Điều gì xảy ra nếu Gen Z viết kịch bản Social Media cho thương hiệu?
Một video của Mandai Wildlife Reserve (khu bảo tồn động vật hoang dã nằm ở Mandai, Singapore) đăng tải trên mạng xã hội đã nhận về lượt tương tác khủng khi sử dụng khá nhiều “tiếng lóng” của Gen Z để quảng bá cho “ngôi nhà chung” của nhiều loài động vật này.
Bài viết được lược dịch từ quan điểm của tác giả Camillia Dass trong bài “Why you totally should let your Gen Zs write your brand's marketing scripts” đăng trên Marketing Interactive.
Bạn cần Gen Z, nếu bạn muốn làm nội dung cho Gen Z
Mandai Wildlife Reserve cho biết: “Chúng tôi đã để thực tập sinh Gen Z viết kịch bản marketing”. Video giới thiệu Suresh và Joseph, hai nhân sự của khu bảo tồn thuộc thế hệ Millennial với gương mặt không thể miễn cưỡng hơn khi phải đọc một kịch bản với toàn “ngôn ngữ Gen Z” nhằm giới thiệu các địa điểm khác nhau trong công viên.
“Chào các bestie, POV: bạn đang ở River Wonders”.
“Mấy chú lợn biển của chúng tôi đang ăn sạch sành sanh và không để lại một mảnh vụn nào”.
Đôi bạn này sau đó tiếp tục nói về việc có nhiều loài động vật trong khu bảo tồn trông rất hiền lành và từ tốn, nhưng một số khác lại “rất hết mình”, cụ thể là… ngủ hết mình.
Video này đã nhận được phản hồi tích cực đáng kinh ngạc với nhiều bình luận cho rằng các biên kịch đứng sau nên được tăng lương. Nhiều người cũng để lại lời nhắn họ muốn đến thăm công viên chỉ vì video này.
Thực tế, việc để nhân viên và thực tập sinh Gen Z viết kịch bản marketing cho các video của thương hiệu đang trở thành một xu hướng phát triển trên mạng xã hội. Điều này cũng đã được nhiều thương hiệu áp dụng như Design Orchard, Royal Armories Museum, JBL Singapore, HM Beauty...
Theo một số chuyên gia, xu hướng này là một cách thú vị để những thương hiệu có tuổi cũng có thể tham gia TikTok. Ban đầu, họ có thể xuất hiện với hình ảnh hơi “cringe” (ngượng ngùng) khi cố gắng sử dụng tiếng lóng hoặc bắt chước xu hướng của giới trẻ. Nhưng nếu họ tiếp tục kiên trì và tận dụng sự ngượng ngùng này một cách khéo léo, nó sẽ dần trở nên hài hước và thông minh, giúp thương hiệu hòa nhập với những người dùng trẻ và tạo nên một sự thu hút độc đáo.
“Xu hướng này phù hợp với các thương hiệu nhỏ, ít được biết đến, vì các thương hiệu lớn và có tiếng tăm có thể sẽ nhận về nhiều bình luận chỉ trích”, Sunny Johar, Giám đốc Điều hành và Trưởng Chiến lược số tại KRDS giải thích.
“Các tài khoản mạng xã hội của những điểm đến nếu biết cách sử dụng xu hướng này để quảng bá một cách vui nhộn, thường nhận được sự tương tác tích cực hơn so với những tổ chức sử dụng xu hướng này để bán sản phẩm”, cô nói thêm.
Cô cũng nhấn mạnh rằng đối với các doanh nghiệp nhỏ được điều hành hoặc quản lý bởi đội ngũ nhân viên lớn tuổi, đây có thể là một cơ hội tuyệt vời để nâng cao độ nhận diện và xây dựng thương hiệu.
Bên cạnh đó, Johar cho rằng sức mạnh thực sự của xu hướng này nằm ở những cá nhân được chọn để thực hiện xu hướng đó. “Mặc dù xu hướng này ban đầu được dẫn dắt bởi các chủ doanh nghiệp nhỏ và đã lớn tuổi, những người thực sự không phù hợp với tiếng lóng của Gen Z, nhưng ngày nay có nhiều phiên bản của xu hướng này có sự xuất hiện của các cá nhân trẻ hơn nhiều, đó là những nhà sáng tạo trên TikTok và thậm chí cả các thương hiệu lớn – điều này có thể sẽ không thể mang lại hiệu ứng tương tự”, cô nhận định.
Kimberley Olsen, đồng sáng lập của công ty sáng tạo kỹ thuật số Yatta Workshop, bổ sung rằng các thương hiệu chỉ nên tham gia xu hướng này nếu họ sẵn sàng chấp nhận một phong cách cởi mở hơn, hài hước hơn và không cố gắng giữ vững hình ảnh trang trọng quen thuộc của mình.
“Tôi đã xem phiên bản của Mandai Wildlife Reserve và phải nói rằng nó rất thành công. Tuy nhiên, nếu bạn là một ngân hàng hay công ty bảo hiểm với hình ảnh nghiêm túc, chuyên nghiệp, có lẽ tốt hơn là không nên tham gia, đặc biệt nếu cách tiếp cận hay giọng điệu này vốn dĩ không nằm trong kế hoạch của bạn. Những thuật ngữ tài chính khô khan có thể thực sự giết chết không khí hài hước mà xu hướng này hướng tới”, cô nói.
Cách “ăn không để lại vụn” và vẫn theo kịp xu hướng
Theo Kimberley Olsen, nguyên tắc đầu tiên là đừng để khán giả phải… cười gượng. “Nếu bạn sử dụng tiếng lóng của Gen Z, hãy đảm bảo rằng nó không nghe giống như bạn đang đọc ra từ sách giáo khoa hay yêu cầu Chat GPT liệt kê danh sách các từ lóng của Gen Z và ý nghĩa của chúng, sau đó cố gắng gượng ép tạo ra nội dung chỉ để bắt kịp xu hướng”, cô chia sẻ.
Cô bổ sung rằng điểm thu hút chính của xu hướng này đến từ sự trớ trêu khi những nhân viên lớn tuổi hoặc các nhân vật đời thường buộc phải nói lên thông điệp bằng cách sử dụng tiếng lóng của Gen Z với những gương mặt không cảm xúc, tạo nên một không khí chán chường nhưng cũng đầy hài hước.
Kristian Olsen, nhà sáng lập và Giám đốc Điều hành của Type A, đồng ý rằng hiện nay có quá nhiều thương hiệu tập trung vào việc chạy theo xu hướng mà quên mất tầm quan trọng của nội dung riêng. “Đừng nhảy vào xu hướng chỉ vì nó đang thịnh hành, vì chúng ta đều thấy rõ sự thất bại khi bạn cố gượng ép”, ông cho biết. Ông bổ sung: “Bạn muốn là người hiểu trò đùa – chứ không phải là trò đùa của mọi người”.
Kristian Olsen tiếp tục chia sẻ rằng những thương hiệu sẵn sàng chấp nhận một phong cách không quá nghiêm túc và có phần khác biệt sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng này. “Tôi cũng nghĩ rằng xu hướng này có thể hiệu quả với những thương hiệu ‘cứng nhắc’ hơn, nếu họ không ngại thay đổi một chút”, ông nói.
Ông nhấn mạnh rằng điều này có thể tạo ra sự tương tác sâu sắc hơn cho các thương hiệu, cũng như giúp họ thu hút sự chú ý từ nhóm khán giả trẻ. “Nó có thể phá vỡ phần nào bức tường nghiêm túc, khiến các thương hiệu vốn bị cho là khô khan trở nên gần gũi, thân thiện và ít đáng sợ hơn”, ông cho biết.
Theo Phố Hương / Brands Vietnam
* Nguồn: Marketing-Interactive