Marketer Phố Hương
Phố Hương

Content Executive @ Brands Vietnam

Women’s Forum Barometer: Những bất bình đẳng phụ nữ đang phải đối diện ở nơi làm việc

MSL Châu Á – Thái Bình Dương đã công bố ấn bản mới nhất của báo cáo Women’s Forum Barometer, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Báo cáo tổng hợp những nghiên cứu mới nhất, dữ liệu chi tiết và phản hồi từ công dân của 10 quốc gia, đặc biệt là ở Úc, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ấn bản đã làm nổi bật thực trạng phức tạp và những định kiến kéo dài về phụ nữ trong môi trường làm việc hiện nay, đồng thời so sánh ý kiến của người dân từ các nước G7 với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương .

* G7 là một liên minh gồm 7 nước có nền công nghiệp tiên tiến: Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada và Italy.

Trao quyền cho phụ nữ cần bao gồm việc thay đổi nhận thức

Báo cáo chỉ ra sự khác biệt rõ rệt trong nhận thức và trải nghiệm giữa phụ nữ tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APAC) và các quốc gia G7:

  • Khoảng 49% người được khảo sát tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đồng tình với định kiến cho rằng có sự chênh lệch về năng khiếu tự nhiên giữa nam và nữ, với quan điểm rằng nam giới vượt trội trong các môn khoa học trong khi nữ giới giỏi hơn về các môn văn chương.
  • Người được hỏi tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có xu hướng đồng ý mạnh mẽ hơn so với các quốc gia G7 rằng phụ nữ “không thể có tất cả, nếu họ muốn làm mẹ tốt, họ phải chấp nhận hy sinh một phần sự nghiệp” (60% so với 48% tại G7).
  • Đáng báo động, gần một nửa số phụ nữ tham gia khảo sát đã phải nghỉ việc ít nhất một tháng để thực hiện trách nhiệm chăm sóc gia đình, trong khi tình trạng này ít phổ biến hơn ở nam giới (47% ở nữ so với 28% ở nam).

Phụ nữ “không thể có tất cả, nếu họ muốn làm mẹ tốt, họ phải chấp nhận hy sinh một phần sự nghiệp”.

Nguồn: The Women’s Forum Barometer

Gần một nửa số phụ nữ tham gia khảo sát đã phải nghỉ việc ít nhất một tháng để thực hiện trách nhiệm chăm sóc gia đình.

Nguồn: The Women’s Forum Barometer

Margaret Key, Giám đốc điều hành MSL Châu Á – Thái Bình Dương cho rằng phụ nữ Châu Á đang đối mặt với những thách thức lớn và khác biệt so với những gì phụ nữ ở các nước G7 trải qua. “Việc giải quyết những bất bình đẳng này đòi hỏi một nỗ lực chung để thay đổi nhận thức suy nghĩ và tái định hình các chính sách giới, đồng thời thách thức và thay đổi những chuẩn mực văn hóa lỗi thời. Bằng cách đó, chúng ta có thể mở ra con đường hướng tới một tương lai công bằng hơn cho phụ nữ trên toàn khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”, bà nói.

Trong khi đó, theo bà Nannette Lafond Dufour, Giám đốc Tác động tại Publicis Groupe, báo cáo đã nêu bật sự chênh lệch giữa nhận thức và thực tế mà phụ nữ trong môi trường làm việc phải đối mặt. Bà cho biết thêm: “Điều quan trọng là phải hiểu rằng việc trao quyền cho phụ nữ không chỉ dừng lại ở việc tạo ra cơ hội, mà còn bao gồm việc thay đổi nhận thức và thách thức những thực tế mà họ phải đối mặt hàng ngày”.

Một số vấn đề nổi bật được nêu ra trong báo cáo

Thứ nhất, phụ nữ được cho là cần vun vén cuộc sống hơn là tập trung vào sự nghiệp. Những định kiến về giới vẫn còn tồn tại, đặc biệt trong lực lượng lao động. 70% số người được khảo sát tin rằng “Phụ nữ khó có được sự nghiệp thành công hơn so với nam giới vì họ phải chấp nhận hy sinh một phần cho cuộc sống gia đình”. Tuy nhiên, chỉ có 38% số người được hỏi đồng ý rằng phụ nữ thường cảm thấy hạnh phúc hơn khi làm mẹ so với khi theo đuổi sự nghiệp.

70% số người được khảo sát tin rằng “Phụ nữ khó có được sự nghiệp thành công hơn so với nam giới vì họ phải chấp nhận hy sinh một phần cho cuộc sống gia đình”.
Nguồn: Pexels

Thứ hai là sự bất bình đẳng trong cơ hội việc làm. Chênh lệch giới tính trong thị trường lao động vẫn là một vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt tại các quốc gia Châu Á, nơi phụ nữ phải đối mặt với nhiều bất bình đẳng về lương và cơ hội việc làm. Theo kết quả khảo sát , phụ nữ tại 4 quốc gia Châu Á có mức độ chênh lệch tiền lương theo giới tính lớn hơn đáng kể: 20,9% so với 12% tại các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động thấp hơn, chỉ đạt 56,9% so với 71,5% ở nam giới. Ngoài ra, tỷ lệ phụ nữ làm việc bán thời gian cao hơn, chiếm 32,9% so với 13,5% ở nam giới. Dù có trình độ bằng hoặc cao hơn, phụ nữ thường nhận lương thấp hơn so với nam giới.

Bản thân những người phụ nữ cũng nhận thức rõ về sự bất bình đẳng mà họ đang phải đối diện trong sự nghiệp.
Nguồn: Pexels

Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra sự thiếu hụt các nhân sự nữ trong các ngành công nghiệp so với lĩnh vực dịch vụ. Phụ nữ thiếu đại diện trong các ngành công nghiệp như năng lượng, vận tải hoặc công nghệ, nhưng lại vượt trội so với nam giới (trung bình hơn 30%) trong các ngành nghề liên quan đến dịch vụ.

Thứ ba, bản thân những người phụ nữ cũng nhận thức rõ về sự bất bình đẳng mà họ đang phải đối diện trong sự nghiệp, đặc biệt là ở thu nhập và khả năng thăng tiến. Cụ thể, cứ 3 phụ nữ thì có 1 người nhận ra rằng họ được trả lương thấp hơn đồng nghiệp nam có cùng năng lực; cứ 3 phụ nữ thì có 1 người nhận thấy một đồng nghiệp nam được thăng chức hoặc chọn thăng chức dù cô ấy có năng lực cao hơn.

Thứ tư là bất bình đẳng ẩn sau những công việc không lương. Trên toàn cầu, phụ nữ đóng góp phần lớn trong những công việc không lương. Nếu không có cách khắc phục, khoảng cách giới trong công việc không lương sẽ tiếp diễn cho đến năm 2228.

Những bất bình đẳng này và gánh nặng công việc không lương dẫn đến việc phụ nữ phải tạm dừng sự nghiệp, gây ra những hậu quả tiêu cực nghiêm trọng đối với sự nghiệp và an ninh tài chính của họ. 47% phụ nữ được khảo sát đã nghỉ việc từ một tháng trở lên để chăm sóc người thân; 42% phải nghỉ việc trong một năm hoặc hơn vì lý do tương tự. So với nam giới, tỷ lệ này lần lượt chỉ là 28% và 22%.

Tại Liên minh Châu Âu, phụ nữ trên 65 tuổi có chênh lệch thu nhập lương hưu 37,2% so với nam giới. Tại các quốc gia OECD, tỷ lệ nghèo ở người cao tuổi là 15,7% đối với phụ nữ, và 10,3% ở nam giới.

Thứ năm, tỷ lệ nữ giới ở các vị trí chủ chốt. Úc dẫn đầu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương về tỷ lệ nữ giới giữ các vị trí quản lý với 39,7%, so với các quốc gia khác dưới 20%. Tuy nhiên, nhìn chung, tỷ lệ nữ giới giữ các vị trí quản lý ở khu vực APAC vẫn đang thấp hơn mức trung bình 33% phụ nữ nắm giữ vị trí quản lý tại các quốc gia thuộc OECD, cho thấy một thách thức lớn đối với các quốc gia APAC.

Úc dẫn đầu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương về tỷ lệ nữ giới giữ các vị trí quản lý với 39,7%, so với các quốc gia khác dưới 20%.

Nguồn: The Women’s Forum Barometer

Những giải pháp được đưa ra

Nhằm chống lại những bất bình đẳng này, một số hành động cụ thể đã được thử nghiệm và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ:

  • Giáo dục và STEM: 82% người tham gia khảo sát ủng hộ việc đưa vào số lượng ngang bằng các hình mẫu nam và nữ trong sách giáo khoa STEM; 79% đồng ý với việc đưa chương trình đào tạo bắt buộc về định kiến giới vô thức vào chương trình học.
  • Môi trường công việc và kinh doanh: 74% người được hỏi ủng hộ việc công khai tên và công ty có chênh lệch lương giữa nam và nữ có cùng trình độ; 76% ủng hộ việc yêu cầu các công ty công bố chỉ số (thang điểm 100) thể hiện mức chênh lệch lương.
  • Gia đình: 84% số người được khảo sát ủng hộ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em và người già chất lượng với chi phí phải chăng; 74% đồng tình với việc dành một phần nghỉ phép dành riêng cho các ông bố và không được chuyển nhượng sang cho các bà mẹ.

Nhìn chung, các định kiến về phụ nữ trong môi trường làm việc phổ biến hơn ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương so với các quốc gia G7. Mặc dù đã có những nỗ lực đáng kể nhằm thu hẹp khoảng cách giới và giảm bớt gánh nặng công việc không lương cho phụ nữ, thực tế, vẫn còn nhiều việc phải làm. Một tín hiệu đáng mừng là dù có sự phân hóa trong lực lượng lao động, vẫn có sự ủng hộ ngày càng gia tăng từ cả hai giới, các ngành công nghiệp và chính phủ, báo hiệu một cam kết chung nhằm thúc đẩy những thay đổi cần thiết.

Theo Phố Hương / Brands Vietnam
* Nguồn: MSL