Marketer Thanh Uyên
Thanh Uyên

Content Editor @ Brands Vietnam

Brand Updates W40-41/2024: Biti’s Hunter, Mountain Dew đổi nhận diện; Snapchat, Temu ra mắt thị trường Việt Nam

Cùng Brands Vietnam điểm lại một số tin tức đáng chú ý trong 2 tuần qua: Biti’s Hunter và Mountain Dew bất ngờ công bố nhận diện thương hiệu mới; Temu và Snapchat chính thức “chào sân” thị trường Việt Nam, VinFast trở thành hãng xe bán chạy nhất Việt Nam trong tháng 9/2024… và nhiều thông tin thú vị khác.

Biti’s Hunter đổi mới bộ nhận diện, chuyển mình thành thương hiệu thời trang và phong cách

Ngày 11/10/2024, Biti’s Hunter bất ngờ thay đổi toàn bộ nhận diện thương hiệu, hướng đến tinh thần “bước tới với một dáng hình mới, mang hơi thở thời đại và nhịp đập thế hệ”. Chọn màu cam làm màu chủ đạo, bộ nhận diện mới của Biti’s Hunter thể hiện rõ sự phóng khoáng, phá cách, trẻ trung và táo bạo.

Với Biti’s Hunter, đây là một hành trình với rất nhiều cảm xúc bên trong, từ những run sợ, hoài nghi, lạc lõng, thình thịch... đến sôi sục, dạn dĩ và vỡ oà khi không ngừng bước tới. Tất cả những cảm xúc này được thương hiệu truyền tải qua TVC “Bước tới”. Trong đó, “Không bước tới – Không gì mới” là thông điệp mà Biti’s Hunter gửi gắm cho người tiêu dùng, đồng thời là tuyên ngôn cho sự chuyển mình của thương hiệu – trở thành một thương hiệu thời trang và phong cách.

Vưu Lệ Quyên, CEO của Biti’s, chia sẻ việc chuyển mình thành một thương hiệu thời trang và phong cách là một quyết định không chỉ mang tính chiến lược kinh doanh mà còn thể hiện khát khao chinh phục thế giới của Biti’s Hunter. “Và cùng với bộ nhận diện mới, chúng tôi cũng xin gửi lời chào đến thế giới, thông báo về một hành trình bước tới mới mẻ của Biti’s Hunter”, bà Vưu Lệ Quyên bày tỏ.

Nguồn: Biti’s Hunter

Mountain Dew công bố nhận diện thương hiệu mới

Ngày 9/10 vừa qua, Mountain Dew – thương hiệu nước ngọt có ga của PepsiCo – công bố nhận diện thương hiệu mới. Với phong cách thiết kế trẻ trung và hiện đại, bộ nhận diện gợi lên “hương vị sảng khoái khi uống một lon Dew dưới ánh nắng mặt trời cùng bạn bè”.

Bộ nhận diện mới của Mountain Dew, do đội ngũ thiết kế nội bộ của công ty thực hiện, đánh dấu sự trở lại của từ “Mountain” được viết đầy đủ, qua đó “liên kết trực tiếp đến nguồn gốc của thương hiệu, đó là những ngọn núi và hoạt động ngoài trời”. Ngoài ra, cụm “EST. 1948” gợi nhớ về năm thương hiệu được thành lập tại Dãy núi Smoky của Tennessee, cũng đã được thêm vào logo.

Các điểm nhấn khác của logo là biểu tượng chiếc lá chấm vào chữ “i” và nền núi mang tone màu vàng lấy cảm hứng từ màu cam quýt nhằm tạo sự kết nối với các hương vị trái cây. Đại diện Mountain Dew cho biết đây là những điểm mà đội ngũ thiết kế cố gắng khắc phục từ bộ nhận diện cũ, nhằm truyền đạt rõ ràng các “tín hiệu giải khát” trên bao bì, thay vì tập trung quá nhiều vào năng lượng với các góc nhọn dày đặc trên lon.

Theo CNN, quyết định đổi mới nhận diện thương hiệu của Mountain Dew diễn ra trong bối cảnh doanh số bán hàng của PepsiCo tại Bắc Mỹ đang chậm lại. Cụ thể là doanh số của Mountain Dew đã giảm 7% trong nửa đầu năm 2024. Do đó, những đổi mới trong chiến lược tiếp thị được cho là điều cần thiết đối với thương hiệu ở thời điểm này.

Mountain Dew công bố nhận diện thương hiệu mới

Nguồn: Mountain Dew

Temu âm thầm tiến vào thị trường Việt Nam

Sau khi xuất hiện ở Philippines và Malaysia cách đây hơn 1 năm, đồng thời bắt đầu giao hàng ở Thái Lan vào tháng 7/2024, thì mới đây Temu đã chính thức có mặt tại Việt Nam và Brunei. Như vậy, tính đến ngày 7/10/2024, nền tảng thương mại điện tử chỉ mới 2 năm tuổi này đã xuất hiện tại 5 thị trường Đông Nam Á, hoạt động tổng cộng tại 82 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Hiện tại, phiên bản website của Temu Việt Nam còn khá thô sơ khi chỉ có tiếng Anh chứ không phải tiếng Việt, và chỉ chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng chứ chưa có ví điện tử địa phương. Đồng thời, Temu cũng chỉ có 2 đơn vị cung cấp dịch vụ hậu cần được kết nối là Ninja Van và Best Express. Dẫu vậy, những tính năng này được cho là sẽ dần hoàn thiện khi Temu thâm nhập sâu hơn vào Việt Nam.

Động thái của Temu được cho là dễ hiểu khi báo cáo TMĐT tại Đông Nam Á năm 2024 của Momentum Works đã nhấn mạnh Việt Nam là thị trường TMĐT tăng trưởng nhanh nhất vào năm 2023, với tốc độ tăng trưởng GMV theo năm là gần 53%. Đồng thời, sự xuất hiện của Temu sẽ càng khiến cuộc chiến TMĐT trở nên gay cấn hơn bao giờ hết.

Temu âm thầm tiến vào thị trường Việt Nam.

Nguồn: Ảnh chụp màn hình

Snapchat ra mắt Việt Nam, tập trung phục vụ khách hàng doanh nghiệp

Ngày 10/10, công ty công nghệ Snap, hợp tác cùng MediaDonuts by Aleph, chính thức giới thiệu giải pháp quảng cáo trên Snapchat dành cho doanh nghiệp (Snapchat for Business) tại thị trường Việt Nam. Điểm nổi bật của mô hình này là mang đến cho doanh nghiệp Việt cơ hội kết nối nhóm đối tượng khách hàng khó tiếp cận, nhưng có mức độ tương tác cao trên Snapchat từ khắp nơi trên thế giới.

Ông Ajit Mohan, Chủ Tịch Snap khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, khẳng định: “Với các định dạng quảng cáo sáng tạo và lượng người dùng lớn của Snapchat, chúng tôi cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong hành trình chinh phục thị trường quốc tế”. Ông cho biết giải pháp này hướng đến 3 nhóm đối tượng doanh nghiệp, gồm doanh nghiệp xuất khẩu xuyên biên giới, các nhà cung cấp dịch vụ game và các công ty du lịch lữ hành.

Snapchat là một trong những ứng dụng OTT phổ biến trên toàn cầu, sở hữu hơn 850 triệu người dùng mỗi tháng và 432 triệu người dùng hoạt động mỗi ngày (theo báo cáo năm 2024). Tuy nhiên, tại Việt Nam, Snapchat lại không thuộc nhóm phần mềm nhắn tin, mạng xã hội có lượng người dùng lớn. Do vậy, trong lần đầu ra mắt thị trường Việt, hãng tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tiếp cận khách hàng quốc tế, thay vì hướng đến người dùng cuối.

Snapchat ra mắt Việt Nam, tập trung phục vụ khách hàng doanh nghiệp.

Nguồn: TechSign.in

VinFast là hãng xe bán chạy nhất Việt Nam trong tháng 9/2024

Trong lần đầu công bố doanh số của thị trường Việt Nam, VinFast cho biết đã bàn giao hơn 9.300 xe trong tháng 9/2024, bao gồm toàn bộ dải sản phẩm ô tô điện đang kinh doanh. Trong khi đó, theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Toyota đạt doanh số 6.986 chiếc, đứng thứ hai thị trường. Không nằm trong VAMA, Hyundai Thành Công cũng công bố doanh số 6.518 chiếc bán ra, bao gồm cả xe con và xe thương mại, giữ vị trí thứ ba.

Doanh số cao nhất thị trường của VinFast trong tháng 9 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong ngành công nghiệp ô tô Việt Nam: Lần đầu tiên, thương hiệu ô tô điện nội địa vượt qua tất cả thương hiệu xe xăng và điện quốc tế, trở thành hãng xe bán chạy nhất thị trường. Sự kiện này diễn ra sau hơn 2 năm VinFast chuyển đổi thành hãng xe hoàn toàn thuần điện.

Ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Điều hành VinFast Ô tô Việt Nam, cho biết chính sự tin tưởng của người dùng đã giúp VinFast tạo ra kỳ tích này. Hãng tự tin sẽ hoàn thành kế hoạch bán 80.000 xe trong năm 2024, để đưa VinFast thành hãng xe bán chạy nhất cả năm.

VinFast là hãng xe bán chạy nhất Việt Nam trong tháng 9/2024.

Nguồn: CafeF

Google thử nghiệm “tích xanh” trên kết quả tìm kiếm

Theo The Verge, Google đang thử nghiệm một tính năng xác minh mới trong kết quả tìm kiếm, giúp người dùng tránh nhấp vào các liên kết website giả mạo hoặc gian lận. Cụ thể, một số người dùng đã bắt đầu thấy dấu tích màu xanh lam xuất hiện bên cạnh các đường dẫn trong kết quả tìm kiếm của họ, đặc biệt là các website chính thức của Microsoft, Meta, Apple…

Tính năng này là phần mở rộng của “Brand Indicators for Message Identification (BIMI)” trong Gmail – tính năng hiển thị tích xanh bên cạnh những người gửi “uy tín”. Tương tự như Gmail, tích xanh trên kết quả tìm kiếm cũng cho thấy doanh nghiệp này đã được xác minh thông qua xác minh trang web, dữ liệu từ Trung tâm Thương Mại (Merchant Center) và các đánh giá thủ công. Tuy nhiên, Google không thể đảm bảo hoàn toàn mức độ tin cậy của doanh nghiệp và các sản phẩm mà doanh nghiệp đó cung cấp.

Molly Shaheen, phát ngôn viên Google, cũng xác nhận với The Verge: “Chúng tôi thường xuyên thử nghiệm các tính năng giúp người dùng nhận biết doanh nghiệp trực tuyến đáng tin cậy. Hiện tại, chúng tôi đang thực hiện một thử nghiệm nhỏ với dấu tích bên cạnh một số doanh nghiệp trên Google”. Dù chưa chính thức công bố nhưng rất có thể đây sẽ là tính năng được cả doanh nghiệp và người dùng quan tâm trong thời gian tới.

Nguồn: The Verge

beFood ra mắt tính năng “Bộ sưu tập ăn uống cá nhân”

Mới đây, beFood – dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến trên siêu ứng dụng Be – đã giới thiệu tính năng “Bộ sưu tập ăn uống cá nhân” nhằm tạo sân chơi cho cộng đồng sáng tạo và chia sẻ nội dung ẩm thực Việt Nam.

Tính năng mới ra đời dựa trên quan sát của beFood về việc người dùng thường gặp khó khăn khi chọn món ăn, phải tham khảo gợi ý từ bạn bè, đồng nghiệp… khiến trải nghiệm đặt món mỗi ngày trở nên tốn thời gian và nhàm chán. Từ đây, “Bộ sưu tập ăn uống cá nhân” của beFood cho phép người dùng tạo danh sách các món ăn yêu thích theo nhiều chủ đề sáng tạo, qua đó chia sẻ và tham khảo các bộ sưu tập khác từ bạn bè, cộng đồng, bao gồm cả influencer và người nổi tiếng. Ngoài ra, các bộ sưu tập này còn giúp hệ thống đề xuất quán ăn trên beFood phát huy thế mạnh, dễ dàng nắm bắt gu ăn uống của mỗi người dùng và mang đến những đề xuất phù hợp hơn.

Đại diện Be Group chia sẻ: “Ra mắt tính năng mới, beFood mong muốn vượt qua giới hạn của dịch vụ giao món đơn thuần, tạo nên một cộng đồng trợ thủ giúp người dùng dễ dàng lựa chọn đặt món và biến những bữa ăn trở thành sợi dây kết nối cộng đồng yêu mến ẩm thực”.

Nguồn: beFood

Chuỗi phòng tập Fit24 bất ngờ đóng cửa

Ngày 5/10, chuỗi phòng gym cao cấp Fit24 bất ngờ thông báo tạm dừng hoạt động do “những lý do khách quan bất khả kháng”. Trong thông báo gửi hội viên, Fit24 thừa nhận quyết định này gây ra “bất tiện” và khẳng định đang “nỗ lực hết mình để khắc phục tình hình và sớm trở lại phục vụ”.

Ông Lê Chí Trung, Giám đốc Fit24, cho biết hoạt động kinh doanh của chuỗi đang gặp nhiều khó khăn do khách hàng siết chặt chi tiêu cho dịch vụ phòng tập. Đồng thời, thương hiệu cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các chuỗi gym mới. Tuy nhiên, ông khẳng định toàn hệ thống Fit24 chưa đóng cửa hoàn toàn, mà sẽ tiếp tục làm việc với các cổ đông để tìm ra phương án tối ưu nhằm đưa Fit24 trở lại hoạt động cũng như đảm bảo quyền lợi của hội viên.

Việc Fit24 tạm dừng hoạt động cho thấy thị trường phòng gym nói chung đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Trước đó, một chuỗi phòng tập cao cấp khác là Getfit Gym & Yoga cũng đã đóng tất cả chi nhánh từ ngày 4/9 vì “những lý do bất khả kháng nằm ngoài tầm kiểm soát”. Đến ngày 28/9, chuỗi mở lại 2 cơ sở sau khi được cổ đông góp thêm vốn.

Chuỗi phòng tập Fit24 bất ngờ đóng cửa

Nguồn: Fit24

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Theo Thanh Uyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Tổng hợp