh mẽ với khách hàng. Công nghệ thực tế ảo (VR) đã trở thành một công cụ quảng bá mạnh mẽ mà nhiều doanh nghiệp trong ngành đang áp dụng. Theo báo cáo của Research and Markets, thị trường VR toàn cầu trong du lịch dự kiến sẽ đạt 304 tỷ USD vào năm 2025, với mức tăng trưởng hàng năm (CAGR) 15%.
Bằng cách sử dụng VR, các khách sạn và khu nghỉ dưỡng có thể cung cấp cho khách hàng trải nghiệm tham quan ảo sống động, giúp họ dễ dàng hình dung không gian trước khi đặt chỗ. Điều này không chỉ tạo ra sự khác biệt về dịch vụ mà còn tăng khả năng chuyển đổi khách hàng lên đến 20-30%.
Việc ứng dụng thực tế ảo (VR) trong du lịch có thể giúp các doanh nghiệp tiếp cận hiệu quả đối tượng khách du lịch tự túc, mang đến trải nghiệm chân thực và hấp dẫn trước khi họ thực sự trải nghiệm chuyến đi. Doanh nghiệp du lịch có thể cung cấp các video tham quan 360 độ về các điểm đến nổi tiếng, khách sạn, và các hoạt động du lịch. Khách du lịch tự túc có thể sử dụng VR để khám phá trước các địa điểm họ dự định đến, giúp họ hình dung rõ hơn về trải nghiệm thực tế. Ngoài ra, VR cũng giúp khách du lịch tự túc thử trước các điểm đến, nhà hàng, hoặc khách sạn để có quyết định chính xác hơn, giúp họ tự tin trong việc đặt dịch vụ và lên kế hoạch.
Internet vạn vật (IoT)
Nhờ sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, số lượng thiết bị có khả năng kết nối Internet ngày càng tăng mạnh, với hơn 75 tỷ thiết bị IoT dự kiến sẽ được sử dụng trên toàn cầu vào năm 2025, theo báo cáo của Statista. Trong lĩnh vực du lịch, xu hướng số hóa này đang được các doanh nghiệp tận dụng để hiểu rõ hơn về hành vi và nhu cầu của khách hàng, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ và mang lại trải nghiệm vượt trội.
Bằng cách ứng dụng Internet vạn vật (IoT), các doanh nghiệp du lịch có thể thu thập và phân tích dữ liệu về thói quen và sở thích của khách hàng, chẳng hạn như các hoạt động yêu thích, thời gian lưu trú, và loại dịch vụ thường sử dụng. Theo một nghiên cứu của MarketsandMarkets, thị trường IoT trong ngành du lịch và khách sạn dự kiến sẽ đạt 12,17 tỷ USD vào năm 2026, với mức tăng trưởng hàng năm (CAGR) 13,5%.
Ứng dụng IoT có thể giúp khách du lịch tự túc check-in/check-out nhanh chóng mà không cần qua lễ tân. Họ có thể nhận thông tin phòng, mở khóa cửa bằng điện thoại di động hoặc thiết bị thông minh. Dựa trên dữ liệu từ các thiết bị IoT như điện thoại di động, đồng hồ thông minh và các thiết bị đeo tay khác, doanh nghiệp du lịch có thể cung cấp gợi ý tự động về điểm đến, nhà hàng, hoặc các hoạt động du lịch dựa trên vị trí hiện tại và sở thích của khách du lịch tự túc. Ví dụ: một khách du lịch đang khám phá một thành phố mới có thể nhận gợi ý về nhà hàng gần nhất phù hợp với khẩu vị của họ.
Trong bối cảnh ngành công nghiệp du lịch toàn cầu đang không ngừng phát triển, xu hướng du lịch tự túc đã trở thành một làn sóng mạnh mẽ, phản ánh sự thay đổi lớn trong thói quen và kỳ vọng của du khách hiện đại. Với sự hỗ trợ đắc lực từ công nghệ, từ các nền tảng OTA đến ứng dụng thông minh, du khách ngày càng ưu tiên sự linh hoạt, tự do và cá nhân hóa trong mỗi chuyến đi. Sự lên ngôi của du lịch tự túc không chỉ thúc đẩy ngành " công nghiệp không khói" đổi mới mô hình kinh doanh mà còn tạo ra nhiều cơ hội và thách thức mới cho các doanh nghiệp dịch vụ, buộc họ phải thích ứng nhanh chóng để duy trì sự cạnh tranh.
Tài liệu tham khảo
1. Statista
2. Brands Vietnam
3. Outbox
4. Visit Ukraine (2023), Independent travel: 6 trends revolutionizing the modern world of travel
5. altexsoft (2023), Travel Technology Providers Landscape
6. Viindo (2022), What is digital transformation in tourism? 7 optimal transformation solutions