Thực trạng lạm dụng tiếng Anh trong Marketing và Branding

Thực trạng lạm dụng tiếng Anh trong Marketing và Branding

Lạm dụng tiếng Anh là vấn đề xuất hiện trong nhiều lĩnh vực đời sống, và Marketing hay Branding cũng không phải ngoại lệ.

Tiếng Anh sơ khai nhất bắt nguồn từ một nhóm cư dân ở khu vực Đảo Anh – cách thủ đô London ngày nay khoảng 260 dặm. Được ghi nhận từ thời sơ kỳ trung cổ, bộ tộc đã có công xây dựng và phát triển tiếng Anh hiện đại là tộc người Angles (lý do vì sao sau này ta thường nghe nói đùa về người Ăng-lê, tiếng Ăng-lê ở Việt Nam).

Dưới tác động của định hướng chủ nghĩa đế quốc nhằm xây dựng, củng cố quyền lực của nước Anh khắp thế giới, tiếng Anh bắt đầu phổ biến trên phạm vi toàn cầu từ khoảng thế kỷ thứ 17. Không cần sự công nhận hay tuyên bố công khai từ một tổ chức độc lập nào cả, tiếng Anh âm thầm đi sâu vào đời sống cũng như nhiều lĩnh vực chính trị, giáo dục, văn hoá… ở nhiều quốc gia khác nhau.

Chỉ tính đến năm 2005, tiếng Anh đã được sử dụng bởi hơn 2 tỷ người tại gần 60 quốc gia và vùng lãnh thổ – nghĩa là gần 1/3 dân số thế giới được ghi nhận tại thời điểm đó.

Tuy nhiên việc bị ảnh hưởng, đồng hoá các giá trị hay bản sắc dân tộc do chủ nghĩa đế quốc và xu hướng tự đồng hoá, cho phép con người hoặc một tổ chức khác kiểm soát các giá trị của bản thân là hai phạm trù trái ngược nhau.

Đây cũng là chủ đề Vũ muốn phân tích, gửi đến tất cả các bạn qua bài chia sẻ lần này: Thực trạng lạm dụng tiếng Anh trong Marketing và Branding. Bài viết có những nội dung chính như sau:

  • Vì sao chủ nghĩa đế quốc giúp tiếng Anh phổ biến trên toàn cầu?
  • Những cường quốc nào “quyết tâm” tách mình khỏi tiếng Anh?
  • Ranh giới giữa sử dụng và lạm dụng tiếng Anh trong đời sống thường ngày.

Ngay bây giờ sẽ là nội dung chi tiết, hy vọng các bạn đều sẽ theo dõi và thấu cảm một cách trọn vẹn nhất, để cùng Vũ đưa ra những ý kiến hay quan điểm cá nhân về chủ đề này.

Chủ nghĩa đế quốc và xu hướng lạm dụng tiếng Anh

Ngoài từ “Ăng-lê” vốn đã được Việt hoá thì chúng ta vẫn thường nghe một khái niệm phổ biến khác: “Ănglo Saxon” (từ gốc là Anglo-Saxon England). Khái niệm này xuất phát từ nguồn gốc lịch sử có ghi chép lại rằng: Tổ tiên của người Anh là một dân tộc phía Tây Đức với hai nhóm chủ đạo là tộc người Angles và tộc người Saxon.

Họ là một nhánh của dân tộc Đức thường được biết đến với tên gọi German – một chủng người Ấn-Âu sinh sống chủ yếu ở khu vực phía Bắc, bên ngoài thành La Mã cổ đại chứ không phải nước Đức ngày nay. Từ thời kỳ đồ đồng, họ bắt đầu những cuộc di cư và chinh phạt xuống miền Nam Châu Âu – kéo dài đến khoảng năm 200 TCN.

Có thể chia tiếng Anh làm bốn giai đoạn gồm tiếng Anh cổ đại, tiếng Anh trung đại, tiếng Anh cận đại và sau cùng là tiếng Anh hiện đại. Khi người Anglo-Saxon bắt đầu di cư đến Đảo Anh vào khoảng thế kỷ thứ 5, đã mở ra giai đoạn tiếng Anh cổ đại vốn được phát triển từ tiếng mẹ đẻ của họ.

Tiếng Anh được tiếp tục củng cố từ thế kỷ thứ 8, thế kỷ thứ 9 cho đến đầu thế kỷ thứ 11 thì xảy ra cuộc xâm lược với hàng ngàn binh lính từ Norman, Flemish, Breton và Pháp. Được chỉ huy bởi Công tước xứ Norman là Ngài William – người đánh bại Vua Harold II để gần như kiểm soát toàn bộ nước Anh vào năm 1071.

Cảnh tái hiện cuộc sống của người Anglo-Saxon.

Cảnh tái hiện cuộc sống của người Anglo-Saxon.
Nguồn: History Things

Đây là giai đoạn tiếng Anh trung đại khi nó được pha trộn, bổ sung thêm khoảng 30% tiếng Pháp và tiếng Latin cổ điển. Quá trình thay đổi về mặt từ vựng và nguyên âm này diễn ra đến đầu thế kỷ thứ 15, thời điểm bước vào giai đoạn tiếng Anh cận đại khi công nghệ in ấn của người Anh bước sang một chương mới – cho phép chuyển đổi mực in thành hàng loạt các bản sao.

Nhờ vậy, các tác phẩm văn học Anh (dĩ nhiên là viết bằng tiếng Anh) bắt đầu được lan truyền, quảng bá đến rộng khắp các quốc gia lân cận – nổi bật nhất phải kể đến những tác phẩm của đại văn hào William Shakespeare. Dấu ấn lịch sử quan trọng này cũng chính là sự chuẩn bị cho giai đoạn tiếng Anh hiện đại, xuất phát từ chủ nghĩa đế quốc và tham vọng khuếch trương quyền lực ở trên toàn thế giới.

Sức mạnh của chủ nghĩa đế quốc

Có câu nói rất nổi tiếng là “mặt trời không bao giờ lặn ở nước Anh”. Nhiều người cho rằng câu nói này đến từ hiện tượng ngày dài hơn đêm trong một số thời điểm, cũng như tại một vài địa điểm cụ thể ở Vương Quốc Anh. Tuy nhiên, hiện tượng ngày dài hơn đêm còn xảy ra ở nhiều quốc gia châu Âu khác, chẳng hạn như Paris của Pháp, Helsinki của Phần Lan hay Stockholm của Thuỵ Điển.

“Mặt trời không bao giờ lặn ở nước Anh” là hàm ý một thời kỳ hoàng kim, hưng thịnh của chủ nghĩa đế quốc mà nước Anh phủ sóng trên phạm vi rộng lớn. Bắt đầu từ cuối thế kỷ thứ 16 và đến khoảng giữa thế kỷ 20 thì mới kết thúc.

Luôn có mặt trời mọc ở một vùng đất thuộc Anh.

Luôn có mặt trời mọc ở một vùng đất thuộc Anh.
Nguồn: Times of India

Trong những năm đỉnh cao nhất, có lúc thuộc địa của Anh đã trải dài trên diện tích hơn 33 triệu km² – chiếm gần 1/4 diện tích Trái Đất, tạo dựng đế chế cai trị hơn 450 triệu người và nắm giữ vị trí quốc gia quyền lực nhất thế giới trong hơn một thế kỷ. Thực tế là xuyên suốt giai đoạn đó, luôn có “mặt trời mọc” ở ít nhất một vùng đất thuộc Anh.

Khoảng nửa cuối thế kỷ 20 trở về sau, nói đến phong trào thuộc địa và chủ nghĩa đế quốc (hoặc chống đế quốc theo quan điểm của một số nhà lập luận chính trị) thì mọi người thường nghĩ đến nước Mỹ – nổi bật với những cuộc chiến tranh ở Iraq hay Việt Nam.

Nhưng suốt nhiều trăm năm trước đó thì chính nước Mỹ cũng là thuộc địa của Anh, thậm chí còn là một “cơ sở quan trọng” giúp người Anh phát triển kinh tế và mở rộng bờ cõi của mình. Đây là nguồn gốc ra đời của khái niệm “13 thuộc địa” chúng ta thường nghe thấy, được thành lập vào thế kỷ 17 và 18 ở dọc khu vực Đại Tây Dương thuộc Bắc Mỹ.

Thời kỳ đầu 13 thuộc địa này có toàn quyền tự do trong bầu cử và kiểm soát kinh tế. Chính quyền trung ương cũng được quyền quản lý tài sản của mình dù không thể phủ nhận sự thật, là mục đích sau cùng cũng vì lợi ích kinh tế của chính nước Anh.

Đến đầu thế kỷ 18, nhiều thương nhân ở Bắc Mỹ nhận ra rằng khu vực này có giàu giá trị kinh tế, nguồn lợi to lớn về tài nguyên và hiện sở hữu ngành công nghiệp đóng tàu vượt xa phần còn lại của thế giới. Điều đó thúc đẩy họ tham gia sâu hơn vào công tác thương mại hoá ở khu vực ven Đại Tây Dương.

Lịch sử thuộc địa không khiến người Mỹ lạm dụng tiếng Anh.

Lịch sử thuộc địa không khiến người Mỹ lạm dụng tiếng Anh.
Nguồn: ThoughtCo

Để đối phó với những khoản nợ khổng lồ sau chiến tranh Pháp Ấn, người Anh quyết định tăng thuế và áp đặt một số đạo luật kinh tế ở khu vực Bắc Mỹ. Họ cũng hạn chế việc người dân của 13 thuộc địa di chuyển về phía tây để thành lập đồn điền, trang trại mới. Đồng thời đàn áp luôn những cuộc biểu tình, phản đối việc áp đặt các đạo luật vô lý liên quan đến thuế.

Đỉnh điểm là năm 1774, khi nước Anh thông qua một đạo luật mới làm hạn chế tối đa các chính quyền tự trị của thuộc địa. Trong đó các tướng lĩnh người Anh được quyền chỉ đạo, sắp xếp chỗ ở cho binh lính ngay trong nhà của người dân tại 13 thuộc địa – bất kể là những người chủ nhà có đồng ý hay không. Người dân ở 13 thuộc địa giờ đây giống như bị dồn vào thế chân tường.

Mùa xuân năm 1775, hầu hết các thành viên Hoàng Gia đã bị trục xuất khỏi Bắc Mỹ, trước khi Quốc hội cho phép tổ chức hội nghị đại biểu nhằm thành lập quân đội, bầu George Washington làm chỉ huy cuộc kháng chiến chống lại người Anh.

13 thuộc địa cũng đồng thời ban hành các Hiệp ước mới, soạn tuyên bố cho nền chủ quyền độc lập, chủ động in tiền để chuẩn bị cho lịch sử đất nước sắp bước sang chương mới. Tháng 7/1776, họ chính thức giành thắng lợi và tuyên bố nền độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ – chấm dứt 169 năm ròng rã nằm dưới ách kìm kẹp, thống trị của người Anh.

Giờ nước Mỹ độc lập về chính trị, kinh tế, văn hoá và cả ngôn ngữ.

Giờ nước Mỹ độc lập về chính trị, kinh tế, văn hoá và cả ngôn ngữ.
Nguồn: WBUR

Người Mỹ có “lạm dụng tiếng Anh” không?

Nhiều người cho rằng khi Mỹ trải qua quá trình bị kìm hãm, thống trị bởi nước Anh thì cách sử dụng ngôn ngữ của người Mỹ cũng bị tác động mạnh mẽ bởi tiếng Anh – tương tự những gì xảy ra khi người Úc sử dụng hoàn toàn tiếng Anh trong đời sống, hay người Việt Nam vẫn còn thói quen sử dụng tiếng Hán Việt ở một số lĩnh vực cụ thể.

Thực tế lại cho thấy người Mỹ không hề lạm dụng tiếng Anh trong cuộc sống của họ, nếu không muốn nói là người Mỹ luôn cố làm mới và tách mình khỏi tiếng Anh nhiều nhất có thể. Trên hành trình đó, người Mỹ cũng đồng thời được công nhận là đã góp phần củng cố, phát triển và lan toả việc sử dụng tiếng Anh phổ biến ở trên toàn thế giới.

Tất nhiên, việc góp phần củng cố và phát triển một ngôn ngữ thì khác rất xa việc tự đồng hoá bản thân, mượn danh nghĩa “quốc tế hoá” để biện minh cho thói quen lạm dụng tiếng Anh hoặc bất cứ ngoại ngữ nào khác.

Không thể phủ nhận rằng nước Mỹ đã bỏ lại quá khứ với người Anh từ rất lâu, để vươn lên trở thành cường quốc số một thế giới cả về khí tài, quân sự lẫn kinh tế và các hoạt động chính trị. Dĩ nhiên, rất khó để phần lớn người dân Mỹ chấp nhận việc sử dụng ngôn từ, văn phong hoặc lời nói với chất giọng Anh Quốc đặc sệt trong cuộc sống thường ngày.

Nước Mỹ và người Mỹ luôn cố gắng làm mới rồi củng cố tiếng Anh trong nhiều thập kỷ qua, thậm chí tạo ra một hệ thống các từ vựng mới với mục đích bổ trợ, thay thế cho hàng loạt từ vựng tiếng Anh đậm chất truyền thống.

Người Mỹ không lạm dụng tiếng Anh trong mọi lĩnh vực.

Người Mỹ không lạm dụng tiếng Anh trong mọi lĩnh vực.
Nguồn: Lingoda

Có thể kể đến một số ví dụ như “football” thường được gọi là “soccer” trong tiếng Mỹ, “petrol” (xăng) thường được gọi là “gasoline”, “cooker” (bếp lò) thường được gọi là “stove”…

Tất nhiên ngoài mục đích thay đổi cách đọc hay cách viết đơn thuần, văn hoá và phong cách của người Mỹ cũng tác động đến quá trình họ làm mới rồi củng cố tiếng Anh. Phần lớn từ vựng mới trong tiếng Mỹ nghe có vẻ bắt tai hơn, mỹ miều hơn dù là bạn đang đọc, đang nói hay là viết ra giấy.

Chẳng hạn như từ gốc “căn hộ” (tiếng Anh gọi là flat) có thể mang đến cảm nhận tiêu cực về một căn phòng chật chội, thiếu tiện nghi và không kèm theo những tiện ích phục vụ đời sống. Trong khi đó, “căn hộ” trong tiếng Mỹ là apartment lại mang đến cảm giác sang trọng, hoàn mỹ hơn cả về thiết kế lẫn tính tiện nghi. Sau này giới bất động sản cũng sử dụng chung từ “apartment” khi nói đến các dự án căn hộ cao cấp và sang trọng.

Sự lịch thiệp, tế nhị và mỹ miều của tiếng Mỹ cũng là yếu tố để nhiều người đang sử dụng tiếng Anh trong đời sống hằng ngày, chấp nhận việc du nhập không ít từ vựng và văn phong tiếng Mỹ vào hệ thống ngôn ngữ nước mình – tất nhiên trong số đó có rất nhiều người Anh.

Tiếng Mỹ tạo ra nhiều từ vựng mới trong lĩnh vực Marketing và Branding.

Tiếng Mỹ tạo ra nhiều từ vựng mới trong lĩnh vực Marketing và Branding.
Nguồn: House Beautiful

Giống như nhận định của Hephzibah Anderson – nữ phóng viên đang làm việc cho BBC: “Người Anh chúng ta xuất khẩu tiếng Anh rồi nhập khẩu trở lại với một số biến thể hoàn mỹ hơn. Có thể nói rằng ở một phạm trù nào đó, chúng ta vừa thống trị nước khác nhưng đồng thời bị nước khác thống trị ngược lại”.

Theo thống kê của Spoken British National vào năm 2014, “awesome” vốn là một từ thân thuộc ở trong ngôn ngữ và văn hoá Mỹ, nhưng được người Anh lặp lại trung bình 72 lần trên 1 triệu từ họ nói hoặc viết ra – một tỉ lệ đáng kinh ngạc. Trong khi đó, nhà văn người Anh nổi tiếng Matthew Engel đã dự đoán như sau: “Tôi cảm thấy mình sắp không còn được nói và sử dụng tiếng Anh nguyên thuỷ nữa. Dự đoán của tôi đến khoảng năm 2120, tiếng Anh-Anh nguyên gốc sẽ bị thay thế hoàn toàn bởi tiếng Anh của người Mỹ”.

Sử dụng những dẫn chứng này để đi đến kết luận rằng, sẽ là thiếu cơ sở khi nói một đất nước từng bị xâm chiếm, thuộc địa hoá thì cũng dễ dàng bị ảnh hưởng bởi văn hoá hay ngôn ngữ của phe đối lập. Nước Mỹ không sử dụng tiếng Anh một cách khuôn khổ và máy móc trong đời sống, lạm dụng tiếng Anh trong học tập hay công việc lại càng không.

Tiếng Anh – Mỹ đã cùng với tiếng Anh – Canada và tiếng Anh nguyên thuỷ, trở thành những ngôn ngữ phổ biến nhất thế giới ở thời điểm hiện tại. Trong phần tiếp theo Vũ muốn phân tích một khía cạnh khác của nhóm cường quốc: những nước không giống như Mỹ, cố tách mình và phản đối việc sử dụng tiếng Anh một cách phổ biến trong cộng đồng người dân.

Những cường quốc nói “không” với tiếng Anh

Điểm chung của nhiều cường quốc về kinh tế, chính trị hay văn hoá thế giới đó là họ đều từng chìm trong những năm tháng chiến tranh – thậm chí phần lớn lịch sử bị lệ thuộc và kìm hãm dưới ách thống trị của những nước thắng thế. Cũng giống như cách mỗi người phản ứng khác nhau với những vấn đề trong cuộc sống, mỗi cường quốc cũng có cách phản ứng khác nhau sau thời gian dài đánh mất quyền tự do dân chủ.

Với hai cường quốc mà Vũ đề cập trong phần kế tiếp của bài là Trung Quốc và Nhật Bản, họ ở vào những tình huống và vị thế trong lịch sử chiến tranh hoàn toàn trái ngược nhau. Nhưng xét trên phương diện ngôn ngữ nói riêng, họ có điểm chung là đều cố tách mình và nói không với việc sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ phổ biến.

Nhà văn Matthew Engel từng nói về việc lạm dụng tiếng Anh.

Nhà văn Matthew Engel từng nói về việc lạm dụng tiếng Anh.
Nguồn: BBC Radio

Tất nhiên chúng ta không xoáy sâu vào nỗi đau chiến tranh hay quan điểm chính trị của mỗi nước, mà chỉ đang làm rõ một sự thật là: Có những quốc gia không lạm dụng tiếng Anh trong đời sống, thậm chí không xem việc sử dụng tiếng Anh là điều quan trọng nhưng họ vẫn phát triển, vươn mình để trở thành những con rồng của kinh tế thế giới.

Vì sao người Trung Quốc không lạm dụng tiếng Anh?

Có nhiều hơn một lý do để người dân ở các cường quốc như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc không thích sử dụng hoặc lạm dụng tiếng Anh – ngoài việc họ sử dụng chữ tượng hình khác xa với cách ứng dụng của hệ chữ Latin (Alphabet).

Chẳng hạn như Trung Quốc, vốn được xem như một “thế giới thu nhỏ” khi họ không chỉ có diện tích lớn, dân số đông mà còn sở hữu bề dày lịch sử ấn tượng với nhiều thành tựu vượt bậc – chỉ có bằng hoặc vượt xa nền văn minh nhân loại chứ không hề thua kém.

Có thể dẫn chứng vào thời vua Khang Hy khi ông trực tiếp trị thuỷ để tránh cho người nông dân bị ảnh hưởng mưa lũ, hay thời vua Càn Long khi ông cải thiện canh tác cho người dân bằng cách sát nhập đất hoang với đất công do nhà nước quản lý.

Sau này Trung Quốc luôn nổi tiếng là đất nước đi đầu cho xu thế nghiên cứu, học hỏi những tiến bộ của cường quốc phương Tây để phát triển trở lại dựa trên nền tảng văn hoá, nguồn lực của đất nước mình. Một số mô hình khởi nghiệp tương tự Facebook hay Google của Mỹ mà ta nhìn thấy tại đất nước tỉ dân chẳng hạn như Weibo, WeChat hay Taobao.

Vì sao người Trung Quốc không lạm dụng tiếng Anh?

Vì sao người Trung Quốc không lạm dụng tiếng Anh?
Nguồn: AARP

Với nguồn vốn là những giá trị văn hoá, kinh tế từ lịch sử lâu đời vẫn còn tiếp diễn cho đến hiện nay, người Trung Quốc có thể tự tin sống trong thế giới của riêng mình và chẳng sao cả khi họ hạn chế tiếp xúc, mở rộng mối quan hệ với những cá nhân, tổ chức hay doanh nghiệp phương Tây. Cũng như vậy, nền giáo dục Trung Quốc tin rằng tiếng Anh nên dừng lại trong phạm vi một môn học trên ghế nhà trường.

Có giai đoạn tiếng Anh chiếm chưa đến 8% thời lượng học chương trình phổ thông. Dường như chừng đó vẫn chưa thể làm hài lòng, nên nhiều đại biểu quốc hội Trung Quốc còn đề xuất giảm tiếp thời lượng giảng dạy – thay vào đó tăng tiết dạy các môn học trau dồi kiến thức, kỹ năng liên quan đến văn hoá lâu đời của đất nước.

Trên thị trường hàng hoá hay trong thế giới của Marketing và Branding, sự cực đoan trong việc tránh lạm dụng tiếng Anh của người Trung Quốc còn thể hiện qua các sản phẩm, thương hiệu phương Tây khi du nhập vào nước này phải chuyển ngữ thành tiếng Trung Quốc. Hoặc ít nhất phải được thể hiện và truyền thông ở dạng song ngữ Anh – Trung.

Còn với những du học sinh hay người lao động Trung Quốc đang học tập, sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Họ vẫn thường bị nhận xét là còn máy móc, khuôn khổ trong cách sử dụng tiếng Anh hằng ngày. Có thể kể một số thói quen của người Trung Quốc ở nước ngoài chẳng hạn như luôn mang bên mình cuốn từ điển, hoặc ghi chú vào tài liệu tiếng Anh cách đọc hay cách hiểu phù hợp với tiếng Trung Quốc…

Nhiều chuyên gia về ngôn ngữ và văn hoá phương Tây đã chia sẻ rằng, chúng ta có thể so sánh việc người Trung Quốc sử dụng tiếng Anh chưa thật sự tốt giống như môn bóng đá. Dù huấn luyện viên có giỏi xây dựng chiến lược, chỉ đạo và truyền lửa đến đâu thì người thật sự tạo nên sự khác biệt chính là những cầu thủ. Cầu thủ thi đấu máy móc, khuôn khổ và thiếu đột phá thì đội bóng cũng khó mà chạm đến vinh quang.

Trung Quốc rất cực đoan khi xây dựng ngôn ngữ Marketing và Branding.

Trung Quốc rất cực đoan khi xây dựng ngôn ngữ Marketing và Branding.
Nguồn: The New York Times

Những năm gần đây người dân Trung Quốc đã dần nhìn nhận, thấu hiểu tầm quan trọng của tiếng Anh cho mục tiêu hội nhập nền kinh tế toàn cầu. Bản thân những nhà lãnh đạo đứng đầu đất nước cũng tập trung thúc đẩy việc giảng dạy, học tập môn tiếng Anh trong trường lớp và cơ quan làm việc – bắt đầu từ chủ trương cho phép tăng số tiết dạy môn tiếng Anh nếu tính chất ngành nghề có yêu cầu.

Tuy nhiên vẫn không thể phủ nhận sự thật rằng, tiếng Trung Quốc vẫn là một trụ cột quan trọng của nền kinh tế nước này nói riêng và văn hoá Trung Hoa Đại Lục nói chung. Trong quá trình Trung Quốc vươn lên để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu, tiếng Trung cũng đã trở thành ngôn ngữ phổ biến hàng đầu thế giới – bên cạnh tiếng Anh, tiếng Pháp hay tiếng Tây Ban Nha.

Dù không tích cực sử dụng hay quá lạm dụng tiếng Anh trong đời sống thường ngày, người Trung Quốc vẫn chứng minh cho thế giới thấy rằng họ đủ sức vượt sóng, vươn lên và trở thành một biểu tượng cho công cuộc gìn giữ nhiều giá trị văn hoá tốt đẹp – bắt đầu từ việc tôn trọng và sử dụng thuần thục tiếng mẹ đẻ.

Người Nhật Bản sử dụng tiếng Anh như thế nào?

Cũng như phần lớn người Trung Quốc, người Nhật Bản không cho rằng việc sử dụng thuần thục và phổ biến tiếng Anh trong đời sống là cần thiết. Tuy nhiên, đây không phải nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến thực tế là người Nhật không thích sử dụng tiếng Anh, cũng không cố gắng đưa tiếng Anh trở thành yếu tố tối thiểu trong môi trường học tập và làm việc.

Truyền thông song ngữ để tránh lạm dụng tiếng Anh.

Truyền thông song ngữ để tránh lạm dụng tiếng Anh.
Nguồn: Starbucks Stories

Hai nguyên nhân lớn dẫn đến thực tế người Nhật không quá chủ động trong giao tiếp, sử dụng tiếng Anh đó là tính cách e ngại việc mắc sai lầm khi ở trong một tập thể, bên cạnh đó là thói quen du nhập và biến đổi gần như toàn bộ chuẩn mực của văn hoá phương Tây.

Nguyên nhân đầu tiên, người Nhật không đề cao việc thể hiện bản lĩnh và cái tôi cao ngút trời của mỗi cá nhân – nhất là khi hoạt động hay làm việc trong một tập thể. Thay vào đó, họ thường cố gắng hạn chế mắc sai lầm đến mức tối thiểu, tránh vì một sai sót nhỏ của bản thân mà làm ảnh hưởng đến kết quả công việc của cả đội ngũ.

Tất nhiên khi nói đến văn hoá “sợ mắc sai lầm”, chúng ta phải liên tưởng đến chuyện người Nhật ngại sử dụng tiếng Anh – một ngôn ngữ xa lạ so với bộ chữ và hệ thống ngôn ngữ tượng hình như thế nào. Không chỉ trong môi trường giáo dục, người Nhật bước ra ngoài xã hội và tham gia vào nền kinh tế thị trường cũng e ngại việc sử dụng, giao tiếp bằng tiếng Anh không thua kém gì người Trung Quốc.

Không phải là họ không lạm dụng tiếng Anh, mà ngay cả sử dụng tiếng Anh giao tiếp hay đọc hiểu căn bản cũng có thể trở thành vấn đề lớn bất cứ lúc nào. Người Nhật lo sợ rằng bản thân sẽ trở thành tâm điểm của sự chú ý khi phát âm, đọc hiểu hoặc sử dụng tiếng Anh không chuẩn – tất nhiên là theo hướng tiêu cực.

Càng tránh xa việc trải nghiệm cái mới thì càng giảm thiểu rủi ro mắc sai lầm, quan điểm này khiến nhiều người Nhật Bản luôn muốn nói theo, làm theo các tiêu chuẩn của số đông và tự tin cho rằng đó mới là phương án tối ưu nhất. Trong giao tiếp hay sử dụng ngôn ngữ thường ngày cũng vậy, họ chỉ cần đơn giản là nói và sử dụng tiếng Nhật là xong.

Người Nhật chú trọng làm mới thay vì lạm dụng tiếng Anh.

Người Nhật chú trọng làm mới thay vì lạm dụng tiếng Anh.
Nguồn: Reuters

Nhìn ở một khía cạnh khác, thói quen “Nhật hoá” toàn bộ những giá trị và văn hoá Tây phương cũng góp phần dẫn đến việc người Nhật ít sử dụng tiếng Anh. Nói chính xác hơn thì thói quen này khiến vốn tiếng Anh của người Nhật trong mắt người bản xứ trở nên méo mó, xa rời thực tế và không mang tính ứng dụng cao. Vì vậy chất lượng và tần suất sử dụng tiếng Anh của người Nhật cũng dần suy giảm.

Với những ai yêu thích và có thời gian tìm hiểu về văn hoá Nhật Bản, thì chắc chắn sẽ biết đến hoặc đã từng nghe qua cụm từ “Wasei Eigo” – một thuật ngữ để ám chỉ cách người Nhật Bản thật sự sử dụng tiếng Anh như thế nào, cũng như cách phân biệt giữa tiếng Anh nguyên thuỷ với tiếng Anh được sử dụng trong đời sống, văn hoá của người Nhật Bản.

Wasei Eigo là một tổng hợp các từ vựng tiếng Anh được người Nhật thay đổi, biến thể hay tiến hành “Nhật hoá” để phù hợp hơn với thói quen sử dụng ngôn ngữ của mình. Chẳng hạn như “wake-up call” (dịch vụ báo thức ở khách sạn) thì sẽ chuyển thành モーニングコール (morning call). Những từ vựng này vốn không tồn tại trong tiếng Anh, được người Nhật sử dụng để giao tiếp với nhau, tuy nhiên vấn đề lại nảy sinh nếu họ sử dụng “wasei eigo” với cộng sự hoặc du khách nước ngoài.

Khi sử dụng tiếng Anh đã được Nhật hoá với người nước ngoài – đặc biệt là với du khách phương Tây, người Nhật dễ bị hiểu nhầm là đang viết hoặc nói tiếng Anh không chuẩn. Nghiêm trọng hơn nếu ngôn từ họ đang sử dụng làm bóp méo ý nghĩa ban đầu (như ví dụ ở trên về dịch vụ báo thức của khách sạn).

Thậm chí trong thế giới của Marketing và Branding, người Nhật còn có thói quen sử dụng Katakana – một hệ thống chữ viết phổ biến của nước này bên cạnh Kanji, Hiragana để viết tiếng Anh. Nghĩa là với một số biển hiệu quảng cáo, ấn phẩm truyền thông hay nội dung thương hiệu được làm ra ở Nhật Bản, tiếng Anh viết trên đó sẽ khá khó hiểu và kỳ quặc đối với người phương Tây – kể cả khi họ hiểu được tiếng Nhật.

Người Nhật luôn là tấm gương sáng trong lĩnh vực Marketing và Branding.

Người Nhật luôn là tấm gương sáng trong lĩnh vực Marketing và Branding.
Nguồn: Japan Web Magazine

Ngoài wasei eigo, tại Nhật còn có một thuật ngữ thú vị khác là “Wasei Kango” – biện pháp “Nhật hoá” tiếng Trung với mục đích tương tự việc họ “Nhật hoá” tiếng Anh. Chứng tỏ rằng trong tương lai gần, sẽ không dễ để xoay chuyển cách người Nhật Bản sử dụng tiếng Anh – ngoài nỗ lực đơn phương của nền giáo dục hay môi trường làm việc, giống với những gì người Trung Quốc đang cố gắng theo đuổi.

Thực trạng lạm dụng tiếng Anh tại Việt Nam

Nếu nhà văn người Anh Matthew Engel từng lo lắng mình có thể sẽ không thể nói, không thể viết tiếng Anh nguyên gốc nữa thì ông Cao Xuân Hạo – nhà ngôn ngữ học danh tiếng của nước ta cũng từng lo ngại cho việc gìn giữ sự trong sáng, nhân văn của tiếng Việt.

Con trai của Giáo sư Cao Xuân Huy – người góp phần đặt nền móng cho giáo dục Đại học Việt Nam từng chia sẻ như sau: “Người Việt hiện không còn nói và viết tiếng Việt nữa”. Ông Hạo cũng cho biết thêm, ngữ pháp hiện đại các bạn học sinh sinh viên đang cảm thụ không phải là tiếng Việt 100%, mà là ngữ pháp điển hình của một nước phương Tây nào đó rồi tiếng Việt được lấy làm ví dụ.

Bằng chứng rõ ràng nhất là thế hệ trẻ hiện nay không còn trăn trở, rung động khi đọc qua các tác phẩm văn học bất hủ như Truyện Kiều, thơ Xuân Diệu hay Hàn Mặc Tử nữa.

Trong các lĩnh vực đời sống nói chung, nhiều người Việt đang lạm dụng tiếng Anh đến mức nói và viết theo phong cách “nửa tây nửa ta”. Nhẹ thì “hello em, bye bạn, morning chú…” còn cá biệt hơn nữa thì “chào friend, nè bro, daddy của tui…”. Một số trường hợp thậm chí bóp méo ý nghĩa của tiếng Anh, bằng những từ viết tắt như “G9” (good night), “pipi” (bye bye) hay “giá inb” (giá inbox – muốn biết giá thì nhắn tin đi).

Nhiều người Việt đang lạm dụng tiếng Anh.

Nhiều người Việt đang lạm dụng tiếng Anh.
Nguồn: AN Tours

Còn nhớ vào năm 2017, một giáo viên trả lời phụ huynh học sinh chỉ vỏn vẹn chữ “Ok” đã tạo ra nhiều tranh cãi. Cụ thể là bạn học sinh bị bệnh phải đi khám, phụ huynh nhắn tin xin phép nghỉ học một ngày nhưng cô giáo chỉ trả lời lại “Ok.” Cách phản hồi này bị nhiều người đánh giá là lạnh lùng và thiếu nhân văn, đặc biệt khi tình huống xảy ra trong cuộc đối thoại giữa giáo viên với phụ huynh học sinh.

Sử dụng tiếng Anh đúng mục đích nhưng sai người, sai thời điểm có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Trong lĩnh vực Marketing và Branding nói riêng, việc lạm dụng tiếng Anh còn đến từ nhiều nguyên nhân khác, với những mục đích thiếu chính đáng và hầu như không giải quyết được một vấn đề cụ thể.

Đồng ý là có một số khái niệm, thuật ngữ và động từ chuyên môn của Marketing và Branding sẽ phù hợp, rõ nghĩa hơn khi sử dụng tiếng Anh – nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ trong câu chuyện này. Nhìn ở khía cạnh khác, nhiều từ vựng hay cấu trúc tiếng Anh bị người Việt lạm dụng, biến tấu đến mức không cần thiết (vì có thể sử dụng tiếng Việt mà vẫn rõ nghĩa, vắn tắt hơn về độ dài và cô đọng hơn về ngữ nghĩa).

Lấy một số ví dụ như “combine” (kết hợp), “brand strategy” (chiến lược thương hiệu), “product category” (danh mục sản phẩm) hay “đối tượng primary” (khách hàng mục tiêu, khách hàng chiến lược). Đây đều là những từ vựng mà chúng ta có thể tiết kiệm thời gian, công sức nhiều hơn khi sử dụng tiếng Việt mà vẫn đảm bảo yêu cầu ngữ nghĩa. Vậy nhưng, nhiều người vẫn lạm dụng tiếng Anh để đưa vào các thông điệp truyền thông, quảng cáo hướng đến chính người Việt (những người hiểu và nói tiếng Việt tốt nhất thế giới).

Nhà ngôn ngữ Cao Xuân Hạo từng phê phán việc lạm dụng tiếng Anh.

Nhà ngôn ngữ Cao Xuân Hạo từng phê phán việc lạm dụng tiếng Anh.
Nguồn: Wikipedia

Đã qua rồi cái thời tiếng Anh không phải môn học bắt buộc trong chương trình thi quốc gia, hay việc trẻ em đi học tiếng Anh từ lớp mẫu giáo là chuyện hiếm có. Giờ chẳng ai xem việc mình biết tiếng Anh, có thể sử dụng tiếng Anh trong lĩnh vực Marketing và Branding là niềm tự hào nữa. Cho nên, việc cố tình lạm dụng tiếng Anh chỉ đến từ hai nguyên nhân.

Thứ nhất là vì mục đích “chuyên nghiệp hoá”, làm cho nội dung hay sản phẩm truyền thông do mình thực hiện thêm phần hào nhoáng hơn. Trong hầu hết các trường hợp như vậy, người viết hoặc người nói lạm dụng tiếng Anh dựa trên nền tảng là hiệu ứng tự tin thái quá – Overconfidence bias.

Đây là hiệu ứng tâm lý khi có một yếu tố bổ sung nào đó – ở đây ý chỉ việc lạm dụng tiếng Anh, giúp cho người nói và người viết cảm thấy tự tin hơn với thông tin mình đang truyền tải. Họ tin là nhờ có một số từ vựng tiếng Anh được thêm vào ở bất cứ đâu, vào bất cứ thời điểm nào sẽ khiến người đọc, người nghe nghĩ rằng nội dung đó đáng tin cậy hơn.

Hiệu ứng tự tin thái quá cũng dẫn đến thói quen của một số nhà sáng tạo nội dung, luôn cố tình lôi kéo sự hiện diện của nghiên cứu nào đó, hay quan điểm của một chuyên gia trong lĩnh vực tương ứng vào nội dung mình sản xuất – mà không kèm theo bất cứ dẫn chứng bằng con số hay nguồn nào cụ thể.

Yếu tố thứ hai Vũ muốn đề cập không hẳn là một nguyên nhân, mà nó mang tính biểu hiện nhiều hơn. Khi một nhà sáng tạo nội dung hay chuyên gia trong lĩnh vực Marketing và Branding, càng lạm dụng tiếng Anh thì càng chứng tỏ rằng vốn am hiểu tiếng Việt của họ rất thấp.

Họ cố gắng sử dụng tiếng Anh liên tục là vì không biết cách, hoặc tức thời không nhớ ra cách diễn đạt sự việc hay khái niệm tương ứng bằng tiếng Việt. Thực tế là tiếng Việt phức tạp hơn tiếng Anh nhiều cả về từ vựng, ngữ pháp lẫn cấu trúc của câu.

Ví dụ cụ thể cho thực trạng lạm dụng tiếng Anh.

Ví dụ cụ thể cho thực trạng lạm dụng tiếng Anh.
Nguồn: YouTube

Cho nên trong tất cả các tình huống, việc sử dụng thuần thục tiếng mẹ đẻ quan trọng hơn việc bạn có sử dụng ngoại ngữ hay không. Đây là quan điểm đã thấm nhuần trong tâm trí người dân Nhật Bản, Trung Quốc – vốn được xem là hai cường quốc đi đầu thế giới ở trong nhiều lĩnh vực. Trước khi tự phong mình là một chuyên gia trong lĩnh vực sáng tạo, Marketing và Branding thì bản thân người đó cần nói tốt rồi viết chuẩn tiếng Việt.

Lạm dụng tiếng Anh không giúp bản thân trở nên chuyên nghiệp, thành đạt hay đáng tin cậy hơn. Trong một số trường hợp còn có thể biến bạn thành trò cười trong mắt người khác, chẳng hạn như cố tình lạm dụng tiếng Anh nhưng mắc lỗi về từ vựng lẫn ngữ pháp.

Khi nói đến mục đích giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, cần hiểu rằng giới hạn ở đây mang tính phổ quát chứ không chỉ trên phương diện ngôn ngữ. Tiếng nói hay chữ viết không chỉ là ngôn ngữ, mà còn là tinh thần và văn hoá đáng trân quý của một đất nước, một dân tộc anh hùng.

Không có tiếng nói và chữ viết đặc trưng, hoặc ngôn ngữ quốc gia bị pha trộn rồi biến chất bởi một thứ tiếng khác, chính là khởi đầu của quá trình tự đồng hoá bản thân với một văn hoá và truyền thống xa lạ. Dẫn đến việc tự cho phép các quốc gia khác xem thường, lấn lướt hoặc thậm chí xâm phạm quyền lợi đất nước trong tương lai.

Xin chân thành cảm ơn!

* Bài viết gốc: Vũ Digital