Fashion Icon #21: Emilio Pucci – Gã quý tộc mộng mơ cùng những thiết kế rực rỡ
Nổi tiếng với những thiết kế mềm mại, họa tiết bắt mắt, Emilio Pucci sống với nguồn cảm hứng bất tận từ những nơi ông đi qua, những nền văn hóa ông tiếp xúc. Từ đó, gã quý tộc người Ý, cựu trung tá Thế Chiến II đã trở thành một trong những nhà thiết kế tiên phong của thời trang Ý với dấu ấn không thể nhầm lẫn trong từng tác phẩm.
Fashion Icon là chuỗi bài về gương mặt đứng sau các biểu tượng thời trang đình đám trên thế giới do Brands Vietnam thực hiện. Thông qua chuỗi bài này, marketers có thể hiểu hơn về lịch sử hình thành và sự phát triển của các đế chế thời trang trên toàn cầu.
Từ xuất thân quý tộc đến một mình tìm lối đi riêng
Emilio Pucci sinh ngày 20/11/1914 trong gia đình quý tộc với cha là Orazio Pucci và mẹ là Augusta Pavoncelli – một nữ bá tước đến từ Naples. Gia đình ông thuộc hai trong số những dòng dõi quý tộc lâu đời nhất của Ý. Ông hầu như đã sống và làm việc tại Cung điện Pucci ở Florence suốt phần lớn cuộc đời mình.
Từ nhỏ, Emilio đã bộc lộ niềm yêu thích với thể thao, đặc biệt là trượt tuyết. Năm 1932, khi mới 17 tuổi, ông đã là đại diện của Ý để thi đấu trượt tuyết tại Thế vận hội ở Lake Placid, New York. Nhưng ngược lại với những thành tựu và lớp áo quý tộc của mình, Emilio cảm thấy ngột ngạt bởi cuộc sống nhiều quy tắc của giới quý tộc Ý và chán ngán các lớp học tại Đại học Milan.
“Thành tích học tập của cậu ấy luôn đứng nhất. Và chàng trai ấy luôn xông xáo làm mọi việc, từ phục vụ bàn, rửa bát, lau dọn để kiếm chút tiền trang trải cuộc sống” – Keezer viết về Emilio.
Năm 1935, ông đã đi nửa vòng trái đất để đăng ký vào Đại học Georgia và theo học ngành nông nghiệp trồng hoa. Một lần nữa, Emilio không tìm thấy nguồn cảm hứng mà ông khao khát. Tệ hơn là tình hình chính trị xã hội ngày càng căng thẳng ở Châu Âu, gia đình ông gặp khó khăn về tài chính vì thế ông không thể tiếp tục trang trải dựa vào tiền chu cấp của gia đình.
Emilio đành tìm nơi ẩn náu ở các sườn núi Hood. Trên đường trở về, năm 1936, ông dừng lại ở văn phòng của Dexter Keezer (Chủ Tịch đại học Reed giai đoạn 1934-1942) để nhờ giúp đỡ. Cuộc gặp gỡ của họ diễn ra khi Ý và Đức đang củng cố liên minh quân sự và ngay sau Thế vận hội Berlin năm 1936 đen tối.
Đó là một cuộc gặp không thể ngờ đến, bởi xuất thân đặc biệt của cả hai. Nếu Emilio là một quý tộc Ý vừa phá sản, thì Keezer là doanh nhân tự thân lập nghiệp đến từ Massachusetts, đồng thời là một cựu chiến binh Thế chiến thứ Nhất và là cựu phóng viên. Rất có thể, hai quốc gia của họ sẽ đối đầu với nhau trong chiến tranh.
Tuy nhiên, với khát khao có một trải nghiệm sống mới để đi tìm suối nguồn cảm hứng, Emilio đã thỏa thuận thành công với Keezer. Theo đó, Emilio có được một suất học bổng toàn phần tại Reed College, chuyên ngành khoa học xã hội. Đổi lại, ông phải giúp Keezer thành lập và huấn luyện đội trượt tuyết đầu tiên của Reed. Thời gian này, Emilio cũng bắt đầu tiếp xúc với thời trang khi chính ông là người đã thiết kế bộ đồng phục của đội trượt tuyết ở Reed.
Cựu chiến binh bén duyên với thời trang
Sau khi tốt nghiệp với tấm bằng Thạc sĩ Reed năm 1937, Emilio quay trở lại Florence, bức thư chào đón ông đầu tiên lại là thư gọi nhập ngũ phục vụ cho quân đội. Ông đã phục vụ trong Không quân Ý, bắt đầu ở Ethiopia. Kinh nghiệm không chiến giúp ông phát triển góc nhìn toàn cảnh, ảnh hưởng đến các bản in và thiết kế sau này. Ông đã sống sót sau một số nhiệm vụ không chiến, phá hủy phần lớn phi đội của địch và nhận được huân chương nhờ lòng dũng cảm.
Sau chiến tranh, Emilio tiếp tục sở thích thiết kế của mình. Bước đột phá lớn trong sự nghiệp của ông đến vào năm 1947, khi Toni Frissell, một nhiếp ảnh gia người Mỹ, đã chụp lại hình ảnh Emilio cùng bạn gái đang trượt tuyết bên sườn núi Zermatt. Điểm đặc biệt là bạn gái của Emilio đang diện bộ đồ trượt tuyết do chính ông thiết kế.
Trước đó, quần áo trượt tuyết thường cồng kềnh; nhưng nhờ cách sử dụng vải co giãn sáng tạo, thiết kế của Emilio giúp người trượt tuyết có thể giữ ấm và tận dụng khí động học nhiều hơn. Những bức ảnh chụp của cặp đôi được gửi đến Diana Vreeland, biên tập viên thời trang huyền thoại của Harper’s Bazaar. Ông được mời thiết kế trang phục trượt tuyết cho chủ đề về Thời trang mùa đông Châu Âu, đăng trên tạp chí Bazaar mùa đông năm 1948. Ông cũng thành lập thương hiệu Emilio Pucci của riêng mình, nhanh chóng trở thành một nhà thiết kế thời trang, không còn đơn thuần là một chàng trai có gu ăn mặc.
“Làm cách nào tôi đến được với công việc này ư? Chắc là, tôi phải thừa nhận rằng điểm yếu của mình là những quý cô xinh đẹp. Sự ngưỡng mộ và tôn trọng vẻ đẹp đó có lẽ là điều khơi nguồn mọi thứ” – Emilio chia sẻ với sinh viên Reed trong một chuyến thăm trường.
Họa tiết và vải lụa: Thanh âm rực rỡ giữa một bản nhạc cổ điển
Emilio là người đầu tiên thiết kế bộ đồ trượt tuyết liền mảnh. Mặc dù trước chiến tranh, đã có một số thử nghiệm với vải co giãn ở Châu Âu, nhưng những thiết kế nổi bật của Emilio đã gây sốt và ông đã nhận được một số lời đề nghị từ các nhà sản xuất Mỹ để sản xuất chúng. Tuy nhiên, ông chọn tự thành lập một nhà may thời trang cao cấp tại khu nghỉ mát thời trang Canzone del Mare trên Đảo Capri, nơi ông thiết kế trang phục thể thao vừa dễ mặc vừa sang trọng: quần “Capri”, áo sơ mi lụa chéo với kiểu dáng nam tính, dép xăng đan hở mũi và áo thun sọc, tất cả đều có màu sắc tươi tắn, rực rỡ gợi lên vẻ đẹp tự nhiên của hòn đảo.
Vào tháng 2/1951, khi Giovanni Battista Giorgini – cha đẻ của thời trang Ý tổ chức buổi trình diễn thời trang đầu tiên tại Florence: các nhà thiết kế được chọn giới thiệu tác phẩm của họ tới các nhà phân phối, báo chí và phương tiện truyền thông quốc tế. Emilio Pucci đã trình làng bộ sưu tập bao gồm đồ thể thao, đồ đi biển và đồ dạ hội của mình. Các thiết kế của ông có những đường nét gợi cảm, tự do theo những đường cong tự nhiên của cơ thể – trang phục thanh lịch một cách tự nhiên giúp phụ nữ diện từ ngày đến đêm, từ máy bay phản lực đến tiệc cocktail bên bờ biển, phù hợp với lối sống của giới thượng lưu, giàu có.
Trái ngược với những nhà thiết kế lúc bấy giờ, Emilio được thôi thúc bởi mong muốn giải phóng phụ nữ, mang đến cho họ sự tự do thay vì sự giam giữ họ trong những corset cứng nhắc, những chiếc váy với bộ khung quá cỡ. Vì vậy, các thiết kế áo thun bằng cotton và lụa co giãn của ông nhẹ như không, không lót và không nhăn đã “quyến rũ” thế hệ phụ nữ hiện đại.
Buổi trình diễn này không chỉ đánh dấu sự thức tỉnh về cách thế giới nhìn nhận thời trang Ý, mà còn khẳng định Emilio Pucci là người tiên phong trong giới thời trang Ý. Xuyên suốt những năm 50, ông bắt đầu đắm chìm vào các họa tiết trừu tượng rực rỡ, bắt mắt lấy cảm hứng từ những biểu tượng văn hóa xung quanh ông: tranh khảm, tranh ghép Sicilia, biểu ngữ huy hiệu, vải Batik Bali và họa tiết châu Phi.
Đây là lần đầu tiên các họa tiết hình học chuyển động này được đưa vào trang phục và ngay lập tức báo chí thời trang quốc tế bị mê hoặc bởi cách tiếp cận táo bạo và cấp tiến của ông. Cánh báo chí đã ưu ái Emilio với danh hiệu “Hoàng tử họa tiết” bởi mỗi bản in giống như một tác phẩm nghệ thuật được sinh ra trên một tấm vải lụa, đóng khung bằng đường viền trang trí và ký tên nghệ sĩ – “Emilio”. Ông đã mang đến một bảng màu tươi sáng, rực rỡ cho một bản nhạc thời trang cổ điển quen thuộc trong suốt thời gian dài.
Năm 1954, Emilio nhận Giải thưởng Neiman Marcus hạng mục Dịch vụ Xuất sắc trong Lĩnh vực Thời trang cho loại vải lụa jersey giúp giải phóng cơ thể phụ nữ. Thành tựu này cũng là điểm khởi đầu cho sự nổi tiếng của ông với giới thời trang Mỹ.
“Thời trang, không chỉ là quần áo”
Với ông, thời trang không chỉ nằm ở quần áo hay thiết kế, mà còn là cuộc sống nói chung, văn học, nhà cửa, thức ăn và các mối quan hệ. Emilio cũng nghĩ rằng các nhà thiết kế thời trang, trước hết phải hiểu sâu sắc thế giới xung quanh để đem thế giới đó lên từng tấc vải một cách độc đáo, thú vị.
Năm 1961, Emilio Pucci sản xuất bộ sưu tập đồ sứ đầu tiên cho Rosenthal. Đây là lần đầu tiên ông mở rộng phạm vi thiết kế ra khỏi các bộ quần áo. Ngoài ra, ông cũng không ngừng đi khắp thế giới để tìm kiếm cảm hứng cho những tác phẩm tiếp theo. Đơn cử như váy sarong và quần pyjama được thiết kế cho bộ sưu tập “Bali” (1962). Với sở thích chơi đùa cùng các hoạt tiết và màu sắc, ông thường lấy cảm hứng từ cảnh quan thiên nhiên của Địa Trung Hải, nhưng cũng có khi là từ những địa điểm kỳ lạ mà ông đã đi qua. Kết quả là sự kết hợp tinh tế về màu sắc đã trở thành dấu ấn trong thiết kế của Emilio Pucci.
Những thiết kế “vạn hoa” của ông hoàn toàn phù hợp với phong cách nghệ thuật ảo giác của những năm 60, cũng là thời điểm ông đạt đến đỉnh cao về độ nổi tiếng. Năm 1962, các họa tiết của Emilio Pucci ngày càng được yêu thích tại Mỹ khi hai biểu tượng của vẻ đẹp Mỹ là nữ diễn viên Marilyn Monroe và đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Jackie Kennedy đều mặc những thiết kế của ông.
Đúng với tôn chỉ của mình, Emilio không giới hạn công việc “nhà thiết kế” trong khuôn khổ của những bộ cánh. Năm 1971, David Scott, một kỹ sư người Mỹ, đã mời Emilio Pucci thiết kế logo cho tàu Apollo 15 của NASA. Logo của Emilio đã mô tả ba hình dạng bay trừu tượng giống một chú chim. Biểu tượng này cũng thể hiện cho cách diễn giải của ông về sự vận chuyển tưởng tượng giữa các vũ trụ. Tác phẩm này là một trong những thành tựu đáng tự hào nhất của Emilio.
Sau đó vào năm 1979, nhà thiết kế tiếp tục hợp tác với Lincoln (thương hiệu xe thuộc sở hữu của Ford) với “đề bài” là phải thiết kế được một mẫu xe tượng trưng cho thời trang xa xỉ của Ý. Trong bốn nhà thiết kế Emilio, Givenchy, Bill Blass và Cartier, mỗi người được đảm nhiệm thiết kế một mẫu của xe Lincoln Continental Mark IV. Các mẫu xe này cũng phản ánh dấu ấn riêng về phong cách thiết kế của những thương hiệu thời trang nổi tiếng thời bấy giờ.
Mỗi thiết kế là một nhiệm vụ lan tỏa hạnh phúc
Cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90, làn sóng “phát cuồng” thiết kế của Emilio Pucci lại một lần nữa trỗi dậy mạnh mẽ. Thời điểm đó, nền kinh tế đang trên đà phục hồi sau cuộc suy thoái những năm 1980. Vì vậy, phong cách Pucci trở lại như một sự chuyển biến tất yếu của thời cuộc. Thương hiệu tăng cường hiện diện trên thị trường và báo chí quốc tế, các ngôi sao lớn lúc ấy gồm Madonna, Paloma Picasso, Hamish Bowles, Linda Evangelista và Carlyne Cerf de Dudzeele đều chụp ảnh với những thiết kế của nhà Pucci.
Năm 1991, Laudomia Pucci – cô con gái yêu quý của Emilio đã thay mặt ông đến thành phố New York để nhận giải thưởng của Hội đồng các nhà thiết kế thời trang Hoa Kỳ (CFDA). Đây cũng là giải thưởng danh giá nhất dành cho các nhà thiết kế tại Hoa Kỳ. Sức ảnh hưởng của thương hiệu Pucci lúc bấy giờ được tờ Harper’s Bazaar ví rằng “các thiết kế của Pucci những năm 60 đang được phục hưng”.
Khi nói về ba mình, Laudomia Pucci kể lại rằng ông luôn muốn lồng ghép thông điệp về hạnh phúc bên trong mỗi thiết kế. Nhưng ngay thời điểm những thông điệp ấy lan tỏa mạnh mẽ đến nỗi thành một phần của văn hóa, ông lại không thể tiếp tục chứng kiến thành tựu đó của đứa con tinh thần. Ngày 29/11/1992, Emilio Pucci đã qua đời, để lại di sản lớn nhất cuộc đời mình – thương hiệu Pucci cho con gái Laudomia.
Năm 2000, tập đoàn LVMH đã mua lại 67% cổ phần của Pucci, nắm quyền dẫn dắt và phát triển thương hiệu. Laudomia trở thành Giám đốc Hình ảnh kiêm Phó Chủ tịch. Lần bắt tay này đã mở ra một chương mới cho Pucci, từ việc vươn mình đến toàn cầu cùng các cửa hàng tại Portofino, Milan, St. Moritz và Palm Beach cho đến tiếp nhận những bộ óc sáng tạo mới tiếp nối Emilio.
Dù con đường của Pucci đã được viết tiếp bởi những tài năng khác, thương hiệu này vẫn luôn giữ được sự rực rỡ trong những thiết kế mềm mại, qua đó tập trung khắc họa những nét đẹp của văn hóa như cách Emilio từng làm. Hành trình của Emilio đã dừng lại, nhưng di sản của ông vẫn luôn tồn tại như cách con gái Laudomia hồi tưởng về người ba đáng kính:
“Ông ấy là người tối giản trước khi chủ nghĩa tối giản ra đời, là người du ngoạn trước khi máy bay phản lực cất cánh; là nhà khoa học trước khi công nghệ vải trở thành một ngành học. Ông luôn khiêu khích và táo bạo trong phong cách ăn mặc. Đối với ông, họa tiết là nhịp đập và hơi thở của thời trang.”
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.
Theo Phương Quyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Tổng hợp