Cốc Cốc: Nắm bắt cơ hội vàng trong ngành hàng bánh kẹo Việt Nam

Bánh kẹo đang là ngành hàng có tiềm năng lớn tại thị trường Việt Nam với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây. Doanh thu ngành hàng này dự kiến đạt 8,5 tỷ USD trong năm 2023 với tốc độ tăng trưởng hàng năm ước tính là 10,17%. Đặc biệt, xu hướng tiêu dùng đang chuyển dịch sang các sản phẩm lành mạnh, thúc đẩy các thương hiệu tìm kiếm những nguồn nguyên liệu mới nhằm phục vụ tốt nhất cho khách hàng.

Với mục tiêu đưa ra những cái nhìn sâu sắc nhất về thị trường bánh kẹo Việt Nam, Cốc Cốc đã thực hiện khảo sát trực tuyến với sự tham gia của 1.037 đáp viên trên nền tảng. Báo cáo này không chỉ mang đến bức tranh tổng quan về thị trường bánh kẹo tại Việt Nam mà còn chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng.

Tổng quan về thị trường bánh kẹo tại Việt Nam

Có 57% đáp viên bình chọn potato chips (khoai tây chiên) snack (bim bim) là món ăn được yêu thích nhất. Trong đó, nhóm người tiêu dùng trẻ dưới 24 tuổi có xu hướng tiêu thụ hai sản phẩm này nhiều hơn, trái lại, nhóm tuổi trên 25 lại ưa chuộng bánh quy và bánh ngọt. Các sản phẩm khác như sôcôla và kem nhận được sự quan tâm của mọi lứa tuổi, nhưng tỷ lệ cao nhất ở nhóm 18-24 tuổi, chiếm lần lượt 52% và 47%.

Khi được khảo sát về thương hiệu bánh kẹo phổ biến nhất, có tới 57% người tiêu dùng tin tưởng chọn Oishi, theo sau đó là Lay’s với 45% bình chọn và Orion với tỉ lệ 41%. Đây cũng là Top 3 thương hiệu thân thuộc nhất với người tiêu dùng Việt trong năm 2024. Ngoài ra, có thể thấy, thị trường bánh kẹo đang là một “miếng mồi báu bở” khi có vô số thương hiệu đang xâu xé chiếm lĩnh thị phần.

Tổng quan về thị trường bánh kẹo tại Việt Nam năm 2024.

Khảo sát cũng cho thấy thời gian tiêu thụ các dòng sản phẩm này không cố định với tỷ lệ 55%, tăng 2% so với số liệu năm 2023. Tuy nhiên, tỉ lệ tiêu thụ vào buổi chiều cao hơn hẳn so với các thời điểm khác trong ngày.

Ngoài ra, có đến 4/5 người tiêu dùng ngày càng chú ý đến các sản phẩm bánh kẹo lành mạnh như ít đường, không chất bảo quản hoặc sử dụng nguyên liệu tự nhiên. Điều này phản ánh sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng khi sức khỏe được ưu tiên hàng đầu, ngay cả khi thưởng thức các món ăn vặt như bánh kẹo.

Sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng bánh kẹo của người Việt.

Yếu tố nào ảnh hưởng đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng?

Hương vị vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu với gần 70% đáp viên bình chọn, tăng 4% so với số liệu ghi nhận năm 2023. Tiếp theo đó là các yếu tố về giá cả và nguồn gốc sản phẩm.

  • Nhóm tuổi 13-24 ưu tiên hương vị và giá cả khi cân nhắc mua các dòng sản phẩm bánh kẹo. Trong khi đó, nhóm người tiêu dùng trên 25 tuổi lại quan tâm đến yếu tố dinh dưỡng trong các món ăn nhiều hơn.
  • Nữ giới bày tỏ sự quan tâm đến các yếu tố mua hàng nhiều hơn nam giới, cụ thể, 79% cân nhắc đến hương vị sản phẩm, giá cả 65% và nguồn gốc xuất xứ 59%.

Yếu tố nào ảnh hưởng đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng?

Không chỉ dừng lại ở những sản phẩm quen thuộc, có tới 67% đáp viên cho biết họ sẵn sàng thử các sản phẩm bánh kẹo mới hoặc các phiên bản cao cấp giới hạn. Trong đó, các dòng sản phẩm mới vẫn được nhiều người tiêu dùng lựa chọn hơn, chiếm 41% theo số liệu khảo sát 2024.

Thói quen mua sắm của người tiêu dùng

Kết quả khảo sát về thói quen mua sắm bánh kẹo của người tiêu dùng cho thấy họ có xu hướng tiêu thụ dòng sản phẩm này thường xuyên hơn. Cụ thể:

  • Về tần suất mua sắm: 2-3 lần/tuần là tần suất phổ biến nhất khi người tiêu dùng tìm mua các sản phẩm bánh kẹo, chiếm 36% tỷ lệ bình chọn. Tỷ lệ tiêu thụ hàng ngày và 4-5 lần/tuần gần như tăng gấp đôi so với năm 2023, trong khi các lựa chọn “1 lần/tuần” và “hiếm khi” lại giảm xuống.
  • Về kênh mua sắm: Nhìn chung, các kênh mua sắm trực tiếp như tạp hóa và cửa hàng tiện lợi vẫn chiếm ưu thế với tỉ lệ lần lượt 67% và 59%. Tuy nhiên, việc lựa chọn kênh mua sắm vẫn có sự khác nhau rõ rệt giữa các nhóm tuổi. Có hơn 40% người tiêu dùng trẻ 6-12 tuổi lựa chọn mua bánh kẹo tại Căn tin, trong khi tỷ lệ này giảm rõ rệt ở các nhóm tuổi lớn hơn.

Kênh mua sắm sản phẩm bánh kẹo của người tiêu dùng Việt Nam.

  • Về động lực mua sắm số lượng lớn: Ưu đãi khuyến mãi vẫn là động lực lớn nhất kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Ngoài ra, các yếu tố khác như phát hành sản phẩm mới, quảng cáo, hay trải nghiệm tại các điểm bán cũng thu hút sự quan tâm của khách hàng.
  • Về chi phí mua sắm: Trung bình, người tiêu dùng sẽ sẵn sàng chi trả từ 20.000 đến dưới 50.000 VNĐ cho một sản phẩm bánh kẹo.

Chi phí trung bình mà người tiêu dùng sẵn sàng chi trả khi mua bánh kẹo.

Điểm chạm truyền thông

Theo khảo sát, trưng bày tại điểm bán, quảng cáo trực tuyến và quảng cáo truyền thống là các kênh truyền thông có ảnh hưởng lớn nhất đến quyết định mua sắm của người tiêu dùng. Trong đó, 60% lượt bình chọn dành cho điểm chạm tại các điểm bán như chợ, siêu thị, cửa hàng tạp hóa.

Các kênh truyền thông có ảnh hưởng lớn nhất đến quyết định mua sản phẩm bánh kẹo của người tiêu dùng

Ngoài ra, các kênh quảng cáo trực tuyến cũng đóng vai trò quan trọng tác động đến thói quen mua bánh kẹo của người tiêu dùng. Cụ thể, gần 50% đáp viên cho biết thông tin trên mạng xã hội giúp họ đưa ra quyết định mua sắm dễ dàng hơn. Quảng cáo trên các công cụ tìm kiếm (Google, Cốc Cốc) cũng là một điểm chạm tiềm năng với tỷ lệ 32%.

Bên cạnh các kênh truyền thông, đánh giá từ người khác cũng ảnh hưởng lớn đến quyết định mua sắm của người tiêu dùng, chiếm tỷ lệ hơn 50%. Thêm vào đó, các yếu tố quảng cáo như khuyến mãi, thông điệp lôi cuốn cũng thúc đẩy thói quen mua hàng của họ.

Thói quen tiêu thụ trong dịp Tết cổ truyền

64% người tiêu dùng cho biết họ tiêu thụ nhiều bánh kẹo vào dịp lễ Tết hơn so với ngày thường. Sô cô la, bánh ngọt, bánh quy và kẹo là các dòng sản phẩm được ưa chuộng hơn, trái lại, snack, kem và kẹo cao su lại ít được tiêu thụ hơn. Đặc biệt, hơn 70% đáp viên sẵn sàng trải nghiệm các sản phẩm mới vào dịp Tết, tăng 1% so với số liệu ghi nhận năm 2023.

Thói quen tiêu thụ bánh kẹo trong dịp Tết cổ truyền.

Bánh kẹo không chỉ là món ăn vặt quen thuộc trong những ngày lễ Tết mà còn là nét văn hóa truyền thống trong việc tiếp đãi khách. Với sự gia tăng trong nhu cầu mua sắm bánh kẹo để biếu tặng và chia sẻ với trẻ nhỏ, thói quen tiêu dùng này ngày càng trở nên phổ biến. Trong năm 2024, tỷ lệ người mua bánh kẹo cho trẻ em tăng từ 47% lên 53%, cho thấy xu hướng tiêu thụ ngày càng cao đối với phân khúc này.

Khi nói về các chương trình khuyến mãi thu hút người tiêu dùng dịp Tết, các ưu đãi trực tiếp như “mua 1 tặng 1” và “giảm giá trực tiếp” luôn là lựa chọn hàng đầu. Với 61% người tiêu dùng bị thu hút bởi chương trình “mua 1 tặng 1”, và 52% quan tâm đến "giảm giá trực tiếp", có thể thấy mức độ ảnh hưởng lớn của các ưu đãi này đối với quyết định mua hàng. Mặt khác, các chương trình như “quay số trúng thưởng” hay “tích điểm đổi quà” lại không gây được nhiều hứng thú, chỉ thu hút khoảng 33-35% sự quan tâm từ người tiêu dùng cả nam lẫn nữ. Nắm bắt được những xu thế đó, các doanh nghiệp nên có cách tiếp cận khách hàng phù hợp trong dịp Tết này để thúc đẩy, tăng trưởng doanh thu vượt bậc.

Báo cáo cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bánh kẹo, đồng thời phản ánh những thay đổi trong nhu cầu và thói quen tiêu dùng của khách hàng. Sự đa dạng về sản phẩm và nhu cầu tiêu dùng phong phú tạo ra cơ hội lớn cho các thương hiệu nhưng cũng đặt ra thách thức không nhỏ khi giành giật miếng bánh thị phần. Với những yếu tố mới về sức khỏe và sự phát triển nhanh chóng của các thương hiệu nội địa lẫn ngoại nhập, thị trường Việt Nam hứa hẹn sẽ là một sân chơi đầy thú vị và cạnh tranh khốc liệt trong những năm tới.

  • Xem và tải báo cáo đầy đủ tại đây
  • Báo cáo được thực hiện dựa trên dữ liệu thu thập từ khảo sát trực tuyến trên nền tảng Cốc Cốc với hơn 30 triệu người dùng. Tìm hiểu thêm về dịch vụ khảo sát trực tuyến tại đây.