Marketer Võ Thái Xuân Thủy
Võ Thái Xuân Thủy

Head of Marketing @ Fico-YTL Cement

Marketing ngành Xây dựng #5: Thời điểm thuận lợi để thiết lập tiêu chuẩn ngành

Marketing ngành Xây dựng #5: Thời điểm thuận lợi để thiết lập tiêu chuẩn ngành

Với tốc độ phát triển nhanh và liên tục, ngành Xây dựng luôn là một lĩnh vực đầy tiềm năng nhưng cũng đầy thử thách đối với các doanh nghiệp khi thực hành Marketing.

Qua 4 bài viết khai mở những điểm chung về Marketing trong ngành xây dựng, chúng ta đã cùng nhau phân tích những yếu tố quan trọng, từ việc nhận diện thị trường, thấu hiểu hành vi khách hàng, đến những chiến lược thực thi, để trả lời câu hỏi: “Liệu marketing trong ngành Xây dựng có đơn điệu?”. Vậy, bước tiếp theo chúng ta hãy cùng xem xét đến hướng đi cho Marketers trong ngành Xây dựng.

3 đặc trưng ngành Xây dựng các Marketers cần “thuộc lòng”

Trước khi qua chuỗi nội dung đào sâu hơn về cách tiếp cận, chiến lược Marketing và các chiến dịch điển hình, chúng ta cùng điểm qua các đặc trưng của ngành Xây dựng mà Marketers phải “nằm lòng”.

Phân biệt hành vi mua hàng của thị trường Dự án và thị trường Dân dụng.

Phân biệt hành vi mua hàng của thị trường Dự án và thị trường Dân dụng.

Đầu tiên, đối tượng đa dạng và có thay đổi theo ngành phụ trong ngành Xây dựng là điểm các Marketers cần nhận thức rõ. Mỗi nhóm, từ các kỹ sư, nhà thầu, đến chủ đầu tư hay nhóm chủ nhà, kiến trúc sư, thầu thợ, cửa hàng phân phối đều có những tiêu chí khác nhau khi đánh giá sản phẩm hoặc dịch vụ. Điều này đòi hỏi các chiến lược tiếp cận phải được điều chỉnh theo từng nhóm cụ thể và tương ứng với danh mục sản phẩm, đầu tư chiến dịch Marketing, thông điệp truyền tải, thiết kế và đóng bao bì, cho đến chuỗi cung ứng.

Điểm thứ hai cần lưu ý là chu kỳ mua hàng dài và phức tạp của ngành Xây dựng cũng khiến các chiến dịch Marketing khó chứng minh hiệu quả trong ngắn hạn (3 tháng). Trung bình, khi giới thiệu sản phẩm mới ra thị trường, các Marketers cần dự trù từ 3-6 tháng đầu tiên là giai đoạn chưa có nhiều sự thay đổi rõ rệt, bởi lẽ giai đoạn này cần để thị trường có sự chấp nhận sản phẩm, sau đó mới tiêu thụ rộng rãi.

Trong khi đó, các dự án xây dựng thường có thời gian dài, từ khi lên kế hoạch đến khi thi công và hoàn thành. Điều này không chỉ kéo dài chu kỳ mua hàng mà còn khiến việc theo dõi và ảnh hưởng đến các quyết định mua trở nên khó khăn hơn. Người làm Marketing cần kiên nhẫn và duy trì sự hiện diện liên tục trong suốt quá trình này.

Yêu cầu kiến thức nền tảng với Marketer ngành Xây dựng.

Yêu cầu kiến thức nền tảng với Marketer ngành Xây dựng.

Điểm quan trọng tiếp đến phải nhớ là một trong các trụ cột Marketing không thể bỏ qua khi xây dựng và phát triển thương hiệu trong ngành này là việc xây dựng lòng tin và mối quan hệ lâu dài với khách hàng. Khách hàng của thị trường Xây dựng là các đối tác phân phối, người dùng cuối (thầu thợ thi công) và các nhóm chuyên gia có sức ảnh hưởng vào quyết định của chủ dự án như: kiến trúc sư, thiết kế nội thất, tư vấn xây dựng.

Vì ngành Xây dựng không chỉ đơn thuần là bán sản phẩm, mà còn là việc xây dựng sự tin tưởng và mối quan hệ đáng tin cậy qua nhiều năm. Những thương hiệu muốn thành công trong ngành này phải chứng minh được tính ổn định và sự chuyên nghiệp liên tục. Liên tục nghĩa là kể cả khi đã cung cấp sản phẩm đến tay người dùng, thương hiệu cũng cần lắng nghe phản hồi và đồng hành với khách hàng trong công tác đánh giá sự cố nếu xảy ra. Việc chung tay giải quyết vấn đề tại công trường cũng là điểm được đánh giá cao của các thương hiệu uy tín trong ngành.

Việc này yêu cầu độ khó cao với các bạn thực hành Marketing từ các ngành hàng khác chuyển qua. Vì để tạo được niềm tin, bước đầu là việc nói đúng nỗi băn khoăn, lo lắng, khó khăn của khách hàng và đưa ra hướng giải quyết vấn đề hiệu quả. Sau đó tiếp tục tạo sân chơi kết nối cho cộng đồng xây dựng mà tại đó các đối tượng trong ngành có nơi gặp gỡ, kết nối, cộng tác và chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn. Việc bổ sung kiến thức, nâng cao tay nghề cho đội ngũ tư vấn, thi công là điều luôn được đánh giá cao tại thị trường này.

Để thực hiện được các hoạt động trên, các Marketer cần trở thành chuyên gia về sản phẩm và thể hiện được điều này trong cuộc gặp gỡ ban đầu. Khả năng kết nối các mối quan hệ, tạo ra giá trị ngoài mong đợi cho khách hàng cũng là kỹ năng cần bổ sung.

Khách hàng là trọng tâm: Khách hàng thay đổi, thương hiệu thay đổi

Nhìn vào bức tranh hiện tại của ngành xây dựng, có thể thấy sự thay đổi đang diễn ra nhanh chóng. Công nghệ số hóa và xu hướng xây dựng bền vững đã và đang trở thành những nhân tố quyết định trong ngành. Đặc biệt, nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế, đầu tư cơ sở hạ tầng liên tục, và nền tảng chính trị xã hội ổn định trong 10 năm trở lại đây, Việt Nam trở thành điểm nóng trong đầu tư kinh doanh và sản xuất trong khu vực và trên thế giới. Nhờ làn sóng đầu tư nước ngoài mạnh mẽ, phương thức vận hành kinh doanh, thị trường, và thực hành Marketing có nhiều chuyển đổi.

Các nền tảng số hóa cập nhật liên tục như truyền thông xã hội gồm Facebook, Instagram, Zalo, TikTok, LinkedIn, YouTube… cũng như xu hướng thương mại điện tử đang chiếm lĩnh các hoạt động tiếp cận khách hàng. Đặc biệt, trong phân khúc Xây dựng nhà Dân dụng, các phương thức quảng cáo số và kênh bán lẻ đang được sử dụng rộng rãi để tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng cuối cùng. Các chiến dịch quảng bá sản phẩm và xây dựng thương hiệu được thực hiện với quy mô lớn hơn thường sử dụng video hướng dẫn, minh họa sản phẩm và đánh giá kỹ thuật để xây dựng lòng tin với khách hàng.

Đối với phân khúc Xây dựng Dự án, phát triển bền vững đã xuất hiện thường xuyên hơn trong các chiến lược phát triển 5 năm của các thương hiệu và doanh nghiệp trong ngành. Một số thương hiệu lớn trong ngành Xây dựng đã tiếp cận công nghệ và áp dụng nhanh chóng nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Đơn cử như thương hiệu sơn và chất phủ KOVA, thương hiệu Việt lâu năm trong ngành Xây dựng đã giới thiệu ứng dụng mobile app “KOVA Yes – Tích Yes đổi quà” cùng hàng loạt chương trình khuyến mãi dành cho cửa hàng và thầu thợ. Ứng dụng giúp thương hiệu KOVA giải quyết bài toán nhận diện, gắn kết cửa hàng và thầu thợ thi công trong khu vực, cùng lúc nâng cao trải nghiệm trả và nhận thưởng từ các chương trình khách hàng thân thiết và khuyến mãi của thương hiệu. Để làm được điều này, với một thương hiệu được thành lập từ những năm 1993-1994 như KOVA, chắc hẳn đã có nhiều bước tiến và cập nhật công nghệ mới trong vận hành số hóa chuỗi cung ứng nhằm tạo cho khách hàng niềm tin đồng hành cao nhất.

Marketing ngành Xây dựng #5: Thời điểm thuận lợi để thiết lập tiêu chuẩn ngành

Ứng dụng “KOVA Yes – Tích Yes đổi quà” giúp KOVA giải quyết bài toán nhận diện, gắn kết cửa hàng và thầu thợ thi công trong khu vực.
Nguồn: Tập đoàn Sơn KOVA

Đối với thị trường Xây dựng Dự án, chiến dịch GreenUp Marathon: “Vạch đích là nơi bắt đầu” của tập đoàn Coteccons, chính là ví dụ điển hình cho sự thích ứng của thương hiệu với các chuyển dịch và thay đổi của thị trường, đặc biệt là lĩnh vực xây dựng và phát triển bền vững. Tinh thần này thông qua chiến dịch GreenUp Marathon cũng đã lan tỏa đến 50 doanh nghiệp là các đối tác trải rộng từ lĩnh vực xây dựng đến các nhóm ngành nghề khác có liên quan.

Từ chương trình, Coteccons đã tái định vị thương hiệu một cách rất mới và được ví như DNA của ngành Xây dựng Xanh. Bên cạnh việc ghi dấu với các dự án điển hình hoặc thành tích xây dựng để chứng minh năng lực, Coteccons đã chuyển đổi từ một hình ảnh của tổng thầu xây dựng, ít khi xuất hiện trên truyền thông đến thể hiện vị thế dẫn đầu ngành với chiến lược phát triển bền vững, đưa câu chuyện xây dựng xanh trở nên quen thuộc với cộng đồng.

Chiến dịch GreenUp Marathon: “Vạch đích là nơi bắt đầu” của tập đoàn Coteccons.

Chiến dịch GreenUp Marathon: “Vạch đích là nơi bắt đầu” của tập đoàn Coteccons.

Chiến dịch GreenUp Marathon: “Vạch đích là nơi bắt đầu” của tập đoàn Coteccons.
Nguồn: Coteccons

Thời điểm “VÀNG” của Marketing ngành Xây dựng

Tương lai của Marketing Xây dựng không chỉ nằm ở các chiến dịch ngắn hạn, mà còn là câu chuyện của chiến lược dài hạn. Các doanh nghiệp sẽ cần phải đặt ra những câu hỏi lớn về tương lai của ngành: Làm thế nào để xây dựng một thương hiệu mạnh trong một ngành có sự cạnh tranh cao và khách hàng khó tiếp cận? Làm sao để tiếp tục đổi mới và thích nghi với các xu hướng mới trong khi vẫn giữ được uy tín của mình?

Đối với Marketers, đây là một hành trình dài và đầy thử thách, nhưng cũng mang đến cơ hội để trở thành người tiên phong trong việc thay đổi cách ngành Xây dựng nhìn nhận và thực hiện Marketing. Những bước tiến trong công nghệ, xu hướng bền vững và thay đổi trong hành vi khách hàng sẽ tiếp tục mở ra những chương mới đầy hứa hẹn.

Các Marketer phải hiểu rằng để thành công trong lĩnh vực này, chúng ta không chỉ cần có kiến thức chuyên môn mà còn phải kiên nhẫn, linh hoạt và biết tận dụng công nghệ hiện đại cũng như sự nhất quán trong từng hoạt động. Tương lai vẫn còn nhiều thử thách, nhưng cũng chính những thử thách này là động lực để các Marketers tiếp tục khám phá và sáng tạo những giải pháp mới, thiết lập tiêu chuẩn mới cho ngành Marketing trong Xây dựng.

Võ Thái Xuân Thủy
* Nguồn: Brands Vietnam